Một dòng chảy khác

Câu chuyện về một cá nhân, với những ứng xử và lựa chọn hết sức riêng tư, đã tạo ra một dòng chảy văn hóa âm thầm nhưng bền bỉ trong lòng một xã hội đang chuyển đổi, "Chơi Jazz ở Việt Nam: Quyền Văn Minh và nhạc Jazz Hà Nội".

“Chơi Jazz ở Việt Nam: Quyền Văn Minh và nhạc Jazz Hà Nội” của Stan BH Tan-TangBau và Quyền Văn Minh, Hiền Trang dịch, NXB Hội Nhà văn và Công ty Omega Plus phối hợp phát hành.

Những câu chuyện như thế, thật không dễ nhận diện, giữa ức vạn con người và ức vạn chuyển động của xã hội. Đôi khi, nó hiển hiện ngay trước muôn cặp mắt mà lạ lùng thay, chìm khuất một cách tức thì, “lặn không sủi tăm”, nói như ngôn từ cửa miệng. Một sự tồn tại không dễ dàng, nhất là khi xung quanh, gần như cả xã hội, ai cũng còn phải bươn chải, lo toan và không thể dành quá nhiều thời gian cho những thứ nằm ngoài phạm vi cuộc sống của chính mình. Sự hiển thị của Jazz trong xã hội Việt Nam, hay gói gọn trong lòng Hà Nội, thuở ban đầu cũng là vậy. Mấy chục năm trước, dòng nhạc này vẫn còn là một cái gì đó hết sức xa lạ, một thứ văn hóa ngoại lai lạc lõng bên lề xã hội. Đơn giản là Jazz quá khác biệt so với những dòng âm nhạc thịnh hành ở Việt Nam thời kỳ đó, những thứ có thể giúp người ta phân biệt rõ ràng được trắng – đen, phải – trái hay đưa đến niềm vui phơi phới, tương lai rạng ngời. Ngay cả bây giờ thì jazz, cũng như nhạc cổ điển, không hẳn là dễ có người nghe.

Vậy thì điều gì giúp jazz bắt rễ ở Việt Nam vào thời điểm đó? Nếu như không được khơi dòng và dẫn lối như cách những dòng nhạc thịnh hành được chăm chút, thì hẳn là jazz phải có được tiếp nhận từ đâu đó một sức mạnh, một nguồn chảy để có thể sống đời mình ở nơi đây. Câu hỏi này cũng tương tự như chuỗi thắc mắc của nghệ sĩ jazz Nhật Bản Yamashita Yosuke, người từng tới Việt Nam biểu diễn bản Rhapsody in Blue của nhà soạn nhạc George Gershwin vào năm 2009 cùng Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam và nhạc trưởng Tetsuji Honna, rồi ghé thăm Bình Minh’s Jazz Club: “Làm sao điều này có thể diễn ra ở Việt Nam? Làm sao ông Minh lại học được cách chơi jazz? Làm sao ông có thể tìm ra những nhạc sĩ cũng có thể chơi jazz? Làm sao ông có thể đạt tới vị trí hiện tại trong thế giới jazz?”

Điều bí mật của Jazz ở Việt Nam chính là Quyền Văn Minh, người đã truyền sức sống và tình yêu cho jazz ngay từ thuở nó chưa định hình, và ngược lại chính jazz đem lại một lẽ sống đặc biệt cho ông. Một chuyển biến ngoạn mục từ dòng ngầm (underground) đến dòng chính (mainstream), jazz trong vòng mấy chục năm đã có chỗ đứng giữa âm nhạc Việt Nam, nói rộng ra là trong văn hóa đương đại Việt Nam, phần lớn là nhờ vào người nghệ sĩ này. Câu chuyện cuộc đời ông, dù với những trải nghiệm hết sức cá nhân, đã trở thành câu chuyện của jazz Việt Nam. Do đó, người ta không thể đề cập đến Jazz Việt Nam mà lại không nhắc đến cái tên Quyền Văn Minh.

