Một đề xuất cách phục dựng chùa Diên Hựu

Tại cuộc tọa đàm Kiến giải mới về kiến trúc "Một Cột" ở chùa Diên Hựu thời Lý sáng 10/5 do Tạp chí Tia Sáng tổ chức, TS Trần Trọng Dương (Viện Nghiên cứu Hán Nôm), đã trình bày những kết luận mới rất đáng chú ý từ việc nghiên cứu kiến trúc này trong sự so sánh với hàng loạt các công trình chùa tháp Phật giáo gần thời kỳ ở châu Á.

Ông cũng mạnh dạn đề xuất cách phục dựng chùa Diên Hựu của mình, trên cơ sở kế thừa thành tựu của các nhà nghiên cứu đi trước.

Chùa Diên Hựu và đồ hình mandala

Trong phần thuyết trình, TS Trần Trọng Dương tập trung vào ba vấn đề chính như sau. Thứ nhất, ông đề xuất việc thảo luận về tên gọi “chùa Một Cột”. Do trước nay chúng ta sử dụng tên “chùa Một Cột” thành thói quen cố hữu nên không để ý đến những chi tiết khá phi lý. Theo hình cụ thể trực quan, “Chùa Một Cột” là một ngôi chùa dựng trên một cái cột. Nếu như Việt Nam có một kiến trúc chùa được xây dựng trên một cái cột, thì đó quả là một điều vô cùng đặc biệt và đáng tự hào. Kỳ thực không phải như vậy. Trong lịch sử Phật giáo thế giới, chưa từng có kiến trúc chùa của bất cứ quốc gia nào lại dựng trên một cái cột cả. Nhìn bình đồ do Bezacier vẽ ta có thể nhận thấy rõ ràng rằng, kiến trúc một cột thuộc về mặt bằng của chùa Diên Hựu, điều này hoàn toàn trùng khít với các đoạn mô tả về chùa Diên Hựu và kiến trúc một cột trong Đại Việt sử ký toàn thư và văn bia Sùng Thiện Diên Linh tại chùa Đọi (bia Lý). Cái tên này còn được nhiều người liên tưởng đến chùa Nhất Trụ tự tại Hoa Lư (Ninh Bình). Có người cho rằng, khi vua Lý Công Uẩn dời đô ra Thăng Long đã chuyển mô hình chùa này về Thăng Long, nên mới có chùa Một Cột ngày nay. Thế nhưng, chùa Nhất Trụ ở Hoa Lư, theo nghiên cứu của GS Hà Văn Tấn được đặt tên như vậy bởi một lẽ rất đơn giản là vì chùa có một cái cột đá (kinh tràng). Như vậy, cùng một tên gọi “Nhất Trụ tự” nhưng có hai cách tư duy khác nhau về kiến trúc.

Tiếp theo diễn giả cho rằng: “Đối với nghiên cứu văn hóa cổ, thì chúng ta cần phải xác định được khái niệm do chính chủ thể văn hóa ấy đặt tên, điều đó sẽ tránh đi những phiến diện do những cách nhìn của người bên ngoài (từ một không gian văn hóa khác hoặc từ một thời đại văn hóa khác theo hai trục không gian và thời gian)”. Như trường hợp “chùa Một Cột”, TS Trần Trọng Dương đã tìm ra cách gọi của người xưa dành cho kiến trúc này, đó là khái niệm “Liên hoa đài” được ghi nhận trong bộ sử quan phương, nổi tiếng nhất – Đại Việt sử ký toàn thư. Ông cho rằng, Liên hoa đài chỉ là một đơn nguyên kiến trúc nằm trong chùa Diên Hựu mà thôi. Từ đó ông đề xuất rằng, nên dùng khái niệm này thay vì tên gọi “Chùa Một Cột”, còn toàn bộ di tích thì nên dùng tên chính thức là Chùa Diên Hựu.

