Một thoáng văn hóa Katu

Do khu vực, hoàn cảnh sống và tập tục, xã hội Katu đóng kín khá lâu nên bảo tồn một lối kiến trúc, tạo hình và ngôn ngữ rất thuần khiết. Mặt khác những dấu ấn văn minh đã từng có cho thấy sự suy thoái nhất định của cộng đồng này ngay từ đầu thế kỷ. Đây là một tộc người và văn hóa rất đáng nghiên cứu, nơi bảo tồn các dấu ấn Nam Á cổ xưa trên đất Việt Nam, trong đó tính chất biển được thay thế bằng rừng, nơi nuôi sống và ẩn chứa linh hồn của họ.


Một cộng đồng nguyên thủy hiện đại

Những năm 1994, khi nghiên cứu điêu khắc nhà mồ Tây Nguyên, tôi đã để ý nghệ thuật điêu khắc Katu rất đẹp và lạ lùng. Tôi có trong tay một số ảnh chụp mặt nạ của người Katu do anh Vũ Công Điền gửi cho và sau này tôi đưa vào cuốn Điêu khắc cổ Việt Nam năm 1997. Những mặt nạ ấy vừa mang dấu ấn khuôn mặt những người cổ xưa ở Đông Nam Á, tóc xoăn, môi dày, da đen, vừa mang tính huyền hoặc rất khó diễn tả. Chúng được dùng trong một nghi lễ cổ xưa nào đó của các thổ dân từ thời Tiền sử. Có thể nói, những sáng tác của người Katu nói riêng, người Tây Nguyên nói chung thuộc dòng Nguyên thủy hiện đại, tức là những tộc người vẫn sống trong trạng thái cộng đồng nguyên thủy trong xã hội hiện đại. Thực ra từ lâu, chế độ sống của các sắc tộc Tây Nguyên đã bước qua giai đoạn hoang sơ và cũng từ lâu họ sống trong các cộng đồng buôn làng, sự sở hữu cá nhân dường như không tồn tại. Đất và rừng đều thuộc về Giàng (Trời), con người có quyền dựa vào đó sinh sống chứ không được sở hữu và mua bán. Đất trong buôn làng cũng vậy, nó là của chung của cả buôn làng, không ai có thể rào vườn, sở hữu một cái gì riêng tư trong đó. Sự va chạm vào xã hội hiện đại, nhất là với nền kinh tế thị trường, những quan niệm đó khiến người ta không dễ sống. Trong cái buôn làng xưa, không có chuyện nhà này no, nhà kia đói, một người thợ săn săn được con thú cũng có nghĩa cả làng được hưởng. Thậm chí một cán bộ hưởng lương cũng phải chia cho mọi người trong buôn làng mình. Nền văn hóa Tây Nguyên sinh ra từ tín ngưỡng và sự cộng đồng ấy. Nó biểu hiện cho mức độ văn minh cao, mà những con người tranh đoạt và tham lam không sao hiểu được.


Nhà  Gươl, Bhươl (thôn) Arởh, xã Lăng, Tây Giang, Quảng Nam.

Trong tháng 4/2012, chúng tôi có dịp đi thăm một số làng người Katu ở hai huyện Đông Giang và Tây Giang, Quảng Nam. Trước đây đi vào khu vực này không dễ, đèo núi hiểm trở bên sườn bắc của Tây Nguyên. Người Katu sống suốt các vùng A Lưới của Thừa Thiên Huế và các huyện Đông, Tây, Nam Giang của tỉnh Quảng Nam và thông sang đất Lào. Vào thời tiền sử, trước các tiểu vương quốc Champa, họ cũng như những sắc Tây Nguyên khác, sống từ các rẻo núi cao cho đến sát biển. Theo nhiều nhà nghiên cứu phương Tây và Việt Nam, người Champa đến, dần đẩy các sắc tộc đó lên Tây Nguyên. Quá trình đó có lẽ diễn ra cách đây hơn hai ngàn năm, mà người ta chỉ có các chứng cớ về văn hóa biển của người Tây Nguyên và ngôn ngữ Malayo – Plynesian được một số sắc tộc Tây Nguyên dùng, như người Ê đê, người Gia rai.

