Một Việt Nam – Đa lịch sử (Bài 2: Lịch sử của đàn ông?)

Bài viết này sẽ đứng ra ngoài vị trí phát ngôn của các dòng sử bút, để bóc tách các lớp diễn ngôn ẩn tàng sau các ngôn từ mỹ miều, để nhìn vào thân phận của những người phụ nữ trong lịch sử.

Ảnh bìa sách “Huyền Trân công chúa” của Viết Linh, Nhà xuất bản Kim Đồng. Nguồn ảnh: Tiki.


Lịch sử là của đàn ông, và sử học cũng của đàn ông, hẳn nhiên đàn ông cho là thế. Nhưng nửa thế giới này từ cổ chí kim còn là của đàn bà. Thế mà thuở trước tuyệt nhiên chẳng có nữ sử gia nào, mà cũng hầu như vắng bóng những dòng viết về phụ nữ. Nhiều nhất là những trang liệt nữ – các bậc tiết hạnh giam cả đời mình trong vòng kim cô đạo đức – chính trị hay những người phụ nữ đã chết vì lý tưởng của đàn ông. Họ chỉ được nhắc đến như là những vật hy sinh trên diễn trường máu lửa do đàn ông bày đặt nên. Những người phụ nữ ấy, khi sống thì thân xác bị lợi dụng, khi chết thì trở thành miếng mồi cho bữa tiệc khải ca, hay chỉ là một chiếc bình hoa trên bàn thờ lịch sử. Chút danh tính lưu lại chỉ đủ để những người viết sử (là đàn ông) đời sau xào xáo lại nhằm phục vụ cho những mục đích chính trị trước mắt, vừa hiện sinh vừa chính nghĩa.

Những thân hoa đổi chác

Chiêu Quân cống Hồ tưởng chừng như là một câu chuyện văn học xáo mòn được lấy từ Bắc sử. Nhưng thực tế, việc sử dụng các cô công chúa, quận chúa cưới gả cho các thế lực liên minh/ đối kháng/ thù địch nhằm tạo nên sự liên kết cho quyền lực chính trị là việc làm đời nào cũng có, kể cả ở Việt Nam thời trung đại lẫn hiện đại. Nếu chính trị êm thấm, không có ai lừa lọc ai, thì bất đắc dĩ những nàng công chúa ngà ngọc phải nén chút tủi hờn, khi phải sống cả đời với những người xa lạ. Nếu chẳng may nổi cơn can qua, thì cũng chỉ như là một ngọn cỏ hiu hắt trên bàn cờ chính trị.

Đinh Tiên Hoàng lập năm Hoàng hậu, Lê Hoàn cũng lấy năm vợ, rốt cục vẫn chỉ là dùng những người phụ nữ – con tin để cố kết quyền lực của những thế lực quân sự khác nhau. Đến thời Lý, hàng loạt các cô công chúa được gả cho các tù trưởng các nơi. Năm 1029, Công chúa Bình Dương cho châu mục châu Lạng là Thân Thiệu Thái. Năm 1036, công chúa Kim Thành cho châu mục châu Phong là Lê Tông Thuận, công chúa Trường Ninh cho châu mục châu Thượng Oai là Hà Thiện Lãm. Năm 1082, gả công chúa Khâm Thánh cho châu mục châu Vị Long là Hà Di Khánh. Công chúa Ngọc Kiều là phu nhân của người họ Lê châu mục châu Chân Đăng. Năm 1127, gả công chúa Diên Bình cho thủ Lĩnh phủ Phú Lương là Dương Tự Minh. Năm 1144, lại gả công chúa Thiều Dung cho Dương Tự Minh… Đời Trần, nổi tiếng nhất là công chúa An Tư (em gái út của Thánh Tông) được dâng đến cho Thoát Hoan năm 1285, để làm con tin (giải khuây) nhằm ngăn vó ngựa. Như vậy, An Tư cùng với Thụy Ánh (con gái của Văn Nghĩa hầu Trần Tú Viên- em vua Trần) đều là các con tin của hai bên chủ chiến và đầu hàng, cùng chung nhiệm vụ lấy Thoát Hoan, nhưng Thụy Ánh sinh được cho Thoát Hoan hai trai, sau lên đến hàng phi.1 An Tư thì mất dấu hoàn toàn, không biết sống chết ra sao. Sau nữa là đến Huyền Trân được Trần Nhân Tông gả cho Chế Mân, để đổi lại hai đất châu Ô châu Lý (Quảng Bình, Thuận Hóa), và liên minh Đại Việt- Champa. Nhưng, Huyền Trân phận bạc, chồng chết vài tháng mới sinh con, về được Đại Việt chỉ còn cách xuống tóc đi tu. An Tư thì được nhiều người thương xót, còn Huyền Trân nổi tiếng cho đến tận thế kỷ 21 vì đã đem lại cho người đời sau những khái cảm tự hào khi đã góp phần không nhỏ cho cuộc “mở cõi” của người Việt về phương Nam.

