Nghề làm giấy bồi nghệ thuật đang tàn lụi ở Kashmir

Bị mắc kẹt giữa giao tranh và đại dịch, một nghề nghiệp có từ thế kỷ 14 sẽ sớm trở thành quá vãng ở Kashmir, theo những thương gia địa phương.

Akhtar Hussain Mir đang xử lý một tấm giấy bồi tại xưởng của mình ở Srinagar

Hơn một thế kỷ nay, gia đình ông Akhtar Hussain Mir đã tham gia làm giấy bồi nghệ thuật nhưng giờ công việc buôn bán này đang dần dần tàn lụi.

Mir học làm giấy từ năm lên 10 tuổi. Sau năm thập kỷ làm nghề, ông cảm thấy chán nản vì nghề thủ công này đang chầm chậm biến mất khỏi thung lũng Himalaya. Với những nghệ nhân như Mir, nghề làm giấy thủ công là một quá trình mất nhiều thời gian và đòi hỏi sự kiên nhẫn. Với hai bước cơ bản – Sakthsazi, nghĩa là làm ra một sản phẩm thực tế, và Naqashi, vẽ và trang trí sản phẩm, việc làm giấy bồi đòi hỏi các quá trình xử lý cẩn trọng, đòi hỏi rất nhiều sự tính toán của người thợ. Mir thường tạo ra những cái hộp từ giấy nghệ thuật này, vốn được dùng cho các đám cưới khi chủ nhân trao kẹo cho khách. Ông học nghề từ bác mình và là nghệ nhân làm giấy đời thứ ba của gia đình.

Vật lộn để sống sót

Nhưng ngày nay công ty gia đình mang tên “Akhtar Mir and Brothers”, tọa lạc tại Alamgari Bazar trong khu phố cổ của thành phố Srinagar, đang vận lộn để sống sót và bắt đầu đối mặt với tuyệt vọng. Một cú đánh chí mạng vào công việc của ông đến là do tình trạng phong thành, bắt đầu từ ngày 5/8/2019, sau khi chính phủ Ấn Độ đưa Kashmir vào tình trạng đặc biệt sau nhiều tháng bất ổn. Năm 2020, khi những thương gia như Mir hi vọng có thể cứu vãn công việc buôn bán thì đại dịch COVID ập đến.

Nasir Mir, người đồng sở hữu công ty, nói: “Lẽ ra chúng tôi đã phải dừng hoạt động vì số lượng nhân viên suy giảm từ 100 xuống 15 người nhưng những người buôn bán ở địa phương đang cố gắng giúp chúng tôi tồn tại bằng cách đặt hàng cho đám cưới của họ”, Nasir nói với DW.

“Sau COVID-19, việc buôn bán sẽ suy sụp”, ông nói.

Tương lai có vẻ không mấy khả quan. “Không có người mới tham gia hợp tác công việc. Chúng tôi thậm chí còn không muốn khuyến khích con cháu mình làm việc này nữa bởi chúng có thể có công việc tốt hơn trong những lĩnh vực khác”, Nasir nói. “Nghệ thuật này đã đến dấu chấm hết, nó có thể dừng lại ở bất cứ thời điểm nào”.

Nasir cho biết, ông đã thấy hàng nghìn người bỏ nghề làm giấy bồi nghệ thuật vì không thể kiếm được tiền từ đó. “Chúng tôi không được hỗ trợ. Chúng tôi không nhận được bất cứ hỗ trợ nào từ chính quyền. Không có sáng kiến nào để giúp các thợ thủ công sống sót”, ông nói và cho biết thêm là nghề thủ công từng là nghề chính ở Kashmir trong quá khứ.

Nasir Mir là thế hệ thứ ba của gia đình.

Truyền thống hàng thế kỷ

Phòng thương mại và công nghiệp Kashmir (KCCI), một tổ chức thương mại địa phương – cho rằng vùng này phải hứng chịu thiệt hại 7 tỉ USD trong suốt các thời kỳ phong thành. Riêng trong lĩnh vực nghề thủ công và du lịch, hằng nghìn người mất việc.

Lịch sử nghề làm giấy nghệ thuật bắt đầu từ thế lkyr 14, khi một vị thánh Muslim là Mir Syed Ali Hamdani, hay còn gọi là Shah-e-Hamdan mang những nghệ nhân tài hoa từ Ba Tư tới Kashmir. Ông sớm được ghi nhận là người giới thiệu nhiều nghề thủ công khác nhau cho người địa phương, một trong số đó là nghệ thuật làm giấy bồi.

