Năm ghi chú bất lợi cho áo dài

Áo dài là trang phục gắn với tính cách kín đáo đoan trang, nết na thùy mị. Ấy là cách hiểu truyền thống. Thậm chí ngày trước các cụ còn tính toán chuyện đi đứng, nói năng, kiểu ngồi, nằm, bước ra sao khi mặc áo dài nữa kia. Nghĩa là suýt chút nữa áo dài đã dẫn người mặc nó đến ngưỡng nghi thức. Nhưng không. Tính cách người Việt, đặc biệt là phụ nữ Việt, con cháu Bà Trưng, Bà Triệu có tỉ mỉ thật, nhưng chưa thượng thừa điềm đạm đến mức đó...

1. Phụ nữ Nhật coi việc mặc kimono như thực hành một nghi thức. Mỗi bộ kimono chẳng khác nào một tác phẩm tinh hoa mỹ thuật truyền thống, đầy tinh tế, cầu kỳ. Người may kỳ công như những nghệ nhân. Người mặc cũng đạt tới tầm công phu như những nghệ sĩ thực thụ. Các công đoạn từ mặc áo lót, áo ngoài, quấn thắt lưng obi, đệm obi-age, obi-jime, vấn, thắt các loại dây buộc, mang tất, xỏ guốc gỗ tabi rườm rà phức tạp hết biết.
Và quá tốn kém. Theo một phim tài liệu của National Geographic mới đây, mỗi bộ kimono truyền thống đúng điệu ở Tokyo bây giờ trung bình cũng cỡ 36.000 USD. Kimono cổ truyền ngày nay là trang phục của những người có của ăn của để.

Mặc kimono, người ta không chỉ mặc vào một trang phục, mà còn khoác lên mình một kho tàng di sản, một gia sản. Và phải kể đến, đó là thứ tài sản vô hình: thời gian.

Rõ ràng trong xã hội Nhật Bản, việc chuẩn bị tỉ mỉ cho bộ cánh kimono mất hết cả ngày trời để chỉ xuất hiện đài các đúng lễ thức cổ truyền trong các lễ hội trang trọng thoáng chốc cũng đã thể hiện tính cách của người Nhật là cả một quá trình làm chủ thời gian. Kẻ giàu có thời gian mà thiếu tính khiêm cung tao nhã, cũng sẽ không chắc làm được điều đó. Chỉ những ai sống trọn vẹn trong thời gian mới có thể thủng thẳng với kimono.

So với kimono của người Nhật, thì áo dài của người Việt quá khỏe. Trước, người ta gắn suy nghĩ phải mặc áo dài cho một số dịp lễ thức có màu sắc truyền thống (như cưới hỏi, tết nhất…), nhưng bây giờ thì không cứ gì phải vậy, nhiều người nghĩ rằng, truyền thống không có nghĩa cứ là áo dài khăn đóng. Suy nghĩ này làm cho chị em tha hồ ỏn ẻn váy dài váy ngắn kiểu Hàn kiểu Tây. Chiếc áo dài đôi khi lẻ loi đơn độc trong những chốn muôn hồng nghìn tía, hoặc chỉ dành cho người phụ nữ đứng tuổi, hoặc là bộ cánh của những cô gái cá tính ưa chơi trội.

Cô gái sẽ cong cớn bảo rằng, vì sao tôi mặc áo dài truyền thống mà anh cứ bảo là chơi trội?

Xin mời em hãy đọc phần ghi chú tiếp theo.

2. Quá nhiều mỹ từ được dệt nên để ngợi ca áo dài. Chẳng phải lùng sục đâu cho xa, chỉ cần gõ vài từ khóa “áo dài” + “thướt tha” + “dịu dàng” + “uyển chuyển” + “e ấp” + “duyên dáng” + “kín đáo” + “thơ ngây”… là Google trả lời bằng những tràng tràng thơ, nhạc, tùy bút các kiểu. Chẳng hiểu năng lực mộng mơ ở đâu mà dạt dào vô biên như thế ở đám nghệ sĩ Việt Nam, để thế hệ này qua thế hệ khác, cứ mải miết thay nhau dệt mộng cho tà áo dài, và trong khi đó, phân biệt chủng tộc với tất thảy những loại áo sống khác còn lại trên đời.

Hẳn là có lý do.

Cái lý do này liên quan tới việc cô gái phản ứng trước hai từ “chơi trội”.

Thử nghĩ coi, không chơi trội sao được, khi mọi thể loại váy Tây, váy Hàn, dù khoét ngực sâu đến mấy, hở đùi cao đến mấy cũng giữ lại một thẻo nhân gian để làm vốn liếng. Trong khi đó, nàng áo dài thì rơi vào một tình thế rất trớ trêu tình ngay lý gian, đó là nhân danh cái sự thừa lại ngang nhiên công khai cái sự thiếu.

Nghĩa là sao, khó hiểu quá, cụ thể hơn tí tẹo nữa đi?

