Mỹ học của sự xấu xí
‘Cái đẹp’, dù được định nghĩa thế nào, không nhất thiết phải hấp dẫn. Và sự xấu xí không phải lúc nào cũng đáng ghê tởm. Không chỉ vậy, thị hiếu còn liên tục thay đổi, xóa bỏ những mặc định chắc chắn về thẩm mỹ. Cũng chính vì sự bất định về chuẩn thẩm mĩ này mà hầu hết các giả định về nghệ thuật, qua thời gian, đã bị lật đổ và phá vỡ.
Cái xấu và khả năng lật đổ những quy chuẩn
Bức chân dung Nữ công tước xấu xí hay còn được gọi là Bà già dị hợm ra đời năm 1513, của họa sĩ người Flemish Quentin Massys, có thể coi là một trong những bức họa nổi tiếng nhất của thời Phục hưng. Nhưng đây đồng thời cũng là một trong những bức tranh lạ thường và phi điển hình nhất cho thời kì này. Với làn da nhăn nheo, bộ ngực teo tóp, và đôi mắt trũng sâu trong hai hốc mắt, chủ thể nghệ thuật của Massys – được cho là một nhân vật hư cấu trong các truyện kể dân gian, hoặc một người đàn bà bị mắc chứng bệnh Paget (chứng bệnh về cấu trúc xương) cực hiếm – là một kẻ già nua cùng cực. Nhưng bà ta không chỉ già, trông bà ta còn dị dạng. Trán của bà ta gồ lên, mũi đã hếch hai lỗ mũi lại còn to tổ chảng, cái cằm quá khổ vuông bè bè bành ra hai bên. Ngay cả trang phục của bà ta cũng khác xa so với những gì chúng ta thường mong đợi ở một nữ quý tộc thời Phục hưng. Chưa hết, thay vì vận một bộ đồ trang nhã, khiêm nhường, bà ấy vận một bộ đầm trễ nải hở hang (với đường viền hở vai hở ngực và bộ ngực độn lên nhăn nhúm). Ở bà ta không có bất cứ một phẩm chất lí tưởng nào giống với các nhân vật nữ khác cùng thời như thần Vệ Nữ của Sandro Botticelli và nàng Mona Lisa của Leonardo da Vinci. Tuy vậy, bất chấp vẻ ngoài của bà, bức chân dung này (thường được gọi là Nữ công tước xấu xí) lại quyến rũ đến mức khiến người phụ nữ già ấy trở thành một trong những nhân vật khó quên nhất trong thời đại mình.
Theo giám tuyển Emma Capron, Nữ công tước xấu xí là một trong những tác phẩm được yêu thích nhất nhưng cũng gây tranh cãi nhất của Phòng trưng bày nghệ thuật London. “Một số người thích nó, một số người ghét nó, một số người không thể nhìn vào nó”. Và chính Capron cũng muốn truy vấn đến cùng căn nguyên của những phản ứng ấy, và xem xét cách hình ảnh này cùng những hình ảnh tương tự cũng biểu đạt về nữ giới theo một phương thức “vi phạm” hệ chuẩn mực cổ điển về cái đẹp như thế, thực chất đã ngầm ẩn một cái nhìn chế giễu các chuẩn mực xã hội và tiềm tàng khả năng làm đảo lộn trật tự xã hội đến thế nào.