Thân phận những người phụ nữ/con gái, giai đoạn Lý- Trần, tưởng là cành vàng lá ngọc, nhưng thực chất, qua những ghi chép từ lịch sử ta có thể thấy rằng, cuối cùng họ vẫn là những thân hoa được dùng để đổi chác trên bàn cờ chính trị.

Chiêu thức gả bán- liên hôn – liên minh quyền lực này trước đó được nhà Trần sử dụng một cách rất ly kỳ. Trần Thủ Độ xắp xếp màn kịch nhường ngôi, bằng cách đưa cháu trai của mình vào chơi với cô công chúa- con gái của người tình thầm kín (?). Công chúa Thuận Thiên (sinh 1216) gả cho Trần Liễu, công chúa em Chiêu Hoàng (sinh 1218) gả cho Trần Cảnh (1218) ngay năm 1225. Màn chơi của con trẻ được biến hóa thành sự biến cung đình “đổi vạc triều đại”, với tuyên bố “bệ hạ đã có chồng”, rồi sau đó ra bài “Chiếu nhường ngôi” trong màn diễn trao áo long bào, để ông bố Trần Thừa lên ngôi Thái thượng hoàng, ông con Trần Cảnh lên ngôi hoàng đế. Thuận Thiên- Trần Liễu đẻ dày, sinh ra hàng loạt tên tuổi lừng lẫy như Trần Tung (1230-1291), Trần Quốc Tuấn (1232-1300), Trần Doãn (?-?), Trần Quốc Khang (1237-1300). Đôi Trần Cảnh- Chiêu Hoàng sinh được Trần Trịnh thì yểu mệnh (1233) vì cả bố mẹ khi ấy mới có 15 tuổi.2

Sau khi Thủ Độ giết được Lý Huệ Tông (1226), giáng Hoàng [Thái] hậu làm Thiên Cực công chúa, rồi gả cho chính mình. (Toàn thư 1998, T2, tr.9), còn các cung nhân và con gái họ hàng Lý Huệ Tông gả hết cho các tù trưởng người Man. Cách thức cũ, nhưng chiêu thức mới. Năm 1228, thế lực Nguyễn Nộn lấn lướt, nhà Trần phải gả công chúa Ngoạn Thiềm để làm gián điệp dò la. Nhưng Nộn cũng cao tay, công chúa mất không mà chẳng được tin tức gì, phải chờ năm sau Nộn ốm chết, công chúa và thiên hạ mới quy về một mối. Năm 1237, cặp vương-hậu nhí xưa đã tỏ ra vô sinh, dẫn đến việc ông bác Trần Thủ Độ tráo vợ (đang có mang) của ông anh chuyền sang làm vợ ông em, để vừa giữ được giống nhà, vừa nắm chắc quyền lực chính thống từ nhà Lý. Thế là bà chị dâu Thuận Thiên liền được tấn phong làm Thuận Thiên hoàng hậu, còn Chiêu Thánh bị giáng xuống làm công chúa, trong khi ấy Hiển Hoàng Trần Liễu (phụ chính) đã bị giáng làm Hoài Vương vị tội hiếp dâm cung phi cũ nhà Lý giữa thanh thiên bạch nhật. Thuận Thiên khi ấy đang có mang Trần Quốc Khang, tức là Khang đang làm con Trần Liễu chuyển thành con Trần Cảnh. Bà Thuận Thiên mắn phước, đến tháng 10 năm 1240, sinh ra Trần Hoảng [Trần Thánh Tông], cuối năm sau lại sinh thêm Trần Quang Khải.

