Ngô Thì Nhậm và hành trình tới tự do

Người ta thường vẫn nói sự giác ngộ là mục đích của việc tu hành. Nhưng như thế nào là giác ngộ? Không ít người đã thất bại khi mới bắt đầu tìm hiểu đã cố gắng hình thành ngay một câu trả lời chóng vánh. Ngược lại, có những người chìm đắm trong sự tu tập lâu năm nhưng không thể chuyển hoá các trải nghiệm thành một mạch cảm nhận mạch lạc. Qua Đại Chân Viên Giác Thanh, Ngô Thì Nhậm đã thể hiện một hành trình tu tập hàm súc và thông suốt. Phần đầu chú trọng vào việc lắng lọc nội tâm, loại bỏ tạp niệm. Phần thứ hai nhấn mạnh tinh thần nhập thế, thông qua nhập thế để gia tăng cả về chiều sâu lẫn bề rộng của việc lắng lọc nội tâm. Nhập thế ra sao, ở mức độ nào, là tuỳ duyên, tùy năng lực của người tu hành. Phần cuối của Đại Chân Viên Giác Thanh là chu kỳ tu tập thứ ba. Người tu hành với năng lực tích luỹ từ phần một và hai, bắt đầu tự nhìn lại mối tương quan giữa mình và thế giới, để tìm cho mình một con đường đi thật sự tự do trong tư tưởng.

17. Tiếng Sáng
Y phục là hình thức, không phải là ý trời ở đó… Hàn Thác Trụ, Giả Tự Đạo(1) cũng từng đội mũ Nho, mặc áo Nho, mà thiên hạ có gọi là chân Nho đâu? Ý của trời là ở chỗ biết tế độ chúng sinh… Người Bắc Địch mặc áo lông, người Đông Di mặc cái bố quàng lưng ngựa, người Nam Man mặc áo cỏ, không giống với Trung Quốc, tựu trung há không có hào kiệt thánh hiền? Đệ tử nhà Phật mặc áo cà sa, đại để là theo cái tục của người ta, chứ không phải là [ý của Phật] là ở chỗ đó.
Đại ý chương này khuyến dụ rằng vỏ bọc bên ngoài của sự vật không phải là cái đích của việc tu hành, cũng không thể hiện năng lực của người tu hành. Đích của tu hành là giác ngộ. Năng lực của giác ngộ thể hiện qua nhận thức và cảm nhận về bản thân và thế giới. Nhận thức sâu sắc và bao quát thì trong cảm xúc sẽ có sự yên tâm về bản thân, và thêm sự trân trọng đối với thế giới. Từ đó biết hướng tới việc đóng góp, cống hiến cho sự sinh trưởng tự nhiên của vạn vật. Đóng góp mà không tính công lênh. Câu “ý của trời là ở chỗ biết tế độ chúng sinh” là nhắc lại lời nói của Khổng Tử: “bốn mùa nối nhau, vạn vật sinh trưởng, trời có nói gì đâu”. Tinh thần tiến bộ đó không liên quan tới vẻ bề ngoài của con người. Cho nên dù tôn giáo khác nhau, sắc tộc khác nhau, thì nơi nào cũng có hào kiệt và thánh hiền, những người được tôn vinh không chỉ vì năng lực mà cả sự đóng góp, cống hiến to lớn cho cộng đồng.

18. Tiếng Quyết đoán
Tần Thuỷ Hoàng ghét Nho, Đường Vũ Tông ghét Phật. Thường thì có điều gì đáng ghét, người ta mới ghét. Bậc Đại Nho, Đại Phật, ai mà ghét được?
Chương Tiếng Sáng đã hướng người tu hành thay vì nhìn ra ngoài, hãy nhìn vào bên trong bản chất. Tiếng Quyết đoán thể hiện cái nhìn hướng nội triệt để hơn nữa. Giống như Lục Tổ Huệ Năng(2) từng nói “chớ nên xét lỗi người, chỉ nên tự xét lỗi mình”. Điều này có vẻ như bất công, nhưng thật ra rất khách quan đối với việc tu hành. Đa số những người tu tập thích đề cao đức tin của mình, vô tình hay hữu ý tạo ra ranh giới khác biệt trong tâm tưởng giữa mình và người khác, giữa mình và thế giới. Điều đó rất có thể là để thoả mãn nhu cầu tâm lý cá nhân, một thứ tạp niệm ngăn cản cảm trải nghiệm tu hành đạt mức độ chân thật hơn, sâu sắc hơn.
Kẻ nào biết Phật thì không mộ Phật, kẻ nào mộ Phật thì không biết Phật. Phật không muốn được chúng sinh kính mộ. Chúng sinh mong cầu thành Phật mới kính mộ Phật. Hàn Dũ nói rằng: “Bắt buộc tăng nhân trở lại làm dân, gieo sách Phật vào đống lửa, biến chùa chiền thành nhà tranh” (3). Không kính mộ Phật là giải thoát Kiến Trọc, được vào Vô Dư Niết Bàn.
Lòng kính mộ Phật có nhiều sắc thái khác nhau. Nhưng một sắc thái phổ biến là giúp thoả mãn tâm lý cá nhân. Thông qua lòng kính mộ, người ta tìm thấy được điểm tựa tinh thần. Mất điểm tựa tinh thần đó thì tâm sẽ bất an. Như vậy vẫn là chấp trước (Kiến Trọc), chưa thể coi là đã giác ngộ.
Vượt qua được trạng thái chấp trước là khi tâm đã tu tập tới mức độ cao hơn. Trạng thái an định trở nên vô điều kiện. Vì vô điều kiện nên gọi là Vô Dư Niết Bàn. 

