Ngăn chặn tình trạng “sa mạc hóa văn hóa”?

Xin nhìn thực trạng, thực tế văn hóa nước nhà thời gian qua để thấy rằng muốn phát triển một cách bền vững nhất thiết phải có quốc sách mới về văn hóa.

Theo một điều tra mới đây thì 30-40% dân ở Hà Nội và TP.HCM không được tiếp cận văn hóa-nghệ thuật (trừ cái TV). Nếu suy ra cả nước thì tỷ lệ này có thể lên tới 60-70%. Phải chăng ta đang bị ‘sa mạc hóa’ văn hóa. Nếu hố ngăn cách giàu nghèo tăng lên, mà điều này chắc chắn sẽ xảy ra, thì số người bị bần cùng hóa văn hóa sẽ tăng lên theo. Trình độ văn hóa thấp và sự nghèo đói văn hóa (thí dụ như tính theo tỷ lệ % thu nhập được chi cho nhu cầu văn hóa giải trí) là căn bệnh suy dinh dưỡng, mất khả năng đề kháng, làm cho số người đông đảo này dễ bị lây nhiễm tệ nạn, chỉ tiếp nhận được các độc tố, các chất thải của văn hóa đương đại, dẫn tới việc dân trí bị đánh sụt xuống cùng sự băng hoại của đạo đức, chất lượng nguồn nhân lực tụt hậu. Cái vòng cùng quẫn này hoàn tất và lại bắt đầu ở cấp báo động cao hơn.

Hai là đối với chính quyền, lớp nhà giàu mới và trung lưu- tầng lớp cầm cân nảy mực về văn hóa của quốc gia- thì trong hơn 20 năm qua ta thấy chỉ có văn hóa đại chúng, “văn hóa công nông” là phát triển còn văn hóa tinh hoa, văn hóa đỉnh cao bị bỏ rơi.

Về mặt sáng tạo, xây dựng, ba “chủ đầu tư” này chỉ chi tiền, tổ chức và khuếch trương các thứ văn hóa nghệ thuật tuyên truyền, phong trào đơn giản (thí dụ như tượng đài, hội diễn, liên hoan, lễ hội kỷ niệm… rất tốn kém, không chất lượng và không bền vững về thẩm mỹ. Khu vực này cũng gây ra tham nhũng, gian lận, dối trá, cửa quyền xin-cho…).

Từ thiện, tâm linh, giải trí là các lĩnh vực duy nhất lớp nhà giàu mới đầu tư cho văn hóa với mục đích kiếm tiền, marketing, PR là chính. Các đền chùa miếu mạo mới to ‘khủng’ hoặc các di tích được “xã hội hóa” để trùng tu, phục chế đều ở mức “đại chúng” sơ sài hoặc làm hỏng, làm hại di sản! Các dự án của họ (kể cả các khu nghỉ dưỡng, du lịch, sân golf…) chiếm đoạt hết những diện tích “ngon” nhất của tài nguyên thiên nhiên Việt Nam, cướp mất quyền được hưởng thụ các cảnh quan, môi trường đẹp trong lành của dân thường. Bất bình đẳng đến cả việc ngắm nhìn phong cảnh! Các dự án, sự kiện tâm linh thiếu hàm lượng văn hóa dẫn tới hệ lụy mê tín dị đoan tăng vọt!

Với tư cách người sử dụng và hưởng thụ thì ba bên nói trên sa vào thực dụng khi sử dụng văn hóa (chỉ để truyền giảng, kể thành tích, xoa dịu dư luận, kiếm tiền, quảng cáo…) và sơ lược công thức khi hưởng thụ (xài hàng hiệu, đồ xa xỉ trong khi nhà cửa, công sở, trụ sở công ty, lễ hội, lễ kỉ niệm… đều ở mức “tầm tầm”, “vô thưởng vô phạt” hoặc “sản phẩm du lịch giá rẻ”, bệnh “kỷ lục” quá sơ khai: chỉ thích to nhất, dài nhất, cao nhất… không cần chất lượng thẩm mỹ bền vững).

Làm sao để văn hóa tinh hoa, đỉnh cao lọt mắt, lọt tai ba bên chủ đầu tư và ba thành phần trụ cột văn hóa này là điều rất khó khăn. Hiện nay nhiều nhà văn hóa bi quan cho rằng cứ phải đợi 2-3 thế hệ nữa hãy nói tới chuyện văn hóa tinh hoa, hãy hy vọng các ông chủ này hưởng thụ và đầu tư- cho văn hóa tinh hoa.

Giá như chính quyền, giới doanh nhân-nhà giàu và giới trí thức trung lưu ý thức lại sứ mạng, nghĩa vụ làm trụ cột phát triển văn hóa bền vững của mình mà đưa ra được một “chiến lược quốc gia xóa đói giảm nghèo về văn hóa đạo đức”. Rồi từ chiến lược đó đi tới các “gói giải pháp” cụ thể thiết thực để nâng cấp đời sống văn hóa của dân. Có vậy mới mong thoát khỏi tình trạng thụ động, “nhập siêu” văn hóa trong kết nối toàn cầu, mới chặn được tình trạng “sa mạc hóa văn hóa” quốc nội đang lan rộng.

Tác giả