Mưa ở Strasbourg

Tôi sang Pháp với Miên và ông Tú. Tham dự một chương trình giao lưu văn hóa trong vòng mười ngày, đối với tôi chẳng có gì quan trọng, ông Tú cũng vậy. Tới ngày đi, quơ vội mấy bộ quần áo bỏ vào va li là xong. Cả hai chúng tôi đều đi nước ngoài đã nhiều lần. Nhưng với Miên là lần đầu, mới được một giải thưởng diễn viên xuất sắc nên mới được chọn đi. Cô hào hứng, hồi hộp, cứ vài hôm lại điện cho tôi, hỏi xem nên đem cái gì, khí hậu bên đó ra sao. Gọi nhiều đến nỗi tôi phát bực. Được cái may, cô có giọng nói thật dễ thương, không thì tôi đến chết vì stress.

Ông Tú hoàn toàn không nói được tiếng Pháp, còn tiếng Anh thì chỉ biết “very good” và “number one”. Miên có chịu khó học nói năm ba câu bập bẹ nhưng nghe thì chưa rèn luyện gì cả nên xem như điếc đặc. Tôi phải gánh trách nhiệm làm tai nghe miệng nói cho cả đoàn. Ông Tú là trưởng đoàn, tôi tất nhiên phải lo phục vụ ông rồi; còn Miên, biết thân phận mình nên lo o bế tôi rất sớm. “Qua đó, có gì khó khăn là Miên nhờ anh đó nghe!”.
Biết tôi nghiền thuốc lá nên Miên ưu ái tặng tôi luôn hai tút “Con mèo”. Ai đã đi nước ngoài đều biết mấy thứ này đắt hơn hẳn trong nước, và chưa chắc kiếm được thứ mình thường dùng, hay hơn hết là đem theo cho chắc. Tôi cảm động, món quà rất đúng ý, người tặng quà lại nhỏ nhẹ dễ thương. Tôi cố giữ vẻ mặt lầm lì (từ ngày vào nghề đạo diễn tôi đã tập cho được cái vẻ hắc ám nặng nề này để các cô nàng diễn viên phải sợ mà nghe lời răm rắp). Cầm hai tút thuốc, lòng âm thầm rung động nhưng tôi vẫn lạnh lùng, buông hai tiếng cụt lủn: “Bày đặt!”.
Sân bay Charles de Gaulle đông nghịt người, cứ như một mê cung, hết đường rẽ này lại lối ngoặt kia. Ông Tú đủng đỉnh mặc tôi xoay mọi việc, còn Miên thì cứ bíu lấy tôi, tay và vai đầy những hành lý. Cái va li của nàng to thế, lại thêm hai cái túi du lịch khổng lồ. Tôi mặc kệ, tảng lờ. Mấy cô gái trẻ này, lúc nào cũng tính chuyện nhờ vả người này người kia nên cứ đóng hành lý vô tư, chẳng cần đếm xỉa đến quy định của sân bay mà cũng chẳng màng nghĩ xem mình có đủ sức mang vác không. Tôi nhủ thầm, thế nào mình chẳng phải đỡ Miên một tay, nhưng trước hết hãy cứ để mặc nàng xoay xở cho biết thân một lúc cái đã.
Miên cũng biết thân thật nên không dám kêu ca, cứ một tay kéo cái va li và cái túi, tay kia mang một túi kếch sù khác, trông vẻ mặt cam chịu  đến cả đá nhìn thấy cũng mủi lòng. Ông Tú hết nhìn Miên ái ngại lại nhìn tôi, ý muốn tôi giúp nàng nhưng ngần ngừ không dám mở miệng. Tôi đang định qua khỏi khúc quanh này sẽ ra tay nghĩa hiệp thì bỗng một người đàn ông tóc nâu xuất hiện. “Tôi là Robert Vallons, chào các bạn”. Vừa dứt câu chào anh ta liền ôm hôn thắm thiết hết ông Tú đến tôi, rồi đến Miên, Miên vội vã thụt lùi tránh cái ôm hôn của ông Tây. Robert nhớ ra, vội bảo “Xin lỗi”, rồi nhanh nhẹn cúi xuống hai tay đỡ lấy cả hai cái túi Miên đang vác nặng. Miên mừng quá, ấp úng nói “Merci”. Tôi hơi ngượng, vội đưa tay kia ra cầm luôn cái va li Miên đang kéo. Miên tung tẩy hai tay đi tung tăng, vừa đi vừa nói như có ý cho tôi nghe: “Ông Tây này tử tế quá!” Hơi chột dạ, nhưng để tạo không khí cởi mở bước đầu, tôi nhanh nhẩu dịch ngay câu nói của Miên cho Robert Vallons nghe. Robert hai vai khoác hai cái túi nhẹ nhàng như không, nghe tôi nói liền quay lại cười. Miên lúng túng đỏ mặt, lần đầu tiên tôi thấy nàng thật dễ thương!
