Một “triều đại” chỉ huy

Năm 2018 là năm đáng nhớ với nhạc trưởng Neeme Järvi: ông nhận giải thưởng Thành tựu trọn đời của tạp chí âm nhạc Gramophone và đất nước Estonia- quê hương ông, kỉ niệm 100 năm ngày lập nước. Vẫn tràn đầy năng lượng ở tuổi 80, ông là nhạc trưởng chính và giám đốc nghệ thuật của Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Estonia. Và tình yêu âm nhạc của ông đã được truyền lại cho các con trai Paavo và Kristjan– những nhạc trưởng xuất sắc của Estonia, đặc biệt là Paavo – cái tên quen thuộc của các hãng thu âm RCA, Deutsche Grammophon, PENTATONE…


Gia đình Järvi: Ba nhạc trưởng Neeme, Paavo, Kristjan và nghệ sỹ flute Maarika Järvi (từ trái qua phải). Nguồn: ERSO

Ba nhạc trưởng đặc biệt này đã gặp gỡ phóng viên James Jolly của Gramophone trong một khung cảnh đầy hoài nhớ, trong tòa nhà mà vào thời Xô viết là “Ngôi nhà của các nhà soạn nhạc” ở Tallinn. Cũng như nhiều gia đình âm nhạc khác, gia đình Järvi từng sống ở đây.

Nghĩ về nghề chỉ huy

Neeme: Anh trai Vallo của tôi, hơn tôi 13 tuổi – cũng là một nhạc trưởng. Ban đầu anh là nhạc công bộ gõ và rồi là nhạc trưởng – giống hệt tôi. Mọi việc anh đã làm về sau tôi đều làm cả – mẹ tôi là một người phụ nữ mạnh mẽ và bà luôn bảo: “Vallo đã làm điều đó. Con cũng phải làm điều đó!” Vallo là nhạc trưởng của Nhà hát Estonia và đã chỉ huy toàn bộ kịch mục opera và ballet trong nước. Không có điều kiện làm việc ngoài Estonia (vì đó là thời Xô viết) nhưng anh ấy đã làm việc chăm chỉ và là một nhạc trưởng giỏi – tôi học được rất nhiều từ anh.

James: Đã có ý tưởng nào cho rằng Paavo hay Kristjan có thể làm việc gì khác thay vì chỉ huy không?

Paavo: Không bao giờ! Tôi không bao giờ muốn làm bất cứ việc gì khác – về cơ bản, tôi nghĩ mình  muốn giống cha! Không hẳn là vì tôi rất muốn trở thành nhạc trưởng mà đúng hơn là vì tôi thấy ông có nhiều niềm vui trong công việc đến mức tôi cũng muốn làm như vậy. Không bao giờ có chuyện “hãy làm việc gì khác”.

Kristjan: Phần mình, tôi có thể làm mọi việc, ngoại trừ chỉ huy. Tôi từng nghĩ: “Vallo, Neeme, Paavo… Kristjan. Không, có lẽ ba người là đủ rồi!” Ngoài ra, tôi không cảm thấy nó sẽ giống một công việc như nó vốn thế. Khi đến Mỹ, tôi nghĩ: “Ồ, có rất nhiều việc mình có thể làm”. Thế nên quả là một điều kỳ điệu khi tôi trở thành nhạc trưởng – và tất cả là nhờ giáo viên dạy piano của tôi, Nina Svetlanova, người cứ một mực đòi tôi vào trường Âm nhạc Manhattan. Bà bảo: “Hãy thử trong hai năm và nếu không thích thì cậu có thể làm một việc khác.” Và  rồi hai năm hóa thành bốn năm, và bốn năm thành sáu năm. Sau đó mọi thứ tự phát triển – tôi bắt đầu các bài học chỉ huy, sau đó tôi lập ra Absolute Ensemble và rồi nhận vị trí trợ lý của Esa-Pekka Salonen ở Los Angeles và rồi… [Paavo xen vào: “Không có lối thoát!” ] Nó là một thứ giống như cát lún.

James: Người ngoài cuộc thường có quan niệm rằng nhạc trưởng chỉ đứng lên và “vung vẩy” như biểu diễn ảo thuật.