Một trải nghiệm cá nhân

Trong đời sống văn hóa Việt Nam, thật hiếm có cuốn sách âm nhạc nào khắc họa chân dung một người nghệ sĩ vẫn còn đang lao động miệt mài như Chơi Jazz ở Việt Nam: Quyền Văn Minh và nhạc Jazz Hà Nội. Tưởng chừng như người ta đã biết hết mọi thứ về Quyền Văn Minh, chuyện ông biểu diễn jazz cùng con trai Quyền Thiện Đắc, đào tạo ra nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn, bán kèn saxophone cho con trai đi học ở Mỹ hay câu lạc bộ jazz của ông một thời nằm trên phố Lương Văn Can và giờ nằm ngay sau Nhà hát lớn, một vị trí đắc địa và sang chảnh của Hà Nội… Những câu chuyện về ông thi thoảng lại chảy tràn trên mặt báo như một nhân vật ăn khách và đại diện cho một dòng âm nhạc thời thượng.

Nhưng thật ra, chúng ta biết gì về ông, về người nghệ sĩ ở buổi đầu của jazz ở Việt Nam? ông chọn jazz hay jazz đến với ông? ai hướng dẫn ông? ông có gặp khó khăn trong việc theo đuổi đam mê, bởi như Yamashita Yosuke nhận xét trong lời tựa cuốn sách “jazz nhất định đã từng bị nhìn nhận như thứ âm nhạc của kẻ địch một thời, nước Mỹ!”…

Có lẽ chúng ta phải nhìn nhận là trước hết, Quyền Văn Minh là một cá nhân bình thường như những người sinh ra trong thập niên 1950, ông cũng không hẳn “con nhà nòi” như người ta thường nhắc đến với các nghệ sĩ biểu diễn hưởng gene sáng tạo. May chăng là ông được sinh ra trong gia đình có thiên hướng nghệ thuật, cha là một nghệ sĩ guitar nghiệp dư và mẹ là một ca sĩ mà con đường biểu diễn đã bị đứt đoạn vì chăm sóc gia đình. Những trải nghiệm của Quyền Văn Minh về sự thiếu thốn, vất vả của thời kỳ chiến tranh cũng là trải nghiệm của gần như tất cả những ai sống trong thời kỳ ấy. Cái khác của Quyền Văn Minh chính là việc ông bỏ qua nó để theo đuổi âm nhạc, quan sát những gì cha ông dạy cho học trò và tự mình theo dõi các nốt nhạc: “Thực sự không có một ai dạy dỗ hay hướng dẫn tôi theo cách chính quy. Đây hoàn toàn là tự học. Tôi sẽ làm việc nhà, vo gạo, rửa rau rồi sau đó tập guitar”.

Vượt thoát khỏi một cuốn tiểu sử âm nhạc thông thường, Chơi Jazz ở Việt Nam: Quyền Văn Minh và nhạc Jazz Hà Nội rọi cái nhìn sâu sắc hơn vào xã hội Việt Nam và rọi qua cả những đường biên khác. Nó tạo cảm giác câu chuyện đời người tận hiến cho Jazz, hay thậm chí là câu chuyện âm nhạc, chỉ là cái nền để người ta thấy được những khía cạnh khác nhau của đời sống văn hóa một quốc gia và những va chạm của nó với thế giới bên ngoài. Bởi không thể chia tách âm nhạc ra khỏi toàn bộ khối phức hợp xã hội và văn hóa mà nó tồn tại.