Sau một giờ trên chuyến bay nội địa, Vallons đã đưa chúng tôi đến Strasbourg. Một thành phố đẹp tuyệt với những con đường xinh xắn và những trụ đèn viền  đầy hoa leo. Bữa ăn đầu tiên, Robert hỏi tôi muốn đến quán Việt Nam hay quán ăn Pháp. Miên láu táu:
– Sang đây thì ăn thử đồ Tây cho biết chứ thức ăn Việt Nam thì muốn ăn lúc nào chẳng được.
Tôi vừa dịch vừa biên tập lại câu của Miên “Cô Miên đây ngỏ ý muốn thưởng thức những món ăn độc đáo và tìm hiểu văn hóa ẩm thực của người Pháp”. Khuôn mặt  tươi vui của người đang tiếp khách phương xa càng tươi thêm, lập tức Robert đưa chúng tôi đến  nhà hàng Cheval Blanc- tuy tên là nhà hàng Ngựa Trắng nhưng bốn phía vách lại trang trí đầy những hình vịt bay, dấu hiệu đặc trưng của thiên nhiên vùng Alsace. Chiều hôm đó, sau cuộc đi thăm bảo tàng Strasbourg, Miên nhăn nhó bảo tôi:
– Lúc trưa em sai lầm quá. Không ngờ đồ ăn Tây khó ăn đến thế. Em chẳng ăn được mấy miếng, bây giờ đói lả người.
Ông Tú nghe vậy gật gù góp thêm:
– Mình cũng vậy, nhất là lúc anh chàng Robert giới thiệu cái món phomát đặc biệt quý hiếm làm bằng sữa dê núi, mình không tài nào nuốt được.
Tôi cười khinh khỉnh:
– Bởi vậy đừng có láu táu, muốn ăn gì, mua gì thì hỏi tôi đây này. Đã dặn rồi mà lại…
Miên cười như biết lỗi:
– Em quên! Mà thôi tối nay đừng  ra ăn quán nữa, để em lo…
Miên đem theo trong va li cả một túi gạo mười cân, cả nồi cơm điện, cả ruốc, nước mắm, thịt chà bông, tôm rim ngọt. Phút chốc phòng Miên trở thành phòng ăn cho cả đoàn. Ông Tú được bữa cơm hợp khẩu vị, hớn hở ra mặt. Miên bô bô: “Đấy, dân Mít nhà ta, không có nước mắm và bột ngọt thì dù cao lương mỹ vị cũng không nuốt nổi, phải không anh?”.
Tôi làm mặt nghiêm… nhưng rồi cũng phải gật gù tán thưởng, vì Miên nấu ăn ngon thật. Ông Tú bảo nhỏ tôi: “Này, cậu vẫn còn độc thân phải không? Cô bé này hay đấy, cứ tưởng chỉ biết văn nghệ văn gừng, không ngờ đảm đang nhanh nhẹn thế!”.
Người ta bảo đường vào trái tim người đàn ông phải thông qua dạ dày, quả đúng thật, bữa cơm ngon làm tôi quên gần hết những ấn tượng bực bội khi phải vừa dịch vừa biên tập những câu nói quê mùa của nàng.
***
Robert đến đón Miên rất sớm, từ trước tám giờ, là giờ mà ở đây người ta mới lò mò xuống phòng ăn để điểm tâm. Miên mặt tái lét chạy qua gõ cửa phòng tôi:
– Anh đi với em, chứ em biết gì mà nói năng.
