Ngành xuất bản Việt Nam: Sắp xuất hiện những “tay chơi” mới
Trở về từ Hội chợ Sách Frankfurt (Đức), ông Nguyễn Cảnh Bình, Giám đốc AlphaBooks, chia sẻ những điều ông ghi nhận được từ hội chợ sách lâu đời nhất và lớn nhất thế giới, và cả những dự đoán của ông về xu thế điện tử hóa ngành xuất bản ở Việt Nam trong thời gian tới.
Ngày hội của ngành xuất bản
– Được biết ông vừa tham dự hội chợ sách Frankfurt, xin ông giới thiệu đôi chút về hội chợ này.
– Hội chợ Sách Frankfurt là hội chợ sách lớn nhất thế giới với trên 500 năm lịch sử. Lý do là ở vùng này, vào thế kỷ XV, Johannes Gutenberg đã cho ra đời chiếc máy in sách và ngành công nghiệp sách được ra đời. Cho đến thế kỷ XVII, Frankfurt là trung tâm buôn bán sách ở châu Âu (vai trò này bị rơi vào tay thành phố Lipsk từ thế kỷ XVIII, tuy nhiên sau chiến tranh thế giới thứ II thì Frankfurt đã nổi tiếng trở lại.
Tới trưng bày sản phẩm ở hội chợ có trên 7.000 NXB của khoảng 110 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Khu trưng bày sách tại hội chợ rất rông, bao gồm 10 halls chính, được chia theo chủ đề và/hoặc xuất xứ của các NXB. Thống kê cho biết khoảng 3 triệu khách tới tham dự hội chợ mỗi năm. Một ngày hội thật sự của ngành xuất bản mà ở đó, mỗi người đều tìm thấy một điều gì đó cho riêng mình.
– Ông tham dự hội chợ sách với tư cách gì và tham dự những hoạt động nào tại đây?
– Trước đây, đại diện của công ty chúng tôi cũng đã vài lần tham dự hội chợ sách Frankfurt, nhưng đây là lần đầu tiên tôi trực tiếp tham dự. Phải nói rằng, trong thời đại thông tin hiện nay, việc liên hệ, hợp tác với các NXB trên thế giới không phải là quá khó, cũng không nhất thiết phải gặp gỡ, quan hệ rồi mới hợp tác được. Tuy nhiên, tham dự hội chợ mang lại cho tôi nhiều trải nghiệm quý giá.
Tôi dự nhiều hoạt động, như một số hội thảo và thuyết trình chuyên đề của các NXB trên thế giới. Họ trình bày về triển vọng của nền xuất bản thế giới, tương lai của ebook, vai trò của công nghệ. Tôi cũng gặp rất nhiều NXB, giới thiệu với họ về thị trường xuất bản của VN, trao đổi với họ về vấn đề bản quyền, nội dung sách vở, đặt những mối quan hệ…
Năm ngày tại hội chợ, tôi đã cùng cộng sự của mình lang thang, tính ra, có khi tới hàng chục cây số từ quầy hàng này sang quầy hàng khác, chạy từ hall này sang hall khác để gặp gỡ, nói chuyện và nhìn ngó. Nói tóm lại thì việc tôi làm nhiều nhất tại hội chợ là đi bộ (cười)…
– Ông nhận xét gì về nền xuất bản thế giới?
– Đương nhiên, họ đã đi rất xa chúng ta bởi văn hóa đọc của họ rất phát triển, quyền sở hữu trí tuệ được tôn trọng. Tôi thấy, bên cạnh những tập đoàn xuất bản lớn thì cũng có rất nhiều NXB nhỏ với những đặc thù của thị trường ngách. Tôi cũng nhận thấy sự có mặt đông đảo của các NXB và tập đoàn xuất bản của Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ.
Nền xuất bản một chiều
– Vậy VN của chúng ta đang ở đâu trên bản đồ xuất bản của thế giới?
– Quả thực, tôi khó trả lời câu hỏi này. Nếu nói về việc nhập khẩu nội dung sách nước ngoài thì chúng ta đang làm tốt. Nhiều đầu sách có giá trị của quốc tế đã và đang được các NXB ở VN mua bản quyền và chuyển ngữ sang tiếng Việt, đóng góp đáng kể vào sự phát triển của xã hội VN. Nhưng ngược lại, nếu xét về việc xuất khẩu sách VN ra quốc tế hay xét về đóng góp chung của VN vào sự phát triển của nền xuất bản quốc tế thì tôi cho rằng, ảnh hưởng của VN là rất nhỏ bé, không đáng kể. Chúng tôi cũng tới thăm gian hàng sách của VN. Tôi cho rằng, sự quan tâm của khách tham gia hội chợ đến sách tiếng Việt được trưng bày ở đây rất ít ỏi.
Ngoài ra, công nghệ xuất bản bao gồm cả các quy trình, chất lượng sách, bán hàng, phân phối… cũng kém xa so với các quốc gia khác. Điều này không có gì mới mẻ, và không cần đi dự hội chợ chúng ta cũng biết được.