Không chỉ dừng lại ở đó, diễn giả cũng đã trình bày cách phục dựng của mình (trên cơ sở kế thừa thành tựu của PGS Ngô Văn Doanh và PGS Nguyễn Duy Hinh) về chùa Diên Hựu qua khai thác sử liệu trong văn bia Sùng Thiện Diên Linh khắc in năm 1121. Có thể mô tả mặt bằng như sau. Liên hoa đài nằm ở trung tâm của danh thắng, bên trong là thờ tượng Phật Thích Ca Mâu Ni dát vàng. Đài này là một dạng kiến trúc một cột – mô phỏng một bông hoa sen, nằm trong ao Linh Chiêu. Ngoài ao Linh Chiêu có hành lang bao quanh, hành lang này có mái và trên đó có vẽ các tích truyện và các vị thần Phật giáo, dùng để cho sư tăng chạy đàn nhiễu Phật xung quanh. Ngoài hành lang là ao Bích Trì. Để đi qua hai vòng ao vào đến Thích Ca Liên hoa đài, người xưa có thể đã cho xây dựng tám chiếc cầu từ bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc. Ở phía trước mỗi cầu ngoài lại có bốn sân rộng dùng để diễn xướng vũ đạo Phật giáo. Mỗi sân này lại có hai tháp báu lưu ly gần đầu cầu. Ngoài bốn sân, là hệ thống tường hoặc các nhà trai, điện vũ bao quanh; lại có bốn cửa thông ra ngoài, mỗi cửa đều thờ một vị Thiên Vương (Tứ Đại Thiên Vương).


Bình đồ mandala một cột theo phục dựng của TS Trần Trọng Dương

Từ những phục dựng như trên, TS Trần Trọng Dương cho rằng, kiến trúc chùa Diên Hựu thời Lý được xây dựng theo đồ hình mandala của Phật giáo Mật tông thời Lý. Tác giả đã so sánh với hàng loạt các công trình chùa tháp Phật giáo gần thời kỳ có cùng đồ án này như chùa Tang Da (Tây Tạng); tháp Borobudur (Indonesia); Angkor Wat (Campuchia); các tháp Chăm, chùa Bách Môn (Việt Nam),… Từ đó tác giả đi đến nhận định rằng, “tất cả các nước Đông Á đều có chung một phổ niệm văn hóa đó là mandala (đàn tràng) và đồ hình mandala. Việc xây dựng kiến trúc chùa Diên Hựu thời Lý thể hiện một tư duy áp dụng thế giới quan Phật giáo vào việc xây dựng kinh đô/phòng lũy cũng như các công trình kiến trúc khác. Đó là một tư duy nguyên hợp thế giới quan- địa lý học Phật Giáo từng tồn tại trong lịch sử văn hóa Việt Nam nói riêng và Đông Á nói chung”.


Hình Tiểu thế giới gồm cửu sơn bát hải với núi Tu Di
hình hoa sen làm trung tâm vũ trụ (nguồn: Pháp giới an lập đồ).

Để chứng minh tiếp cho nhận đình này, TS Trần Trọng Dương đã giải mã kiến trúc mandala chùa Diên Hựu từ góc độ biểu tượng tôn giáo. Diễn giả cho rằng Liên hoa đài ở chùa Diên Hựu là một “bông sen nghệ thuật khổng lồ” (chữ dùng của Chu Quang Trứ). Kiến trúc một cột này nằm ở trung tâm quần thể chùa Diên Hựu và là biểu trưng cho ngọn núi vũ trụ Tu Di (ngọn núi hình hoa sen), đó là một bông hoa vũ trụ. Các vòng ao bao quanh (Bích Trì, Linh Chiêu) mô phỏng “cửu sơn bát hải”, các ao này hẳn sẽ trồng sen biểu trưng cho Liên trì hải hội của cõi Tây phương Cực lạc. Liên Trì Hải Hội tiêu biểu cho sự tập hợp của Phật A Di Đà, chư Bồ tát, các bậc thức giả, Thánh chúng, cùng các thượng thiện nhân đều hội nơi Tây Phương Cực Lạc. Gọi là Liên trì Hải Hội vì số Phật tham dự là vô số, trải dài ra như đại dương trong pháp giới. Với những mô tả như trên, núi Tu Di trong kinh sách Phật giáo được mường tượng như là một đài sen nhô lên từ mặt nước (nhất hoa nhất thế giới). Như vậy, toàn bộ chùa Diên Hựu được thiết kế theo đồ hình mandala mô phỏng một tiểu vũ trụ trong thế giới quan Phật giáo. Ngôi chùa đồng thời cũng là một bông sen thể hiển tư duy “nhất hoa nhất thế giới”, hoa sen này bọc lấy hoa sen kia biểu thị ý niệm Thiên hoa- thiên thế giới. Vì thế, diễn giả cho rằng, đây là một sáng tạo vô cùng độc đáo và tài hoa của con người Đại Việt xưa kia trong lĩnh vực kiến trúc và biểu tượng, từ đó đã toát nên những giá trị nhân văn, nhân bản sâu sắc.