Người Katu nói hệ ngôn ngữ Môn – Khmer, còn gọi là người Cơ tu, Cà tu, Ca tu, Ca Tang, Gao, Hạ, Phương, hiện có khoảng 50.458 người (theo con số thống kê năm 1999, và năm 2009 là 61.588 người sống ở các vùng trên cùng rải rác nhiều tỉnh khác). Theo thống kê năm 1998, ở Lào có khoảng 14.700 người sống chủ yếu ở thượng nguồn sông Sê Kong.

Những sắp đặt siêu hình…

Người Katu sống trên những triền cao vắt từ Quảng Nam sang Lào, dựa vào sườn bắc của Tây Nguyên, nhưng làng của người Katu không ở trên những đỉnh núi cao, hay địa thế cheo leo, mà thường nằm trên ngọn một quả đồi bằng phẳng gần sông suối. Họ không ở quá thấp để tránh lụt lội, nhưng bao quanh và gần làng luôn là các nguồn nước để tiện sinh hoạt và phòng thủ. Làng có một nhà chính công cộng, giống như nhà rông của người Ba na, nhưng gọi là nhà Gươl, còn mỗi họ trong làng có một ngôi nhà nhỏ hơn, nhưng cùng kiểu, gọi là nhà Đong. Trước đây cả họ ở chung trong một nhà, nếu trong làng có năm họ tức là có năm ngôi nhà, nhưng hiện các gia đình nhỏ có xu hướng tách ra, hình thành những nhà nhỏ vây xung quanh, còn ngôi nhà cho dòng họ thường có vài ông bà già ở. Các ngôi nhà đều có mặt bằng hình ô van, và cả làng cũng được xếp theo hình như vậy, nên trông từ trên cao, làng người Katu giống như một sân bóng với năm sáu nếp nhà xếp đều đặn theo vòng ô van đó. Khu làng văn hóa Katu của huyện Tây Giang và làng cổ Pơrning hiện tại còn giữ mô hình như vậy. Đầu thế kỷ, người Pháp thấy được vài làng rất đông có tới 50 nóc nhà. Nhà Gươl lớn có thể chứa 100 người cùng ngủ.


Dãy nhà Đong xung quanh khu vực dành cho cộng đồng, Bhươl (thôn) Arởh, xã Lăng, Tây Giang, Quảng Nam.

Nhà người Katu khi dựng bao giờ cũng lấy tâm là một cột cái cao nhất, đặt chính giữa, giống như người du mục dựng lều vậy. Từ cột cái đua ra theo chiều ngang với sáu cột phụ các bên rồi vài cột vách bên hai đầu, sau đó gác các đòn tay vào vì nóc. Tất cả đòn tay và cột xà chủ yếu là gác và buộc chứ không có mộng như kiến trúc gỗ đồng bằng Bắc bộ. Người ta dệt một mạng lưới bằng mây vô cùng tinh xảo đặt lên các đòn nóc, rồi lợp gianh, gianh lợp cũng được bó thành từng bó nhỏ và xén bằng sao cho mái gianh ôm tròn lấy căn nhà sàn bên dưới. Một cửa chính được trổ ra phía sân trong của buôn làng, cửa phụ đi ở phía đầu. Trong nhà đắp một khoang đất vuông làm bếp, các gian không chia ngăn, mà đại gia đình đều chung sống bên nhau và bên bếp lửa. Cầu thang có thể chỉ là một cây gỗ đẽo bậc, hoặc là một dàn dài trước ngưỡng cửa. Ngôi nhà được tỉa tót một cách cẩn thận khiến tự nó đã là một công trình nghệ thuật.

