Một đời cho một nghề*

Những năm tháng khó khăn nhất, Nguyễn Xuân Khánh vẫn bám trụ xóm đê, vẫn theo đuổi văn chương như một giá trị sống, một thứ hoa trái của tinh thần, có lẽ một phần để báo đáp ơn đức người mẹ đã ở vậy từ năm 28 tuổi để nuôi ông khôn lớn.

Hơn 50 năm về trước, anh sinh viên y khoa năm thứ 2 Trường ĐH Hà Nội (Université de Hanoi) xếp bút nghiên ra đi làm nghĩa vụ của người trai thời loạn, giã từ những con đường xanh rợp và bóng râm của những tàng thư cao ngất, bỏ lại phía sau những giấc mộng Danté, Beaudellaire…

Từ “thánh đường” của tri thức lao vào cuộc kháng chiến trong quân đội rồi làm báo viết văn, tiếp tục là những ngày tháng vừa “viết văn chui” vừa “chạy gạo chui”, theo đúng nghĩa đen, Nguyễn Xuân Khánh đã không tránh né bất cứ điều rủi ro gian khó nào của người dân thường. Đến tận những năm 2000, gia đình ông vẫn là gia đình nghèo. Nói không quá rằng ông đã sống trọn cuộc sống của người nghèo, người thường dân.

Nguyễn Xuân Khánh không cố đi tìm cái nghèo nàn nhếch nhác như có lúc người ta đua nhau đục đẽo như một khẩu vị lạ chiều lòng bạn đọc. Ông nhìn thấy, trong cuộc sinh tồn nặng nhọc của môt bộ phận nhỏ những người nghèo khổ, mà dù xã hội thịnh vượng đến mấy cũng chưa thể “lo toan” hết cho họ; những cố gắng phi thường và tâm nguyện tha thiết gần như bản năng, giành giật sự sống và nhân tính. Đây là góc nhìn độc đáo, mà trước ông, các nhà văn sáng tác dù theo lối lãng mạn hay hiện thực, chưa từng vươn tới. Chất suy tưởng có phần cao siêu của Nguyễn Xuân Khánh bắt rễ từ lối cảm nhận riêng biệt này khiến cho có thời ông đã bị hiểu lầm, bị coi là xa lạ.

Trên trang viết của ông có thể gặp những nghề kiếm sống khó hình dung nhất, được chấp nhận một cách hồn nhiên, được công nhận lương thiện, ra đời trong những hoàn cảnh vô cùng gian khó. Nghề… be bờ tát cống nước thải để kiếm thức ăn nuôi lợn, nghề bán máu và môi giới bán máu, nghề… lang bạt vất vưởng… Mỗi kế sinh tồn kỳ quặc, bất đắc dĩ là một cách thức đáng buồn và cảm động để co kéo sự sống đi đôi với phẩm giá.

Trong nhiều năm, Nguyễn Xuân Khánh đã viết văn dưới một chái nhà dựng tạm sát bờ hồ Bè, ở xóm đê Thanh Nhàn, là mảnh đất của người mẹ già tần tảo để dành cho con. Cùng sẻ chia nỗi long đong còn có vợ ông và bốn đứa con nhỏ. Thời đó, ngoài biên chế là đói. Cả gia đình cuốc đất, trồng rau nuôi lợn. Bác sĩ Hiển ở Hải Phòng lên, cám cảnh, nhìn bạn lúc đó đang nằm co đọc sách: “Gia đình cậu sống thế này cực quá”. Nhưng biết lấy gì giúp nhau?

“Khánh Toét”, như bạn bè thân thương vẫn gọi, lại xoay sở, đi coi gạo thuê ở kho gạo vườn hoa Pasteur. Rồi thành dân chuyên nghiệp bán máu. Cái nghề ăn cơm âm phủ làm việc dương gian. Dân bán máu  thời đó lăn lộn khắp Bạch Mai, Saint Paul, Việt Đức, rồi lang bạt Phủ Lý, Nam Định, Vinh… cốt sao bòn rút cạn kiệt xương tủy mình, gỡ gạc vận mạt. Suốt năm năm, ông gắng không “ăn gian”, chưa một lần “thủ thuật” làm loãng máu hay bán vượt định mức, cũng còn vì phải sống nuôi mộng viết.