Trong cảnh sống chật vật của gia đình, Quyền Văn Minh không được đi học ở Nhạc viện Hà Nội, dù khao khát nghe, tập luyện chăm chỉ và chơi mọi thể loại âm nhạc có vào thời đó. Nếu không gặp được jazz ở tuổi 14, ắt hẳn Quyền Văn Minh giờ sẽ là một con người khác, và jazz ở Việt Nam chắc hẳn cũng sẽ phát triển theo một đường hướng khác. Việc lần đầu tiên nghe trên một kênh radio của Mỹ bằng đài bán dẫn khiến ông được khai mở. “Thứ thanh âm chảy trôi như con thác và lả lướt như mây trời… Tôi nghe kỹ càng và cố gắng viết lại nhiều nốt nhạc nhất có thể, ghi chú được các chuỗi và các cụm có thể tìm thấy trong bài nhạc. Tôi hứa với bản thân mình rằng tôi phải chứng minh tôi có đủ năng lực âm nhạc bằng cách chơi âm thanh này” như lời tâm sự của ông với đồng tác giả Stan BH Tan-Tangbau.

Chiếc đĩa than từ Đông Âu (từ bộ sưu tập của Lưu Quang Minh).

Con đường của Quyền Văn Minh đến với jazz không hề bằng phẳng, dẫu trái tim ông thuộc về nó ngay từ thanh âm đầu tiên. Ông lần lượt trở thành nhạc công của Đoàn Văn công Việt Bắc, Đoàn Ca múa Hà Tây, cán bộ tuyên truyền của trường Thể dục thể thao Từ Sơn, nhạc công Đoàn Cải lương Chuông vàng, Đoàn Ca múa Thăng Long…, xen kẽ với đó là những sự kiện trong cuộc sống cá nhân như kết hôn, làm cha, li dị, tái hôn… Trước những biến thiên thời cuộc, và những nhào nặn theo khuôn đúc xã hội, Quyền Văn Minh vẫn là chính mình: ông nghe lén nhạc qua kênh Mỹ ở những nơi có thể, bất chấp quy định “cấm nghe đài địch”; ông “lách luật” chơi, thu âm và xuất bản nhạc jazz, mặc dù sự giáo điều trong quan điểm vẫn còn tồn tại “Tôi sẽ mở đĩa lên và chơi theo để tập luyện. Một ngày, có anh công an tới và tra vấn tôi ‘Anh đang nghe nhạc tư bản đấy à? Nhạc Mỹ à?’”… Hơn thế, việc chơi nhạc của ông không đơn thuần chỉ để kiếm sống, để cuộc sống bớt khó khăn, ông mong muốn được “chơi nhạc với hơi thở của mình, không khí lưu thông gần tim và vì thế tạo âm sắc đẹp mà không nhạc cụ khác lặp lại được”. Bất chấp vốn kiến thức ít ỏi, ông tận dụng mọi cơ hội để có thể học hỏi, thậm chí còn đánh liều hỏi mượn tổng phổ của nhạc trưởng, tự chép tay bản nhạc và phân tích phân phổ dành cho sáo, clarinet…

Việc theo đuổi âm nhạc, lại là thứ âm nhạc của một nền văn hóa khác, đã lấy đi của Quyền Văn Minh nhiều cơ hội có một cuộc sống giàu có hơn. Vào cuối những năm 1980, khi nghệ thuật bắt đầu bùng nổ với những ca khúc Việt Nam thịnh hành, nhạc pop phương Tây, thậm chí cả nhạc vàng, ông có thể tham gia buổi diễn bên ngoài với thu nhập cao gấp 20 lần. Thậm chí, còn có cả lời mời của bạn bè là tham gia buôn bán trong ngành đường sắt, một công việc kinh doanh hứa hẹn sinh lời. Trong bối cảnh thiếu thốn, tất cả hấp dẫn đến mức thật khó cưỡng lại. Nhưng điều đó có nghĩa là phải đặt ước mơ Jazz sang một bên, thậm chí là dấu chấm hết cho niềm đam mê ấy. Với Quyền Văn Minh, tình huống đó đơn giản là không thể xảy ra, “bởi bản thân tôi say sưa trong âm nhạc. Tôi cứ tập luyện thứ âm nhạc của mình… tôi thực sự muốn chơi jazz”. 