– Có cần nói năng gì đâu, hôm nay vì em phải diễn cho nên Robert đưa em tới nhà hát trước để chuẩn bị mà. Anh đi thì bỏ ông Tú cho ai.
– Anh thì chỉ lo cho sếp thôi, không quan tâm tới phụ nữ… Miên ấm ức. Đi một mình với ông Tây em sợ lắm.
– Ông ấy không ăn thịt em thì thôi, sợ cái gì?
Miên năn nỉ quá, rồi tôi cũng mềm lòng, đi với nàng, thật là mệt vì thế có nghĩa là đưa Miên đến nơi xong lại phải hộc tốc quay về để tháp tùng ông Tú. Thấy tôi chịu đi, Miên mừng quá, hấp tấp nhảy lên ô tô, xui xẻo đầu va mạnh vào cửa xe, cô ngã ngồi xuống nệm choáng váng. Robert vội lấy tay xoa đầu Miên, miệng không ngớt hít hà. Đau quá nên Miên quên cả rụt rè, cứ để mặc cho Robert xoa chỗ đầu u.
Thấy Robert ga lăng với Miên như vậy bỗng nhiên tôi hơi khó chịu. Hình như máu ích kỷ của người đàn ông núp dưới chiêu bài dân tộc nổi lên trong tôi. Robert bảo Miên:
– Cái cửa xe thật đáng trách, làm đau một phụ nữ xinh đẹp như thế này.
Mặt Miên ngớ ra, quay sang nhìn tôi. Tôi bỗng bực mình vô cớ, bảo:
– Ông ấy bảo, cô này chắc không mấy khi đi ô tô, thật tội nghiệp.
Đã đau lại còn xấu hổ, Miên tự ái, quay đi nơi khác, mắt bắt đầu đỏ lên. Thấy vậy, Robert chẳng hiểu chuyện gì, càng lộ vẻ lo lắng… Vẻ quan tâm này thì không cần dịch, Miên có thể cảm thấy được… Tự nhiên tôi tức anh ách, không hiểu vì sao.
Sau một tuần, Miên đã biết tự mình đi xe điện về quảng trường L’homme de Fer để vào siêu thị Printemps tự mình mua sắm, với cái vốn tiếng Pháp bập bẹ của nàng. Đi đâu tôi cũng đi theo giúp đỡ Miên, chỉ trừ vào Printemps… Nguyên tắc của tôi là không bao giờ cùng đi với các người đẹp vào những nơi mua sắm. Hơn nữa, hệ thống siêu thị này, với cái tên có nghĩa là Mùa Xuân, đã nổi tiếng vì lời nhận xét của chính dân Pháp: Mùa xuân của quý bà, nhưng là mùa đông của quý ông!
… Một chiều, đang tập trung trí óc để sửa chữa phần kịch bản đang chuẩn bị phối kết với kịch bản của Robert Vallons, tôi tình cờ nhìn qua cửa sổ thấy Miên dạo phố vừa về, không phải từ hướng có đường xe điện, mà từ trên ô tô của Robert bước xuống. Tôi bỏ bút, chú ý nhìn, quan sát vẻ mặt tươi roi rói của hai người; Trời đang mưa phùn, Robert hai tay xách hai túi, còn Miên thì cố nhón cao lên để cầm dù che hộ Robert , coi bộ yêu đời lắm.
Một lát sau, Miên đập cửa phòng tôi, khoe mấy cái áo da vừa mua ở siêu thị. Tôi lầm lì nhìn lướt qua, rồi bảo:
– Người phương Tây rất thoải mái trong quan hệ nam nữ, nhưng phong tục Việt Nam mình nó khác em ạ! Nhất là trong khi mình đang đi trong một đoàn công tác, ít nhiều cũng là đại diện của nước mình…
Miên ngớ ra nhìn tôi, rồi chợt hiểu, cô hỉnh mũi:
– Anh coi em là hạng người nào mà nói thế? Em đi từ Printemps ra gặp Robert đậu xe trước mặt đường. Ông ấy chở hộ em một đoạn, có gì đâu, anh đừng hiểu lầm em.