Sơ lược đôi dòng như thế để thấy, thân phận những người phụ nữ/con gái, giai đoạn Lý- Trần, tưởng là cành vàng lá ngọc, nhưng thực chất, qua những ghi chép từ lịch sử ta có thể thấy rằng, cuối cùng họ vẫn là những thân hoa được dùng để đổi chác trên bàn cờ chính trị. Sử không ghi các bà Thuận Thiên, Chiêu Hoàng, Ngoạn Thiềm có suy nghĩ gì, cảm xúc ra sao, khi bị đối xử như là món hàng trong tay những người đàn ông, mà chỉ ghi hai anh em Trần Liễu- Trần Cảnh ôm nhau khóc vì màn tráo vợ- đảo chính bất thành, mặc cho Trần Thủ Độ hậm hực thấy mình như “con chó săn, biết đâu anh em các người thuận nghịch thế nào”. Cách ghi chép ấy là để nhấn mạnh vào đức hiếu- đễ- nhân- hòa mang màu sắc Nho gia của anh em nhà thiên tử. Còn hai chị em Thuận Thiên- Chiêu Hoàng thì chẳng có một lời nào cả, họ đã bị mất giọng qua ngòi bút sử quan. Chuyện còn dài đến năm 1258, sau khi đánh xong quân Nguyên, Trần Cảnh khi ấy dùng Chiêu Thánh công chúa (vợ cũ của mình) ban hôn cho Lê Phụ Trần vì có công hộ giá chống giặc, với lời nhắn: “Trẫm không có khanh thì đâu có ngày nay. Khanh hãy cố gắng để cùng trọn vẹn về sau”3. Bà Chiêu Thánh công chúa thì vô ngôn, nhưng sau đó may mắn tiệt bệnh vô sinh, đẻ cho Phụ Trần hai đứa con khi đã ngoài 40 tuổi. Bà khi bé thì bị sắp đặt lên ngôi, cưới chồng, trao ngôi, chống mắt nhìn bố và gia tộc nhà Lý lần lượt bị giết hại (1226, 1232), khi sinh con thì con chết (1233), lớn thì bị phế truất ngôi Hoàng hậu vì chứng vô sinh, và mất chồng về tay bà chị ruột. Cả tuổi thanh xuân (từ 20-40 tuổi) dằng dặc trong cô đơn vò võ. Đến lúc xế chiều vẫn chỉ là món đồ đổi chác của ông chồng thanh mai trúc mã chơi trò té nước vứt khăn thuở xưa. Cuộc đời bà là một chuỗi dài của thì bị động.


Diễn viên Lâm Thanh Mỹ vai An Tư công chúa trong phim “Hoàng Quý muội” – phim giả tưởng xoay quanh mối tình xuyên không gian từ năm 1285 đến hiện tại của công chúa An Tư, mới được sản xuất năm 2020. 

