Năm&1

Là năm người cùng gặp nhau, cùng bày chung những tác phẩm mới nhất trong triển lãm này. Năm người nhưng cùng chung một điểm. Đó là sự bất an với những gì đã làm, sự bất an có nghĩa và tích cực. Sự trằn trọc, vật vã của năm người muốn khám phá bằng cách khám phá lại những gì đã qua, đã làm của chính mình. Ngỡ cứ tưởng những gì đã vẽ là đã xong, thế mà cũng lại là chưa xong. Hành trình sáng tạo là gì nếu không phải là một chuỗi nối tiếp những nghi hoặc về chính bản thân mình và khao khát đổi thay.

    Đoàn Xuân Tặng đang an lành với đề tài miền núi, với các bảng màu nguyên, rực chói phục trang của các tộc người thiểu số vùng Tây Bắc thì nay Tặng lại bất an. Đôi mắt – kính vạn hoa của Đoàn Xuân Tặng bắt đầu muốn thay đổi, Tặng đã no màu? Chỉ vài bức ở triển lãm này nhưng cũng đủ hé ra cái ý của Tặng, anh muốn cất bớt màu đi, muốn nhân vật được lộ ra nhiều hơn, tự nhiên hơn.

    Cái sự bất an của Doãn Hoàng Lâm còn quyết liệt hơn, người cố tình bày những bức tranh mới cạnh những bức đã qua (cho dù là mới vẽ) để chính anh ấy, trước tiên là cho mình chứ không chỉ là cho người xem, xem được sự thay đổi. Những năm tháng đã qua, Lâm mải miết vào một việc là đi tìm cái giai điệu người, bằng cách tháo, gỡ, cởi, rũ bỏ những gì làm nên nhân vật để rồi Lâm sắp lại, xếp lại và đặc biệt là uốn lại, nắn lại, uốn lượn lại, vuốt lại, chủ yếu là đường cong, có để lại nét nhưng không phải là kiểu nét viền của đồ hoa mảng phẳng. Sự uốn nắn lại, giải phẫu lại này của Lâm tạo ra giai điệu, nhịp điệu. Nhân vật trong tranh Doãn Hoàng Lâm bộc bạch, bộc lộ những câu chuyện được mất, vui buồn, hạnh phúc hay đau khổ của mình qua cái giai điệu hình thể này.

    Kể ra thế cũng là có đường của mình rồi, vậy mà Doãn Hoàng Lâm lại “giở chứng” đi tìm đường mới, những bức chân dung trong triển lãm này là những bước đầu tiên, lần lộ diện đầu tiên. 

    Tôi được xem tranh của Lý Hùng Anh cách đây vài năm trong triển lãm cá nhân lần đầu tiên của anh ấy. Lần đầu xuẩt hiện đã chững chạc ngay. Lý Hùng Anh có lối diễn tả lạ, cái ghế, cái bàn, đôi giày cũ, cái phòng chờ ở nhà xác hoặc bệnh viện phụ sản hay cây đàn guitar, cái gì cũng có số phận, thân phận của nó. Những thân phận được đóng băng lại, vừa cứng vừa tan chảy, nhỏ giọt chầm chậm, có đấy mà hoang vu mong manh đấy. Tôi thích. Triển lãm này Lý Hùng Anh tỏ ra trằn trọc hơn, bất an hơn không phải kiểu trở mặt như Doãn Hoàng Lâm mà âm thầm hơn. Lý Hùng Anh bắt đầu quan tâm đến sự vô lý. Vô lý làm nghệ thuật nặng hơn. Nếu không vô lý thì không còn nghệ thuật nữa. Sự vô lý là tiêu chí bắt buộc của nghệ thuật hiện đại. Mỗi một bức tranh trở thành tác phẩm chính là vì nó có phần vô lý nếu cắt nghĩa bằng cách suy nghĩ bình thường của đời sống nhưng cắt nghĩa bằng nghệ thuật nó lại có lý. Mấy tranh mới của Lý Hùng Anh bắt đầu có dấu hiệu của vô lý, những thân phận vẫn đóng băng, vẫn tan ra nhưng được đi qua một “ khu vực” nghĩa đen là những vệt màu chảy rất vô lý.

    Lê Anh Quân là người loay hoay nhất. Quá trình sáng tác của Quân là những cung đường ngắn, đổi hướng liên tục. Cho đến triển lãm gần đây “Solo of Le Anh Quan”… thì có vẻ lần đầu tiên thấy Quân tạm an, tức là ngược hẳn với ba tác giả ở trên. Tất nhiên chưa biết chừng thời gian tới anh ấy lại bất an thì bàn sau. Lê Anh Quân tham gia triển lãm này bằng sáu cái mặt, không phải mặt mình hoặc mặt của ai. Với Quân, những cái mặt như những tờ giấy nháp, những cái mặt nháp, một kiểu chân dung dang dở, nhàu nhĩ, rối ren, mờ đục. Mỗi khuôn mặt là một tờ giấy để Quân viết nháp lên đó một câu chuyện. Chính vì nháp nên nó thực, sai cũng thực. Nháp nhiều tự do và được quyền không kết thúc. Làm gì có kết thúc hoặc phải kết thúc, tất cả đều dở dang, mỗi người dở dang một kiểu, đau đớn hay hạnh phúc cũng đều dở dang. Tất cả đều là nháp thôi, nháp trẻ, nháp già, nháp đàn ông, nháp đàn bà. Đời sống của mỗi người thực chất là một bản nháp. Xin nhắc lại, nhưng nó thực và vẫn cần phải sống thực dù là sống nháp. Ở một cách lý giải khác, thì Phật giáo coi cuộc sống là sống tạm, cõi tạm.

    Người bất an nhiều nhất trong năm người này là Lưu Vũ Long, Long bày ra bốn cái bất an của anh, như là những thắc mắc của Long về mình và người, một hay nhiều thông qua những khuôn mặt và đám đông hình người bay nhảy, bò, bơi lội. Cũng có thể là đối thoại hoặc là đối lập của ít với nhiều, cá nhân và tập thể. Nhưng tựu trung đều là một, một băn khoăn không có lời đáp. Mấy khuôn mặt giống nhau thì cũng là một, vô số những hình người như nhau vẫn là một, tất cả đều là số ít. Mỗi người dù bé nhỏ, mỗi số phận dù vô danh đến mấy cũng là một phần của đời sống. Ai mà chả muốn có một cuộc sống an lành, trừ nghệ sĩ. Đời sống nào nghệ thuật đó, liệu thì người ta có thể làm được gì không ? Nếu đã có sẵn an, giả sử như vậy thì cũng nên tự tìm kiếm sự bất an. Tác phẩm sinh ra ở đó, nghệ thuật sinh ra ở đó mặc dù cuối cùng thì thể nào nghệ thuật, cái đẹp lại sẽ quay về an ủi cho mình, mang lại an lành cho mình, bù đắp cho mình. 

1.    Chân dung – Lưu Vũ Long


2.    Chân dung – Doãn Hoàng Lâm

3.    Hóa trang – Đoàn Xuân Tặng

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)