Một địa chỉ cho âm nhạc độc lập

Nằm trong lòng khu Tây Hồ nhộn nhịp, Hanoi Rock City (HRC) đã trở thành một không gian sáng tạo âm nhạc quen thuộc đối với những nghệ sĩ độc lập và người trẻ yêu nhạc hiện đại ở Hà Nội từ bốn năm nay.

Sáng lập ra HRC đều học những ngành không mấy liên quan đến âm nhạc và hiện tất cả đều đang có công việc chính là giảng dạy: Võ Đức Anh, thạc sĩ toán kinh tế, hiện đang dạy toán tại một trường phổ thông liên cấp; Phạm Dương Phú, thạc sĩ marketing, giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội; Lê Vĩnh Hà, cử nhân toán học và quản trị, giờ là nghệ sĩ và giáo viên dạy nhảy hip-hop; Lizo Glennard, cử nhân ngành lịch sử nghệ thuật và tiếng Việt, hiện cũng đang giảng dạy tại Đại học Quốc gia Hà Nội. Cùng chơi với nhau khi đang học tập ở Anh từ cách đây tám – chín năm. Trở về Việt Nam năm 2008, điều đầu tiên những người trẻ đam mê âm nhạc này nhận thấy là sự thiếu hụt những tụ điểm âm nhạc sáng tạo. Ở Anh, bất kỳ thành phố hoặc trường đại học nào cũng đều có một không gian âm nhạc độc lập dành cho các ban nhạc sinh viên, các nghệ sĩ tự do và thể nghiệm đến chơi nhạc. Tính chất của những không gian âm nhạc như thế này thường là ngẫu hứng và khá “bụi” chứ không trang trọng, kiểu cách. Để thỏa mãn đam mê âm nhạc của mình, bốn thành viên đã quyết định bắt tay vào xây dựng một tụ điểm âm nhạc theo mô hình đó. HRC ra đời vào tháng 12 năm 2010 từ một ý tưởng đơn giản như vậy.

Mới lạ và cá tính

Các hoạt động âm nhạc của HRC trong bốn năm qua rất phong phú, thay đổi liên tục chứ không cố định, bởi nó phụ thuộc rất nhiều vào bối cảnh âm nhạc. Hiện tại duy nhất chỉ có chương trình Open Mic lặp lại hằng tuần. Đây là sân khấu mở, những ai muốn thể hiện bất cứ loại hình nghệ thuật nào đều có thể đăng ký và biểu diễn vào các tối thứ Tư. Bởi vậy tuy là chương trình định kỳ nhưng nội dung thì không tuần nào giống tuần nào: mọi người có thể hát, nhảy, đọc thơ, chơi nhạc cụ, v.v. Đây chính là nơi phát hiện nhiều nghệ sĩ và thúc đẩy hình thành các ban nhạc mới. Nếu những buổi Open Mic đầu tiên chỉ có khoảng 10-15 người tham dự, thì giờ đây sự kiện này thu hút trung bình khoảng 100 người đến xem và biểu diễn.

Danh sách các nghệ sĩ biểu diễn ở HRC cũng rất phong phú, từ các ban nhạc quốc tế lưu diễn ở châu Á hoặc các ban nhạc của châu Á được HRC mời sang giới thiệu cho công chúng Việt Nam đến những nghệ sĩ người Việt và những nghệ sĩ nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Những nghệ sĩ có những ý tưởng mới, những nhạc sĩ độc lập chơi những dòng nhạc mới và lạ, nhạc tự sáng tác đặc biệt được chú trọng. Mục đích là để khuyến khích các nghệ sĩ hình thành phong cách riêng của mình, mang đến cho khán giả thứ âm nhạc có cá tính và độc đáo.

Ngoài âm nhạc, HRC còn tổ chức các sự kiện liên quan đến văn hóa và nghệ thuật khác. Bất cứ cá nhân nào có ý tưởng hay dự án thuộc một trong ba lĩnh vực này thì HRC đều sẵn sàng hỗ trợ, bởi vậy các sự kiện diễn ra ở HRC rất đa dạng. Trong bốn năm qua, chưa tuần nào ở HRC vắng bóng sự kiện mới.

Ở Anh, bất kỳ thành phố hoặc trường đại học nào cũng đều có một không gian âm nhạc độc lập dành cho các ban nhạc sinh viên, nghệ sĩ tự do và thể nghiệm đến chơi nhạc. Tính chất của những không gian âm nhạc như thế này thường là ngẫu hứng và khá “bụi” chứ không trang trọng, kiểu cách.


Điểm cân bằng

Nhìn lại chặng đường bốn năm của HRC, Đức Anh nhận thấy có hai rào cản lớn nhất để phát triển một không gian âm nhạc độc lập ở Hà Nội.

Thứ nhất, số lượng nghệ sĩ độc lập vẫn còn ít để có thể duy trì một địa điểm mang tính chất gần như phải đổi mới và sáng tạo liên tục như HRC. Số nghệ sĩ, ban nhạc tự sáng tác và chơi những dòng nhạc đúng “gu” mà HRC muốn phát triển như hiện tại là chưa đủ. Sẽ dễ dàng hơn rất nhiều cho địa điểm tổ chức nếu có khoảng 20 ban nhạc Việt Nam và 20 ban nước ngoài hoạt động thường xuyên và sẵn sàng biểu diễn khi cần, thay vì tình trạng như hiện nay là luôn có một số ban nhạc được lập ra nhưng tan rã cũng nhanh.