“Lẽ ra em phải từ chối mới phải… Một mình lên xe của người đàn ông mới quen. Đâu phải là cách xử sự của người phụ nữ Việt Nam”.
Miên đang cầm cái áo da trên tay, ném phạch xuống ghế:
– Thì bữa trước anh bảo em, ông ấy có ăn thịt em đâu mà sợ?
Tôi bí, nhưng cũng không chịu thua:
– Trước khác, bây giờ khác! Trước là đi làm việc, có lộ trình đàng hoàng. Bây giờ là đi tự do…
Miên phụng phịu:
– Vậy thôi, từ nay chỉ khi nào có anh em mới gặp ông ấy, để anh khỏi hiểu lầm.
Nghe vậy tôi vừa ý lắm. Dù hơi ép Miên một chút, may mà nàng cũng ngoan…
Chiều hôm sau, tôi và Robert cùng nhau phối kết kịch bản. Một kịch bản được hình thành từ hai câu chuyện cổ , một Việt, một Pháp xen kẽ lẫn nhau… Cuối buổi làm việc, Robert lộ vẻ buồn ra mặt, hỏi tôi:
– Hôm nay sao không thấy cô Miên đến?
Tôi giải thích với Robert là các buổi diễn của Miên đã xong rồi, nên nàng không phải tham dự nữa. Đưa tôi về, chàng ta dừng xe nhìn lên lan can tầng ba, một cái nhìn xao xuyến lặng lẽ. Khi bắt tay  tạm biệt, chợt Robert bảo tôi:
– Cô Miên diễn thật tuyệt. Hình ảnh Mỵ Châu qua vai diễn của cô ấy làm tôi xúc động vô cùng. Tôi gần như bị ám ảnh về sự chân thành và trong trắng của người phụ nữ Việt Nam…
Tôi siết chặt tay Robert cảm ơn, tảng lờ như không biết đến những gì khắc khoải đàng sau lời tán thưởng rất thành tâm đó.
Nhưng Robert đã nói tiếp:
– Tôi có ý định mời cô Miên ở lại ít lâu để trao đổi kinh nghiệm với các diễn viên Nhà hát Trẻ ở đây. Tôi có thể giúp cô ấy xin gia hạn visa…
Lại còn thế nữa! Rắc rối thật rồi. Tôi cố tìm cách lịch sự để giải thích cho Robert hiểu là tôi có nhiệm vụ đưa cả đoàn đi đến nơi, về đến chốn theo ngày quy định… Tôi cũng nói thêm nhận xét của riêng tôi là Miên vẫn còn non nớt chưa có nhiều kinh nghiệm lắm, ở đoàn kịch của tôi còn nhiều diễn viên khác có thể đóng góp hữu hiệu hơn cho các chương trình giao lưu…
***
Tôi chẳng nói gì với ông Tú, nên ông chẳng biết gì về đề xuất của Robert. Mà có biết chắc chắn ông cũng nói như tôi, hoặc là chỉ ừ hử rồi đẩy sang cho tôi giải quyết. Sau mấy buổi gặp mặt và tiếp tân lúc mới sang, giờ đây ông khá nhàn, đang trông cho mau đến cuối tuần để đến ngày kết thúc chuyến thăm Pháp, ông sẽ bay sang Đức thăm con đang học bên ấy.
Ngày cuối cùng, đang đóng gói hành lý, tôi nghe tiếng chuông điện thoại reo. Robert gọi tôi, giọng tha thiết:
– Ông Vinh, nhờ ông dịch ra tiếng Việt cho Miên hiểu… Tôi muốn nói như thế này: “Cô Miên, nếu tôi không gặp lại được cô thì tôi chết mất!”.
Tôi quay qua Miên: “Robert gọi em đấy”. “Ông ấy nói gì, hở anh?” Miên hỏi, vẻ thờ ơ, nàng đang bận nhét các thứ quà cáp mua được vào đáy chiếc va li chật hẹp. Tôi cố vắt óc để bịa: “Ông ấy nói, những buổi diễn của em như vậy xem như tạm được, mong lần sau em sẽ khá hơn và không sai sót  nữa”. Miên hỉnh mũi: “Cái ông Robert này hay nhỉ, nói năng cứ như là ông nội người ta không bằng. Nhờ anh dịch dùm: “Bái bai, chẳng có lần sau đâu nhé!”.