Nhà Gươl nơi hội họp của cả làng và du khách có thể sống ở đây. Theo phong tục, mỗi gia đình sẽ đem ít thức ăn đến cho khách, và khách nên nếm tất cả các loại thức ăn, cũng như ăn của mỗi nhà một chút. Nhà Gươl ở huyện Tây Giang thường làm hai đầu cao hơn sàn chính, có thể ngủ ở đó như giường, hoặc thấp hơn làm hiên ra ngoài ngồi. Các thành lan can có chạm khắc hình đầu trâu và những con kỳ đà lớn. Trên các xà và diềm ngang dọc người ta cũng chạm khắc nổi nhiều hình nam nữ cách điệu như khối trừu tượng và các loại động vật núi rừng biển mà người Katu từng biết đến, trên cột thì treo các đầu thú rừng đi săn. Thuở xa xưa vài nơi có tục săn máu người để tế Giàng vào khi dịch bệnh, mất mùa đói kém thì những sọ người cũng được treo lên như vậy. Tục này hoàn toàn chấm dứt sau Cách mạng tháng 8 năm 1945, và cũng gây nhiều hiểu lầm cho các tộc người Katu.


Quan tài và chạm khắc bên trong nhà mồ K’tu, làng văn hóa dân tộc, trung tâm huyện Tây Giang, Quảng Nam

Việc tấn công người của các buôn làng lân cận gây ra những hận thù kéo dài, và cuối cùng cũng phải trả nợ bằng máu, những thợ săn phải chuyển sang tấn công những người từ miền xuôi lên, chủ yếu là những thương nhân. Kết quả là rất ít người dám qua lại các buôn làng Katu khét tiếng, khiến họ sống cô lập trong nhiều thời gian dài. Tục đâm trâu cũng là một hình thức hiến máu thay thế, bởi bản thân con trâu cũng được coi như là người, nhưng có nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đó là một quan niệm sai, mà phải gọi là lễ Ăn trâu. Sau những đợt dịch bệnh, mất mùa và trả thù máu, và nếu thần linh không đồng lòng nữa, cả làng phải triệt hạ, bỏ làng và nhà cửa, rút vào rừng sâu sống như muông thú, đợi một dịp khác quay về. Kết quả của những tập tục như trên trước năm 1945, khiến xã hội Katu dậm chân tại chỗ rất lâu, và cũng nhờ thế mà bản sắc văn hóa dường như ít pha tạp, biến đổi (xem Những người săn máu của Le Pichon, Bulletin des Amis du vieux Hué, 4/1938)

Sự phối hợp giữa chạm khắc nổi và những tấm ván lớn quây quanh ngôi nhà Gươl khiến nó có vẻ như là một công trình sắp đặt mang tính siêu hình. Hình người ốp vào những ván dọc thường có hai cặp nam nữ, hai đầu nhà thành tám người, chân tay không tả kỹ mà tạo thành khối lớn với cơ thể. Thành lan can thay cho những chấn song cũng là những hình người múa đứng sát nhau liên tục nhưng mang tính hình học nhiều hơn. Trái lại các động vật chim cá, cua, kỳ nhông, kỳ đà, trâu, voi, tê tê, rùa, thậm chí cả rồng và vài con vật gần đây người Katu biết đến được chạm khắc gần với hiện thực. Con trâu và con Kỳ đà dưới dạng con rồng lớn có vẻ là hai vật được ưa thích hơn cả và gắn với những nghi thức tế lễ nguyên sơ.

… và nhà mồ huyền hoặc

Cũng giống như người Tây Nguyên nói chung, người Katu tin vào thế giới đa thần và cũng có tục lệ làm nhà mồ trong lễ bỏ mả. Trong cái tín ngưỡng sơ khai này, người chết sẽ đi về một thế giới khác huyền hoặc của rừng núi, của ông bà, và luôn ở bên cạnh con người – thế giới của ma. Người chết nếu không được chăm sóc cẩn thận sẽ rủ người sống đi theo, làm ảnh hưởng đến cuộc sống trên trần thế. Nên người Gia rai, người Ba na, nếu trong gia đình có người chết, họ chôn tạm một chỗ, sau một thời gian có thể là một năm, hai năm, thậm chí là nhiều năm, sẽ tiến hành lễ bỏ mả. Tức là làm một cái nhà mồ thật đẹp cho người chết, rồi đưa người chết từ mả tạm vào đó, sau lễ bỏ mả, thì người ta có thể vĩnh viễn lãng quên người đã khuất, không cần thiết quan tâm đến nhà mồ nữa, nhà mồ sẽ đổ nát dần và chìm vào núi rừng như nó từng sinh ra. Trong thời gian chưa làm lễ bỏ mả, thì người ta vẫn phải nuôi người chết, bằng cách đem thực phẩm ra mả khẩu phần y như lúc sống vậy. Lễ bỏ mả tương đối tốn kém, để dựng một nhà mồ hoàn hảo ở Tây Nguyên, ngày xưa có thể tốn đến 50 con trâu bò, nên có nơi người ta tiến hành làm lễ bỏ mả tập thể, và như vậy phải đợi nhiều người trong họ chết trong nhiều năm. Như vậy đằng nào thì lễ bỏ mả cũng làm người Tây Nguyên chi phí rất nhiều, và họ dễ dàng nghèo đi bởi thế giới tâm linh từ ngàn đời. Bất luận thế nào, ngôi nhà mồ cũng được làm đẹp đẽ và thực sự là một công trình nghệ thuật với nhiều bức tượng huyền hoặc.


