Một ý nghĩ nhỏ về hư cấu lịch sử

Nhu cầu “ghi nhớ lại những điều không muốn quên” sẽ dẫn tới những tác phẩm viết về lịch sử từ góc nhìn của cá nhân tham dự, chỉ bởi chính cảm giác bất tín về những gì được viết lại từ người khác. Và dường như càng ngày càng nhiều hơn nữa là những cá nhân trải nghiệm sự tưởng tượng về lịch sử theo cách riêng trong văn chương, trong đó hư cấu là đích đến chứ không phải là điểm xuất phát để diễn giải về lịch sử.

Những truyền thuyết dân gian được lưu truyền nhiều đời, và chúng ta tin, ở khía cạnh nào đó, như là những dấu tích đầu tiên về lịch sử một dân tộc, một đất nước, một khu vực văn hóa, như cách người dân bình thường Việt Nam nhiều đời nương bám vào những câu chuyện về Quả bầu mẹ, Lạc Long Quân và Âu Cơ, về Hùng Vương,… Ở đó không có giọng cá nhân. Đó là những tiếng nói đã hòa lẫn vào nhau của một tập thể người vô danh, tiếng nói của những thân xác nhiều đời trong cát bụi. Nó hỗn trộn cả sự tri nhận sáng suốt lẫn những mê tín, những niềm tin phi lý, nó cho phép mở rộng biên độ vô tận của tưởng tượng cùng với niềm tin vào sự thật nào đó như một cái lõi trung tâm… Nhu cầu “tìm lại gốc” trong những nguồn mạch nguyên thủy của người đọc hiện nay dường không phải nỗ lực tìm biết sự thật tin cậy được, mà dường như còn là nhu cầu tự an ủi: chúng ta đi chênh vênh trên mặt đất này, chỉ là những thân xác đã cắt lìa, bị xếp đặt ngẫu nhiên trong vũ trụ, ở những lát cắt thời gian và không gian ngắn ngủi trong sự vô hạn của nó… hay có thể được cắm rễ trên một thứ cổ tầng văn hóa nào đó chăng? Tôi có một ý nghĩ nhỏ, có phải cảm giác “được an ủi” này đến từ một đặc tính riêng biệt của nguồn tài nguyên dân gian: mặc dù là tiếng nói của cả một tập thể, lớn trong không gian và dài lâu trong thời gian, và mặc dù đầy những chi tiết hoang đường, những câu chuyện, những tiếng nói này lại có khả năng nuôi dưỡng một thứ niềm tin mơ hồ về gốc gác, là bởi chúng không hề gây cảm giác về một “quyền lực” áp đặt về tri thức. Những kẻ đã sống trải kể lại, và để chúng ta được tiếp cận với chính lai lịch của mình một cách hồn nhiên trong tưởng tượng bằng những câu chuyện ấy.

Khi mỗi cá nhân ý thức được quyền lên tiếng của mình và quyền chống lại những áp chế từ những tiếng nói khác, khi chữ viết là một phương tiện phổ biến của tất cả mọi người, lịch sử – gắn với những từ quen thuộc như “sự thật”, “khách quan” trở nên bất tín và đầy chủ quan ở từng cá nhân. Cùng lúc, thế giới của hư cấu văn chương lên tiếng phá vỡ quyền coi lịch sử như những chất liệu chuyên biệt và độc tôn của các nhà làm sử, lịch sử trở thành một đối tượng bình đẳng với chất liệu khác của văn chương.

Câu chuyện về lịch sử, về nhu cầu chống quên lãng, và nỗ lực chống quên lãng của con người dần được ghi lại bằng văn tự, đã thu hẹp lại góc nhìn: một tập thể vô danh trở thành một nhóm người, gắn với các triều đại hưng vong. Trong khi “khẩu thiệt vô bằng” thì chữ viết, được khắc ghi vào bia đá, thẻ tre, sổ sách, là một bằng chứng hữu hình của quyền lực bởi nó là dấu chỉ của niềm tin/ảo ảnh về “sự thật”. Nhưng dù không ai nghi ngờ chức năng, nhiệm vụ của những người chép sử đã được đề cao về độ tín thực, không thể có tiêu chí nào đánh giá chính xác, trọn vẹn sự tín thực đó. Bằng chứng là những bộ chính sử và ngoại sử, dã sử… luôn tồn tại cùng nhau, và mặc dù khác biệt, hay là chính vì sự khác biệt, chúng không thể loại trừ nhau. Khi lần tìm lịch sử đã được ghi lại bằng văn tự, bây giờ, các chuyên gia phải làm việc trên tất cả những nguồn dữ liệu ấy, và khi sự hoài nghi của người đọc tăng lên, thì mức độ tin cậy/không tin cậy của dữ liệu cũng được đặt ra để soi xét, định giá lại.

