Nghe lại Beethoven

Nhìn lại năm 2020, năm kỷ niệm 250 năm ngày sinh Beethoven, chúng ta có thể thấy đây là năm mà chẳng ai trong chúng ta mong đợi bởi hàng loạt sự kiện âm nhạc lớn đều bị hủy bỏ. Tuy nhiên việc mất đi các chùm giao hưởng và các màn dàn dựng opera lại đem đến cơ hội khác để trải nghiệm âm nhạc của ông: âm nhạc đã nói với chúng ta theo những cách sâu sắc và chân thành hơn.

Nghệ sĩ Boris Giltburg. Nguồn: TheGuardian

Gần đây, tôi đã trải nghiệm một trong những khoảnh khắc này khi các hiểu biết khác nhau đột nhiên tập hợp lại theo một kết nối khác biệt, tất cả hiển hiện rõ rành như thoát khỏi tấm mạng che vào khoảnh khắc trước đó. Đó là lúc ấy tôi đang nghe phần trình diễn xuất sắc tập liên khúc Beethoven An die ferne Geliebte (Gửi người yêu phương xa) của terno trữ tình Đức Fritz Wunderlich. Sáu ca khúc đó là sự thổ lộ niềm khao khát ngọt ngào thời Lãng mạn mà nhân vật chính cảm thấy khi đối mặt với khoảng cách không thể vượt qua giữa mình và người yêu.

Nếu không được sự thuần khiết của âm nhạc Beethoven làm cho cao quý thì hình ảnh thi vị của tập liên khúc có thể đã thành ra nhàm chán. Các câu thơ nói về những sườn đồi và thung lũng, những dòng suối và chim muông, những đám mây và những hoàng hôn, tất cả đều được viện dẫn như những biểu tượng của niềm khát khao ở chàng ca sĩ hoặc như những sứ giả tiềm năng từ chàng gửi đến người chàng yêu. Ấy thế mà ở ca khúc thứ sáu và cũng là ca khúc cuối cùng, một kết nối mật thiết hơn giữa họ đã được tìm ra – chính là bản thân âm nhạc. Chàng ca sĩ khẩn khoản người mình yêu hát những khúc ca mà chính chàng đã hát một cách chân thật từ trái tim đằm thắm của mình. Và khi ấy, như lời chảng, mọi thứ chia cắt họ đều sẽ biến tan và đôi trái tim họ sẽ tìm được nhau. Beethoven thể hiện tư tưởng này trước tiên bằng một giai điệu đẹp đến nao lòng, quá đỗi yêu thương và dịu dàng, và rồi bằng một sự chứa chan gần như cuồng nhiệt diễn tả sự kết nối của hai con tim.

Tôi hẳn đã nghe ca khúc này hàng chục lần nhưng đột nhiên hình ảnh này – âm nhạc như một sợi dây liên lạc vô hình giữa những trái tim khi kết nối những con người không thể ở gần nhau – khoảnh khắc ấy khiến tôi cảm thấy như một ánh chớp giữa trời quang, mang Beethoven đến gần tôi vào năm 2020 hơn cả trọn vẹn một năm khám phá âm nhạc của ông. Thay vì bước vào những thế giới âm nhạc mà ông tạo ra, tôi cảm thấy điều này mang Beethoven vào thế giới của tôi: một năm phải sống cách xa những người ta yêu quý, khi việc truyền trực tiếp âm nhạc từ nhà riêng thường là cách duy nhất để các nghệ sĩ có thể giao tiếp với bên ngoài, cả khi đề nghị âm nhạc làm sứ giả cho chúng ta, làm cầu nối giữa những trái tim, giữa những chiếc điện thoại thông minh. Mấy tháng liền không tham dự các buổi hòa nhạc trực tiếp và nhớ chúng một cách khủng khiếp, cả với tư cách nghệ sỹ biểu diễn lẫn tư cách thính giả, lần đầu tiên tôi mới mơ hồ hiểu ra điều đó phải có ý nghĩa thế nào đối với Beethoven, người mà bệnh điếc đã ngăn trở việc trải nghiệm một cách ý nghĩa âm nhạc trực tiếp trong thập niên cuối cùng của cuộc đời.

