Nakahara Chuya và cảm hứng cao viễn

Khi qua đời ở tuổi 30, nhà thơ Nakahara Chuya, chỉ kịp để lại hai thi tập “Bài ca sơn dương”(Yagi no uta), “Bài ca ngày tháng cũ” (Arishi hi no uta) nhưng vị trí của ông trong nền văn học Nhật Bản là  không thể thay thế.

Có thể hình dung, vị trí của Nakahara không khác gì Hàn Mặc Tử (1912-1940) của phong trào Thơ Mới ở Việt Nam. Cả hai đều tài hoa bạc mệnh và sống cùng thời, chỉ cách nhau khoảng mấy năm; đều chịu ảnh hưởng của đạo Cơ đốc cũng như văn học Pháp cuối thế kỷ XIX đầu XX, với lối viết tượng trưng và siêu thực. Và đặc biệt, cảm thức về thời gian và không gian đến rợn ngợp cùng những nỗi đau không thể nào san sẻ được trong thi phẩm của hai ông luôn làm các nhà nghiên cứu và độc giả ám ảnh mãi đến tận bây giờ. Như Paul Mackintosh và Maki Sugiyama nhận định “thơ ông lưu trữ rất nhiều những ngôn ngữ đời thường trong một sự đơn giản âm vang với nhịp điệu độc nhất của sự u uất và đa sầu đa cảm”.1

Cho đến bây giờ đã có hàng ngàn quyển sách viết về hay nhắc đến tên tuổi Nakahara Chuya. Toàn tập thơ ca của ông đã được xuất bản và được dịch trọn vẹn sang nhiều ngôn ngữ trên thế giới

Vào một buổi sáng, tôi nhìn thấy
Lá cờ đen bay phần phật trên bầu trời
Rõ ràng cờ bay phấp phới
Mà quá cao thanh âm không đến tai tôi

Những câu thơ mở đầu trong bài “Trời mây u ám” (Đàm thiên) dường như đã tiên tri cho số phận Nakahara, tài hoa mà nghiệt ngã. Có thể nói ngoài thơ ca, Nakahara không còn một thứ gì nữa. Cuộc đời và thơ ca là một.

Cuộc đời thiên tài và bi kịch của Nakahara tiêu biểu cho thân phận của một trí thức thời cuối Minh Trị và Đại Chính, khi làn sóng du nhập văn minh và văn hóa Tây Phương tràn ngập mãnh liệt vào Nhật Bản. Vốn có khiếu thơ ca từ rất sớm, sáng tác của Nakahara là sự nhuần nhuyễn của lối tìm kiếm hình ảnh và biểu đạt hiện đại, đầy kinh ngạc, với tâm hồn Nhật Bản sâu xa linh diệu. Hình ảnh ông đội nón, để tóc dài, đi lang thang sống đời Bô hê miêng đã trở thành bất tử. Một trong những thơ kinh điển của ông, sáng tác cách đây tám mươi năm, từ khi ra đời đã được đánh giá rất cao và cho đến ngày hôm nay vẫn còn làm độc giả sửng sốt về tính hiện đại là bài thơ “Xương” (Hone) mà chúng tôi dịch trọn vẹn như sau:

Xương

Hãy nhìn này! Đây là xương tôi
Thấm đầy khổ đau khi tại thế
Xé rách thịt da nhớp nhơ
Đầu xương lòi ra mấu nhọn
Mưa đã rửa cho trắng tinh

Không phải là sáng lấp lánh
Chỉ màu trắng thản nhiên vô ích
Bị gió thổi và mưa rơi
Giờ phản chiếu bầu trời

Khi còn sống
Bộ xương này đã ngồi trong phòng ăn
Giữa đám đông thực khách
Dùng món súp rau
Chợt nghĩ ra sao buồn cười quá đỗi

Hãy nhìn này! Đây là xương tôi
Và phải chăng tôi đang nhìn ngắm
Thật hết sức buồn cười
Có lẽ linh hồn tôi ẩn náu
Tìm về trú xứ của xương xưa
Mà ngắm nhìn lãng đãng

Bên bờ suối nhỏ nơi làng quê
Đứng trong bãi cỏ khô
Phải chăng tôi ngắm nhìn
Những lóng xương trắng hếu
Đâm thẳng lên nền trời
Cao như tấm bảng hiệu.

Đặc trưng lớn nhất trong thơ Nakahara, theo như nhà nghiên cứu Yoshida Hiroo nhận định là “Cảm giác xa xăm, cao viễn” (Toosa no Kankaku). Đây là nguồn mạch của thơ ông. Yoshida viết “Ai trong chúng ta, hồi còn nhỏ, đều chắc chắn có lần cảm thấy một cảm giác mênh mông kỳ bí về vũ trụ không thể diễn tả bằng lời khi ngước nhìn lên trời sao thăm thẳm bao la. Nhưng riêng đối với Nakahara, ông đã mang theo những cảm giác trẻ thơ ấy đi suốt cuộc đời mình.”

Biết bao thời đại đi qua
Đã bao nhiêu cuộc chiến tranh màu xám

Biết bao thời đại đã đi qua
Mùa đông gió thổi lạnh lùng”

Trong những câu mở đầu bài thơ “Rạp xiếc” (Sa-kasu) nổi tiếng, “Bao thời đại” ở đây không phải nói đến những thời đại lịch sử mà qua sự lặp lại đó, ta phải hiểu nó ám chỉ một quá khứ xa xăm. Bài thơ này tiếp tục được triển khai về quang cảnh trong rạp xiếc và cuối cùng ý thơ hướng về thời gian tối tăm ở ngoài trời và một tương lai vô hạn. Cho nên quang cảnh trong rạp xiếc chỉ là một điểm trong dòng thời gian vô hạn đó thôi.”2

Trong thơ Nakahara, ta thấy sự tinh tế tột bậc, trân trọng từng sinh vật nhỏ như chuồn chuồn, từng vật vô tri như chiếc cúc áo, như thể chúng có linh hồn. Đây có lẽ bắt nguồn sâu nặng từ truyền thống văn hóa Nhật Bản cùng với ảnh hưởng của đạo Cơ đốc mà ông đã được hấp thụ từ khi còn nhỏ.