Đây, đừng nóng vội. Áo dài là trang phục gắn với tính cách kín đáo đoan trang, nết na thùy mị. Ấy là cách hiểu truyền thống. Thậm chí ngày trước các cụ còn tính toán chuyện đi đứng, nói năng, kiểu ngồi, nằm, bước ra sao khi mặc áo dài nữa kia. Nghĩa là suýt chút nữa áo dài đã dẫn người mặc nó đến ngưỡng nghi thức. Nhưng không. Tính cách người Việt, đặc biệt là phụ nữ Việt, con cháu Bà Trưng, Bà Triệu có tỉ mỉ thật, nhưng chưa thượng thừa điềm đạm đến mức đó (và điều đó cũng chẳng có gì là xấu, thậm chí còn tích cực nếu nhìn nhận vấn đề dưới ánh sáng nữ quyền luận hiện đại!), cho nên, càng tân thời, thì các bà các cô càng phải ngồi tính toán lại coi, cái áo dài trong truyền thống thời “tam cương” có bị đề-mốt hay không trong đời sống ngày nay, sự kín đáo có đơn điệu quá không khi đến cải lương cũng phải tân cổ giao duyên mới gọi là ngầu.

Và như thế, cuộc cách mạng về cái đẹp, sự tân thời âm thầm mà ráo riết diễn ra trên vạt áo dài. Từ vạt to đến vạt nhỏ. Mối bận tâm về tính dục diễn ra rầm rộ công khai trên những đường nét. Từ thùng thình dư giả sang bó chặt thiếu thốn, nương theo và phô diễn những làn cong trên cơ thể. Nhưng cuộc biểu dương tinh thần nữ quyền diễn ra rõ nhất là trên chất liệu vải. Từ phong kín tuyệt đối sang e ấp úp mở, từ ý nhị điểm xuyết quá độ sang trong suốt đến tận cùng. Hành trình đốt cháy giai đoạn kín đáo sang cởi mở diễn ra chóng vánh. Thời trang truyền thống chính thức bước vào cuộc đi tắt đón đầu hiện đại. Hãy nhìn xem các chủng loại váy ngắn váy dài, chỉ cần hở chút nội y là trở nên phản cảm, trở thành đề tài hot cho các báo lá cải đến diễn đàn mạng, vậy mà mấy chị áo dài cứ thế là lượt trong suốt công khai thanh thiên bạch nhật trình bày từng chi tiết hoa văn ren chỉ của nội y trước mắt thiên hạ thì vẫn được coi thùy mị đoan trang.

Ôi, cuộc cách mạng thật tuyệt vời khi nó vừa mang trong mình danh nghĩa truyền thống lại không bao giờ bị mang tiếng là lai căng nhố nhăng. Đã vậy, các nhà thiết kế thời nay còn đua nhau thực hiện mưu đồ khai thác hết khả năng biểu hiện phồn thực của chiếc áo dài bằng việc xẻ chỗ này, thắt chỗ kia, cổ mái thuyền, cổ trái tim, tay ngắn, vai ren, phối trộn jeans, đầm, trên dài dưới ngắn, dưới xẻo trên buông các kiểu… Những nàng thích mốt tha hồ bày tỏ tình yêu với truyền thống dân tộc. Hở một cách đoan trang. Thả rông một cách hợp thức. Ai dám động vào. Áo dài mà. Dân tộc mà. Gợi cảm là thế, thanh thoát là thế, sao dám xuyên tạc suy diễn lung tung duy ý chí được.

Thế đó. Các cửa hiệu áo dài may nhanh ở những tuyến phố du lịch quốc tế tại Hội An, Sài Gòn, Hà Nội thi nhau mọc lên. Phụ nữ Tây, Nhật tìm thấy cảm giác vừa lạ vừa quen trong chiếc áo dài. Lạ là được trải nghiệm cảm giác bản xứ hóa cứ như đi với bụt thì cứ phải cà sa, cho dù là cà sa giấy. Quen là đã tìm thấy đâu đó một trải nghiệm tự do của cái gọi là giải phóng cơ thể. Như món phở 24, áo dài bước vào cuộc hội nhập vô tư – một kiểu fast food trong ăn vận. Nhìn cái bàn máy của những thợ lành nghề may nhanh chiếc áo dài trong vài tiếng đồng hồ phục vụ nhu cầu mặc nhanh của khách, mà toát mồ hôi hột. Thôi đừng bày vẻ câu nệ kiểu cách nữa nhé. Thực tế đang cho thấy một cuộc vần xoay tư duy từ cầu kỳ đến giản đơn, từ chậm rãi đến vội vàng, từ câu nệ đến dễ dãi – tất cả xoay quanh nghĩa lý của hai chữ thức thời.

May nhanh, mặc nhanh, giải phóng vẻ đẹp (và cả khuyết điểm) cơ thể, chiếc áo dài Việt thế kỷ XX đáo để năng động lắm, chẳng e ấp thảy nắng tung hoa ngó mộng như trong thơ Nguyên Sa hay tranh Đinh Cường nữa đâu. Thỉnh thoảng để mắt đến mấy kênh âm nhạc trên truyền hình, cứ thấy mấy diễn viên trong các vũ đoàn bận áo dài trong suốt và quần jeans mà nhảy Rap, chợt toát mồ hôi hột vì sự táo bạo trẻ trung, rồi nghiệm ra ở đó một tiết tấu sống khác.

