New Form – Nhóm điêu khắc Hình thể mới

Những nhà điêu khắc trong New Form đã mạnh dạn từ bỏ những bài học, thói quen điêu khắc từ truyền thống và nhà trường, ở mức độ họ thành xa lạ.

Nghệ thuật điêu khắc ở Việt Nam có một lịch sử lâu dài và liên tục hơn bất cứ nghệ thuật nào, đến mức có thể nói lịch sử nghệ thuật Việt Nam chính là lịch sử điêu khắc. Nếu chỉ tính riêng giai đoạn phong kiến đến nay đã có một ngàn năm phát triển, đó là chưa kể đến phần điêu khắc của người Champa, người Phù Nam và người Tây Nguyên. Điêu khắc hiện đại loay hoay trong cơn đói nghèo của thời bao cấp và không vị thế gì trong thị trường nghệ thuật sau Đổi mới, khiến đôi lúc người ta chỉ nhắc đến hội họa mà không mấy ai quan tâm điêu khắc như thế nào. Mặt khác, các tượng đài hoành tráng mọc lên như nấm và to như cái đình càng làm mất uy tín ngành điêu khắc. Một thế hệ mới các nhà điêu khắc hình thành sau năm 2000, và tất nhiên có tiền đề từ các nhà điêu khắc cấp tiến trước đó, muốn thay đổi ngôn ngữ điêu khắc, bất chấp hoàn cảnh kinh tế thế nào. Đặc biệt phải kể đến cuộc triển lãm Không gian mới vào năm 1999 tại bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam của một số nhà điêu khắc trung niên và trẻ lúc bấy giờ. Tuy cùng trưng bày trong triển lãm đó, nhưng không phải ai cũng nhất trí như ai, cái thói quen truyền thống quá lớn, từ trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, đến trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, điêu khắc được coi là nghệ thuật đắp nặn, đẽo, đục, đổ khuôn hình thể con người, bằng những chất liệu đá, gỗ, đồng, đất, thạch cao, bê tông. Thói quen tạo ra phong cách, và thói quen giết chết nghệ thuật, cho đến khi người ta chán chính mình. Nhưng như thế có khi là quá muộn.

Có thể nói, sau những năm 1990, dần dần, các nghệ sỹ Việt Nam ra nước ngoài nhiều hơn trước, liên tục hơn trước. Họ nhận thấy, điêu khắc đã được nhận thức hoàn toàn khác về ngôn ngữ, về vật liệu, về phương pháp. Nó không còn là một nghệ thuật trói buộc nghệ sỹ vào những cái khuôn gọi là điêu khắc, mà trái lại mở ra tự do cho họ, muốn làm gì thì làm, miễn là biểu hiện được họ và có cái mới – không gian, hình thể mới, vật liệu mới, thậm chí là vô định tính, điều này dẫn đến nghệ thuật tạo hình quang học đang bắt đầu phổ biến – trên một sàn điện tử, người xem bước vào, và tùy theo cảm xúc của họ mà ánh sáng có hình thể và màu sắc dấy lên thế nào. Điêu khắc của ta dù có thay đổi nhưng vẫn đang ở dạng tĩnh. New Form ra đời trong hoàn cảnh ấy, bắt đầu từ năm 2013.

Tôi viết bài này không phải để trình bày những gì New Form đang làm và đã có hiệu quả thế nào, mà chỉ để nói về cảm quan của mình với điêu khắc nói chung và New Form nói riêng. New Form là một nhóm các nhà điêu khắc trẻ và một Curator trẻ đang muốn bắt kịp những biến động nghệ thuật trên thế giới, hay ít nhất là thay đổi trong hoàn cảnh Việt Nam. Mặt khác, theo chính họ thì New Form chỉ là một dự án có thời hạn và có tiêu chí nghệ thuật, trong đó Curator đóng vai trò người đưa ra ý tưởng, tổ chức triển lãm, các nhà điêu khắc là những người thực hiện ý tưởng chung bằng các sáng tác cá nhân.

Mỗi nhà điêu khắc trong New Form đều đã có những tác phẩm riêng lẻ trưng bày đâu đó, trong các triển lãm giao lưu Hà Nội – Sài Gòn, trong Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc 2010 và Triển lãm Điêu khắc Toàn quốc 2013, không kể những triển lãm khu vực. Người ta nhận thấy sự thay đổi của họ cùng với nhà điêu khắc Đào Châu Hải, thầy của nhiều nhà điêu khắc thế hệ năm 2000, người có những thay đổi căn bản với ngôn ngữ điêu khắc. New Form – Hình thể mới, đối với ông là một bước tiếp của Không gian mới năm 1999. Trong sự thay đổi này, có một thời gian dài các nhà điêu khắc trẻ lấy sắt làm vật liệu chính, và họ hoàn toàn không câu nệ vào việc tạo hình tác phẩm theo khuôn mẫu con người hay đồ vật mà mỗi hình thể tạo ra có liên quan đến xúc cảm và kỹ năng xử lý sắt nhiều hơn. Đáng tiếc là kỹ thuật rèn sắt nóng và nguội của các nhà điêu khắc Việt Nam còn hạn chế, cũng như hoàn toàn thiếu công nghệ so với đồng nghiệp nước ngoài, nếu không các sáng tác của họ có thể một bước dẫn lên sân chơi điêu khắc sòng phẳng. Nhìn lại thì quá trình vật vã với vật liệu mới chính là quá trình sáng tạo, ý nghĩa của điêu khắc nằm ở đó, ở quá trình, còn tác phẩm chỉ là sự kết thúc cái quá trình ấy, nên nếu kỹ nghệ chưa tân tiến, quá trình đó thực sự không xuất hiện hoặc chỉ là quá trình demo. Người này thể nghiệm trên gỗ đã xử lý và cây tự nhiên, người kia thực hiện bằng giấy bồi, nặn dưới dạng bột ngâm. Những vật liệu khác nhau sinh ra kỹ thuật khác nhau, hình thể khác nhau, nhưng nó vẫn chưa thực sự là bản chất điêu khắc. Vấn đề là các cá nhân khác nhau, kỹ thuật chỉ hỗ trợ cho cá nhân đó biểu hiện mình.