Dưới đây là hai trong số những bài thơ hay nhất của ông:

Gửi chuồn chuồn3

Bầu trời thu trong vắt
Chuồn chuồn đỏ lượn mê say
Tôi đứng trên đồng cỏ
Trong ánh hoàng hôn phai

Phía xa kia ống khói nhà máy
Trông mờ nhạt trong ánh ngày
Tôi ngồi xuống lượm viên sỏi nhỏ
Và thở dài một tiếng đắng cay

Cảm nhận sự lạnh lẽo của viên đá
Nhưng khi nó ấm lên trong lòng tay
Tôi để xuống và bứt vài cọng cỏ
Những cọng cỏ tắm trong ánh ngày

Những cọng cỏ đã bị ném bứt
Sẽ dần tàn úa trên đất đai
Phía xa kia ống khói nhà máy
Trông mờ nhạt trong ánh ngày.

Bờ biển đêm trăng

Một đêm trăng, trên bờ biển
Có một chiếc cúc áo bị đánh rơi

Tôi nhặt lên, không nghĩ ra sẽ dùng vào việc gì
Nhưng vứt đi, sao tôi không nỡ
Và đành bỏ vào tay áo kimono

Một đêm trăng, trên bờ biển
Có một chiếc cúc áo bị đánh rơi
Tôi nhặt lên, không nghĩ ra sẽ dùng vào việc gì
Nhưng tôi không ném nó về phía vầng trăng
Cũng không ném đi vào bờ sóng đánh
Mà bỏ vào tay áo kimono
Và trong đêm trăng, chiếc cúc được nhặt lên ấy
Thấm vào đầu ngón tay, thấm vào tim tôi

Chiếc cúc được nhặt lên trong đêm trăng ấy
Làm thế nào tôi có thể vứt bỏ nó đây?

Nakahara sinh ngày 29/4/1907 tại tỉnh Yamaguchi, trung tâm của đạo Cơ đốc miền Tây Nhật Bản từ thế kỷ 16. Năm 13 tuổi đã có những bài tanka được chọn đăng trên các tạp chí.

Năm 1924, ông được giới thiệu cho đọc những tác phẩm của Baudelaire, Rimbaud, Verlaine và bắt đầu đam mê văn học Pháp. Năm 1931, ông nhập học khoa tiếng Pháp trường ngoại ngữ Tokyo, chuẩn bị cho công cuộc dịch thơ Rimbaud sau này của ông. Hai tuyển tập thơ Rimbaud do ông dịch đã được in vào các năm 1933 và năm 1937.

Cuối năm 1934, tập thơ đầu tay “Bài ca sơn dương” (Nakahara tuổi Mùi) gồm 44 bài viết từ năm 1924 đến 1930, được xuất bản. Chất lượng các bài thơ không đồng đều nhưng tập thơ có giọng điệu riêng và một số bài kiệt tác, hay nhất trong đời thơ Nakahara. Tuy không được đọc nhiều và ít người hiểu nhưng Kobayashi Hideo đã đánh giá tập thơ rất cao. Đó cũng là một điều may mắn cho Nakahara vì chính nhờ sự xưng tụng của nhà phê bình kiệt xuất này mà cuối cùng người đời đã hiểu và tôn vinh ông trong lịch sử văn học Nhật hiện đại dù muộn màng đến vài chục năm sau.

Tháng 11/1936, cái chết của con trai đầu bé bỏng gây cho ông một cú sốc lớn. Ông đã viết khóc thương “Cuộc đời của Fumiya” trong nhật ký và rất nhiều bài thơ buồn sau này của ông luôn phảng phất hình bóng của cậu con trai. Từ thời gian này trở đi, thần kinh của ông bắt đầu có triệu chứng rối loạn.

Tháng 1/1937, Nakahara nhập viện để điều trị bệnh thần kinh. Tháng 2, sau khi xuất viện, do không muốn sống ở nơi con trai đã mất, ông chuyển nhà đến nơi khác. Tháng 10, ông dự định về quê nhưng phát bệnh viêm màng não, rơi vào hôn mê sâu. Ngày 22/10, Nakahara qua đời, được chôn cất ở quê nhà Yamaguchi.

Năm 1938, bản thảo tập thơ “Bài ca ngày tháng cũ” mà ông hoàn thành ngay trước khi qua đời, được ấn hành.

Năm 1994, nhà kỷ niệm Nakahara xây trên nền nhà cũ của ông, được khánh thành ở thành phố Yamaguchi. Năm 1996, giải thưởng Nakahara Chuya được sáng lập để trao giải cho những thi tập xuất sắc.

Nagoya, tháng 10/2011
Hoàng Long

1. Paul Mackintosh và Maki Sugiyama, The poems of Nakahara Chuya, Nxb Gracewing, 1993, phần lời dẫn nhập.

2. Dịch từ phần “Giải thuyết” của nhà nghiên cứu Yoshida Hiroo in cuối thi tập Nakahara Chuya, Nxb Shinchosha, tái bản lần thứ 15, năm 2011.

3. Những bài thơ của Nakahara do chúng tôi dịch từ nguyên tác tiếng Nhật, thi tập Nakahara Chuya, Nxb Shinchosha, tái bản lần thứ 15, năm 2011.

 

Tác giả

(Visited 51 times, 1 visits today)