Nabokov, một thế giới riêng và một nỗi đau riêng
Cờ vua là một đại dương nơi một con muỗi có thể uống nước và một con voi có thể tắm rửa, theo một câu thành ngữ cổ của người Ấn Độ - cũng là miền đất nơi cờ vua hình thành, rồi theo Con Đường Tơ Lụa mà lan đi khắp thế giới. 64 ô, 32 quân cờ, nếu xét về “đạo cụ”, đó là một trong những môn thể thao đơn giản nhất trên đời, thế mà, nó lại được ví như một đại dương, đôi khi, là cả vũ trụ. Theo nhà toán học Claude Shannon, số nước đi khả thể của cờ vua là 10^120, tức là lớn hơn cả số nguyên tử ước tính trong vũ trụ mà ta có thể quan sát được.
Khi Vladimir Nabokov viết tiểu thuyết Phòng thủ Luzhin về cuộc đời ảo mộng của một kỳ thủ, ông vừa tròn 30 tuổi. Đây là cuốn tiểu thuyết thứ ba của ông, viết bằng tiếng Nga, sau đó, ông còn viết thêm khoảng 7 tiểu thuyết và tiểu thuyết ngắn, cũng bằng tiếng Nga, cùng hàng loạt truyện ngắn và kịch. Nhưng ông nói, trong số tất cả những cuốn sách viết bằng tiếng mẹ đẻ của mình, Phòng thủ Luzhin “chứa đựng và khuếch tán sự “ấm áp” lớn nhất”. Không hẹn mà cùng, ở một nền văn hóa khác, trong một bối cảnh khác, Yasunari Kawabata – một nhà văn đồng niên với Nabokov (họ cùng ra đời năm 1899), được tờ Tokyo Nichinichi Shimbun (mà nay là Mainichi Shimbun) cử đi đưa tin về một trận đấu cờ, dù là cờ vây, ở thị trấn ven biển Ito. Ván cờ diễn ra giữa một bên là meijin (bậc thầy) Honinbo Shusai và một bên là kỳ thủ trẻ Minoru Kitani. Thế nhưng ngay cả khi bài báo đã đăng xong, ván cờ vẫn không thôi đeo bám khỏi tâm trí của Kawabata, để 13 năm sau ông viết nên thiên tiểu thuyết Meijin về chính ván cờ hôm ấy. Độc giả nói chung có thể thấy không quen thuộc lắm với tiểu thuyết này, nếu so với những Cố đô, Xứ tuyết, Ngàn cánh hạc, Đẹp và buồn,… song chính Meijin là tiểu thuyết mà Kawabata cho là hay nhất của mình, là bản thảo duy nhất ông cho rằng hoàn chỉnh.
Có lẽ không phải ngẫu nhiên, nhiều văn hào tâm đắc với những cuốn tiểu thuyết về cờ, và những nhà văn đó lại đều là những nhà văn thuộc về cái đẹp, một cái đẹp vừa hiển hiện vừa siêu nhiên, chỉ có thể nhận biết bằng trực cảm mà không thể cắt nghĩa bằng óc suy luận. Với riêng Vladimir Nabokov, cái đẹp mà ông đeo đuổi, nói như Vera – vợ ông, người gõ những tập bản thảo và thư từ của ông dù lúc đó bà đã gần 70, hay như trong cuốn tiểu sử Vladimir Nabokov: Những năm tháng ở Nga mô tả vai trò của bà trong đời ông: “vợ, nàng thơ, độc giả lý tưởng; thư ký, người đánh máy, biên tập viên, người soát lỗi, dịch giả, thư tịch, người lưu trữ; đại diện, giám đốc kinh doanh, tư vấn pháp lí, tài xế; trợ lý nghiên cứu, trợ lý giảng dạy, người đứng lớp thay ông” – bà dùng một từ để miêu tả chủ đề trung tâm, thứ “thấm đẫm trong mọi tác phẩm ông viết”, “một bí ẩn ông mang theo trong linh hồn mà ông không thể và không có khả năng bội phản”, đó là potustoronnost, mà ta có thể hiểu là sự vượt thoát đến một thế giới khác.
Và có gì có thể biểu hiện rõ potustoronnost hơn một bàn cờ – nơi cuộc đời một mặt được cô đọng lại thành những quân đen trắng và luật chơi cố định, một mặt mở ra lối đi vào một cõi siêu hình, dẫu vẫn đầy rẫy hiểm nguy và vực thẳm, nhưng ngay cả những hiểm nguy và vực thẳm cũng được thiết lập bởi trật tự của trí tuệ và cái đẹp?