Việc Beethoven trở thành bầu bạn âm nhạc trong tình trạng cách ly của chính chúng ta chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Năm đại dịch 2020 cũng là dịp kỷ niệm 250 năm ngày sinh của Beethoven. Đây là dịp kỉ niệm chẵn năm mà ta có thể hy vọng được trải nghiệm một cách hiệu quả trong đời người, và cộng đồng âm nhạc cổ điển quốc tế đã chuẩn bị tung ra vô số chương trình Beethoven. Với các chùm giao hưởng, các chùm tứ tấu đàn dây, các chùm sonata, các dàn dựng opera, các liên hoan, các bộ phim tài liệu, các podcast– năm 2020 lẽ ra đã được thấm đẫm âm nhạc Beethoven. Nhưng khi các buổi hòa nhạc bị hủy bỏ trên toàn cầu và những bộ lễ phục hào nhoáng cho lễ kỷ niệm đã được lên kế hoạch của chúng ta rớt xuống, âm nhạc của Beethoven chính là thứ vẫn ở lại với chúng ta. Và với sự đảo lộn gần như hoàn toàn của cuộc sống thường ngày, có lẽ điều không thể tránh khỏi là cùng với việc đánh giá lại các kế hoạch và ưu tiên của chính mình, chúng ta đã bắt đầu lắng nghe Beethoven bằng đôi tai khác. Nói cho rõ thì Beethoven không cần và chưa bao giờ cần sự đánh giá lại.

Album sonata Beethoven Boris Giltburg thu âm cho hãng Naxos. Nguồn: Naxos

Là một kho báu đồ sộ, óc sáng tạo của Beethoven bao hàm mọi cảm xúc và tâm trạng có thể tưởng tượng được. Chúng ta muốn kịch tính cao độ ư? Giao hưởng số 5 hay sonata Appassionata sẽ khiến chúng ta hồi hộp ngay từ những nốt nhạc đầu tiên. Một bi kịch sâu sắc ư? Hành khúc Tang lễ trong Giao hưởng “Eroica” có thể sánh ngang với Shakespeare về sự cao cả của tinh thần. Một không gian âm thanh Gothic ảm đạm đầy lôi cuốn? Có “Ánh trăng” dành cho chúng ta. Một liều lượng phức điệu hiện đại đến mê say? Große Fuge vẫn tiếp tục làm chúng ta bàng hoàng và kinh ngạc cho đến ngày nay, 194 năm sau khi được sáng tác. Nhưng khi hết ngày này đến ngày khác, năm nay mang đến sự hỗn loạn với rất ít hy vọng được nghỉ ngơi, chúng ta bắt đầu trân trọng những khía cạnh khác trong âm nhạc và tính cách của Beethoven, những khía cạnh có thể đã ít lôi cuốn lập tức hơn trong những ngày tháng an toàn và dễ chịu hơn. Đối với tôi, khi tôi đang nỗ lực vượt qua chùm 32 sonata, khám phá ra điều vĩ đại nhất – cái rất nhanh chóng trở thành nguồn hỗ trợ tinh thần thực sự – là thứ năng lượng sống không thể lay chuyển và ngăn cản mà tôi bắt đầu cảm nhận được trong mọi tác phẩm Beethoven đã viết. Bất kể điệu thức và bất kể màu sắc cảm xúc, dưới mỗi nốt nhạc tôi chơi hoặc nghe luôn có sức sống và nhiệt tình. Âm nhạc của ông rộn ràng sức sống và nhiệt thành. Tôi hẳn đã cảm thấy điều đó trước đây nhưng hoặc là đã không đủ chú ý hoặc nhiều khả năng hơn là đã coi đó là điều hiển nhiên. Vào năm 2020, điều đó có thể được nhận ra một cách rõ ràng và hết sức chắc chắn.

Và từ quan điểm hưởng lạc thuần túy, tôi trở nên nghiện vẻ đẹp tuyệt vời của các chương chậm điệu thức trưởng của Beethoven. Ngay từ những tác phẩm được xuất bản đầu tiên, ông đã tìm kiếm vẻ đẹp thơ mộng; cuộc tìm kiếm của ông đã đạt đến đỉnh cao siêu việt, có tầm nhìn xa trông rộng trong các sonata piano và tứ tấu dây cuối cùng. Nghe chương chậm trong Tứ tấu giọng La thứ Op.132, được viết sau khi Beethoven bình phục từ một căn bệnh nghiêm trọng mà ông đã sợ là không thể qua khỏi, là một trải nghiệm thanh lọc tâm hồn mang tính biến cải gần như không thể diễn tả thành lời. Đối với tôi, chương nhạc này có thể tự mình trả lời câu hỏi tại sao Beethoven vẫn cần thiết hoặc thích hợp vào năm 2020 – hoặc vào bất kỳ năm nào vì thế.