Trên con đường độc hành bền bỉ và dám khước từ những thứ có thể khiến mình vuột trôi jazz, Quyền Văn Minh đã có những khoảnh khắc không quên. Từ thế giới bên ngoài Việt Nam, jazz hiện diện trong những chiếc đĩa than mà tình cờ một người đi học ở Đông Âu mang về, jazz cũng có trong chiếc băng cát xét bí mật trong một cửa hàng nhỏ… Quyền Văn Minh coi đó là cơ hội nghìn năm có một để chạm tới thứ âm thanh ngẫu hứng, ứ tràn năng lượng đến mức bất cứ lúc nào cũng có thể vượt thoát khỏi khuông nhạc. “Âm nhạc tinh tế quá, tôi phải nghe đi nghe lại để bắt lấy từng nốt. Thật tiếc đến lúc tôi xong việc, băng cát xét đã bị hỏng”.

Những đam mê và lựa chọn cá nhân ấy đã đưa Quyền Văn Minh đến với jazz và ngược lại, đưa jazz bắt rễ tại Việt Nam đúng thời điểm, theo Stan BH Tan-Tangbau, những dư ảnh của nó trên đất nước này đã biến mất. Đó cũng là lý do vì sao, khi đất nước bước vào thời kỳ Đổi mới, Quyền Văn Minh và bạn bè lại có thể bắt nhịp với biến chuyển của cả xã hội để không lâu sau đó là những điểm mốc quan trọng: các buổi hòa nhạc jazz đầu tiên trên sân khấu Nhà hát lớn, với sự ủng hộ của Nhạc viện Hà Nội thành lập phân khoa Jazz, các câu lạc bộ Jazz…

Từ vị thế dòng ngầm, jazz đã hòa nhịp vào dòng chính không chút bỡ ngỡ. Nhưng rút cục, jazz có tạo dựng được cho mình một chất riêng, ở Việt Nam và thế giới bên ngoài?

Nuôi dưỡng một dòng chảy văn hóa

Vượt thoát khỏi một cuốn tiểu sử âm nhạc thông thường, Chơi Jazz ở Việt Nam: Quyền Văn Minh và nhạc Jazz Hà Nội rọi cái nhìn sâu sắc hơn vào xã hội Việt Nam và rọi qua cả những đường biên khác. Nó tạo cảm giác câu chuyện đời người tận hiến cho Jazz, hay thậm chí là câu chuyện âm nhạc, chỉ là cái nền để người ta thấy được những khía cạnh khác nhau của đời sống văn hóa một quốc gia và những va chạm của nó với thế giới bên ngoài. Bởi không thể chia tách âm nhạc ra khỏi toàn bộ khối phức hợp xã hội và văn hóa mà nó tồn tại. 

Nghệ sĩ Quyền Văn Minh.

Ở đây, từ chỗ “ẩn dật trong không gian riêng của mình”, Quyền Văn Minh đã bước ra ngoài phạm vi đó, tìm cách đưa jazz đến xã hội, mặc dù khó ảo tưởng về thứ âm nhạc “thường bị nhìn nhận là phức tạp và khác biệt. Khó hiểu nữa… Jazz bị nhìn nhận như một thứ gì đó kỳ lạ và ngoại tộc ở đất nước này”. Bằng nhiều cách, đủ vừa khéo, ông lần lượt đưa jazz vào không gian của giới chuyên môn, những nhà phê bình có thể đưa ra những lời đánh giá nâng tầm giá trị của thứ âm nhạc mới lại vừa có thể vùi dập nó, và đặt nó vào sự chú ý của khán giả – hai phép thử cân não ban đầu. Có lẽ, giờ đây nhìn lại, khó có thể coi âm nhạc trong hai buổi biểu diễn năm 1988 và 1989 thực sự là jazz nguyên bản với chất ứng tác tung tẩy và ngẫu hứng của nó nhưng đó chính là thời khắc jazz chính thức được công nhận ở Việt Nam. “Năm đó là năm 1989, và nhiều khả năng đó là lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, từ ‘jazz’ được thốt lên trong một chương trình phát sóng cho công chúng mà không có sự khinh miệt về ý thức hệ”.