Phòng thủ Luzhin kể về Aleksandr Ivanovich Luzhin – một kỳ thù cờ vua bị ám ảnh bởi những quân cờ, từ khi còn là một đứa trẻ đến khi nhảy khỏi cửa sổ và tự vẫn. Cậu bị kéo về phía bàn cờ bằng một từ trường không lối thoát và không đối trọng – cả tình yêu cũng không giằng được Luzhin về phía mình – như đã được định mệnh an bài, và cậu huyễn hoặc từng chặng đường đời như những nước cờ dồn dập.
Không chỉ Luzhin đã đạt tới potustoronnost, mà bản thân cuốn sách này, bản thảo này đã chạm tới potustoronnost, một potustoronnost của văn chương. Bởi có thể tìm được ở đâu một thứ văn chương lắt léo và kỳ tuyệt hơn thế, cái cách mà Nabokov mô tả vạn vật, từ những hàng đèn lồng vàng vọt trong đêm sâu đến cơn khó thở nhắc nhớ ta rằng ta tồn tại, từ tiếng nhạc dễ nhiễm lạnh đến một cái nhăn trán tựa một chuyển động huyền bí, tất cả như đến từ một thế giới khác. Những khung cảnh thường nhật bỗng chốc được vẩy lên phép thần, khiến chúng óng ánh chói mắt, thách đố sự thấu triệt của con người. Thứ ngôn ngữ của Nabokov trong Phòng thủ Luzhin không thuộc về thế giới này. Ông nhìn mọi thứ như thể đôi mắt ông đã được nhỏ giọt sương của cánh hoa nơi mũi tên Cupid đậu lại trong vở kịch Giấc mộng đêm hè, khiến ta yêu say đắm bất cứ người nào ta nhìn thấy đầu tiên, và thấy ở người đó những vẻ đẹp lớn lao mà khi tỉnh táo ta không nhận thấy.
Và không chỉ thế, từng dòng, từng câu, từng từ của Phòng thủ Luzhin cũng được phô bày như những nước cờ, che giấu những diễn biến và những dự định tiếp theo, và cuốn độc giả – đối thủ ở phía bên kia ván cờ – vào cuộc chơi của nó. Như ở chương cuối cùng, ông phô ra những bữa tiệc, tâm trạng háo hức của người vợ, sự lơ đễnh giả bộ của Aleksandr Ivanovich Luzhin, để rồi khi ta nhận ra cậu đang rơi vào trạng thái mê sảng thì cậu đã treo mình vắt vẻo bên ngoài cửa sổ, và khi ta nghĩ cậu đã chết thì hóa ra, còn hơn cả đã chết, Nabokov viết những dòng cuối cùng: “Cửa bị phá tung. “Aleksandr Ivanovich, Aleksandr Ivanovich!” – vài giọng gào lên. Nhưng chẳng còn Aleksandr Ivanovich nào nữa.”
Aleksandr Ivanovich Luzhin ngay từ đầu đã hiện diện trong thế giới ở trạng thái một người đi lạc, vì thế khi cái chết ập đến, nó không chỉ mang anh đi như nó vẫn làm với những con người khác – mang đi nhưng vẫn để lại một di sản. Nó xóa sổ anh, thủ tiêu anh triệt để. Nhưng ngay cả khi đó, đối với Luzhin, nó cũng không hẳn là chết mà chỉ là “rơi ra khỏi cuộc chơi”. Cũng giống như bậc thầy Honinbo Shusai trong tiểu thuyết của Kawabata, tức giận sau nước đi của kỳ thủ trẻ tuổi – một nước cờ mà ông cho rằng hủy hoại tinh thần của cờ vây – đã đi một nước cờ khó hiểu khiến ông chịu thất bại chung cuộc. Không phải Luzhin hay Shusai không thể dành chiến thắng, nhưng chiến thắng để làm gì khi mà ván cờ ấy, cuộc đời ấy đã mất đi vẻ đẹp và đã hoàn toàn bị hủy hoại?
Những nhân vật như Luzhin, như Shusai, và rộng hơn nữa, những con người mà linh hồn đã bị chiếm lĩnh tuyệt đối bởi cái đẹp, đó không phải những nhân vật để hiểu, hay đúng ra, đó không phải những nhân vật có thể hiểu. Họ sống trong một quỹ đạo khác, bằng những quy luật khác, ngụ cư ở những thế giới riêng và đau những nỗi đau riêng, và hiển nhiên, họ buộc phải trở thành kẻ thất bại trong cuộc đời có thực. Nhưng có sao đâu, như bài thơ Tôi chết vì cái đẹp của Emily Dickinson đã viết:
“Tôi chết vì Cái đẹp – nhưng chỉ vừa khi
Yên vị dưới Mồ
Thì Một người chết vì Chân lý, được đặt xuống
Ở Phòng bên cạnh –
Anh nhẹ nhàng hỏi tôi “Cớ sao tôi thất bại”?
“Vì Cái đẹp”, tôi đáp lời –
“Và tôi – vì Chân lý – Chúng là Một mà thôi -” □