Ngâm cứu bức vách

Thiếu đi tính chính danh trong khoa học sẽ tạo môi trường màu mỡ sinh sôi các nhà "bức vách học".

Vốn chỉ là một bức vách trét bằng rơm trộn bùn với vô vàn những vết nứt nhằng nhịt, nhưng với góc nhìn khác nhau, người ta có thể “khám phá” ra những hình thù khác nhau. Điều này phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, mà ngay cả chủ thể cũng không thể biết trước được-lát nữa nhìn lại sẽ thấy những hình thù gì!?

Bây giờ giả dụ có một “Mạnh Thường Quân”, chọn một “bức vách” nào đó, rồi treo giải thưởng hậu hĩnh cho những “khám phá” về nó, tin rằng sẽ không ít những “công trình” đăng ký giải thưởng. Nhất là lại nhằm cổ súy cho những chủ đề trọng đại hoặc hưởng ứng theo những xu thế thời thượng nào đó.

Thậm chí với thời gian đủ dài, và “Mạnh Thường Quân” kia không tiếc tiền của, cũng như quảng bá thanh danh cho các “nhà nghiên cứu”, thì có khi còn thu nhận được cả những cuốn sách đồ sộ, khiến thiên hạ chết khiếp! Chưa kể, do mỗi người nhìn thấy một kiểu nên còn tranh cãi, “phản biện” kịch liệt. Từ đó, tự khắc sẽ xuất hiện các nhà “bức vách học”, thậm chí cả những trường phái “bức vách học” khác nhau nữa kia!

Câu chuyện trên tưởng chừng chỉ như một hình ảnh ngoa dụ phi thực tế, ấy vậy mà trong lịch sử vẫn có biết bao nhiêu ngành “giả khoa học” đã và đang tồn tại kiểu tương tự như vậy. Ở đó, người ta đưa ra những suy đoán và nhận định về nguyên nhân và bản chất các hiện tượng và vấn đề trong đời sống một cách chủ quan, để rồi cứ thế dần dần mặc nhiên bám rễ trong trí tưởng tượng của người đời. Và từ thực tế lịch sử cho thấy, môi trường nào càng ít chịu sự kiểm chứng minh bạch và chặt chẽ từ thực tiễn, thì càng có nhiều đất dụng võ cho những ngành như vậy sinh sôi đua nở.

Đến đây bất giác làm cho người ta liên tưởng đến một danh ngôn của Thomas Hardy (1840-1928)-nhà thơ, nhà tiểu thuyết người Anh, một trong những văn hào tiêu biểu của thời đại nữ hoàng Victoria: “Còn có trạng thái tồi tệ hơn cả mù lòa, đó là thấy cả những thứ không thực sự tồn tại”.

Tác giả

(Visited 10 times, 1 visits today)