Nghệ thuật bảo tồn

Viện bảo tồn Getty (GCI) ở Los Angeles, Mỹ, đang phát triển các phương pháp sáng tạo để bảo tồn các tác phẩm nghệ thuật. Đây là một thời điểm thú vị và quan trọng đối với khoa học bảo tồn.


Viện bảo tồn Getty (GCI) ở Los Angeles, Mỹ

Trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, Chính phủ Đức Quốc xã đã tích trữ hơn 6.500 tác phẩm nghệ thuật chiếm được trong mỏ muối Salzkammergut ở Áo. Sau chiến tranh, người ta sợ rằng các tác phẩm này đã bị hư hại không thể chữa được. Nhưng khi các bức tranh được đưa ra khỏi hầm, người ta ngỡ ngàng khi thấy điều ngược lại. Vẻ đẹp của chúng được bảo tồn hoàn hảo nhờ vào độ ẩm và nhiệt độ không đổi của hầm mỏ. Điều này có ảnh hưởng lớn đến cách bảo tồn tác phẩm nghệ thuật sau đó.

“Bảo tàng nghệ thuật và các nhà sưu tập tư nhân lắp đặt các thiết bị điều hòa không khí phức tạp để duy trì độ ẩm tương đối 45-55% với nhiệt độ từ 21–24°C. Nhưng việc kiểm soát chặt chẽ này có thật sự cần thiết không?” Learner cho biết: “Nếu chúng ta có thể nới lỏng các điều kiện thêm 10%, việc duy trì các bảo tàng sẽ dễ dàng bền vững hơn.”

Làm thế nào để bảo tồn một kiệt tác?

Các nhà nghiên cứu tại GCI sử dụng kính hiển vi đo độ cứng nano để trả lời câu hỏi này. “Chúng tôi có thể sử dụng tiêu bản từ các bức tranh, hoặc làm ra tranh giả bằng cách sử dụng đúng các vật liệu của giai đoạn lịch sử đó, rồi làm chúng cũ đi bằng cách nhân tạo”, Learner giải thích. “Sau đó, chúng tôi đưa tranh vào buồng kiểm soát môi trường và đo các đặc tính vật lý dưới tác động biến đổi của nhiệt độ và độ ẩm.”
Trong phương pháp đo độ cứng nano (nanoindentation), một lực rất nhỏ được đặt lên một diện tích rất nhỏ qua một đầu kim có hình dạng và kích thước chính xác. Áp lực và mức độ lõm của bề mặt được theo dõi liên tục khi vết lõm hình thành. Phương pháp này đo các đặc tính cơ học, so sánh được được giữa các mẫu và giữa các phòng thí nghiệm. Và quan trọng là kỹ thuật này có thể đo tại những vị trí nhất định trong bức tranh.

“Bề mặt của mỗi lớp sơn màu và tiếp giáp giữa các lớp có tính chất rất khác so với  khi phân tích nguyên khối,” Learner giải thích. “Nhóm nghiên cứu cần đánh giá các đặc tính vật lý của lớp sơn – việc chúng trở nên giòn hơn hoặc dính hơn chẳng hạn. Chúng tôi tìm kiếm các dấu hiệu của quá trình oxy hóa hoặc xuống cấp.”

Độ ẩm tăng có thể làm dẻo các lớp sơn và khiến chúng bị dính vào nhau. Nhiệt độ thấp hơn có thể đẩy nhanh sự tách pha và nứt. Sự phá hủy cơ học tại tiếp giáp giữa các lớp sơn có thể dẫn đến sự phân tách các lớp sơn này. Nhưng những vấn đề này chỉ xảy ra dưới những thay đổi rất lớn của môi trường. “Các tác phẩm chịu được sự thay đổi nhất định của môi trường – 90% các bộ sưu tập không cần mức độ kiểm soát môi trường chính xác như vậy,” Learner nói.

Bề mặt hoàn hảo

Sơn mài là chất liệu điển hình giúp phát triển các kỹ thuật mới trong nghiên cứu bảo tồn. “Đây là một loại vật liệu được sử dụng rộng rãi, nhưng rất khó để xác định toàn bộ tính chất của nó”, Michael Schilling, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu đặc tính vật liệu tại GCI nói. “Phương pháp mới cho phép chúng tôi thiết lập các quy trình bảo tồn và phân biệt các loại sơn mài khác nhau.”

Sơn mài là một vật liệu bí ẩn, mạnh mẽ và tuyệt đẹp nhưng nhạy cảm với tác động lão hóa do ánh sáng. “Nhỏ giọt nước lên trên bức tranh sơn mài cổ và bạn sẽ thấy vết lõm. Và nếu có dấu vân tay trên bề mặt bức tranh, bạn không có cách nào xóa nó hoàn toàn, ”Schilling nói.