Mandala vũ trụ  (nguồn: The handbook of Tibetan Buddhist symbol)

Không nên chỉ dừng ở nghiên cứu trên giấy

Nhà nghiên cứu (NNC) Lê Văn Cương – chuyên gia về mỹ thuật cổ, cho rằng nghiên cứu kiến trúc Phật giáo phải luôn đặt nó trong hệ tư tưởng Phật giáo và bối cảnh văn hóa Phật giáo. Thời Lý Trần là thời đại rực rỡ, đỉnh cao của văn hóa Việt Nam, thời đại này chịu ảnh hưởng sâu sắc của Phật giáo, coi Phật giáo như là quốc giáo. Vì vậy, cách nghiên cứu của TS Trần Trọng Dương là có cơ sở. Ông cũng nói thêm rằng, số đo của núi Tu Di (tám vạn bốn ngàn do tuần) là biểu tượng cho tám vạn bốn ngàn pháp giới. Con số tám vạn bốn ngàn này là con số ước chừng số lượng vô cùng vô tận. Thế giới nhà Phật được mường tượng như có bốn tầng hoa sen. Và kiến trúc liên hoa đài một cột kia nên so sánh với các cứ liệu khảo cổ học và mỹ thuật cổ như cột Xã Đàn, cột đá chùa Dạm, lầu chuông một cột ở kinh thành Thăng Long…

NNC Nguyễn Hùng Vỹ nhận định đồ hình mandala là một cách giải thích có cơ sở và thú vị nhất từ trước đến nay, vấn đề là ở chỗ cần phải thảo luận thêm ở các chi tiết tạo nên mandala đó mà thôi. Ông nhất trí rằng, cần phân biệt hai loại tháp: nhạn tháp và lưu ly tháp. Nhạn tháp là các tháp lớn kiểu như tháp Then, tháp Phổ Minh, tháp Chương Sơn, tháp Sùng Thiện Diên Linh… Còn lưu ly tháp là các tháp cỡ nhỏ làm bằng sứ lưu ly. Nếu chúng ta có ý định phục dựng mandala chùa Diên Hựu thì cần phải để ý đến cả hai loại tháp này. Trong đó, tháp lưu ly có thể so sánh với phong các các tháp tương tự đời Đường, Tống, Minh ở Trung Hoa. Về phong cách cột đá thời Lý, ông Nguyễn Hùng Vỹ cho rằng cách đặt vấn đề mà nnc Lê Văn Cương đưa ra là đúng hướng. Cột đá hiện nay ở liên hoa đài chùa Diện Hựu không phải là nguyên bản từ đời Lý. Muốn phục dựng chúng ta có thể lấy mẫu từ cột đá chùa Dạm. Cột đá này cũng là một mandala mô phỏng thế giới quan Phật giáo. Có thể thấy, phần dưới cùng của cột đá chùa Dạm là các tầng đá xếp được điêu khắc các hình hoa văn sóng rải và sóng lừng. Đó là mô tả Hương Thủy Hải- hay cửu sơn bát hải theo thế giới quan nhà Phật. Cột đá dựng nên tượng hình ngó sen. Trên cột đá này còn tạc đồ án song long hiến châu (một Phật thoại nổi tiếng về sự hướng thiện quy y của con gái Long Vương), chứ không phải là lưỡng long chầu nhật – một đồ án của mỹ thuật Nho giáo. Trên đỉnh cột đá chùa Dạm còn có hệ thống các lỗ ngàm để từ đó người ta dựng một tòa lầu ở trên đó. Cột đá này có thể là đài đèn, cũng có thể là lầu chuông. Song quan trọng nhất là nó mô tả hình dáng một bông hoa sen vũ trụ, nó là một cột mandala giống như liên hoa đài ở chùa Diện Hựu.