New Form do đó là sự thực hành, nhiều hơn là kiêu hãnh đem ra xã hội một số cuộc trưng bày nào đó, sự thực hành có thể đi từ bước này sang bước kia – thực hành kỹ thuật, thực hành không gian, hình thể và thực hành cá nhân. Cuối cùng chỉ còn hành vi và tâm hồn cá nhân là đáng kể – điều mà còn rất nhiều thời gian để New Form đạt được. Hoàn cảnh Việt Nam hiện tại không có gì thuận lợi cho nghệ thuật cả, nhất là điêu khắc, chưa nói là bán được hay không, mà thậm chí là khó có chỗ bày, khó có khán giả, khó có điều kiện so đọ với đồng nghiệp bên ngoài. Các nghệ sỹ quốc tế hằng năm có thể đem tác phẩm của mình đến liên hoan nghệ thuật quốc tế, triển lãm thường kỳ hay art fair… còn ta thì không, vì đơn giản là không có tiền, và cứ mãi đứng ngoài cuộc. Việc đứng ngoài cuộc cũng không quá quan trọng, nếu chỉ cần nghệ thuật với sự hướng về dân tộc, nhưng nghệ thuật bây giờ không giao lưu thì chóng lạc hậu, sự lạc hậu ngay lập tức với thông tin ngày nào cũng cập nhật.

Mỗi một sáng tác hiện tại đều cần chứa đựng tính lịch sử và cái mới trong tương lai, đó là điều được các nhà design nhận thức. Dù design là một ngành khác, có một nửa trong nghệ thuật, một nửa là sản xuất, nhưng đó là một nhận thức có tính quyết định của sáng tạo. Tính lịch sử nói lên một tác phẩm không phải sinh ra từ sự trống rỗng hay sự bắt đầu mong manh mà nó được liên kết, là kết quả, hay mang trong tiềm thức sáng tạo cái dài lâu của tộc người, của những nghệ sỹ kế thừa nhau. Cái mới ngay cả ở tương lai cho thấy sự lâu dài của tác phẩm vượt qua các khoảng cách, dù hôm nay không ai hiểu nó ra sao cả. New Form được hiểu là mới trong một giai đoạn hay lâu dài là tùy thuộc vào cá nhân từng nhà điêu khắc.

New Form lấy sự tương tác với không gian cụ thể làm điểm tựa cho mỗi cuộc trưng bày, điều đó là linh hoạt và tạo ra các không gian khác biệt, cải biến không gian ở những nơi nó đi qua. Ngược lại với sự sáng tác phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài, sự biểu hiện cá nhân là bất chấp hoàn cảnh, nhưng đó lại là hai mặt của điêu khắc, vừa tự do vừa lệ thuộc. Cái đẹp hình thể, cái đẹp của không gian, cái đẹp của vật liệu, cái đẹp của ánh sáng chỉ có ý nghĩa khi biểu hiện cái cá nhân người nghệ sỹ, anh ta không vô tình với cuộc sống này, đời sống tích hợp trong cá nhân anh ta sự dằn vặt để nghệ thuật mang tinh thần nhân văn.

Những nhà điêu khắc trong New Form đã mạnh dạn từ bỏ những bài học, thói quen điêu khắc từ truyền thống và nhà trường, ở mức độ họ thành xa lạ, mặc dù không ít người trong số họ là giảng viên điêu khắc. Nghệ thuật đòi hỏi họ quá nhiều, không biết họ có đi hết được con đường của mình không, vì con đường này chỉ lãng đi một chút là lại thành lạc hậu với thói quen làng xã lúc nào cũng thường trực trong lối sống. Thói quen ấy mạnh mẽ vô cùng, quyến rũ vô cùng, như bữa thịt chó trưa nay được hẹn sẵn, những thói quen kéo tụt người Việt Nam và nó còn có khả năng nấp sau những cái mới đến mức người ta tưởng rằng cứ sống như thế mà vẫn có được sáng tạo mới.

New Form là một bước tiến của điêu khắc Việt Nam đương đại. Các nghệ sỹ đương đại không phải nhìn lại phía sau mà cứ thản nhiên tiến lên, nhưng ở hoàn cảnh nước ta điều đó là rất khó. Một cách thức của các nghệ sỹ ngoài phương Tây là vật chất hóa những khó khăn của dân tộc mình thành vẻ đẹp nghệ thuật.

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)