Rồi nhờ người em thúc bá, dạy nghề may. Có đận, giáp Tết năm 1985, trời đại hàn, người người xôn xao vì rét. Nhà sẵn có cái máy may cổ lỗ sĩ, đi mượn thêm chiếc nữa, rồi đánh liều mượn tạm mấy chục bạc đi mua vải láng đen, ông và vợ con “lập xưởng” may áo chui. Vụ áo trấn thủ ấy “trúng to”, đủ tiền giả nợ và sắm Tết. Nhưng những dịp may như thể chẳng nhiều. Nhờ bạn bè “bảo lãnh”, ông nhận được việc dịch tài liệu tiếng Anh – Pháp. Hệ tư tưởng, các học thuyết phân tâm được ông dịch trong thời kỳ này. Nghề nào cũng đẩy ông phải đụng chạm đến cái tận cùng khó nhọc.

Không phải ngẫu nhiên, trong số những nhân vật lang bạt cùng khổ, thậm chí phải lưu đày vong thân của Nguyễn Xuân Khánh có những kẻ mang cốt cách trí thức. Hồ Quý Ly cũng là một ví dụ. Đây không phải sự “bắt chước” hiện thực và cũng chưa hẳn tiêu biểu cho hiện thực, mà là một trong những cách thể hiện nghệ thuật riêng. Trong quan niệm của ông, “kẻ sĩ” thứ thiệt đứng ở chốn bất an, và rất gần với kẻ cơ hàn chứ không mượn học thức để đứng ở nơi cao hơn người khác, cốt để ấm vào thân. Nhưng nếu cứ khốn khó và lưu đày mãi, nhân phẩm và nhân tính liệu có còn?

Những năm tháng khó khăn nhất, Nguyễn Xuân Khánh vẫn bám trụ xóm đê, vẫn theo đuổi văn chương như một giá trị sống, một thứ hoa trái của tinh thần, có lẽ một phần để báo đáp ơn đức người mẹ đã ở vậy từ năm 28 tuổi để nuôi ông khôn lớn.

Trong văn chương, người ta đọc lên nỗi day dứt phận người của Nguyễn Xuân Khánh. Nỗi ám ảnh kể từ thuở trót mang vào mình nghiệp bút nghiên, trải qua bao dâu bể, trái ngang. Đó là con đường kiếm tìm phẩm cách và sự tồn tại đích thực của người trí thức trong xã hội hiện đại bằng tư tưởng, cũng là một trong những năng lực sống sâu sắc của con người chân thiện.
       

Văn chương Nguyễn Xuân Khánh bao trùm bởi cảm quan huyền bí. Con người giữ những ràng buộc bí ẩn với nhau, vừa gặp mặt đã cảm mến hoặc ngầm hiểu ý đồ của nhau, tất cả các mối quan hệ ngẫu nhiên đều có sự liên hoàn, mật thiết, trong đó cái huyền ảo nghiễm nhiên tồn tại.

Thế giới nghệ thuật của Nguyễn Xuân Khánh tràn đầy tình yêu và dục tính. Tất thảy nhân vật phụ nữ của ông, dù xuất thân sang hèn, thân phận thấp cao, đều là biểu hiện của một nhân vật lớn hơn: Mẫu tính hay Nữ tính. Nhân vật nào cũng tràn đầy vẻ đẹp phồn sinh, gợi dục, tiềm tàng nguồn sống bao dung, nhân từ. Họ thực hiện thiên chức một cách hồn hậu ngay cả khi bị gả bán, ngược đãi. Khi bị khuất phục, phải chấp thuận “mua vui” cho quan Tây rồi trở về nhà với vài thúng thóc, vẫn “ma lực, tuyệt vời” với kẻ ngoại chủng (Mẫu Thượng Ngàn). Ngoài ý nghĩa lý tưởng hóa, hình tượng người nữ hay tính nữ trong tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh còn được thuần nhất hóa để trở thành biểu tượng của hóa giải, sức sống mãnh liệt không bao giờ có thể bị khuất phục hay hủy hoại.

Viết về những thói tật làm phân rã sức mạnh dân tộc, Nguyễn Xuân Khánh không có cái nhìn “tuyệt vọng” như một số nhà văn hiện thực phê phán những năm 1930- 1945. Ông nhìn tính cơ hội, lòng tham, như những biểu hiện có thể dung thứ của bản năng sinh tồn. Nhìn thói đố kỵ, áp chế người đồng chủng như những căn bệnh vẫn còn thuốc chữa. Xuất phát từ triết lý bao dung của đời sống tự nhiên để hóa giải tất cả những chia rẽ, hận thù, oan khốc của đời sống con người.

                         
* Rút từ tập phê bình – tiểu luận Suy tưởng, Giấc mơ, Viết…, Khánh Phương, NXB Hội Nhà Văn tháng 6/2011, tiêu đề do Tia Sáng đặt

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)