19. Tiếng quy túc
Đạo Phật [có cái lệ] cất giấu xá lợi. Đạo Nho nói: “Tinh khí cấu tạo ra vật”… Khi chết thì làm lăng, tháp, chùa, miếu, cũng là để nhóm họp tinh thần. Sống thì giữ rất trang trọng, chết thì giữ rất nghiêm túc. Tinh thần cất giấu ở trong thân thể, thân thể là đồng một chất với trời đất, chẳng dám không giữ gìn nó”.
Đối nghịch với tinh thần vị kỷ coi mình là trung tâm thế giới, là sự tuỳ tiện phóng túng. Cả hai đều là tạp niệm ngăn cản tâm tinh tiến. Lục Tổ Huệ Năng nói: “một niệm thức thành Phật, một niệm mê lại thành chúng sinh”. Phật tính trong chúng sinh ai cũng có (Chương Tiếng Thấy), nhưng nếu không trân trọng thì cứ mãi chìm đắm, không hiển lộ ra được.

20. Bất quả thanh (thanh không thành)
Ý Trời không lấy làm chắc, ý người mới làm chắc! Cái Ý có thể sinh cái Kiến (thấy)… Vận hành mười phương thì cái Đại Phác(4) mới làm nổi. [Nhưng] trong văn tự quăn queo, trong tiếng nói líu lường có cái Đại Phác của trời ở đó, chúng ta không thể xao nhãng. Kệ Hoa Nghiêm nói rằng: nhờ trang nghiêm mà con mắt rất trong sáng. Con mắt của cha mẹ sinh ra, thấy hết ba nghìn thế giới. Các chúng sinh trong đó hiện ra hết thảy. Tuy chưa phải thiên nhãn, khả năng nhục nhãn (mắt thịt) đã được như thế.
Câu ý trời không lấy làm chắc, ý người mới làm chắc bao hàm hai ý rất tiến bộ của Phật giáo. Thứ nhất, quyền năng của con người là rất lớn. Nếu biết tự trân trọng và vượt qua các định kiến do bản năng tâm lý chi phối thì khả năng cảm nhận của con người là vô cùng (cái Ý có thể sinh cái Kiến). Thứ hai, không có giới hạn nào áp đặt lên số phận con người tới mức trở thành định mệnh bất khả kháng. Ý chí con người, năng lực của con người, kết hợp với hoàn cảnh mới tạo thành số mệnh.