Suốt một thời gian dài, các nhà phê bình đã diễn giải bức họa trên của Massys như một tác phẩm châm biếm mang hàm ý kì thị nữ giới, xoáy sâu vào chế giễu sự phù phiếm và ảo tưởng tự lừa dối của phụ nữ. Nhưng Capron cho rằng, bức họa thật ra có nhiều lớp nghĩa hơn thế: “Chính người phụ nữ già nua, xấu xí này đang cật vấn lại những chuẩn mực phổ quát về cái đẹp. Với những đường nét cường điệu, bà tượng trưng cho một người không chút hổ thẹn hay tự thấy thê thảm về chính mình và những gì mình mặc, cũng không cố che giấu hay trở nên vô hình. Ngược lại, bà đang chà đạp lên chính những khuôn phép và lễ nghi vốn yêu cầu nữ giới ở một độ tuổi nhất định phải cư xử theo. Vẻ thách thức và thái độ vô lễ của bà dường như hoàn toàn tương hợp với thời đại của chúng ta – và chính điều đó đã khiến cho hình ảnh của bà trường tồn đến vậy”. Massys có lẽ đương nhiên sẽ nhận thức được những phản ứng mà nhân vật quá lố của ông có thể gây ra. Mặc dù cái nhìn chế giễu chắc chắn là một phần trong ý đồ của người họa sĩ, nhưng khi vẽ bức tranh này, chính ông cũng đang muốn dùng nó chế giễu những nguyên tắc nghệ thuật cổ điển, đem đến sự pha trộn giữa cái được cho là văn hóa cao cấp (high culture) với văn hóa tầm thường thấp kém (low culture) – giữa thể loại chân dung trang nghiêm với hình tượng nhân vật trong các lễ hội dân gian – và cuối cùng, đưa sự nghịch dị vào dòng chính.
“Dù được miêu tả theo những khuôn mẫu đầy định kiến hay những góc nhìn cởi mở tích cực hơn, hình ảnh người phụ nữ già trong nghệ thuật đã khiến chúng ta phải nhìn ngắm, suy ngẫm, và nhận ra được những điều mới mẻ”.
Rất nhiều nghệ sĩ đương thời có chung tham vọng ấy với Massys. Chẳng hạn, có thể kể tới tác phẩm được in trên maiolica (một loại đồ gốm tráng men thiếc của Ý), có tên gọi Bức tượng bán thân của một bà già (Bust of an Old Woman, được vẽ vào khoảng 1490-1501); hay bức tượng trông hết sức đáng sợ Phù thủy cưỡi ngược lưng dê (Witch Riding Backward on a Goat) của Albrecht Dürer (1498-1500). Các tác phẩm ấy, nói như Capron, tiết lộ một điều rằng, đối với nhiều nghệ sĩ Phục hưng, “những người phụ nữ lớn tuổi đã đem đến một không gian để thể nghiệm và chơi đùa mà việc miêu tả vẻ đẹp theo những nguyên tắc thông thường và khắc họa cơ thể theo lối chuẩn mực không cho phép”.
Riêng về hình ảnh người phụ nữ già trong nghệ thuật, mục đích hiện diện của những hình tượng ấy không chỉ đơn thuần là giễu cợt, châm biếm. Từ các tác phẩm điêu khắc thời La Mã cổ đại đến các tác phẩm nghệ thuật đương đại, hình ảnh người phụ nữ lớn tuổi đã xuất hiện trong các tác phẩm thuộc nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau. Nói như Frima Fox Hofrichter, người đồng biên tập bộ tuyển tập có nhan đề Phụ nữ, Lão hóa và Nghệ thuật (Women, Aging and Art), “trong truyền thống của các loại hình nghệ thuật thị giác, phụ nữ lớn tuổi luôn là một chủ đề đặc biệt hấp dẫn. Với những nếp nhăn và bộ ngực chảy xệ, lông mày nhúm nhó và cơ thể gân guốc, đó là một hình tượng mang nhiều lớp nghĩa đa dạng, nhiều sắc thái phong phú, vượt xa việc chỉ là các bức biếm họa”. Hình ảnh những người phụ nữ già cũng thường được trình hiện để nhắc nhở người xem về sự trôi chảy của thời gian, chẳng hạn như tác phẩm Tuổi già của người đàn bà và Cái chết (The Ages of