Các nhà bảo tồn đang đối mặt với thách thức khi bảo tồn các vật liệu tạo ra bởi các nghệ nhân ở nhiều quốc gia khác nhau qua hàng nghìn năm. Thành phần chính trong sơn mài là nhựa cây từ một vài loài cây ở châu Á. Các thành phần khác là “dầu sấy”: dầu hạt, gỗ chưng cất, nước ép trái cây, và thậm chí là máu đã được sử dụng. Điều này khiến cho các loại sơn mài có thành phần hóa học rất khác nhau. Không thể có giải pháp bảo tồn “phù hợp cho tất cả”.

Tuy nhiên, Schilling và nhóm của ông đã phát triển một kỹ thuật mới để đánh giá tính chất của sơn mài cũng như khám phá cấu tạo của từng lớp sơn mài.

Kỹ thuật sắc ký khí phân hủy nhiệt / khối phổ (Py-GC / MS) phân tích các sản phẩm phân hủy nhiệt sau methyl hóa sơn mài có thể tiết lộ bí mật – những công thức kỳ lạ – của các loại sơn mài. Các kỹ thuật mới tương tự cũng đang được chia sẻ với các bảo tàng và các nhóm bảo tồn qua các hội thảo. Schilling cho biết: “Chúng tôi hy vọng có thể sớm cung cấp các công thức làm sạch an toàn cho từng chất liệu sơn mài cụ thể – để tạo nên một loại sơn mới ít gây hư hại nhất cho các tác phẩm sơn mài cổ”.

Thách thức của vật liệu hiện đại

Với những kiệt tác cổ, mọi nỗ lực được nhắm vào sự bảo tồn và làm sạch một cách an toàn. “Lịch sử đóng vai trò quan trọng trong việc chọn lọc sản phẩm – chỉ những tác phẩm ổn định nhất mới còn lại đến ngày nay”, Odile Madden, một nhà khoa học cao cấp tại GCI cho biết. “Nhưng nghệ thuật đương đại lại đặt ra những thách thức mới. Nghệ sĩ là những người sáng tạo. Họ thách thức khả năng chịu đựng của vật liệu cũng như thử nghiệm những vật liệu mới.”

“Chúng tôi đã xác định được một lĩnh vực nghiên cứu quan trọng,” Learner nói. Các tác phẩm của thập niên 1930 và 1940 sử dụng chất dẻo – vật liệu vừa mới được phát minh khi đó và có tính cách mạng trong sáng tạo nghệ thuật. Tuy nhiên, Learner cũng nói thêm “Nhiều tác phẩm đang có dấu hiệu xuống cấp, nhưng chúng tôi vẫn chưa hiểu rõ loại vật liệu này.’

Các nghệ sĩ như Naum Gabo và Antoine Pevsner đã bị mê hoặc bởi loại vật liệu mới này – cellulose nitrate – và tạo ra những tác phẩm đi tiên phong trong điêu khắc hiện đại. Những bộ phim đầu tiên được quay bằng phim nitrate, những phim hoạt hình đầu tiên được vẽ trên celluloid. Một số tác phẩm nghệ thuật và hiện vật nổi tiếng nhất của thế kỷ 20 được tạo ra bằng cellulose nitrate. “Rất nhiều tác phẩm sau đó đã bị hỏng”, Madden nói. “Các vật liệu dần mất đi độ trong suốt, biến màu và sau đó tan rã.”

Sự phân hủy – gây ra bởi tia cực tím hoặc một lượng nhỏ axit sulfuric còn sót lại từ quá trình tổng hợp – diễn ra tương đối chậm. Nhưng khi các sản phẩm của sự phân hủy tích tụ lại, chúng xúc tác đẩy nhanh quá trình cắt polymer và thậm chí tự bốc cháy trong một vài trường hợp.”

Cellulose acetate được coi là một chất thay thế an toàn hơn, nhưng nó vẫn là một thách thức đáng kể. ‘Tôi đang nghiên cứu hai mô hình máy bay từ Bảo tàng Hàng không và Vũ trụ Quốc gia làm từ vật liệu này, và thấy sự xuống cấp đáng kể,” Madden cho biết.

Thủ phạm chính, theo Madden, là chất làm dẻo triphenylphosphate. Cellulose acetate bị thủy phân khi gặp nước và giải phóng axit axetic, sau đó xúc tác sự phân cắt của các liên kết glycosidic 1,4-beta trong cấu trúc polymer. Quá trình xuống cấp này đã được các nhà bảo tồn ghi nhận ở nhiều nơi trên thế giới và gọi là “Hội chứng Giấm”.

Nhựa – chất liệu tuyệt vời?

Polyvinyl chloride, PVC, là một trong những loại nhựa đầu tiên có nguồn gốc từ dầu mỏ.

PVC đã giúp tạo nên các tác phẩm nghệ thuật vào thập niên 1960 với những màu sắc tươi sáng, bề mặt trong suốt và sáng bóng. Nhưng vẫn còn nhiều những thách thức về bảo tồn. Một lần nữa vấn đề chính là sự khuếch tán của các chất làm dẻo.

“PVC thường được làm dẻo bởi diethylhexyl phthalate; và theo thời gian nó khuếch tán ra khỏi vật liệu. Nó có thể làm cho bề mặt của vật bị dính. Nó hút bụi và còn dính vào kệ… và thậm chí cuối cùng là làm nhựa PVC trở nên giòn.”