Paavo: Tôi nghĩ rằng trừ khi thực sự là nhạc trưởng, còn không thì không ai hiểu được hết những gì diễn ra giữa các nhạc công và nhạc trưởng. Nó như thể một kiểu phản ứng hóa học nào đó. Dàn nhạc biểu diễn và tạo ra tác phẩm âm nhạc, công việc đó không bao hàm chuyện “bếp núc nghề nghiệp”, không bao hàm chuyện nhạc trưởng giúp các nhạc công trình tấu tốt một đoạn nhạc phức tạp. Chỉ huy là một công việc đòi hỏi nhiều sự tinh tế.


Neeme Jarvi chỉ huy dàn nhạc Chicago Symphony Orchestra. Nguồn: chicagotribune.com

Neeme: Rimsky-Korsakov bảo nghề nhạc trưởng là một nghề “tù mù”. Và đúng thế. Không có các quy tắc chính xác. Nó phụ thuộc vào rất nhiều thứ: cá tính của bạn, cách dẫn dắt của bạn, con người mạnh mẽ của bạn, kỹ thuật của bạn. Nhưng trước hết bạn cần phải có tài, dù có thể rất giỏi về kỹ thuật chỉ huy nhưng bạn cũng cần cả tài năng nữa. Đó là một sự kết hợp lạ kỳ. Bạn có thể có một cá tính và ý niệm mạnh mẽ nhưng nếu bạn không tạo ra được thiện cảm thì công việc cũng không thể hiệu quả. Bạn cần một diện mạo nghệ sĩ và điều đó được chuyển tải trong cử chỉ của bạn. Bạn cần phải có ích cho dàn nhạc thông qua ánh mắt hay cử động cánh tay, khuỷu tay, cổ tay của bạn. Bạn phải truyền được cảm hứng qua tất cả những điều đó..

Kristjan: Điều đáng kinh ngạc nhất để học hỏi từ cha là hình thức giao tiếp tinh tế, chân thực và trực quan nhất mà bạn chỉ có thể đánh giá và cảm nhận thông qua cử chỉ và ánh mắt. Bạn đạt đến một mức độ thấu hiểu và chân thực thì lời lẽ là không còn cần thiết nữa.

Paavo: Có lần nhạc trưởng Barenboim nói với tôi: “Anh biết đấy, cha anh được mọi nghệ sĩ trong các dàn nhạc mà tôi biết yêu mến. Tại sao thế?” “Vì ông rất giỏi!”Thật thú vị vì Barenboim đi rất nhiều, biểu diễn với nhiều dàn nhạc khác nhau. Nghệ sĩ ở dàn nhạc nào cũng yêu mến cha chúng tôi – tôi cũng biết điều này vì bất cứ khi nào làm nhạc trưởng khách mời ở đâu, họ đều đến gặp tôi mà hỏi: “Cha anh khỏe không? Lâu rồi chúng tôi chưa được gặp ông ấy.” Đó là sự gắn bó. Ông chân thật. Nếu bạn không kết nối với các nhạc công của mình thì công việc sẽ không chạy nổi.

Neeme: Chỉ huy là cái gì đó giống như công việc của một họa sĩ, giống như nghệ thuật vẽ tranh. Khi vẽ một đường thẳng, bạn đi theo hướng của cây bút chì và có một kết thúc đẹp đẽ. Âm nhạc cũng giống như thế. Bạn đang vẽ những dòng, những câu nhạc trơ trụi. Còn thiếu cái gì nhỉ? Các ý tưởng! Đó là cách phân nhịp, việc sắp xếp các ý tưởng, cách lần theo dấu vết chuyển động và đến nơi bằng những dòng nhạc thành công. Bạn “vẽ” nhạc bằng cây gậy chỉ huy và các nhạc công đi theo bạn ngay tức khắc.

Bản sắc văn hóa và di sản âm nhạc

James: Điều khiến anh khác biệt với rất nhiều nhạc trưởng khác là sự khao khát vốn tiết mục gồm cả các tác phẩm cũ và mới. Cả Neeme và Paavo, mỗi người đều đã thu âm hàng chục tác phẩm và bổ sung rất nhiều vào danh mục biểu diễn. Điều gì thúc đẩy cách anh lên chương trình, đặc biệt là đối với di sản âm nhạc phong phú của Estonia?

