Mù quáng và tỉnh thức trong tình yêu

Tình yêu không chỉ dựa vào cảm xúc mà còn được định đoạt bởi cách mỗi người tự nhận diện bản thân mình.


Chúng ta thường hiểu về tình yêu như bằng sự hồn nhiên, tình cờ, đầy cảm hứng. Những rung động ấy quá đẹp, khiến ai đó đang yêu chỉ muốn chúng kéo dài vĩnh viễn, dù biết rằng thực tế chẳng điều gì tồn tại mãi mãi. Thậm chí, có những trường hợp cực đoan, mù quáng, bất chấp sự an toàn tâm trí và thể chất của bản thân. Đặt sang bên cạnh câu chuyện về những mối quan hệ bạo hành, trong đó nạn nhân chưa thể thoát ra vì các yếu tố môi trường xã hội, sinh kế, vị thế chưa đủ để họ được độc lập. Bài viết này bàn luận về trường hợp những người chủ động yêu thiết tha một mối quan hệ đầy dằn vặt. Cơ chế tâm lý nào khiến họ rơi vào và không thể thoát ra một tình yêu mù quáng? Và nếu yêu một cách lý trí hơn, có làm mất đi sự lãng mạn của tình yêu?

Thiếu khả năng đánh giá lòng tự trọng

Thật nguy hiểm khi bắt đầu một mối quan hệ, mà chưa biết tự đánh giá bản thân mình. Tự đánh giá bản thân là nhận diện được những giá trị của bản thân, hiểu mình xứng đáng với điều gì. Theo đó, cá nhân biết điều chỉnh tương tác của mình trong một mối quan hệ, để duy trì cảm nhận xứng đáng ấy. Nghĩa là, nếu mối quan hệ có tính xây dựng, mình cần trân trọng và thể hiện hết những tiềm năng tốt đẹp, hướng tới người bạn đồng hành. Nếu mối quan hệ nhiều tính tổn thương, mình cần đặt ra ranh giới và hướng dẫn bạn đồng hành cách ứng xử đúng với mình. Thậm chí, mình sẽ rời bỏ mối quan hệ, nếu các ranh giới bảo vệ sự an toàn thể lý và tự trọng tâm lý bị xâm phạm.

Giá như ai cũng làm được vậy! Năm 1981, nhà nghiên cứu tâm lý Willian Swann đề xuất lý thuyết Tự xác minh (Self-Verification Theory), lý giải cho việc không phải ai cũng duy trì được giá trị, niềm tin, làm chủ được hành vi của mình, mà bị ảnh hưởng bởi ứng xử của người khác dành cho mình.

Tự xác minh nghĩa là cá nhân luôn muốn người khác nhìn mình, theo cách chính mình nhìn nhận bản thân. Theo đó, chìa khóa của việc con người sẽ hành động như thế nào, không nằm ở việc chứng minh hay phản biện quan điểm của người khác về họ, mà nằm ở cách họ nhìn nhận bản thân. Lý thuyết tự xác minh nhận định, người vốn có hình ảnh tích cực về bản thân sẽ nỗ lực cho người khác thấy sự tốt đẹp. Trong khi đó, người có hình ảnh tiêu cực về bản thân sẽ cho người khác thấy những bất ổn trong mình, mà điều đó tình cờ thống nhất với phán xét mà họ từng được nhận. Điều đó lý giải vì sao, có những người bị nhấn chìm trong đánh giá, phán xét của người khác, một số khác vươn lên và tỏa sáng.

Vị kỷ để chính mình lành mạnh và vị tha để giúp người đồng hành cũng lành mạnh như vậy – hai khía cạnh này có thể song hành mà không loại trừ nhau.

Trong mối quan hệ cặp đôi, hình ảnh bản thân còn điều hướng cách con người hướng đến ai để xây dựng mối quan hệ, hoặc quan tâm đến nhận định của ai. Lý thuyết Tự xác minh cho rằng, con người sẽ tìm đến hoặc ghi nhớ những ai đánh giá mình theo cách mình nhìn bản thân. Theo cách nói thông thường, hiện đại hơn là, những người nhìn bản thân tiêu cực sẽ bị hút vào những ai đánh giá thấp họ. Ngược lại, những người yêu quý bản thân sẽ hút được những người trân trọng họ.