Bảo tồn tư tưởng của nghệ sĩ

Nghệ thuật đương đại mang đến một loạt thách thức khác cho những người bảo tồn: nếu nghệ sĩ vẫn còn sống, họ có thể có ý kiến về việc bảo tồn tác phẩm của họ.

“Nếu một bức tranh Rembrandt bị nứt, chúng tôi sẽ không sơn lại nó.” Learner và các đồng nghiệp sẽ không khôi phục bức tranh về trạng thái ban đầu bằng cách chỉnh sửa quá nhiều. “Đối với tác phẩm của nghệ sĩ đã mất, xu hướng hiện nay là bảo tồn theo hướng thận trọng. Trước đây, khi các vết nứt xuất hiện trong tranh của Mondrian thì chúng sẽ được sửa lại. Bây giờ, chúng tôi coi trọng tác phẩm của ông, hay nói cách khác là coi trọng bức tranh gốc mà nghệ sĩ đã tạo nên, chứ không phải là tác phẩm đã được sửa chữa nhiều.”

Nhưng với các tác phẩm đương đại thì cách tiếp cận lại khác. Nếu một nghệ sĩ vẫn còn sống, ý tưởng đằng sau nghệ thuật – ý định của họ – có thể quan trọng hơn là bản thân vật liệu. Các tác phẩm điêu khắc polyester được đánh sáng bóng bởi De Wain Valentine là một trường hợp điển hình.

“Thập niên 1970 là một giai đoạn sáng tạo nghệ thuật đáng kinh ngạc,” Learner nói. “Các nghệ sĩ California sử dụng nhựa và nhựa cây – nguyên liệu ban đầu dành cho công nghiệp hàng không và xe hơi.” Tác phẩm của Valentine vào năm 1970 quả thực vô cùng sáng tạo. Ông thậm chí đã phải thiết kế lại công thức pha chế để tạo nên những tác phẩm điêu khắc lớn như vậy.

“Ông ấy đã thay đổi thành phần hóa học để làm chậm phản ứng lưu hóa, nếu không nó sẽ bị quá nóng.” Learner nói. Nhưng thời gian trôi qua và polyme tiếp tục lưu hóa. Đặc biệt, các vết nhăn đã xuất hiện trên bề mặt tác phẩm “Cột màu xám”, kích thước 3m x 2m, nặng gần hai tấn, được thiết kế hoàn toàn phẳng. Trong hoàn cảnh đó, người bảo tồn tác phẩm nên làm gì?

“Chúng ta có thể để cho nó tiếp tục lão hóa tự nhiên,” Learner nói. “Hoặc chúng ta có thể mài đi những vết nhăn – điều mà Valentine sẽ làm nếu chúng xuất hiện khi đúc tác phẩm, vì ý định của ông là tạo nên một bề mặt sáng bóng rất mượt mà.”

Cuối cùng tất cả các tác phẩm sẽ về với đất

Nhưng một khi quyết định đã được đưa ra để khôi phục lại các tác phẩm điêu khắc, vẫn còn những vấn đề lớn trong việc chúng nên được phục chế như thế nào cho đúng với ý đồ của nghệ sĩ. “Chúng ta có nên sử dụng giấy nhám của thập niên 70 không?” Learner thắc mắc. “Giấy nhám hiện đại tạo ra độ sáng bóng hơn rất nhiều.”

“Người nghệ sĩ có thể muốn tác phẩm trông nguyên sơ hơn bao giờ hết – nhưng điều này có thể không khả thi,” Learner nói. “Và ý định của nghệ sĩ có thể thay đổi. Khi tạo ra tác phẩm, họ có thể nói rằng chẳng sao hết nếu nó bị vỡ, nhưng một khi cũng tác phẩm đó nằm trong một bộ sưu tập và có giá trị đáng kể, họ có thể thay đổi ý kiến.”

Những nghiên cứu tiếp tục được thực hiện trong lĩnh vực bảo tồn nghệ thuật, các kỹ thuật mới được đưa ra, các thách thức mới được phân tích và đáp ứng. Điều này có ý nghĩa rất lớn tới ngành bảo tồn ở các bảo tàng nghệ thuật và cả các bộ sưu tập cá nhân. Có những chiến lược mới để phục hồi, làm sạch và thậm chí các môi trường mới được thiết lập để giúp bảo quản tốt nhất các tác phẩm nghệ thuật giá trị.
Nhưng đôi khi không thể bảo tồn một tác phẩm nghệ thuật – hay bảo tồn khoảnh khắc sáng tạo và mục đích ban đầu của nghệ sĩ – cho các thế hệ tương lai. “Mọi người muốn nghĩ rằng chúng tôi có thể giữ những tác phẩm này mãi mãi, nhưng đối với các tác phẩm bằng nhựa, chúng tôi chỉ có thể trì hoãn quá trình,” Madden nói. “Cuối cùng, tất cả sẽ đều quay trở về với đất”.

 

Minh Châu dịch
https://www.chemistryworld.com/feature/the-art-of-conservation/3009092.article

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)