Lẽ nào dịch thế được, chắc chắn tôi chẳng muốn chọc giận đối tác của mình. “Robert, Miên bảo: Cô ấy sẽ nhớ mãi Strasbourg, nước Pháp và những ngày làm việc với ông… Cô ấy sẽ không bao giờ quên ông…”.
Tôi thực tình hào phóng những lời lẽ tình cảm với Robert. Sợ gì đâu, ngày mai tôi đã đưa Miên về nước rồi.
***
Ông Tú bay sang Đức lúc 8 giờ sáng, tôi phải đưa ông lên sân bay và lo các thủ tục cho ông, vì vậy tôi bảo Miên chuẩn bị hành lý lên Charles de Gaulle cùng một lúc, mặc dù phải đến mười hai giờ máy bay về Việt Nam mới cất cánh.
Như mọi lần, nàng ngoan ngoãn nghe lệnh tôi, không dám kêu ca gì. “Mình chưa chào ông Robert, thế có phải không?” Miên hỏi. Tôi nghiêm nghị: “Hôm qua anh đã đại diện cả đoàn tạm biệt ông ấy rồi. Vậy là đủ”.
Ông Tú vào phòng cách ly rồi, tôi và Miên ngồi chờ làm thủ tục đi Việt Nam. Tôi đọc báo, còn Miên uể oải thỉnh thoảng lại che miệng ngáp vặt. Thời gian trống trải làm tôi bỗng nhiên thèm thuốc chi lạ. Vẫn còn mấy điếu Ba con mèo, tôi nhìn quanh, tìm phòng dành cho người hút thuốc. Miên bảo:
– Anh hút thuốc dữ quá, hại phổi lắm.
Tôi cười, chống chế:
– Không sao, anh sắp bỏ rồi.
Vừa nói tôi vừa thầm nhớ lời John Steinbeck: “Thuốc lá rất dễ bỏ, tôi đã bỏ nhiều lần rồi”.
Từ phòng hút thuốc bước ra, tôi nhìn về phía lối vào, chợt ồ lên một tiếng! Robert xuất hiện, tay cầm va li.
– Tôi có kế hoạch đi nghỉ ở Thái Lan nhưng nay tôi đổi ý, muốn đi Việt Nam. Tôi cần có thêm chi tiết, không khí và cảm hứng cho vở kịch sắp tới…
Mặt tôi tươi cười, nhưng trong bụng thầm rủa: “Quỷ tha ma bắt!” Robert bước vào quầy làm thủ tục, nói gì đó với cô nhân viên sân bay, cô liền rà lại trên sơ đồ ghế ngồi… Tôi hiểu là Robert đã yêu cầu sắp chỗ cho ba chúng tôi ngồi bên nhau.
Mười tám giờ đồng hồ ngồi trên máy bay đối với tôi thật dài. Robert ngồi giữa tôi và Miên. Tôi thấp thỏm không sao ngủ được. Trước khi đi Đức, ông Tú đã giao cho tôi trách nhiệm thay ông làm Trưởng đoàn. Tôi phải chịu trách nhiệm với đoàn viên đến cùng… Suốt đêm tôi ngồi không ngủ, mặc dù tiếp viên đem đến nào gối nào mền… Robert  cũng mở mắt yên lặng, chỉ có Miên ngủ say vặt vẹo trên ghế cho đến mãi khi máy bay hạ cánh xuống Bangkok.
Sân bay Bangkok mới xây lại, lộn xộn khác hẳn quang cảnh lúc chúng tôi transit lần đi. Tôi lấy hành lý từ băng chuyền, chất lên xe đẩy. Phía sau tôi, Miên chới với theo mấy túi hàng, Robert nhanh tay lấy hết giúp nàng, chất lên xe đẩy của mình. Miên hai tay thong thả, vừa bước theo Robert vừa cười bảo tôi:
– Có ông Tây này đỡ quá.