Trong khi đó, bà Thiên Cực họ Trần hiện lên như là một người phụ nữ thời đại khi đã tham gia vào trò chơi quyền lực của đàn ông. Từ một người con gái xinh đẹp nơi Hải Ấp, bà trở thành vợ Thái tử, lên đến Nguyên phi rồi tụt xuống Ngự nữ, trải qua nhiều lần chết hụt khi bụng mang dạ chửa với các chiêu thức hạ độc của bà mẹ chồng – Hoàng thái hậu họ Đàm, Trần thị đã được trui rèn để học cách sinh tồn (cho mình và cho các con gái của mình) từ đó tìm cách mở ra những chân trời mới, những cơ hội mới, cho cả bản thân và gia tộc nhà Trần. Từ vị thế nạn nhân, bà dần trở thành chủ thể chính trên diễn đài lịch sử, trở thành người chủ động đi những nước cờ lớn. Hai cô con gái nhỏ của bà, ở một góc nhìn nào đó, là nạn nhân của chính bà, nhưng cũng là thành tựu của bà. Bà là Hoàng hậu của Lý Huệ Tông, là mẹ của Chiêu Hoàng- Thiên Cực, là con gái của Minh tự Trần Lý, là em gái của Thái thượng hoàng Trần Thừa (Thái Tổ), là “mẹ vợ mũ 3” của Trần Cảnh (Thái Tông) và Trần Liễu (An Sinh vương), đồng thời là cô ruột của hai vị này, từ đó bà là bà ngoại/ nội của các danh nhân như Trần Tung, Trần Quốc Tuấn, Trần Doãn, Trần Quốc Khang (qua Thiên Thành- Trần Liễu), là bà ngoại/ nội của ông vua Trần Hoảng (Thánh Tông), Trần Quang Khải (qua Thiên Thành- Trần Cảnh). Cuối cùng, bà là Linh Từ quốc mẫu- vợ của khuôn mặt chính trị bậc nhất khi ấy- Trần Thủ Độ. Sử thần Ngô Sĩ Liên dù khẳng định: “trời sinh Linh Từ là để mở nghiệp nhà Trần”, nhưng cũng có lời bình rằng: “Linh Từ trước lấy Lý Huệ Tông là bất chính, sau lấy Trần Thủ Độ là thất tiết”. Nếu nhìn lại, ta thấy, bà Trần thị là người đàn bà tầm cỡ của thế kỷ 13, là gạch nối quan trọng giữa hai triều đại Lý- Trần. Từ nạn nhân của nền chính trị gia tộc nam quyền, bà đã tham gia cuộc chơi quyền lực để chuyển phận đàn bà của mình sang thế chủ động. Và trong cuộc chiến sinh tồn ấy, việc hy sinh hai con gái để giữ mạng cho ba mẹ con là một việc nằm ngoài những bao biếm thường tình.

Phụ nữ (và các cô gái, thậm chí cả các bé gái) luôn là những sinh linh yếu ớt trong cuộc sống, đặc biệt là trong những cuộc chiến tranh, họ thường là đối tượng của xâm hại, họ bị hành xử như là một món hàng, một thứ chiến lợi phẩm.

Phụ nữ – chiến lợi phẩm và nô lệ tình dục

Phụ nữ (và các cô gái, thậm chí cả các bé gái) luôn là những sinh linh yếu ớt trong cuộc sống, đặc biệt là trong những cuộc chiến tranh. Mới đây thôi, chúng ta mới biết đến một văn bản mua bán hai mẹ con nữ nô tại Bình Định vào năm Gia Long 7 (1809) với giá 105 quan. Văn khế bán đoạn này cho thấy dường như việc làm của họ vẫn nằm trong khuôn khổ, luật lệ của thời bình. Nhưng trong các cuộc chiến tranh, phụ nữ thường là đối tượng của xâm hại, họ bị hành xử như là một món hàng, một thứ chiến lợi phẩm.