Thứ hai là vấn đề khán giả. Khác với khán giả ở TP Hồ Chí Minh, khán giả Hà Nội ngại đi xa và ngại mưa nắng. Khán giả Hà Nội cũng không quá sẵn lòng bỏ tiền đi nghe nhạc sống; nếu có, họ thường chọn những địa điểm sang trọng và những nghệ sĩ đã thành danh. Về địa điểm, HRC nằm khá xa trung tâm thành phố, không phải là nơi thích hợp để mọi người tụ bạ uống bia, tán gẫu, bởi vậy khán giả đã đến HRC thì chỉ với mục đích chính là thưởng thức âm nhạc. HRC luôn chỉ có một nhóm khán giả thân thiết cố định khoảng vài trăm người.

Trong quá trình phát triển của HRC, những thời kỳ không thiếu ban nhạc hay và ý tưởng mới luôn bị xen kẽ bởi những thời kỳ “cạn vốn” cả về nghệ sĩ và ý tưởng. Những lúc đó, người điều hành phải tìm cách tạo ra những chương trình có thể giúp “khai quật” những tiết mục mới và thu hút thêm người tham gia. Như vậy, khác với những quán bar âm nhạc thông thường, nơi chủ quán cố định lịch chương trình và có thể tập trung lo việc quản lý, để điều hành HRC, các thành viên phải động não hằng ngày để ra được những ý tưởng mới sao cho các sự kiện hằng tuần không bị trùng lặp, nhàm chán.

Cả bốn nhà sáng lập đều có nhiệm vụ quản lý về đường lối và tạo dựng các mối liên hệ: Hà hiểu biết và quan hệ rộng với giới hip-hop và R&B nước ngoài lẫn trong nước; Phú và Lizo phụ trách các dòng nhạc thể nghiệm, nhạc Anh, nhạc điện tử, DJ; Đức Anh thì chuyên về nhạc blues và rock. Vì cả bốn thành viên sáng lập đều bận rộn với công việc chính nên khâu thực hiện phải có một đội ngũ riêng đảm nhiệm.

Đức Anh thừa nhận, “gu” âm nhạc của HRC không phải ai cũng thích. Vì vậy để duy trì được địa điểm này cả về nội dung lẫn tài chính thì cần phải biết cách cân bằng giữa những gì mình nghĩ là hay và những gì công chúng nói chung có thể chấp nhận được.

Tự mình nuôi mình

HRC ủng hộ cả nghệ sĩ người Việt và những nghệ sĩ nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội, chú trọng vào những nhạc sĩ độc lập chơi những dòng nhạc mới và lạ, nhạc tự sáng tác, chứ không nhắm đến các dòng nhạc thị trường đã thịnh hành và phổ biến.

————

Khác với những quán bar âm nhạc thông thường, nơi chủ quán thường cố định lịch chương trình và có thể tập trung lo việc quản lý, để điều hành HRC, các thành viên phải động não hằng ngày để luôn ra được những ý tưởng mới cho các sự kiện hằng tuần không bị trùng lặp, nhàm chán.

Hiện tại HRC cũng phải dựa vào tất cả các loại hình dịch vụ để sống. Quán bar và các sự kiện âm nhạc mở cửa từ 4 giờ chiều mỗi ngày. Ngoài các sự kiện âm nhạc miễn phí vé vào cửa như Open Mic hay Acoustic Garden, các show nhạc rock Việt hoặc đêm nhạc của các DJ nước ngoài đều bán vé. Với một khoảng sân khá rộng rãi, bao quanh bởi những bức tường được làm đẹp bằng những hình ảnh graffiti cá tính, và một cầu thang được sơn thành hình phím đàn piano dẫn lên một hội trường với sức chứa khoàng 500 người, HRC thường được các cá nhân, tổ chức tìm đến để thuê địa điểm với nhiều mục đích khác nhau: các ban nhạc đến tập nhạc, các nhà thiết kế chụp ảnh cho bộ sưu tập, các hội chợ đồ thủ công mỹ nghệ, các trường cấp 3 tổ chức dạ hội. Nhờ vậy, trong bốn năm qua, HRC vẫn có thể xoay sở để tồn tại được.
Tuy không thể nói chắc chắn là liệu một ngày nào đó mình có bị cạn ý tưởng cho HRC không, nhưng Đức Anh rất tự tin rằng kết cục đó sẽ không xảy ra, bởi trong bốn năm qua anh đã thấy được sự phát triển và thay đổi lớn của bối cảnh âm nhạc ở Hà Nội. Số lượng những ban nhạc chơi những loại hình lạ và mới đã tăng lên nhiều, nhất là những ban trẻ chơi nhạc tự sáng tác. Bên cạnh đó, nếu trước đây đa số những ban nhạc trẻ mới thành lập đều chỉ dám bắt đầu bằng việc cover những bản nhạc kinh điển, thì bây giờ họ dám chơi nhiều dòng nhạc “chất” hơn, kể cả khi hát cover, họ cũng sáng tạo theo những phong cách mới.
Đức Anh chia sẻ, các thành viên sáng lập HRC đều rất bận rộn với công việc chính của mình nên cũng không dám nói về một tương lai quá to lớn hay quá xa vời. HRC là đứa con tinh thần của cả bốn thành viên. Mỗi người đều phải tìm một công việc để mưu sinh, còn HRC sẽ cố gắng “tự nuôi mình”, không tính đến lợi nhuận, bởi “chỉ cần góp phần xây dựng một nền âm nhạc đa dạng hơn cho Hà Nội là các thành viên đã cảm thấy vui vẻ và tự hào lắm rồi”.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)