Trong bối cảnh một mối quan hệ tình yêu mù quáng, luôn cam kết và tận hiến dù đã chịu đựng nhiều ứng xử không lành mạnh, người ấy mù quáng không phải vì họ quá yêu, mà vì họ chưa đủ trân trọng, ghi nhận, thấu hiểu giá trị bản thân mình.

Mang lịch sử của gia đình không hạnh phúc

Hai người trưởng thành không chỉ yêu nhau bằng chính con người họ. Họ mang cả những đặc điểm lịch sử gia đình của mỗi người, để ứng xử với nhau. Hai nhà nghiên cứu Paul Amato và Alan Booth đã giải thích rằng, người trưởng thành bất hạnh trong tình yêu, chịu ảnh hưởng nhiều từ mối quan hệ của cha mẹ họ. Các nhà nghiên cứu gọi đó là sự học tập của con cái thông qua quan sát.

Những đứa con trong gia đình cha mẹ xung đột ít cơ hội để học được các mẫu ứng xử như tương trợ, thỏa hiệp, giải quyết bất hòa một cách thân thiện – những mẫu ứng xử thúc đẩy sự bền chặt lâu dài, hài lòng giữa cặp đôi. Ngược lại, con trẻ chỉ tiếp nhận được những gì chúng chứng kiến, như cãi cọ, lớn tiếng (gây hấn chủ động) hay im lặng, sử dụng từ ngữ hạ thấp giá trị (gây hấn thụ động)… Con trẻ dùng những chiến lược này để bảo vệ bản thân trong các mối quan hệ chúng hiện có, như mối quan hệ với anh chị em hoặc bạn đồng trang lứa ở trường và lớn lên là mối quan hệ tình yêu. Những đứa con trong gia đình không hạnh phúc, họ diễn giải mọi hành vi không lành mạnh trong mối quan hệ là được phép, để duy trì và bảo vệ tình yêu. Về nhận thức, họ biết những hành vi đó gây đau khổ và nên dừng lại. Nhưng về niềm tin, họ tin chắc chắn rằng người ta chỉ thực hiện những hành vi đó vì yêu mà thôi.

Bên cạnh đó, Knight Aldrich – một nhà phân tâm đương đại đã mô tả về dạng thức “tái hiện tình yêu phụ huynh – con cái” trong các mối quan hệ bất hòa, nhưng vẫn cố níu kéo bên nhau. Mối quan hệ này không có sự đầu tư tương đồng giữa hai người. Một bên chuyên nhận, một bên chuyên cho, chẳng hạn một người nghiện rượu và người quá bao dung kết đôi với nhau. Chừng nào người nghiện rượu còn tiếp tục nghiện rượu, người ấy còn tiếp tục xu hướng tìm kiếm người tha thứ và hứng chịu các tổn thương do mình tạo ra. Chừng nào người bao dung bỏ quên bản thân còn chưa khẳng định giới hạn của bản thân, người ấy còn tiếp tục xu hướng tìm kiếm người khiến cho tinh thần mình bị kiệt quệ. Thông thường, người chọn ở lại trong vai nạn nhân của một mối quan hệ như vậy, từng đóng vai trò một người lớn chịu đựng trong gia đình gốc của mình. Vai trò người lớn chịu đựng này từng thường quá sức với họ. Chẳng hạn như một đứa con có tiềm năng nhất trong gia đình, phải thay cha mẹ chăm sóc cho các em, hoặc thậm chí chăm sóc cho cả người cha, người mẹ vì lý do nào đó, không thực hiện được bổn phận làm cha mẹ của mình.


Aldrich còn mô tả thêm một dạng thức khác mang tên “cạnh tranh gia đình mở rộng”. Các cá nhân mang các vấn đề chưa sửa chữa được ở cha mẹ chuyển di (transfer) lên người yêu, người bạn đời. Chuyển di là một cơ chế phòng vệ vô thức cho phép con người cảm nhận, hành xử với người khác như thể người khác đó là cha, mẹ mình, có điều bản thân mình lại không ở vai con. Họ còn những ấm ức với mẹ cha, còn khao khát sự chứng minh điều gì đó quan trọng với mẹ cha, nhưng đã bất lực nhiều lần. Nay họ mang tất cả những điều đó đặt lên vai người yêu, người bạn đời. Họ vô thức cho rằng, có thể sửa chữa những ẩn ức quá khứ khi có vị thế cân bằng, chứ không ở vị thế làm con. Thực tế thì, họ đang đối xử thiếu công bằng với người yêu, người bạn đời. Kết quả là, nhiều mối quan hệ thiếu lành mạnh nhưng vẫn duy trì cảm xúc thiết tha, là vì họ thông qua nhau, phóng chiếu cả tổn thương lẫn tình yêu vô bờ bến đáng lẽ cần được biểu đạt và chữa lành với cha mẹ họ. Hai người họ không chỉ mắc kẹt trong tình yêu và ghét bỏ giữa nhau, họ còn mắc kẹt trong yêu thương và tổn thương với gia đình gốc của mình.