Quan tài chạm khắc đầu trâu, nhà mồ K’tu, làng văn hóa dân tộc, trung tâm huyện Tây Giang, Quảng Nam.

Trong những sắc tộc Tây Nguyên, thì người Katu có nhà mồ thuộc loại đơn giản, tuy không kém phần đẹp đẽ. Nhà mồ của người Gia rai và người Ba na thời xưa rất lớn, thậm chí chiếm một khu vực lớn như một căn nhà thực sự với một nhà mồ trung tâm, xung quanh có tượng xen với hàng rào và những cột Kút, cột Klao cao vút. Những bức tượng thường có là: tượng khỉ (con người thời đầu), tượng nam khoe dương vật, nữ khoe âm vật, nam nữ giao phối, tượng người đánh trống, tượng nữ thần gác thế giới ma, tượng người ngồi khóc… tượng công, và các cặp vú dưới dạng ngà voi kéo dài… Những tác phẩm điêu khắc hồn hậu này được các nghệ nhân làm ngay trong lễ bỏ mả với ba dụng cụ cái rìu, con dao và cái đục.

Người Katu cũng có nghi thức chôn tạm và tiến hành lễ bỏ mả sau một thời gian nhất định. Nhà mồ Katu thường có mái dốc xuống hai đầu che quan tài, phần nóc cao chính giữa chạm đôi gà vươn cổ sang hai bên, bốn góc mái có thể là bốn đầu con chồn, con chó hay một động vật nào đó. Phần mái đôi khi được chạm khắc thành từng đợt hoa văn hình học cầu kỳ và nổi cao. Quan tài đặt phía dưới phần mái có dạng con trâu hai đầu. Hai đầu trâu được nối bởi một gờ hoa văn chạy dọc quan tài, trên quan tài còn chạm khắc nhiều trang trí hình học nổi và tô vẽ màu sặc sỡ. Quây nhà mồ xung quanh quan tài là một khuôn chữ nhật, các đầu lồng vào nhau với bốn cặp chim phượng hoàng đất, từng đôi trống mái, tượng trưng cho tình yêu và lòng chung thủy. Xung quanh quây gỗ này người ta có thể tạc một số tượng nhỏ về đời sống trên trần thế của người đã khuất, những thân nhân của anh ta.

Hiện tại ở khu làng văn hóa Katu huyện Tây Giang có một nhà mồ hình mẫu được làm rất đẹp đẽ có tính chất tượng trưng. Lác đác trong vài buôn làng còn vài nhà mồ được làm theo kiểu cũ bằng gỗ, nhưng chỉ còn là hiện tượng hiếm hoi thôi. Rừng già từ lâu đã hết, tập tục cũng thay đổi ít nhiều, người Katu hiện chuyển sang làm nhà mồ bằng bê tông, theo kiểu dáng cũ, thậm chí rất đồ sộ cả một khu vực, tuy nhiên nhà mồ bê tông không tan vào rừng và đất như những nhà mồ truyền thống, mà lâu dài như kiểu chôn cất của người miền xuôi. Không hiểu như vậy tín ngưỡng thờ tổ tiên có thay đổi không?

Tác giả