21. Tiếng ẩn giấu
Trời đất khéo dùng âm. Thần, Phật, Thánh hiền khéo dùng âm. Cảnh trăm hoa nở cánh khi tảng sáng, vẻ muôn cây nứt màng lúc chiều hôm, đó là trời đất khéo dùng âm. Giác ngộ ở truyền đạo, biết đạo mà ở trong bóng tối, đó là Thần, Phật, Thánh hiền khéo dùng âm vậy… cái Chí Minh (rất sáng) ẩn trong cái Chí U (rất tối), cái Chí Hiển (lộ rất rõ) tồn tại trong cái Chí Ẩn (rất kín đáo)… Người nào không khéo dùng âm thì cuối cùng bị đóng khung trong âm, như lửa thì sáng ngoài mà tối trong. Người nào khéo dùng âm, thì âm trở lại sinh dương, như nước thì tối ngoài mà sáng trong. Người quân tử học đạo, quý ở âm đức…”
Tự xét mình rồi lại tiếp tục đối chiếu với tương quan trong thế giới. Xây dựng góc nhìn không cục bộ để nhận ra nghiệp quả mà mình đang tạo thành, và tiếp tục nhìn rộng ra xa hơn nữa. Tuy là năng lực của con người là vô cùng nhưng sẽ chỉ phát huy được khi vận dụng hiệu quả các quy luật tự nhiên. Và thay vì cố gắng phát huy năng lực cá nhân theo một thế giới quan cục bộ, sẽ hợp với tự nhiên hơn nếu người ta tìm cách tác động vào thế giới theo cách sao cho tất cả cùng đồng thời phát huy được hết vai trò, khả năng vốn có.
Hàm ý thứ hai của chương này là sự chú trọng vào việc tu dưỡng tinh thần. Hành động để cống hiến cho đời sống là cần thiết, nhưng nếu không tu dưỡng tinh thần trong khi hành động, thì tâm thức dễ bị cuốn theo sự vụ. Như vậy thì chỉ tạo ra vẻ bên ngoài chứ không có thực chất bên trong  (Người nào không khéo dùng âm thì cuối cùng bị đóng khung trong âm, như lửa thì sáng ngoài mà tối trong). 

22. Tiếng vang
Nước Nam rất nhiều bậc cao tăng, cũng rất nhiều bậc danh Nho. Nhưng các cao tăng thường thích làm những việc quái dị, bí hiểm, như bọn Không Lộ, Đại Điên, Đạo Hạnh, Vạn Hạnh, pháp thuật rất cao, nay còn truyền lại những việc như vết sét ở cây gạo, in dấu chân ở đỉnh Sài Sơn, đều là các sư tự làm ra. Cũng giống như việc tượng đá Liễu Thăng dựng ngược ở Quỷ Môn Quan, là do tiền triều vì muốn dựng tượng [để tự tán dương] võ nghiệp mà làm ra. Vạc Phổ Minh, tháp Báo Thiên, tượng phật Quỳnh Lâm, chuông Phả Lại(5) đều như thế cả. Những việc như thế, bậc chân tu không làm… Tu pháp thì không bằng tu đạo, tu thân thì không bằng tu tâm, nhà Nho gọi là “tàng tu”.
Chương này làm rõ hơn nội dung của chương Tiếng Sáng và Tiếng Ẩn giấu. Thành tựu của người tu hành không thể hiện ở việc khoác áo cà sa. Thành tựu của Phật giáo không phải ở việc xây dựng chùa chiền, nuôi sư sãi, hay biểu lộ oai lực siêu việt. Bởi vậy nên, khi vua Lương Võ Đế hỏi Bồ Đề Đạt Ma(6) rằng việc dựng chùa, in kinh, nuôi tăng của mình có công đức gì chăng, Đạt Ma Tổ Sư đáp “đều không có công đức gì!”

23. Tiếng lưu động
Có sa di(7) hỏi Đại Thiền sư về luân hồi. Sư đáp:
– Một năm có cái luân hồi của một năm, một tháng có cái luân hồi của một tháng, một ngày có cái luân hồi của một ngày. Vì Luân (bánh xe) cho nên Hồi (xoay vòng)… Tròn là cái thể của trời, nhật nguyệt, ngũ tinh đều tròn, cho nên chu lưu, vận hành được… Người hữu đạo thì có luân hồi, người vô đạo thì không luân hồi.
Sa di gục đầu mà ngủ. Đại Thiền sư lại nói:
– Nhà Nho có chữ Biến Thông, Hội Thông, Cảm Thông, Hội Thông, nhà Phật có chữ Thần Thông, cùng một nghĩa như nhau.
Đồ đệ bạch với Sư rằng:
– Phật nói thần thông biến hoá là làm sao
Sư đáp:
– Bốn mùa không thay đổi thì công dụng của năm không thể thành được, vạn vật không biến hoá thì phẩm loại không sinh được. Người biết đạo thì thông, người không biết đạo thì không thông.
Thế giới quan của cả Phật giáo và Nho giáo đều cho rằng có những quy luật lớn chi phối sự vận hành của vạn vật trong vũ trụ, từ những sự vật lớn nhất tới nhỏ nhất. Góc nhìn càng cục bộ thì con người càng dễ vướng bận, mong cầu những hoàn cảnh cố định theo mong muốn chủ quan của mình. Ngược lại càng nắm bắt được sự vật khách quan thì con người càng tự do. Tự do không theo nghĩa vượt ra bên ngoài các giới hạn ràng buộc, mà là tự do thích nghi theo các biến đổi tự nhiên. Câu người biết đạo thì thông, người không biết đạo thì không thông làm rõ nghĩa cho câu người hữu đạo thì có luân hồi, người vô đạo thì không luân hồi.