KTS Lý Trực Dũng đồng ý với diễn giả rằng, kiến trúc một cột kia không thể gọi là “Chùa Một Cột” được. Đó là một cái tên rất dân gian, và nó làm cho nhiều người hiểu lầm về ý nghĩa biểu tượng của kiến trúc này. Ông nhận định liên hoa đài là một phần của chùa Diên Hựu. Mặt khác, xét về mặt khảo cổ hay khía cạnh văn vật, kiến trúc một cột hiện nay không có mấy giá trị, bởi lẽ nó không còn chút gì của thời Lý để lại, tòa điện phía trên chỉ mới dựng lại năm 1955, cột đá do người Pháp dựng lại hiện vẫn chưa biết chất liệu là gì. Các cấu kiện chịu lực lại mô phỏng phong cách kiến trúc châu Âu. Nếu như chúng ta có ý định phục dựng, trùng tu lại kiến trúc một cột đời Lý thì chúng ta phải xuất phát từ các tư liệu mỹ thuật và khảo cổ thời Lý.

NNC Nguyễn Tô Lan đồng ý với KTS Lý Trực Dũng rằng cần phải có tư duy liên ngành khi nghiên cứu về mandala chùa Diên Hựu, nên có sự kết hợp giữa khảo cổ với mỹ thuật, kiến trúc, lịch sử… Cần phải xác định các mốc thời gian, các tầng thời gian cho di tích này, ví như năm 1049 là năm khởi dựng với cấu trúc một trụ trên mặt đất; năm 1105 là năm trùng tu mới đào thêm hai ao, xây dựng các cầu và các tháp. Tượng thờ trong liên hoa đài là gì? Là Thích Ca hay là Quan Âm, điều đó có ý nghĩa gì và nó cho biết hệ tư tưởng nào mà nhà kiến trúc dựa vào? Đó là Mật tông hay Thiền tông?… Nhà nghiên cứu này cho rằng cũng nên đặt kiến trúc chùa Diên Hựu thời Lý trong bối cảnh văn hóa của một số nước láng giềng phía Bắc như Đại Lý (Vân Nam, Trung Quốc ngày nay), hay rộng hơn là trong văn hóa thời Tùy thời Đường. Bà còn phản vấn diễn giả Trần Trọng Dương rằng, không phải có đến tám tháp mà có lẽ chỉ có hai tháp ở phía Bắc của mandala Diên Hựu mà thôi.

NNC Nguyễn Doãn Minh phát biểu, cách lý giải của diễn giả là thuyết phục và thú vị. Vấn đề quan trọng cần thảo luận là mandala một cột này có vị trí như thế nào trong tổng thể mặt bằng chùa Diên Hựu thời Lý Nhân Tông? Ông phản vấn rằng: “Liệu có khả năng kiến trúc một cột hiện nay khi khởi dựng chỉ có thành phần liên hoa đài mà chưa có tam bảo với hệ thống thần điện như hiện nay?” Ông cũng đề xuất ý kiến rằng có khả năng liên hoa đài vẫn là kiến trúc trung tâm của chùa Diên Hựu, điều này có thể thấy rõ qua cách miêu tả trong Đại Việt sử ký toàn thư. Nếu đúng, thì có thể nhận định rằng chùa Diên Hựu đời Lý có liên hoa đài làm trung tâm.

Cuộc tọa đàm đã diễn ra sôi nổi và đề cập đến nhiều vấn đề khác có liên quan đến lịch sử, mỹ thuật và kiến trúc đời Lý. NNC mỹ thuật cổ Trần Hậu Yên Thế góp tư liệu cho diễn giả rằng nên so sánh kiến trúc một cột với Thạch đăng tràng của Trung Quốc. Có người cho rằng nên thống nhất các điểm thảo luận ở đây, thứ nhất là sau buổi thảo luận này cần phải có một bản kiến nghị về việc đổi tên “Chùa Một Cột”, và thứ hai là phải xác định lại tượng thờ trên liên hoa đài là Phật Thích Ca hay là Phật Quan Âm. KTS Lý Trực Dũng đề nghị nghiên cứu này không nên chỉ tiến hành trên giấy mà phải thực thi hóa, hiện thực hóa để từ đó góp phần vào việc trùng tu công trình kiến trúc này…

 

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)