Paavo: Khi lớn lên ở một đất nước như thế này, và với một người cha như thế này thì anh sẽ có một cảm giác nào đó về nhiệm vụ giới thiệu các nhà soạn nhạc Estonia ở bên ngoài Estonia. Khi đảm trách vai trò nhạc trưởng khách mời, anh thường lựa chọn chơi một tác phẩm mới. Và như một nguyên tắc, tôi luôn chọn một tác phẩm của nhà soạn nhạc Estonia. Vì vậy ở BBC Proms gần đây, chúng tôi đã chơi một tác phẩm của Erkki-Sven Tüür 1 [Flamma]. Có rất nhiều nhà soạn nhạc lớn Đức và Anh, nhưng vì là người Estonia, tôi có nhiệm vụ “bênh vực” các nhà soạn nhạc Estonia, nhất là khi chúng tôi không có nhiều cơ hội giới thiệu âm nhạc của đất nước mình. Vì vậy, nếu ở Cleveland hoặc Chicago, người ta hỏi: “Anh muốn chơi một tác phẩm của John Adams hay một tác phẩm của Erkki-Sven Tüür?” thì dĩ nhiên tôi sẽ chơi Tüür vì sẽ không ai khác làm điều đó.

James: Còn Kristjan, lớn lên ở Mỹ, anh có thấy mình là người Mỹ cũng nhiều như là người Estonia không? Cội rễ của anh sâu đến độ nào?

Kristjan: Từ “văn hóa” là sự nhận diện rất căn bản. Dĩ nhiên, từ “văn hóa” mang những nghĩa rất khác với những dân tộc khác nhau. Nó có thể mang nghĩa opera với dân tộc này, là các môn thể thao với dân tộc kia nhưng với người Estonia chúng tôi thì đó là địa lý, nông nghiệp, kiến ​​trúc, thiết kế, âm nhạc, vũ điệu, văn chương, và đó là thứ tạo nên gia đình những người Estonia. Paavo nói rằng khi anh ấy có quyền lựa chọn lên chương trình tác phẩm nào đó như của Erkki-Sven Tüür hoặc Adams, anh ấy sẽ chọn Tüür… Tôi không nghĩ có dàn nhạc nào ở Đức chơi nhiều nhạc Estonia hơn Dàn nhạc giao hưởng đài phát thanh MDR [Kristjan là giám đốc âm nhạc]. Tôi đã cố gắng giới thiệu các nghệ sĩ biểu diễn và nghệ sĩ độc tấu người Estonia, không chỉ ở thể loại cổ điển mà cả các nghệ sĩ dân gian và nghệ sĩ nhạc jazz nữa.

Neeme: Chúng tôi hiện đang ở Estonia, một đất nước nhỏ với nhiều nhà soạn nhạc giỏi. Nhưng là nhạc trưởng, chúng tôi cũng cần biết âm nhạc của thế giới. Ví dụ trong 24 năm là nhạc trưởng chính của Dàn nhạc giao hưởng Gothenburg, Dàn nhạc quốc gia của Thụy Điển, tôi và các Dàn nhạc đã biểu diễn rất nhiều tác phẩm. Câu chuyện của dàn nhạc Gothenburg mới thú vị làm sao: nhạc trưởng chính thứ hai của họ là [nghệ sĩ piano, nhà soạn nhạc và nhạc trưởng] Wilhelm Stenhammar – người bạn tốt của Sibelius, Nielsen -và cũng là nhạc trưởng khách mời ở đó. Thế mà ngày nay, người ta vẫn đang hỏi tôi, “Gothenburg ở đâu?”

Paavo: Nhưng nhờ cha mà họ có thể biết về nó nhiều hơn!