24. Dư thanh (tiếng còn lại)
Sa di tỉnh dần lại, hướng về Hải Lượng Đại Thiền sư mà bạch rằng:
– Phật nói nhân quả, Nho nói quả lớn, ấy là làm sao/
Sư đáp rằng:
– Đây là chữ Quả trong Quả nhiên, như chữ Tất của nhà Nho trong Tất nhiên. Nhà Nho nói: “nhà nào tích thiện, tất có thừa phúc; nhà nào tích bất thiện, tất có thừa tai ương”(8)…
Phúc không nên hưởng hết, công không nên kể hết, quả không nên ăn hết. Phật Thích Ca Mâu Ni khi du hành trong cõi thanh sạch trên trời, bụng đói có thiện nữ dâng quả, còn khi vào trong thành xin ăn, có đứa trẻ con cho một cục đất. Nhà Nho nói: không ăn quả to. Ngươi nói ăn là tốt, hay không ăn là tốt?
Sa di từ sớm đến trưa đã nghe lời nói của Thầy, ù tai mà đi.
Có nguyên nhân thì có kết quả. Kết quả đó chưa dứt thì còn lại phần dư kéo sang giai đoạn tiếp theo. Đấy là quy luật khách quan.
Có tích rằng một người hỏi đức Phật liệu có nên “uống rượu ăn thịt”. Đức Phật trả lời “uống rượu ăn thịt là cái lộc của ngài, không uống rượu ăn thịt là cái phúc của ngài”.
Nhu cầu hưởng thụ là điều tự nhiên, người ta ai cũng có. Người tu hành cũng có nhu cầu hưởng thụ, nhưng hưởng hay không, hưởng đến mức độ nào, là tùy duyên. Không để chúng chi phối tâm trí làm mất tự do.