Yêu một cách có nhận biết

Người khôn ngoan thường khuyên mọi người cần “yêu lý trí hơn”. Tuy nhiên, cách gọi này có thể “phản tác dụng” đối với những người đang chìm đắm vào một mối quan hệ thiếu lành mạnh, họ sẽ phản bác rằng: Lý trí là tính toán, cân đo, đánh giá, phán xét. Suy nghĩ quá nhiều thì thấy điều gì cũng chưa hoàn thiện, làm sao có thể yêu; Lý trí hướng đến lựa chọn có lợi cho mình còn khi yêu, nhiều khi ta đặt người bạn đồng hành lên trên chính mình. Vị kỷ, làm sao có thể yêu; Lý trí đối nghịch với cảm xúc. Yêu trên nền tảng cảm xúc mới là chân thật.

Tình yêu mù quáng thực chất có những điểm mù về tâm trí mà những người trong cuộc đang từ chối hoặc chưa tìm được cách ứng phó lành mạnh hơn. Họ từ chối nhìn vào giá trị bản thân và những niềm tin, hành vi về mối quan hệ được tập nhiễm trong quá khứ trong gia đình mình. Hoặc họ đã nhận biết được, nhưng những gì đau khổ thường rất khó dung chứa và học cách ứng phó mới. Tuy vậy, khó không có nghĩa là không thể. Sự chữa lành bắt đầu khi họ trở nên nhận biết hơn về chính mình. Người nghiên cứu tâm lý không gọi điều này là “Yêu lý trí” mà gọi là “Yêu một cách có nhận biết”.

Dù chưa cắt nghĩa được lí do đằng sau những cảm xúc trào dâng trong lòng, người yêu một cách có nhận biết hiểu rằng cảm xúc luôn xuất phát từ suy nghĩ. Suy nghĩ đó có thể là sự cuốn hút về vẻ bề ngoài, sự khâm phục về mặt tài năng, sự thương cảm về hoàn cảnh…Yêu một cách có nhận biết cho phép thấu hiểu những cảm xúc phật lòng, giận hờn, thịnh nộ nhưng đồng thời cũng hiểu được những ranh giới nào không thể tha thứ. Khi đó, chỉ lựa chọn chấp nhận những khiếm khuyết của người bạn đồng hành khi cả hai bên cùng bao dung, cùng đối thoại, cùng sửa chữa. Yêu một cách có nhận biết sẽ không vì những xúc động nhất thời mà bỏ qua, che giấu, bóp méo những hành vi thiếu lành mạnh trong mối quan hệ.

Yêu một cách có nhận biết hướng đến lựa chọn có lợi cho mối quan hệ, mà bản thân mình cần là người lành mạnh trước tiên. Vị kỷ để chính mình lành mạnh và vị tha để giúp người đồng hành cũng lành mạnh như vậy – hai khía cạnh này có thể song hành mà không loại trừ nhau.

Yêu một cách có nhận biết làm cho cảm xúc sâu sắc hơn. Không còn dựa vào những cảm xúc bề mặt để quyết định gắn bó, mà hiểu gốc rễ vì sao mình muốn cam kết như vậy, hiểu vì sao mình phải có trách nhiệm thương lấy người bạn đồng hành. Đặt trong bối cảnh một mối quan hệ thiếu lành mạnh hay độc hại, sự đào sâu nhận thức này có thể giúp người trong cuộc nhận ra rằng, liệu có đáng để đánh đổi những tổn thương tinh thần lấy việc duy trì sự gắn kết giữa hai phía?

Vì thế, yêu một cách có nhận biết vượt qua sự lãng mạn ngây ngô vì được mê muội ai đó, để trở thành lãng mạn khi hai người được cùng nhau nhìn sâu vào chính mình hơn bao giờ hết. Họ thấu hiểu nhau và tin rằng người bạn đồng hành sẽ học cách thấu hiểu mình. Họ đồng điệu đến mức cùng nhìn được về một hướng và cảm nhận sự đẹp đẽ của những điều giản dị.