Phải mất nhiều năm để học hỏi những điều cơ bản của nghề này. Sử dụng bột giấy và giấy, đưa chúng thành những đồ thủ công được trang trí đẹp đẽ, giàu màu sắc như bình hoa, cốc, bát, những người tạo tác phải mất nhiều năm trước khi đủ khả năng làm ra nhiều sản phẩm trau truốt tỉ mỉ và sáng tạo như đồ trang trí, đồ trang sức hoặc hộp đựng đồ trang sức… Thông qua đó, nghệ thuật này hàm chứa cả văn hóa và lịch sử Kashmir.

Các xưởng giấy bồi thường đặt tại các khu vực phố cổ của Srinagar. Có khoảng gần 35.000 người làm nghề  này ở Srinagar trong số 1,5 triệu người sống tại đây. Tuy nhiên nhiều năm qua, hàng trăm xưởng đã phải đóng cửa vì thợ chuyển sang nghề khác có thu nhập cao hơn.  

Barkat Ali đang vẽ các đường trang trí trên một quả bóng bên trong xưởng ở Srinagar

Một công việc đang mất đi

Mir cho biết, trước đây, nghề này có thu nhập tốt nhưng trên thực tế thì thời gian đã thay đổi mọi thứ. Lương bổng quá thấp, nên cả ba con ông đều không theo nghề. Hàng trăm con voi bằng giấy bồi ở các kích thước khác nhau đang nằm trong xưởng của ông. Cùng với đó là một số lượng lớn các đồ trang trí, các ngôi sao, chuông và đồ trang sức nhiều màu sắc, chúng đang chờ khách trong hơn một năm qua. Phong thành khiến chúng không thể xuất đi theo kế hoạch.

Với việc giao thương ít ỏi, lương bổng tiếp tục giảm, đặt thêm áp lực lên công việc mà những người như ông gắn bó.

Quá chậm để thay đổi

Hussain đã làm nghề trong vòng nửa thé kỷ.

Barkat Ali, 50 tuổi, bước vào xưởng của mình ở Srinagar vào tám giờ sáng, tập trung vào việc vẽ các đường trang trí trên lọ, hộp và những đồ khác. Ông chỉ kiếm được khoảng ít hơn 300 rupe (3/3,50 USD) mỗi ngày. “Tôi không thể làm tiếp việc này nữa, tôi có hai con nhưng ở tuổi này rồi, tôi không thể học thêm nghề nào khác. Đó là lý do tại sao đến giờ tôi vẫn tiếp tục làm nghề”, Ali nói.

Từng làm việc nhiều thập kỷ, Ali cảm thấy tuyệt vọng bởi bất chấp làm việc chăm chỉ thì ông vẫn không kiếm được tiền. “Hai con trai của tôi đã phải thôi học và giờ đi bán hàng để hỗ trợ gia đình. Nghề này không thể giúp anh nuôi dạy được con cái. Nó cũng không giúp được ai sống sót nữa”, ông nói. “Nếu chỉ phụ thuộc vào công việc này vào lúc này thì chỉ còn nước đi ngủ với cái bụng đói”.

Ashiq Hussain, một nghệ nhân lành nghề khác đã theo nghề cả nửa thế kỷ, phải đóng cửa xưởng của mình và hiện làm việc tại xưởng của Mir. “Tôi quá tuổi để làm điều gì khác”, ông nói “Tôi đã lớn lên với nghề này”.

Một nghệ nhân khác, Ghulam Muhmmad 50 tuổi, học nghề từ tuổi 13, bi quan cho rằng nghệ thuật làm giấy bồi sẽ sớm trở thành quá vãng.

“Nghệ thuật này sẽ không thể sống sót”, Muhammad nói. “Nguyên liệu đã trở nên đắt đỏ còn nhân công suy giảm từng ngày”.

Trước khi cơn bĩ cực đến, nghề làm giấy bồi đã rất thịnh vượng. Người phụ trách nghề làm giấy bồi nghệ thuật ở Kashmir, Mehmood Ahmad Shah, hiện làm việc trong cơ quan du lịch của chính phủ, cũng ghi hận những khó khăn mà các nghệ nhân phải đối mặt nhưng cho rằng những vấn đề này chỉ là nhất thời. “Chúng tôi đang thực thi các sáng kiến và muốn lập các triển lãm khắp đất nước khi tình trạng đại dịch cho phép”, ông nói với DW.

“Chúng tôi đang chuẩn bị các triển lãm ở thành phố để kết nối trực tiếp khách hàng với nghệ nhân”, ông nói. “Chúng tôi muốn triển khai các sáng kiến về thương mại điện tử để các nghệ nhân có thể bán hàng cho khách hàng toàn cầu”, đồng thời cho biết thêm là đang xây dựng những khung tài chính hỗ trợ.

Tô Vân tổng hợp

Nguồn: https://beta.dw.com/en/the-dying-art-of-papier-mache-in-kashmir/a-58852702

https://www.homefromindia.com/blogs/indian-home-decor/the-art-of-kashmiri-paper-mache

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)