Tôi nhủ thầm “Mình sơ ý thật!”. Bám sát theo Robert, tôi quyết tâm thực hành chức năng giám sát của trưởng đoàn. Robert và Miên bắt đầu nói chuyện với nhau, theo kiểu ông nói gà bà nói vịt. Tôi chú tâm nghe hai người nói chuyện, bụng mừng thầm: Chẳng cần phải giữ, rào cản ngôn ngữ đã bảo vệ Miên cho tôi rồi… Chợt cơn thèm thuốc lại nổi lên, tôi phải vào phòng hút thuốc… May thật sân bay Bangkok vừa xây lại có rất nhiều phòng hút thuốc nằm dọc theo lối đi.
Chỉ trong thời gian hút chừng nửa điếu thuốc mà không ngờ Robert và Miên đã bỏ tôi một đoạn khá xa. Quỷ thật, sao Miên dám không đứng lại chờ tôi. Đẩy xe đến chỗ tập kết chờ check in đi Việt Nam, tôi thấy hai người đã ngồi đấy rồi. Miên bảo như phân trần:
– Túi xách của em ở trên xe đẩy của Robert. Em ra hiệu bảo chờ anh nhưng Robert bảo anh biết chỗ này rồi.
Tôi khịt mũi. “Robert nói gì làm sao Miên hiểu được?” Thấy tôi lạnh tanh, Miên lo lắng, nói lí nhí:
– Em cũng thử nói chuyện với Robert một chút… Câu nào không hiểu thì đoán mò…
– Việc gì phải thế. Cứ chờ anh cùng đi, cần nói gì, anh sẽ giúp cho.
Miên “Dạ”. Lại yên lặng. Cân hành lý xong, ba người ngồi yên, không ai nói với ai câu nào. Sao lạ thế?
Tôi nhìn đồng hồ. Lại thèm thuốc. Cơn thèm thuốc mạnh hơn nỗi phập phồng về trách nhiệm trưởng đoàn. Vào phòng kín, tôi gắng hút nhanh nửa điếu còn lại rồi vội ra. Robert và Miên đâu mất, ngẩng cổ nhìn lên, tôi thấy hai người đã ở trên băng chuyền lên phòng cách ly. Miên đứng bậc thang phía trên quay xuống, Robert đứng phía dưới, hai khuôn mặt nhìn vào nhau, bốn bàn tay múa liên tục… Tưởng đang phác họa một tiết mục gì, hóa ra họ đang nói chuyện. Trong bụng tôi cười thầm…
Vào máy bay. Tôi làm thủ tục sau, nên ngồi một mình. Trước đó ba hàng ghế, Miên ngồi gần Robert. Bốn bàn tay vẫn liên tục ra hiệu, không im lìm như lúc có tôi lúc nãy…
Hai giờ đồng hồ sau, máy bay đáp xuống Nội Bài.
Tôi đi rất vội mới bắt kịp hai người ở băng chuyền nhận hành lý. Robert có vẻ hớn hở như người vừa trúng cá cược, còn Miên thì hai mắt đỏ hoe.
-Sao vậy em? Em có sao không?
Tôi lo lắng hỏi Miên, lần đầu tiên tôi trút bỏ được cái vẻ lầm lì quan trọng để thốt lên với nàng một lời thật âu yếm.
Miên nắm lấy tay tôi:
– Em không ngờ anh ạ, lúc ở Pháp nhiều khi  em thấy Robert thật chán, vậy mà thực ra anh ấy lại là người rất có tâm hồn… Cảm ơn anh thật nhiều, anh không đề xuất em đi chuyến này thì em không gặp được con người dễ thương như vậy.
Mặt tôi từ tái chuyển sang đỏ, rồi tím lịm đi.
 Robert thì đang mải lo nhặt những gói hành lý của Miên đặt lên xe đẩy của mình. Tôi hậm hực nghĩ: Làm sao Miên  hiểu hắn ta nói gì mà dám quả quyết là có tâm hồn hay không!
Bên ngoài  đang mưa, những hạt bụi li ti bay khắp trời. Bỗng chợt nhớ câu thơ của Trần Dần:
Mưa rơi
Không cần phiên dịch!

Minh họa: Hà Trí Hiếu

Trần Thùy Mai

Tác giả