3. Em lại bảo, đó là một sự thích ứng phù hợp với xu thế “dân gian đương đại” – theo cách nói thời thượng mà giới sáng tác âm nhạc ưa dùng. Trang phục thay đổi theo thẩm mỹ chứ hổng lẽ cứ khăng khăng nệ cổ?

Thì có ai phản bác gì đâu. Thích nữa là đằng khác. Nhìn những đường cong gợi cảm hay thịt da nông nổi của một em gái mặc áo dài bao giờ cũng tự tin và lịch sự hơn nhìn chòng chọc một cô bận váy hở áo khoét ngực. Cái mặc được hợp thức hóa thì cái nhìn, hay nói theo cách khác, là hành vi thưởng ngoạn cũng rất công khai minh bạch. Chỉ có một điều, khi cái truyền thống được mượn cớ để phơi bày ra một cách lồ lộ dễ dãi và hợp thức như thế thì chỉ lo rồi đây, xoay quanh chiếc “áo dài quá độ” thể nào cũng sẽ có những phát sinh bất cập mới.

Ngó các em gái cấp ba mặc áo dài trắng đi học, đẹp như những thiên thần. Nhưng cứ nghĩ xem, trong thời buổi những chiếc áo dài đang chống lại trí tưởng tượng những cậu trai mới lớn bằng việc phơi trần ra trước mắt từ đường cong cơ thể đến vẻ đẹp thịt da tươi mươi của nữ giới tuổi dậy thì, thì điều gì sẽ xảy ra. Lửa rơm là chuyện dễ hiểu. Và biết đâu chiếc áo dài trong suốt lại đã góp vào trong chuỗi nguyên nhân dẫn tới tình trạng học trò Việt Nam quan hệ tình dục sớm, hoặc xa hơn là tội hiếp dâm vị thành niên ở chốn học đường. Đó là chưa kể sự kích thích rung động giới tính dẫn tới những rối loạn trong hành vi, liên quan đến chứng xao nhãng trầm kha tác động xấu đến việc học!?!

Ông anh nói vậy thì hổng lẽ tụi em đi học phải bận trên người bộ áo dài từ thời bà ngoại?
Không hẳn. Nhưng câu hỏi của em làm tôi nhớ đến một chuyện xảy ra trong nhiều gia đình Việt Nam. Bộ áo dài cưới một thời là bảo vật gia truyền, nó gắn với sự truyền thừa các phẩm hạnh phụ nữ mà những người mẹ mong muốn nơi con cái. Chiếc áo dài bà ngoại tôi chỉ được mặc một lần vào ngày cưới, rồi bỏ vào rương khóa lại. Đến ngày cưới của mẹ tôi, thời khó khăn, bà đã mở chiếc rương ra để tặng mẹ bộ áo dài đó. Tấm ảnh đen trắng duy nhất về ngày cưới chụp cảnh gia đình hai họ đứng dàn hàng ngang, cô dâu bên chú rể, áo dài trắng, tay ôm bó hoa huệ, miệng nở nụ cười tươi, thanh thoát và trong ngần. Vẻ trong ngần của tâm hồn, vẻ rạng ngời của phẩm hạnh, vẻ chuẩn mực của gia giáo thể hiện qua chiếc áo ngày cưới.

Nghe như phim Áo lụa Hà Đông.

Em không cần thiết phải mặc bộ áo dài từ thời bà ngoại. Nhưng nhất thiết phải là…

4. Mặc cho các nhà thiết kế đang âm mưu tùng xẻo hay tôn vinh chiếc áo dài trên sàn diễn, tôi không màng. Tôi chỉ nhớ một lần chàng trai Mỹ nói tiếng Việt ngọng líu ngọng lơ một câu mà tôi phiên dịch được như vầy: “Tôi thích coi phụ nữ Việt Nam mặc áo dài!”. Câu nói đó làm tôi bật cười. Nhưng tôi đã nhớ nó rất lâu. Cái anh ta “thích coi” có khi không phải là chiếc áo dài đã được mặc xong. Vì như thế thì chẳng có gì để bàn. Nhưng, tình cờ cách diễn đạt buồn cười của người không rành tiếng Việt lại bật ra một suy diễn khác: anh ta muốn nhìn một nghi thức, một sự chăm chút, chậm rãi của thời gian, một cuộc biểu dương các giá trị truyền thống thực thụ, hơn là một bộ thời trang sexy, có thể may quấy quả, mặc quấy quả, ngắm quấy quả.

5. Khi viết những ghi chú này, tôi tự dán lên trán mình hai chữ: cụ non cùng bốn chữ: đồ đạo đức giả. Một gã cụ non đầy mâu thuẫn: vừa thích sexy tươi mát tân thời, vừa yêu sự kín đáo cầu kỳ của truyền thống.

Em nói: Thấy chưa, người ngắm mà còn như vậy, huống hồ người khoe?



(Trích từ tập tạp văn Những đồ vật trò chuyện cùng chúng ta của tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyên, NXB Trẻ ấn hành vào giữa tháng 6/2014)

Tác giả