Đột nhiên, người ta thấy “chẳng có gì tội lỗi” ở jazz, dù nó thấm đẫm tinh thần văn hóa phương Tây, thậm chí người ta còn thấy có chút gần gũi của thứ âm nhạc này phảng phất qua Vũ khúc’ 89 (nhạc sĩ Hoàng Vân), Gọi bạn dưới trăng (Đỗ Hồng Quân)… Khi jazz vang lên, xúc cảm mà nó tạo ra không chỉ đi thẳng vào trái tim mà còn truyền tín hiệu về sự hiện diện của một dòng nhạc khác và phơi sáng sự tồn tại âm thầm của những nghệ sĩ như Quyền Văn Minh. Sân khấu của ông, giờ đã được kết nối với xã hội.

Dân ca bắc nhịp cầu cho Jazz đến với xã hội và đến lượt mình, jazz trở thành một sứ giả văn hóa kết nối những người nghe ở trong và ngoài Việt Nam.

Thói thường, danh có chính thì ngôn mới thuận. Được tồn tại một cách đường hoàng, một thứ jazz Việt bắt đầu nảy mầm giữa những dòng nhạc chính thống khác thông qua những sáng tác của Quyền Văn Minh. Có lẽ, ít ai ngờ rằng, trong thời kỳ mới mở cửa, khi những giao lưu văn hóa với bên ngoài vẫn còn rất rụt rè, và những thông tin về jazz của thế giới mới chỉ nhỏ giọt vào Việt Nam thì ông đã có lối tư duy tương tự như những nghệ sĩ quốc tế, đó là khai thác những vỉa tầng trầm tích vô tận của âm nhạc dân gian để làm giàu cho jazz. Không lẽ jazz ông biểu diễn chỉ đơn thuần quanh quẩn trong kịch mục tiêu chuẩn, dẫu đó là những tác phẩm kinh điển và được nghệ sĩ các thế hệ khát khao ứng tấu? Đó là lý do Quyền Văn Minh sáng tác những tác phẩm của riêng mình, đồng thời là thứ jazz thuần Việt và giới thiệu chúng với khán giả Việt lẫn quốc tế. Đó không đơn giản là việc “lấy một làn điệu dân ca và biến nó thành jazz”, đó chính là lúc ông dùng đến vốn liếng khởi nguồn từ thuở ở đoàn ca múa Việt Bắc, “âm giai của giai điệu và âm sắc của tiếng khèn mà tôi nghe ở những triền đồi ở lại với tôi… Tôi nghe rất rõ thanh âm của nó vang vọng trong ký ức mình”.

Theo cách đó, dân ca bắc nhịp cầu cho Jazz đến với xã hội và đến lượt mình, jazz trở thành một sứ giả văn hóa kết nối những người nghe ở trong và ngoài Việt Nam. Thật kỳ lạ, đó cũng là cách để jazz vượt ra ngoài phạm vi cộng đồng người Mỹ da đen ở New Orleans, Louisiana để trở thành một hiện tượng văn hóa của toàn cầu hóa. Trong một buổi nói chuyện ở Tia Sáng vào đầu năm 2008 cùng nhà văn Lý Lan, giáo sư Mart Stewart (Khoa Lịch sử, ĐH Western Washington) đã lưu ý, trong quá trình vượt khỏi đường biên nước Mỹ, Jazz đã vay mượn và thu nhận những yếu tố ngoại lai để làm phong phú chính mình. Chính sự thoát khỏi phạm vi địa phương để tiếp xúc và đối thoại với bên ngoài đã khiến jazz là một hình ảnh điển hình của toàn cầu hóa. Người ta cũng thấy quá trình này diễn ra ở những lĩnh vực khác, ví dụ âm nhạc cổ điển qua các tác phẩm của Antonin Dvorak, đặc biệt giao hưởng số 9 Từ thế giới mới (năm 1893) khi chứa các mô típ âm nhạc Mỹ bản địa và Mỹ da đen, hay Claude Debussy khi lần đầu tiên được nghe giai điệu gamelan, thể loại nhạc truyền thống của Indonesia, bên lề Hội chợ triển lãm Paris 1889, để rồi người ta thấy sự vang âm của nó trong Pagodes ở tổ khúc piano Estampes