Công nhận tổn thương và chữa lành tinh thần

Vậy, làm thế nào để một người đang yêu mù quáng, trở thành người có khả năng yêu một cách có nhận biết? Đó là một hành trình nối tiếp của hai chặng đường: công nhận tổn thương và chữa lành tinh thần.

Công nhận tổn thương bao gồm, nhưng không nhất thiết trải nghiệm tất cả những khía cạnh sau đây: Thừa nhận mình đang tuyệt vọng trong mối quan hệ thiếu lành mạnh; Quyết định ngừng nỗ lực cứu mối quan hệ, thay vào đó, quyết định cứu lấy chính mình; Tìm kiếm sự trợ giúp tinh thần từ bên ngoài, chẳng hạn gia đình, bạn thân đáng tin cậy, người có kinh nghiệm biết lắng nghe, sự trợ giúp chuyên nghiệp từ nhà tham vấn, nhà tâm lý. Cho bản thân không gian riêng để chiêm nghiệm, có thể ngừng tiếp xúc với bạn đồng hành. Việc ngừng tiếp xúc giúp người đó tập trung được vào bản thân. Việc chiêm nghiệm này có thể xoay quanh một số chủ đề như: (1) So sánh tâm trạng thường trực của mình tốt hơn hay xấu đi trước và sau khi bước vào mối quan hệ; (2) Những người đáng tin cậy và yêu quý mình từng cảnh báo gì về mối quan hệ này? Điều họ nói đến nay đúng ở mức độ nào? Có điều gì mình đã phớt lờ bấy lâu, vì sao mình lại phớt lờ? (3) Mình tin rằng giá trị bản thân của mình đang ở đâu? Mình xứng đáng với điều gì? Mình từng mong đợi một mối quan hệ tình cảm như thế nào? Mối quan hệ hiện có so với hình mẫu ấy, cách xa nhau thế nào?

Chữa lành tinh thần là chặng đường rất dài và khó khăn tiếp theo. Sự đồng hành của người tham vấn tâm lý chuyên nghiệp có thể giúp quá trình này diễn ra thuận lợi hơn. Một số trải nghiệm trên tiến trình chữa lành tinh thần bao gồm, nhưng không giới hạn ở: Nhận ra sự lặp đi lặp lại của mình về những thất bại và đau khổ trong mối quan hệ; Đánh giá lại các hành vi mà mình góp phần vào thất bại ấy; Đánh giá sự lặp lại của hình mẫu gia đình gốc lên con người hiện tại của mình; Làm lành với tuổi thơ có tổn thương; Học các mẫu hành vi trong mối quan hệ tình cảm mang tính khỏe mạnh hơn, chẳng hạn: đánh giá hành vi của đối phương với mong đợi của bản thân, thiết lập các ranh giới trong mối quan hệ, trao đổi thẳng thắn và tôn trọng những ranh giới này với bạn đồng hành, biết cách nói không, tỏ thái độ không hài lòng khi bạn đồng hành xâm phạm ranh giới, đồng thời giữ thái độ tôn trọng bạn đồng hành, nói lời khẳng định những nỗ lực và đóng góp của mình vào mối quan hệ; Thiết lập các mối quan hệ xã hội lành mạnh, trong đó có những mối quan hệ tin cậy mà mình có thể nhờ đến sự trợ giúp của họ khi bị tổn thương.

Hai trạng thái yêu mù quáng và yêu có nhận biết, hoàn toàn khác nhau về chất. Người có khả năng yêu một cách có nhận biết là người rất khỏe mạnh về tinh thần. Để chuyển từ trạng thái mù quáng sang nhận biết, cần chăm sóc lại toàn bộ đời sống tinh thần của mình, chứ không thu hẹp ở sửa đổi các hành vi trong mối quan hệ.□

Tài liệu tham khảo:

Aldrich, K. (1966). An Introduction to Dynamic Psychiatry, New York, NY: Mc Graw – Hill Book Company

Amato, P. R., & Booth, A. (2001). The legacy of parents’ marital discord: Consequences for children’s marital quality. Journal of Personality and Social Psychology, 81(4), 627-638. doi:10.1037/0022-3514.81.4.627

Swann, Jr. W.B., & Read, S.J. (1981). Self-verification process: How we sustain our self-conceptions. Journal of Experimental Social Psychology, 17(4), 351-372.

Tác giả

(Visited 36 times, 1 visits today)