Lần chơi cùng dàn nhạc gần đây nhất của tôi trước khi bắt đầu giai đoạn phong tỏa là lần biểu diễn chùm năm concerto của Beethoven ở Brussels, trong một hội trường đầy ắp khán giả và được bao quanh bởi dàn nhạc ngồi trong sự gần gũi mà giờ đây khó có thể tưởng tượng được. Lần đầu tiên tôi chơi cùng dàn nhạc kể từ đó diễn ra chỉ hai tháng trước, khi biểu diễn bản Concerto số 4 của Beethoven ở Liverpool, trước một lượng khán giả nhỏ trong Philharmonic Hall hoành tráng, được bao quanh bởi các đồng nghiệp yêu quý trong Dàn nhạc giao hưởng Hoàng gia Liverpool ngồi rải rác trên một sân khấu giãn cách xã hội. Theo nhiều cách, trải nghiệm thứ hai này là một trong những trải nghiệm cảm động nhất mà tôi từng có. Sau cả năm không được phép tổ chức hòa nhạc trực tiếp cũng như chơi nhạc cùng các nghệ sỹ khác, việc chơi những hợp âm Sol trưởng êm ái đầu tiên trong sự im lặng của 200 người đến trực tiếp nghe chúng tôi biểu diễn bản concerto thân tình và riêng tư nhất của Beethoven là điều hiếm có nhất cho đến lúc này. Năm 2020 đã biến tất cả những việc đó thành thứ quý giá, thứ mà giờ đây khiến ta có cảm giác mong manh, cần được yêu thương và bảo vệ.

Đã sống qua năm 2020 với Beethoven là người bạn đồng hành chung thủy, tôi tìm được hy vọng từ âm nhạc của ông cũng như từ tinh thần bất khuất phía sau đó. Một tinh thần đã cho phép Beethoven hình thành và mang vào thế giới này thứ âm nhạc rạng rỡ ngay cả khi đối mặt với những nghịch cảnh lớn nhất của cá nhân hay ngoại cảnh (tôi không thể không nghĩ đến Concerto piano “Hoàng đế”, được viết trong trận oanh tạc Vienna năm 1809). Âm nhạc của Beethoven, như tôi thấy giờ đây, tràn ngập tình yêu cuộc sống và chắc chắn rằng, bất chấp mọi tăm tối, bất chấp mọi gian khổ, một ngày mới tươi sáng hơn sẽ đến.

Nghệ sĩ Boris Giltburg sinh ra trong một gia đình gốc Do thái ở Moscow, Nga và bắt đầy học đàn với mẹ ở tuổi lên năm. Trở về Israel từ sớm, anh bắt đầu theo học nghệ sĩ piano Arie Vardi. Sau giải nhì cuộc thi quốc tế Paloma O’Shea Santander (Tây Ban Nha) với bản piano concerto Bartók cùng London Symphony Orchestra, Giltburg đã bắt đầu trình diễn với nhiều dàn nhạc quốc tế lớn như Philharmonia Orchestra, City of Birmingham Symphony Orchestra, Frankfurt Radio Symphony Orchestra với các ngạc trưởng Philippe Entremont, Christoph von Dohnányi, Mikhail Pletnev và Marin Alsop. Năm 2011, anh giành thêm giải nhì tại cuộc thi Arthur Rubinstein quốc tế. Để kỷ niệm 250 ngày sinh Beethoven, Giltburg đã có một kế hoạch độc nhất vô nhị là tìm hiểu toàn bộ 32 sonata của nhà soạn nhạc, quay phim về toàn bộ quá trình anh trải qua. Anh đã thu âm toàn bộ năm bản concerto piano của Beethoven cho hãng Naxos với Royal Liverpool Philharmonic và nhạc trưởng Vasily Petrenko – phát hành vào mùa thu năm 2019; chơi mọi buổi hòa nhạc trong vòng ba ngày với Brussels Philharmonic tại Festival piano Flagey. Cùng với nhóm tứ tấu Pavel Haas, anh đã giành một giải Gramophone 2018 cho ngũ tấu piano của Dvorak. Với một phạm vi biểu diễn trải dài từ các tác phẩm của Beethoven đến Shostakovich, trong những năm gần đây anh đã được coi là nghệ sĩ biểu diễn số một âm nhạc của Rachmaninov bởi “những gốc rễ bắt nguồn từ sự ngưng tụ của trái tim và khối óc, sự tinh khiết của kỹ thuật và tình yêu vĩnh viễn với một trong những nhà soạn nhạc kiêm nghệ sĩ piano vĩ đại nhất thế kỷ 20” (Gramophone).

Ngọc Anh dịch

Nguồn: https://www.theguardian.com/music/2020/dec/27/every-note-pulses-with-life-and-warmth-boris-giltburg-beethoven-250th-

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)