Woman and Death) hoàn thành năm 1541 của Hans Baldung Grien hay bức họa vô cùng ám ảnh Thời gian và Những phụ nữ già (Time and the Old Women) vẽ năm 1810 của Francisco Goya. Trong nhiều trường hợp, những người phụ nữ lớn tuổi lại được khắc họa với lòng trắc ẩn, sự đồng cảm, thể hiện vẻ dịu dàng, khôn ngoan và phẩm giá như được thấy trong các bức tranh của Rembrandt, mà tiêu biểu là bức Một người đàn bà già đang cầu nguyện (An Old Woman Praying, 1629); trong đó ông sử dụng các mảng màu sáng tối để tạo cảm giác về chiều sâu và cường độ cảm xúc, nhấn mạnh sự tận tụy về tinh thần cũng như sự tôn trọng của ông đối với đức tin của bà. Đổi lại, không thể phủ nhận rằng, rất thường xuyên, hình ảnh người phụ nữ lớn tuổi được xây dựng gắn với tội lỗi và sự độc ác, như vô số các bức họa phù thủy ở châu Âu. Nhưng dẫu trong hình thức nào, họ cũng đều trái ngược với, hay kháng cự lại, sự vô hình: “Dù được miêu tả theo những khuôn mẫu đầy định kiến hay những góc nhìn cởi mở tích cực hơn, hình ảnh người phụ nữ già trong nghệ thuật đã khiến chúng ta phải nhìn ngắm, suy ngẫm, và nhận ra được những điều mới mẻ”. Trong suốt thế kỉ 20 và thế kỉ 21, khi càng ngày càng có nhiều chủ thể nữ bước chân vào địa hạt hội họa, cách thể hiện hình ảnh người nữ lớn tuổi đã thay đổi hoàn toàn. Đặc biệt, những thân thể ấy được nhìn theo những cách mới, từ cái nhìn của chính nhưng người phụ nữ. Những bức chân dung tự họa khỏa thân khổ lớn của họa sĩ người Mỹ Joan Semmel có thể coi là ví dụ điển hình nhất cho khuynh hướng này. Trong chuỗi tranh của mình, Semmel đã ghi lại hình ảnh cơ thể của chính bà suốt quá trình già dần đi qua nhiều thập kỷ. Semmel, hiện đã 90 tuổi, bắt đầu dự án này vào những năm 1980 như một phương thức để miêu tả bản thân theo cách mà bà cảm thấy chân thực, không lý tưởng hóa hay che giấu những tác động tự nhiên của quá trình lão hóa đối với cơ thể mình: từ việc từ ngực tới da chảy xệ dần qua năm tháng. Tác phẩm đặt lại câu hỏi với lối vẽ chân dung truyền thống truyền thống về người nữ vốn đặt tuổi trẻ và sự hoàn hảo lên trên hết. Thay vào đó, tác phẩm của Semmel cho khán giả thấy một người phụ nữ đang đối mặt với chính sự lão hóa mà mình đang tự thân trải nghiệm. Tương tự, cũng có thể kể tới những bức chân dung tự họa của họa sĩ Mỹ gốc Phi Diane Edison hay loạt ảnh Những người bà của tôi (My Grandmothers, 2000) của nhiếp ảnh gia người Nhật Miwa Yanagi, trong đó bà yêu cầu một nhóm cô gái (và một vài thanh niên trẻ) tự tưởng tượng về bản thân mình trong 50 năm nữa, để qua đó, thách thức cấu trúc xã hội về “tuổi già” và quan niệm của họ về việc “người già” trông như thế nào. Bằng cách tập trung vào những vết chân chim, những nếp nhăn và các đặc điểm thể chất khác đi kèm tuổi tác, những nghệ sĩ này đã làm nổi bật cách mà quá trình lão hóa có thể định hình và định nghĩa một con người, đồng thời cũng thách thức quan niệm cho rằng tuổi trẻ là khoảng thời gian duy nhất đáng giá, và tuổi già là điều đáng sợ hay cần né tránh. Một lần nữa, mượn lại ý của Capron, người nữ thường được mô tả hoặc đẹp đẽ trẻ trung đáng để chiêm ngưỡng hoặc già nua xấu xí vô hình, nhưng rất nhiều tác phẩm nghệ thuật đã thách thức lại sự đối lập nhị nguyên ấy, gây rối nó, và đặt ra những vấn đề mới về nhận thức và thẩm mĩ.