Chúng ta đã biết đến ba người phụ nữ (Dương hậu, Ngô công chúa, và Đinh công chúa- con gái Đinh Bộ Lĩnh) đã trở thành con bài chính trị trong cuộc hôn nhân nổi tiếng: ba bố con họ Đinh lấy ba mẹ con nhà Ngô vào thế kỷ X. Kẻ chiến thắng sử dụng lại vợ con của kẻ chiến bại, nhằm củng cố cho tính chính thống của nhà Đinh.4 Ngô công chúa (vợ Đinh Liễn) đã hoàn toàn mất dấu sau khi Đinh Liễn bị sát hại. Dương hậu trở thành Hoàng hậu hai triều – là chiến lợi phẩm hôn nhân của Đinh Tiên Hoàng. Còn Đinh công chúa thì cuối cùng bị ông chồng Ngô Nhật Khánh rạch má để trả thù cái chuyện “bố mày khi hiếp mẹ con tao” ((흘만퍼脅乖캡綾), trước khi lên thuyền sang Chiêm Thành cầu viện binh. Năm 982, vua Lê Hoàn phạt Chiêm, chém vua Bế Mi Thuế (Parames’varavarman I), tù binh nhiều không đếm xuể, vàng bạc châu báu hàng vạn, lại bắt cả trăm cung nữ Chiêm Thành. Chiến lợi phẩm về người và của dồi dào để năm 984 Lê Hoàn xây xong các cung điện nạm vàng bạc, như Phong Lưu, Tử Hoa, Bồng Lai, Cực Lạc, Long Lộc, Trường Xuân.

Năm 1044, vua Lý Thái Tông đánh Chiêm, chém vua Sạ Đẩu, giết được 3 vạn, vào thành Phật Thệ bắt vợ cả vợ lẽ và các cung nữ giỏi múa hát. Khi về đến Lị Nhân (Lý Nhân, Hà Nam nay) sai phi Mỵ Ê vào ngự hầu. Mỵ Ê phẫn uất cuốn chăn nhảy sông tự vẫn. Vua khen tấm gương trinh tiết đẹp đẽ, phong làm Hiệp Chính Hựu Thiện phu nhân, nay còn nhiều đền thờ ở Lý Nhân. Các sử liệu vừa nêu là một hiện trường hiển minh cho thấy việc sử dụng thân xác phụ nữ như là chiến lợi phẩm phục vụ cho nhu cầu tình dục của kẻ chiến thắng. Phần lớn phi tần có lẽ đều cố chịu đựng kiếp đọa đày để bảo toàn sinh mệnh, riêng có Mỵ Ê là phản kháng bằng cái chết. Lý Thái Tông phong thần lập đền cho Mỵ Ê chỉ là một hành động khỏa lấp nỗi sợ của người gây ra án mạng và chuyển hóa nạn nhân trở thành bề tôi trong cõi bách thần mà mình cai quản.


Chiêu Thánh đăng cơ, minh họa của Ngô Quang Thiện. Nguồn: Đại Việt cổ phong. 