Trường hợp của Quyền Văn Minh còn có một dấu ấn mang tính thời đại: sự ảnh hưởng của Chiến tranh lạnh. Jazz lúc này trở thành công cụ, vũ khí để Mỹ xâm chiếm đời sống tinh thần của người dân khối XHCN và cả phần còn lại của thế giới. Đó cũng là lý do jazz được coi là sản phẩm của văn hóa tư bản và sacxophone là nhạc cụ nằm ngoài vòng pháp luật ở Đông Âu. Ngay cả ở Đức thì nó được bị Hitler coi là thứ văn hóa suy đồi. Dẫu không được công nhận thì cũng như ở Việt Nam, jazz đã có một mạch sống ngoài lề nhưng bền bỉ với niềm tin về một ngày có thể được tự do tung tẩy, được ở thế ngang hàng với những dòng văn hóa chính thống. Lúc đó, Quyền Văn Minh và các nghệ sĩ như ông, sống ở các quốc gia này, không biết rằng trong lòng nước Mỹ, jazz cũng không thật sự được coi trọng, ngoài việc người ta có thể lợi dụng giá trị dễ lan tỏa và kết nối của nó.

Câu chuyện của Quyền Văn Minh với jazz theo cách như vậy cho chúng ta thấy, ngay ở những thời kỳ khó khăn nhất thì những mạch ngầm văn hóa cũng vẫn âm thầm tồn tại trong lòng xã hội với niềm tin một ngày nào đó sẽ hòa nhịp dòng chủ lưu, dẫu không dễ để mọi thứ đều có chỗ dưới ánh Mặt trời.

Rút cục, “của Caesar trả lại Caesar”, jazz được trở về đúng vị trí của nó và giá trị của nó sau Chiến tranh lạnh. Mạch ngầm văn hóa của jazz ở Việt Nam đã được khơi dòng, “chỉ một tiếp xúc bé nhỏ mà Quyền Văn Minh có được với jazz trong bối cảnh toàn cầu ấy đã đủ để gieo những hạt giống phát triển cho jazz Việt thông qua đam mê âm nhạc, niềm tự hào không thể nghi ngờ vào bản sắc dân tộc và sự kiên tâm nhẫn nại của Minh”. Giáo sư Mart Stewart cũng bộc lộ sự ngạc nhiên của mình “Năm 2000, lần đầu tiên đến Việt Nam, tôi biết rằng đã có những nghệ sĩ Việt Nam cách tân Jazz. Sau đó, tôi phát hiện ra câu lạc bộ của cha con ông Minh, Đắc. Năm 2003 khi tôi quay lại Việt Nam, ở đây đang có một festival Jazz. Nhìn khán giả nói chuyện về âm nhạc, giao lưu với nhạc sĩ, hào hứng và thú vị, tôi tin vào sức sống của Jazz trên đất nước này. Đó cũng chính là một hình ảnh cụ thể của toàn cầu hóa về văn hóa”.

Bình Minh jazz club đón tiếp những nghệ sĩ jazz nổi tiếng như Herbie Hancock (ảnh), Wayne Shorter… khi họ tới Việt Nam biểu diễn. Ảnh: Deborah Jan Aronson.