Xấu/đẹp – những chuẩn mực không vĩnh cửu
Stephen Bayley cho rằng, dẫu đương nhiên tất cả chúng ta đều thích cái đẹp, nhưng cũng cần phải biết trân trọng cái xấu. Đẹp và xấu không phải là hai thái cực đối lập, mà là hai phương diện của cùng một vấn đề. Từ những vấn đề nhỏ nhặt như bạn có thể thường lo lắng về việc mọi người sẽ nghĩ gì khi nhìn nhà cửa của mình, muốn người yêu mình trông đẹp hơn? Hay khi đang theo một chế độ ăn kiêng, đi tắm nắng hoặc đến phòng tập, chọn chó Weimaraner thay vì chó lai cứu hộ, tham quan triển lãm hoặc mua sắm tại Westfield,… ở tất cả những hoạt động ấy, chúng ta đều đang cố gắng đạt được cái đẹp để mang lại cho mình lợi thế cạnh tranh cá nhân. Nhưng thực ra không nên lo lắng nếu bạn cảm thấy xấu xí: bởi nhận thức không bất biến mà thay đổi.
Vào năm 1969, một nhóm người làm quảng cáo ở London, đã cảm thấy mệt mỏi và cạn kiệt sự sáng tạo vì những quy ước cứng nhắc trong nghề, đã thành lập The Ugly Modelling Agency (Hãng người mẫu xấu). Họ muốn có những khuôn mặt có cá tính, chứ không phải quẩn quanh với sự hoàn hảo nhạt nhẽo. Hãy xem lại những bức ảnh được chụp vào thời điểm ấy, và bạn sẽ tự hỏi tại sao chiến lược này lại gây ra một sự ồn ào đến vậy. Công ty này tồn tại với tên gọi Ugly Models, với khách hàng chính bao gồm Diesel và Calvin Klein. Đồng thời, kể từ khi Nancy Mitford – nữ nhà văn, nhà báo người Pháp, phổ biến cách dùng từ jolie-laide (“good-looking ugly woman”/“người phụ nữ xấu ưa nhìn”), ý tưởng này càng được đẩy mạnh; và hình ảnh Jeanne Moreau trên truyền thông đương thời chính là một hình dung tiêu biểu cho cái nhìn thẩm mĩ mới ấy.
Bằng cách tập trung vào những vết chân chim, những nếp nhăn và các đặc điểm thể chất khác đi kèm tuổi tác, những nghệ sĩ này đã làm nổi bật cách mà quá trình lão hóa có thể định hình và định nghĩa một con người, đồng thời cũng thách thức quan niệm cho rằng tuổi trẻ là khoảng thời gian duy nhất đáng giá, và tuổi già là điều đáng sợ hay cần né tránh.