– Trong bối cảnh đó, theo ông, chúng ta nên làm gì? Ngành xuất bản VN mà đại diện là Cục Xuất bản nên và có thể làm gì?
– Tôi cũng thấy mừng vì dù gì, ngành xuất bản VN cũng có mặt tại hội chợ. Không phải NXB nào, công ty sách nào của VN cũng có điều kiện, kể cả vật chất, con người và nhu cầu để tham dự hay trưng bày sản phẩm tại hội chợ. Tôi thấy, chúng ta có thể học tập kinh nghiệm của một số nước, chẳng hạn, Cục Xuất bản có thể in một ấn phẩm bằng tiếng Anh giới thiệu về nền xuất bản của chúng ta, in tên tuổi, địa chỉ liên hệ của các NXB và công ty có nhu cầu rồi phát. Những NXB hay công ty sách có nhu cầu giới thiệu nhiều hơn về mình có thể thông qua Cục Xuất bản để “có mặt” tại hội chợ mà không phải tốn quá nhiều công sức và tài chính để tham dự trực tiếp.
Sẽ xuất hiện những “tay chơi” mới
– Ông hình dung thế nào về nền xuất bản của chúng ta sau 5-10 năm nữa?
– Sau lần dự hội chợ Sách tại New York năm 2010, thì lần dự hội chợ này giúp tôi có cái nhìn rõ ràng hơn về thị trường xuất bản. Trong 20 năm qua, tôi thấy có một số sự kiện, dấu mốc làm thay đổi lớn đối với ngành xuất bản Việt Nam.
Đầu tiên là thời điểm 1989-1990, khi nền kinh tế chúng ta thực sự mở cửa. Khi đó lần đầu tiên xuất hiện hình thức xuất bản tư nhân, dù là rất nhỏ bé và chưa thực sự chính danh. Lần đầu tiên sau rất nhiều năm, độc giả được tiếp cận các tác phẩm của thế giới, đa dạng hơn, hấp dẫn hơn. Trước đó, trên thị trường chủ yếu chỉ có sách tiếng Nga hoặc được dịch từ tiếng Nga và các quốc gia Đông Âu nhưng không nhiều.
Sau đó, tới năm 2004, khi VN chính thức tham gia Công ước Berne về Bản quyền và ban hành Luật Xuất bản, một loạt các công ty sách tư nhân được hình thành, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của ngành xuất bản. Khi bản quyền được tôn trọng, ít ra là về luật và lý thuyết, và cho phép có đối tác bên ngoài thì nền xuất bản mới thực sự có cơ sở và điều kiện tồn tại và phát triển. Nếu không có những quy định về bản quyền, chẳng thể tồn tại các công ty như AlphaBooks của chúng tôi.
– Vậy theo ông, triển vọng của sách điện tử tại VN sẽ như thế nào?
– Năm 2010, tại Mỹ, doanh thu từ sách điện tử của Amazon.com – nhà sách trực tuyến lớn nhất thế giới – đã vượt doanh thu từ sách giấy thông thường. Sách điện tử giúp độc giả tiếp cận các tác phẩm nhanh hơn, thuận tiện hơn và quan trọng nhất là giá thành rẻ hơn so với sách giấy. Sự ra đời và phát triển nhanh chóng của những công cụ đọc sách điện tử như kindle, nook và Ipad lại càng thúc đẩy nhanh xu thế này.
Tại VN, một số công ty như Lạc Việt, Tinh Vân, FPT… đã bắt đầu tham gia vào thị trường xuất bản sách điện tử cũng chứng tỏ xu thế điện tử hóa ngành xuất bản sách đã lan đến VN. (Đối với báo chí thì sự điện tử hóa này chúng ta đã quá quen thuộc lâu nay). Đặc biệt, tôi cho rằng, việc ra mắt trang bán sách điện tử chính thức đầu tiên alezaa.com của Vinapo là một dấu mốc quan trọng. Lần đầu tiên tại Việt Nam, với việc bản điện tử của tác phẩm Tiểu sử của Steve Jobs, cuốn sách “nóng” nhất hiện nay sẽ ra mắt bạn đọc trước cả sách giấy đầu tháng 11 này, cũng là một sự kiện, một dấu mốc có tác động cực lớn đối với ngành XB VN.
Thật khó có thể nói hết tiện lợi của sách điện tử. Đây không chỉ là thiết bị đọc hay nội dung để đọc mà sẽ là sự tích hợp của nhiều phương tiện, hình thức. Việc đọc sách cũng không chỉ đơn thuần là đọc mà còn có cả sự học tập, chia sẻ, trải nghiệm và thưởng thức. Việc sách điện tử được phổ cập và ưa chuộng ở VN, theo tôi chỉ là vấn đề thời gian và quy mô. Ngành xuất bản rồi sẽ xuất hiện những “tay chơi” mới thay thế hoặc chí ít cũng làm lu mờ những “tay chơi” cũ.
Xin cảm ơn ông.