Neeme: Việc tương tác với văn hóa của đất nước có dàn nhạc bạn làm việc là rất quan trọng. Vì vậy, với Dàn nhạc giao hưởng Gothenburg và cả Dàn nhạc giao hưởng Hoàng gia Stockholm, chúng tôi đã biểu diễn rất nhiều âm nhạc Thụy Điển. Chúng tôi đã thực hiện các bản thu âm Stenhammar đầu tiên và thu âm các tác phẩm viết cho dàn nhạc của Hugo Alfvén, và tôi vừa hoàn thành trọn bộ giao hưởng đầu tiên của Kurt Atterberg, người mà tôi nghĩ là một trong những nhà soạn nhạc Thụy Điển vĩ đại nhất. Thế mà ông đã bị lãng quên hoàn toàn! Bản giao hưởng Dollar được Toscanini chỉ huy đầu tiên và Beecham cũng đã chỉ huy nó – là một tác phẩm tuyệt vời. Nó được viết như một nỗ lực để hoàn thành bản giao hưởng Bỏ dở của Schubert.

Kristjan: Đây là một thực tế thú vị: khi rời Estonia thì các vị trí chỉ huy đầu tiên của chúng tôi đều tại Thụy Điển.

Neeme: Phải, Paavo là nhạc trưởng chính của Dàn nhạc giao hưởng Malmö và sau đó là nhạc trưởng khách mời chính của Dàn nhạc giao hưởng hoàng gia Stockholm, còn Kristjan là nhạc trưởng chính của NorrlandsOperan. Và Thụy Điển là gì với chúng tôi? Đã có thời tất cả mọi thứ thuộc về Thụy Điển, thậm chí Estonia chịu ảnh hưởng của Thụy Điển – Na Uy, Đan Mạch, Phần Lan, và ngay cả trong thời Sa hoàng cũng có ảnh hưởng của Thụy Điển. Vì vậy, khi đến Gothenburg, chúng tôi đã thực hiện 19 đĩa cho hãng thu âm BIS, bao gồm các giao hưởng Sibelius. Mỗi nghệ sĩ Thụy Điển đều coi Sibelius là một nhà soạn nhạc Thụy Điển! Ở nhà, Sibelius nói tiếng Thụy Điển. Dĩ nhiên giờ đây mọi nhạc trưởng Phần Lan đều chỉ từng chỉ huy Sibelius. Ngoài ông ấy thì còn rất nhiều nhà soạn nhạc giỏi người Phần Lan – Uuno Klami, Leevi Madetoja, Erkki Melartin – nhưng thế giới không biết về họ. Nhạc của họ cần được biểu diễn nhiều hơn.

Trong thời đại Krushchev, chúng tôi được đón nhận những dàn nhạc lớn của thế giới: Dàn nhạc Cleveland, Dàn nhạc giao hưởng Boston đến cùng Charles Munch và Pierre Monteux, và rồi Ormandy đến với Dàn nhạc Philadelphia. Sau đó Stokowski đến chỉ huy Leningrad Philharmonic. Tôi đã đến và nói: “Chúng tôi là sinh viên và chúng tôi thực sự thích đến các buổi diễn tập của ông nhưng họ sẽ không cho phép chúng tôi đến. Ông có thể giúp không?” Giám đốc dàn nhạc lạnh lùng bảo “Không!”, cánh cửa đóng sập trước chúng tôi. Chúng tôi chờ đợi một vài phút, sau đó cánh cửa mở ra và tất cả chúng tôi được mời vào. Stokowski đã nhất quyết bảo vệ chúng tôi và ngay khi ông nói ra điều này, vị giám đốc dàn nhạc phải nhượng bộ. Khi chúng tôi vào, Stokowski đã cho dàn nhạc tập lại từ đầu – tập lại hoàn toàn! Tất cả bè hơi ở bên phải, bè dây ở bên trái và bè double bass ở giữa trên các ván đứng, quay mặt về khán phòng. Stokowski không nói lời nào mà bắt đầu chỉ huy [Neeme hát giai điệu prelude Tristan]. Tôi nhớ đã bắt tay Stokowski, ông đeo đôi găng tay trắng… Bạn có thể học học được rất nhiều từ việc quan sát các nhạc trưởng xuất sắc. (Neeme Järvi)

James Jolly thực hiện
Ngọc Anh lược dịch
Nguồn: https://www.gramophone.co.uk/feature/a-conducting-dynasty-in-conversation-with-neeme-paavo-kristjan-j%C3%A4rvi
————-
1. Erkki-Sven Tüür (1959-): nhà soạn nhạc người Estonia.

 

 

Tác giả