‘Cái đẹp’, dù được định nghĩa thế nào, không nhất thiết phải hấp dẫn. Và sự xấu xí không phải lúc nào cũng đáng ghê tởm. Không chỉ vậy, thị hiếu còn liên tục thay đổi. Giống như thủy triều, thị hiếu khi lên khi xuống, xóa bỏ những mặc định chắc chắn về thẩm mỹ. Cũng chính vì sự bất định này về chuẩn thẩm mĩ mà hầu hết các giả định về nghệ thuật, qua thời gian, đã bị lật đổ và phá vỡ. Chẳng hạn, hai năm trước khi hoàn thành, rất nhiều những trí thức vĩ đại của Paris thời bấy giờ đã xếp hàng trước Tháp Eiffel, viết thư cho các tờ báo để chỉ trích nó là một cột thiếc đóng bu lông xấu xí đáng ghét. Thế nhưng, giờ đây nó là một trong những tượng đài được mến mộ nhất trên thế giới. Hay như John Ruskin – nhà văn, triết gia, nhà phê bình nghệ thuật thời Victoria, đồng thời cũng là người chủ trương và ủng hộ vẻ đẹp của Thiên nhiên, từng ráo riết điên cuồng vận động hòng chống lại sự xâm nhập xấu xí của đường sắt hơi nước vào vùng Quận Hồ (Lake District) nguyên sơ và yên bình. Ông miệt thị cả việc đưa những đầu máy hơi nước ồn ào vào Venice trang nghiêm, nơi với ông coi là một sân chơi trí tuệ và suy tưởng. Nhưng hãy nhìn xem, bây giờ, chúng ta thấy những cỗ máy thật cổ kính, duyên dáng và đáng yêu, có thể nói là đẹp.
Đối lại, chính Thiên nhiên mà Ruskin xưng tụng là đẹp đẽ lại có thể hiện diện như một thứ đáng ghét. Giờ đây chúng ta ai cũng muốn được chiêm ngưỡng quang cảnh dãy núi Alps, nhưng trước đây người ta từng cho rằng dãy núi này là nơi ghê sợ: nó nguy hiểm, đáng sợ, là nơi trú ngụ của những con quỷ và đám kẻ cướp hung dữ. Thiên nhiên có thể xấu xí và ghê tởm. Không phải tất cả các loài thực vật đều tuân theo các quy ước về cái đẹp, điển hình như Amorphophallus Titanum là một loài thực vật khổng lồ, tởm lợm, phì đại, bốc mùi hôi thối của sự chết: nó được gọi là hoa xác chết.
Người ta từng có tham vọng đặt ra một cơ sở toán học cũng như sinh học để chuẩn hóa những ý tưởng thông thường về cái đẹp. Đây cũng chính là điều mà người Hy Lạp đã tin tưởng: cái đẹp có thể được mô tả bằng những con số. Điêu khắc cổ điển dựa trên các tỷ lệ nghiêm ngặt; và kiến trúc cổ điển đẹp bởi tỷ lệ của nó dựa trên trường nhìn của mắt người. Những quy tắc này vẫn có thể tồn tại. Một nhà thiết kế trong ngành công nghiệp ô tô có lưu một bức ảnh chụp gương mặt của Claudia Schiffer trong máy tính xách tay của mình. Anh có một ứng dụng cho phép có thể bóp méo hình ảnh ở bất cứ chiều nào và thường làm như vậy để chứng minh rằng, vì những tác động cụ thể, những gì đẹp đẽ rất có thể sẽ trở nên không thể chấp nhận được, dù chỉ điều chỉnh đúng một milimét.
Chúng ta chỉ tận hưởng được sự quý giá phù du của vẻ đẹp nếu có một ý niệm tích cực về sự xấu xí. Giống như Thiên đường luôn cần có Địa ngục làm đối trọng. Và nếu như cái đẹp không phải lúc nào cũng hấp dẫn, thì cái xấu lại cũng có thể mang chứa trong nó sức cuốn hút lạ thường.
Bên cạnh việc đặt ra những thước đo để chuẩn hóa, cần phải kể tới một yếu tố quan trọng thường làm thay đổi nhận thức của chúng ta: đó là thời gian. Maria Louise Ramé từng nói rằng, “Sự quen thuộc là một nhà ảo thuật tàn nhẫn với cái đẹp, nhưng tử tế với cái xấu”. Khi một cái gì trở nên quen thuộc, chúng ta dễ dàng chấp nhận nó hơn, thậm chí sự chấp nhận ấy có thể được nâng lên thành tình cảm. Và, như Serge Gainsbourg từng nhận xét, “cái xấu vượt trội hơn cái đẹp vì nó tồn tại lâu hơn”.