Khi mỗi cá nhân ý thức được quyền lên tiếng của mình và quyền chống lại những áp chế từ những tiếng nói khác, khi chữ viết là một phương tiện phổ biến của tất cả mọi người, lịch sử – gắn với những từ quen thuộc như “sự thật”, “khách quan” – trở nên bất tín và đầy chủ quan ở từng cá nhân. Cùng lúc, thế giới của hư cấu văn chương lên tiếng phá vỡ quyền coi lịch sử như những chất liệu chuyên biệt và độc tôn của các nhà làm sử, lịch sử trở thành một đối tượng bình đẳng với chất liệu khác của văn chương. Thực tế, nhiều cuốn sách văn chương từ những câu chuyện cá nhân có thể lay động nhận thức lịch sử của người đọc hơn những cuốn sách tư liệu với các con số, các thống kê, chẳng hạn, tiếng nói của người chứng, của nạn nhân Holocaust trong “Có được là người” của Primo Levi hay “Không số phận” của Imre Kertész, trong vô vàn các cuốn sách khác cùng phạm vi đề tài. Nhu cầu “ghi nhớ lại những điều không muốn quên” cũng sẽ dẫn tới những tác phẩm viết về lịch sử từ góc nhìn của cá nhân tham dự, chỉ bởi chính cảm giác bất tín về những gì được viết lại từ người khác. Và dường như càng ngày càng nhiều hơn nữa là những cá nhân trải nghiệm sự tưởng tượng về lịch sử theo cách riêng trong văn chương, trong đó hư cấu là đích đến chứ không phải là điểm xuất phát để diễn giải về lịch sử. Nhiều tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp, của Trần Vũ dường như mang hàm ý giả huyền thoại về lịch sử dựa trên một vài nguồn sử cũ, đã từng gây ra không ít tranh luận về “quyền bịa đặt” của văn chương trong đời sống văn học Việt Nam đương đại.

Sự bất tín của cá nhân chủ thể nhận thức với những nhận thức, ở đây là nhận thức về sự thật lịch sử, đã được phán định là khởi đầu của những ý thức đưa ra cách diễn giải khác, ý thức tấn công vào các thiết chế mang tham vọng tạo dựng uy quyền độc tôn. Đâu là khách quan, sự thật lịch sử? Và có phải chỉ có một cách diễn giải về sự thật trong khi diễn giải là một hành vi làm trượt nghĩa liên tục? Sự tồn tại vô tận các diễn giải này có dẫn tới chỗ bừa bãi vô lý? Và dẫu chẳng còn mới mẻ gì trong những câu hỏi kiểu này, trong tuyên bố bất tín về “sự thật”, nhưng sự hoài nghi riêng biệt ở từng cá nhân dường như vẫn đáng để suy ngẫm. Nhu cầu chính đáng, và thậm chí bức thiết ở những trường hợp nào đó, nỗ lực nói ra sự thật luôn cần đi liền với sự phản tỉnh về chính nỗ lực đó, bởi mỗi một kẻ viết ra một sự thật của cá nhân mình cũng chỉ là một phần tử trong chuỗi vô hạn những tương tác với những sự thật của các cá nhân khác, trong hành trình hướng tới một điểm đích tuyệt mù của sự thật. Thế giới phân rã, đó không phải là một cảnh báo, đó là một sự thật, thì người ta không thể sống trong sự lẩn tránh những tiếng nói phân rã đó. Và ý thức về quyền lực của sự lên tiếng cũng đồng thời là ý thức không nỗ lực biến mình thành những tiếng nói quyền uy về cái gọi là sự thật.

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)