Độ lùi lịch sử đã đem lại cho Stan BH Tan-Tangbau một cái nhìn cẩn trọng. Theo đánh giá của anh, trong số các quốc gia nằm ngoài khối tư bản thì Việt Nam là một trường hợp độc đáo khi quá trình tồn tại của jazz phụ thuộc vào nỗ lực của một cá nhân, Quyền Văn Minh, theo nghĩa không chỉ nuôi dưỡng đam mê jazz, sáng tác jazz mà còn lan tỏa nó đến với những người khác, tạo cơ hội hiện diện cho chính nhóm nhạc nhỏ bé của ông ở sân khấu hay các khách sạn lớn, tạo dựng nơi chốn cho jazz thông qua câu lạc bộ của mình… Nhiệt huyết của ông đã gặp sự cởi mở của đồng nghiệp ở Nhạc viện Hà Nội, dẫn đến việc đào tạo các thế hệ nhạc công jazz thứ thiệt. Đó là một chuỗi hành động hoàn hảo để Jazz không là trào lưu mà ngược lại, gắn bó máu thịt ở Việt Nam.

Câu chuyện của Quyền Văn Minh với jazz theo cách như vậy cho chúng ta thấy, ngay ở những thời kỳ khó khăn nhất thì những mạch ngầm văn hóa cũng vẫn âm thầm tồn tại trong lòng xã hội với niềm tin một ngày nào đó sẽ hòa nhịp dòng chủ lưu, dẫu không dễ để mọi thứ đều có chỗ dưới ánh Mặt trời.

***

Mặc dù trong lời nói đầu, Stan BH Tan-Tangbau cho rằng cuốn sách của mình chỉ tập trung vào chuyện đời một cá nhân theo đúng cách tự sự dân tộc học (auto-ethnography), một phương pháp nghiên cứu sử dụng trải nghiệm cá nhân (auto) để mô tả và diễn giải các hiện tượng, trải nghiệm, niềm tin và thực tiễn (ethno) văn hóa, đồng thời kết nối những câu chuyện tự sự này với những ý nghĩa và hiểu biết rộng hơn về văn hóa, chính trị và xã hội, nhưng có lẽ chỉ với cách này, toàn bộ bức tranh về jazz ở Việt Nam thông qua câu chuyện một cá nhân mới được khắc họa một cách sống động và rõ nét. Cũng tung tẩy như jazz, dân tộc học tự sự cho phép nói về cảm xúc cá nhân, đi theo cảm hứng văn chương mà không bị gò bó bởi những khuôn khổ hay ước lệ khoa học thông thường.

Sẽ có nhiều người bất ngờ khi biết rằng, Chơi Jazz ở Việt Nam: Quyền Văn Minh và nhạc Jazz Hà Nội là một nghiên cứu âm nhạc chứ không phải là một cuốn tiểu sử, và là nghiên cứu đầu tiên ở Việt Nam từ quan điểm dân tộc học/nhân học. Có lẽ, người ta sẽ phải cần đến nó để tìm hiểu về xã hội Việt Nam những năm hậu chiến, về sự ứng xử của con người trong thời kỳ đó, và dĩ nhiên về jazz và cách nó tồn tại trong trái tim Quyền Văn Minh. □

* Cảm ơn giáo sư Nguyễn Văn Chính (Bộ môn Nhân học phát triển, Khoa Nhân học, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐHQGHN) đã dành thời gian trao đổi và phân tích về cuốn sách Chơi Jazz ở Việt Nam: Quyền Văn Minh và nhạc Jazz Hà Nội.

———————————-

Tài liệu tham khảo:

“Ethnomusicology: A Very Short Introduction”. Timothy Rice

“Dân tộc học tự tự”. Nguyễn Văn Chính. Tạp chí Dân tộc học tháng 3/2023

“Jazz, một câu chuyện về toàn cầu hóa”. http://tiasang.com.vn/van-hoa/jazz-mot-cau-chuyen-ve-toan-cau-hoa-1213/

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)