Từ “ugly” (xấu xí) có nguồn gốc từ tiếng Bắc Âu cổ – từ nguyên của nó là “ugga”, có nghĩa là “hung hăng”. Có lẽ trong sự xấu đã tiềm ẩn đưa đến một cảm giác bạo lực và gây khó chịu, nhưng điều này cũng có nghĩa là sẽ có nhiều sự đa dạng và bất ngờ hơn trong sự xấu xí. Vẻ đẹp là thuốc an thần, có thể đoán trước và mang tính xoa dịu hơn là thách thức. Điều ấy chẳng phải cũng có nghĩa là, để có sự kích thích và sáng tạo, người ta cần tới cái xấu nhiều hơn?
Một thực tế lạ lùng nhưng không thẻ chối bỏ là: quá nhiều cái đẹp hay quá hoàn hảo sẽ khiến chúng ta không thể chịu đựng được. Còn gì kinh khủng hơn sống giữa một thế giới chỉ toàn những bãi cỏ được cắt tỉa tỉ mỉ và cái gì cũng chuẩn khuôn cứng nhắc? Chúng ta chỉ tận hưởng được sự quý giá phù du của vẻ đẹp nếu có một ý niệm tích cực về sự xấu xí. Giống như Thiên đường luôn cần có Địa ngục làm đối trọng. Và nếu như cái đẹp không phải lúc nào cũng hấp dẫn, thì cái xấu lại cũng có thể mang chứa trong nó sức cuốn hút lạ thường. Trở lại với bức tranh Nữ công tước xấu xí của Quentin Massys trên đây, có một sự thật là, trong cửa hàng của Phòng trưng bày Quốc gia London, tấm bưu thiếp Nữ công tước xấu xí bán chạy ít nhất ngang bằng với bưu thiếp in bức Hồ súng (Water-Lily Pond) của Claude Monet.
Sự ám ảnh của chúng ta với cái đẹp và nỗi sợ chúng ta mang đối với sự xấu xí là một trong những cảm thức thường trực của tất cả chúng ta. Chúng ta không ngừng băn khoăn và suy tư về điều gì là đẹp và điều gì là xấu. Dù muốn hay không, tất cả chúng ta đều đang dự phần vào một cuộc tranh luận liên tục về thẩm mỹ. Peter Schleldahl, nhà phê bình nghệ thuật người Mỹ từng phát biểu rằng, “Cái đẹp có thể không phải là vấn đề gì to tát, nhưng sự thiếu vắng nó mới thật sự là vấn đề”. Điều ấy có lẽ đúng. Nhưng nếu như mọi thứ đều đẹp… thì cũng sẽ chẳng có gì là đáng kể.□
—————————
“Chính người phụ nữ già nua, xấu xí này đang cật vấn lại những chuẩn mực phổ quát về cái đẹp. Với những đường nét cường điệu, bà tượng trưng cho một người không chút hổ thẹn hay tự thấy thê thảm về chính mình và những gì mình mặc, cũng không cố che giấu hay trở nên vô hình. Ngược lại, bà đang chà đạp lên chính những khuôn phép và lễ nghi vốn yêu cầu nữ giới ở một độ tuổi nhất định phải cư xử theo. Vẻ thách thức và thái độ vô lễ của bà dường như hoàn toàn tương hợp với thời đại của chúng ta – và chính điều đó đã khiến cho hình ảnh của bà trường tồn đến vậy”.
Đặng Thị Thái Hà biên dịch
Nguồn: “The Ugly Duchess: How an unsettling Renaissance portrait challenges ideas of aging women and beauty” (Marianna Cerini, CNN, bài đăng ngày 16/3/2023) & “The ugly truth: the beauty of ugliness” (Stephen Bayley, The Architecture Review, bài đăng ngày 31/1/2013).