Không có một lời nào của mấy sử quan đàn ông về lỗi của ông vua. Chỉ thấy đời sau, ông Ngô Sĩ Liên bình rằng: “Phu nhân giữ nghĩa không chịu nhục, chỉ theo một chồng cho đến chết, để toàn vẹn trinh tiết của người đàn bà. Người làm tôi mà thờ hai vua tức là tội nhân đối với Phu nhân. Vua khen là trinh tiết, phong làm phu nhân để khuyến khích người đời sau là đáng lắm.” Câu ngợi ca của họ Ngô thực chất chỉ là lời của phía đàn ông, đang lên giọng đạo đức để khen cả người bị chết lẫn kẻ thủ ác. Từ góc độ đạo đức, ông hùa theo Lý Thái Tông ca ngợi cái chết để bảo vệ trinh tiết của bà là đúng với các chuẩn mực đạo đức của nhà nho. Tức là dùng cái chết ấy để làm gương cho các phụ nữ đời sau, là cũng là tấm gương cho cánh đàn ông trong chuyện chính trị: bề tôi không thờ hai vua, gái không lấy hai chồng. Lĩnh Nam chích quái – một sản phẩm khác của đàn ông, dựa theo chính sử để thêu dệt nên những tình tiết mới. Họ lắp vào mồm người đã chết những ngôn từ của phái tính mình, và phe phía chính trị của mình. Truyện viết cảnh hồn ma Mỵ Ê nói với vua rằng: mình chỉ là “vợ hầu của Mường mọi, y phục xấu xí, ngôn ngữ quê mùa, không giống các bậc phi tần Trung Hoa. Nay quốc phá phu vong, chỉ nguyện có chết là thỏa lòng, nếu áp bức hợp loan, sợ ô uế long thể”. Họ gọi Mỵ Ê là “Man nữ”, là “vợ hầu của Mường mọi”, phục trang, ngôn ngữ quê mùa không giống văn minh Trung Hoa (Đại Việt), tức là nhìn phụ nữ từ góc độ Hoa- Di. Nhưng câu “sợ ô uế long thể” là giọng nói nịnh nọt của mấy ông bề tôi để biện bạch cho người gây ra án mạng. Ở đoạn sau, để giải quyết vấn đề “sợ ma ám” của vị quân vương, họ coi cái chết của bà là một ân sủng: “May nhờ hồng ân bệ hạ sai sứ đưa thiếp xuống tuyền đài cùng chồng hội diện, sở nguyện của thiếp được thỏa mãn rồi còn có linh gì mà dám đến đây đường đột?”5

Mặc dù, đây chỉ là một câu chuyện “chích quái” được sáng tác với mục đích phi sử, nhưng trong đó đã hàm chứa những diễn ngôn của phái tính và đạo đức chính trị. Người sáng tác, đứng trên vai trò đàn ông và tư tưởng Nho giáo, cố gắng bào chữa cho sai lầm của ông vua, và tiếp tục lên mặt dạy đạo đức để củng cố quyền lực của phe nhóm chiến thắng, cũng như vị trí chính trị của hệ tư tưởng mà mình nắm giữ. Như vậy, họ dùng các khái niệm “trinh tiết, đức hạnh” để lấp liếm tội ác, dùng việc thờ cúng để che đi nỗi sợ, và sáng tác văn học để hợp lý hóa câu chuyện theo chiều hướng có lợi cho mình. Nghĩa là, người phụ nữ khi sống thì thân xác bị chà đạp, khi chết thì tiếp tục bị lợi dụng cho nhu cầu quyền lực và tuyên truyền cho đạo đức chính trị của cánh đàn ông. □

Tài liệu tham khảo

1 An nam chí nguyên, Cao Hùng Trưng biên tập, NXB. Đại học Sư phạm, Hà Nội, 2017, tr.352.

2 Tạ Chí Đại Trường, Chuyện phiếm sử học, NXB. Tri thức, Hà Nội, 2016, tr.214. Hai vị sinh năm 1218, khi 8 tuổi thì lấy nhau (năm 1225), đến năm 1233 là 15 tuổi, sử ghi Hoàng thái tử Trịnh chết non (Toàn thư 1998 T2, tr.14)

3 Chiêu Hoàng lấy Lê Phụ Trần khi đã 40 tuổi, sinh được 2 con. Trai là Thượng vị hầu Lê Tông, gái là Ứng Thụy công chúa Lê Khuê. Bà mất tháng 3 năm 1278, thọ 61 tuổi. (Toàn thư 1998, tập 2, tr.43).

4 Trần Trọng Dương, Việt Nam thế kỷ X- những mảnh vỡ lịch sử, NXB Đại học Sư phạm, Hà Nội, 2019. tr.271-279.

5 Mỵ Ê Trinh Liệt phu nhân truyện, Lĩnh Nam chích quái [Tôn Tốn, Trịnh Khắc Mạnh (cb), Việt Nam hán văn tiểu thuyết tập thành, Thượng Hải cổ tịch xuất bản xã, Thượng Hải, tr.141]

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)