Lời kết
Bằng kiến thức Nho học uyên thâm, Ngô Thì Nhậm đã mang đến cho không ít những người nghiên cứu và thực hành Phật giáo một góc nhìn độc đáo mới mẻ. Ngược lại, những đối chiếu, so sánh từ tinh thần của Phật giáo giúp cho người nghiên cứu Nho học những trải nghiệm quý giá, bao gồm cả trong nhận thức và cảm xúc. Điều đó quan trọng, bởi vì các khái niệm và phẩm chất chủ chốt trong Nho học như Nhân, Lễ, Nghĩa, … không chỉ là các phạm trù thông tin khô cứng, chúng bao hàm cả sắc thái cảm xúc.
Sắc thái cảm xúc không tự nó khởi phát một cách vu vơ, mà vốn luôn dựa trên độ rộng và chiều sâu khi con người nhìn vào thế giới và nhìn vào nội tâm. Thế giới quan càng rộng, càng sâu, thì các phẩm chất trong Nho học càng hiển lộ được đầy đủ các tính chất phong phú, tinh tế của chúng. Vì vậy, việc đơn giản hoá, cô lập hoá một số khái niệm trong Nho học, điển hình là khái niệm Nhân, như Mạnh Tử đã làm khiến cho Nho học và sự hiểu Nho học sau này không tiến bộ hơn, thậm chí còn rời xa khỏi với gốc rễ chất phác nhưng hàm súc mà Khổng Tử đã xây dựng ban đầu (vấn đề này hẳn sẽ cần một bài nghiên cứu riêng). Thông qua sự đối chiếu với thế giới quan Phật giáo, Ngô Thì Nhậm đã cố gắng giúp bảo tồn cho Nho học không gian văn hoá nguyên thuỷ, tuy nguyên sơ nhưng rất hàm súc và phong phú. Đây là đóng góp đáng được ghi nhận.
Cảm xúc cũng là trạng thái tâm lý của con người. Bằng việc trình bày tư tưởng dựa trên một tiến trình trải nghiệm tâm lý, Đại Chân Viên Giác Thanh của Ngô Thì Nhậm đã có một sự đối thoại quan trọng với tiến trình phát triển của triết học phương Tây. Con đường triết học phương Tây một thời đã vô tình loại bỏ hoặc xem nhẹ vai trò của cảm xúc chủ quan. Tiến trình đó đã xơ cứng hoá nhận thức về bản chất con người, cụ thể là về sự vận hành tinh tế, phức tạp của nội tâm. Phải tới Nietzsche người ta mới được thấy triết học có thể bị chi phối sâu sắc, trở nên biến hoá với mức độ phức tạp và sâu thẳm như thế nào do tác động mạnh từ các trạng thái tâm lý. Tuy nhiên, đáng tiếc là cho đến nay, việc kết hợp tâm lý học và triết học để tạo ra cái nhìn căn bản hơn, đầy đủ hơn về nội tâm con người, vẫn chưa có một bước đi kế thừa xứng đáng. Trong bối cảnh đó, Đại Chân Viên Giác Thanh có thể sẽ là một nguồn tư liệu tham khảo hữu ích cho những ai muốn khám phá một biên giới tri thức mới.
Bản thân Phật giáo là một nguồn tư liệu vô cùng phong phú giúp ích cho việc nghiên cứu nội tâm. Nhưng sự phức tạp của hệ tư tưởng này khiến việc hệ thống hoá lại cho đơn giản hơn, thành các phần tương phản để soi chiếu lẫn nhau, kế thừa lẫn nhau như Ngô Thì Nhậm đã làm với Đại Chân Viên Giác Thanh, là điều rất cần thiết. Tác phẩm của ông thể hiện trải nghiệm dày dạn và chân thật các bước trong quá trình tu tập. Nếu được soi chiếu qua lăng kính tâm lý học hiện đại, nó sẽ trở nên hữu ích cho công việc nghiên cứu của các nhà triết học, tâm lý học, nhà nghiên cứu tôn giáo, và cho chính những người tu hành. 
Đối với những nhà văn hoá Ngô Thì Nhậm, Đại Chân Viên Giác Thanh là tác phẩm không thể bỏ qua. Nó giúp chúng ta cảm nhận rõ hơn về con người đặc biệt này. Qua đó tiếp tục soi ánh sáng vào những tác phẩm khác của ông, cụ thể là phần thơ ca và các bài nghị luận về thời cuộc. “Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế thế thời phải thế!” Câu đối cuối cùng trước khi giã từ cuộc đời là một ví dụ biểu đạt sinh động cho sự thống nhất giữa chí khí và thế giới quan của Ngô Thì Nhậm. Khi gặp nguy khốn vì sự đố kị và thù hận của đồng loại, ông vẫn ung dung sống trong tự do (9). 1
————————-
Chú thích:
1: Giả Tự Đạo là quan tả thừa tướng của nhà Tống, đã cắt đất cầu hoà với nhà Nguyên.
2: Bài Nguyên đạo của Hàn Dũ
3: Lục Tổ Huệ Năng là Tổ Thiền tông thứ sáu ở Trung Hoa. Các câu nói của Huệ Năng đều trích trong Pháp Bảo Đàn Kinh.
4: Đại phác: ý nói các quy luật biến hoá lớn của tự nhiên.
5: Bốn vật báu lớn của nước Nam
6: Bồ Đề Đạt Ma là người Ấn Độ, có công truyền bá Thiền tông vào Trung Hoa, trở thành Tổ Thiền tông thứ nhất ở đây.
7: sa di là người mới xuất gia đi tu.
8: Kinh dịch, quẻ Khôn: “Tích thiện chi gia tất hữu dư khương, tích bất thiện chi gia tất hữu dư ương” (Cao Xuân Huy chú giải)
9: Tương truyền lúc Ngô Thì Nhậm được vua Quang Trung trọng dụng thì người quen cũ là Đặng Trần Thường đến xin Nhậm tiến cử. Trông thấy vẻ khúm núm làm mất phong độ của kẻ sĩ, Nhậm từ chối. Đặng Trần Thường hổ thẹn ra về, rồi vào Nam theo Nguyễn Phúc Ánh. Sau khi nhà Tây Sơn mất, một số quan dưới triều Tây Sơn bị giải về Hà Nội để bị xử phạt đánh bằng roi ở Văn Miếu. Chủ trì cuộc phạt đánh đòn đó là Đặng Trần Thường. Vốn có thù riêng, Đặng Trần Thường kiêu hãnh ra vế câu đối cho Ngô Thì Nhậm: Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Ngô Thì Nhậm khảng khái đáp lại: Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế. Đặng Trần Thường ép phải sửa lại thành “thế đành theo thế”, nhưng Ngô Thì Nhậm không chịu. Ông mất sau trận đòn mà Thường đã cho tẩm thuốc độc vào roi.

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)