Ngũ tấu “Cá hồi” – kỉ niệm một mùa hè thú vị

Nhà phê bình âm nhạc Massimo Mila gọi nó là một “bài thơ về ngày nghỉ” phản ánh niềm vui thích đắm say của Shubert trước cảnh sắc thôn quê sau khi bị giam hãm cả đời trong thành phố.

Trước đây, giới soạn nhạc thường viết những biến tấu trên các chủ đề của người khác và có nhiều xu hướng sử dụng tối đa những chủ đề sẵn có. Franz Schubert đã sử dụng lại ba trong số những lied phổ biến nhất của ông để tạo ra ba tác phẩm hòa nhạc thính phòng được yêu thích nhất của mình là “Die Forelle” Quintet (Ngũ tấu “Cá hồi”); “Der Tod und das Mädchen” Quartet (Tứ tấu “Thần chết và Trinh nữ”) và “Wanderer” Fantasy (Fantasy “Người lang thang”).
 
Đến năm 1819, mặc dù chưa một tác phẩm đơn lẻ nào trong số hàng trăm sáng tác của Schubert được xuất bản hay biểu diễn trong các buổi hòa nhạc chính thức nhưng những tác phẩm ở dạng bản thảo của ông đã vang lên trong các buổi biểu diễn thân mật. Ca sĩ giọng baritone Johann Vogl (khi ấy đã 50 tuổi) trở thành một người hâm mộ Schubert (khi ấy mới 22 tuổi). Johann Vogl mời Schubert về quê mình là thị trấn Steyr, Thượng Áo, một khu văn nghệ sĩ ở vùng núi Alps. Đây là kỳ nghỉ thực sự đầu tiên của Schubert và ông đã bị mê hoặc. Trong thư gửi anh trai mình, ông không chỉ kể về những kỳ quan thiên nhiên “đẹp hơn mọi hình dung” mà còn nhắc đến tám cô gái trong ngôi nhà ông ở và “hầu như cô nào cũng xinh”.

Tại đây, ông mau chóng trở thành trung tâm chú ý của các tối hòa nhạc do Sylvester Paumgartner tài trợ. Paumgartner là nghệ sĩ cello nghiệp dư, nhà bảo trợ nghệ thuật và ông chủ khai thác mỏ địa phương giàu có, người đặc biệt yêu thích lied “Die Forelle” (“Cá hồi”) của Schubert. Chẳng biết do được đề nghị hay với ý định tạo ra một “món quà cám ơn”, Schubert đã sử dụng lied làm cơ sở cho bản ngũ tấu mà ông viết khi trở lại Vienna và gửi cho Paumgartner. Nhạc công nghiệp dư đã phải gắng hết sức để biểu diễn tác phẩm vì có vẻ như Schubert đánh giá quá cao khả năng kỹ thuật của Paumgartner. Sau đó tổng phổ bị xếp xó và chỉ một năm sau khi Schubert mất, nó mới được xuất bản.
 
Phần nào khác với các ngũ tấu piano và đàn dây thông thường (viết cho hai violin, viola, cello và piano), bản ngũ tấu này giảm đi một violin và có sự góp mặt của contrabass. Điều thú vị là hai thập niên trước đó, Hummel cũng viết một bản ngũ tấu sử dụng kiểu kết hợp nhạc cụ tương tự; các học giả vẫn còn đang tranh cãi ý tưởng này của Schubert nảy sinh một cách độc lập hay do ông đã được xem tổng phổ ngũ tấu của Hummel trong thư viện của Paumgartner. Vì Paumgartner chơi cello nên có giả thuyết cho rằng Schubert đã thêm contrabass vào để giảm nhẹ vai trò cello trong bè trầm giúp cho cello có thể góp mặt vào những giai điệu tràn đầy trong tác phẩm.
 
Lied “Die Forelle” được dựa trên ba khổ đầu từ bài thơ xinh xắn gồm bốn khổ viết năm 1783 của Christian Daniel Schubart. Trong lied, giai điệu lặp lại, điển hình của Schubert khiến người nghe dễ dàng say mê hoàn toàn và có thể nhớ ngay lập tức, nó càng tươi sáng hơn bởi âm hình nhấp nhô vui vẻ của phần đệm piano gợi lên hình tượng con cá. Chương thứ tư của ngũ tấu là một bộ các biến tấu trên giai điệu lied. Như Myers nhận xét, với Schubert giai điệu có tầm quan trọng bậc nhất và vì thế các biến tấu của ông là sự luân chuyển giai điệu giữa các nhạc cụ như thể vui thích xem xét nó từ mọi góc độ. Để trêu chọc Paumgartner, Schubert đã trì hoãn âm hình piano tuyệt vời từ lied gốc đến tận gần cuối tác phẩm.
 
Mặc dù trong số năm chương, chương IV, chương của chủ đề và các biến tấu, là trung tâm tác phẩm, toàn bộ ngũ tấu khiến người nghe say mê. Thực tế là phần còn lại của ngũ tấu hoạt bát và hấp dẫn, ắp đầy giai điệu và sự ấm áp, sự chuyển giọng nhẹ nhàng, cách phối khí đã tạo ra một sự pha trộn thanh âm phong phú, hài lòng và mang nhiều màu sắc biến ảo.

Schubert sáng tác lied (ca khúc nghệ thuật Đức) rất nhanh và nhiều. Gần 800 bài thơ, của cả các đại thi hào lẫn những tác giả vô danh, đã được thăng hoa qua lied của Schubert. Nhưng cái chính là ông đã đưa thể loại này đến độ chín muồi về mặt nghệ thuật hơn bất cứ nhà soạn nhạc nào khác. Ở các lied của Schubert, ta thấy rõ sự cân xứng giữa phần lời và phần nhạc. Ông đã tạo ra sức cuốn hút mới mẻ cho lời thơ qua những cách tân trong lối phổ thơ và qua những thủ pháp biểu đạt độc đáo bằng âm nhạc.

Một số lied của Schubert được sắp xếp theo những chuỗi hay liên khúc thuật lại một câu chuyện, một cuộc phiêu lưu của tâm hồn hơn là thể xác, như các tập liên khúc Die schöne Müllerin (Cô thợ xay xinh đẹp) D.795 gồm 20 bài và Winterreise (Hành trình mùa đông) D.911 gồm 24 bài. Một số lied của Schubert lại giống như những màn kịch ngắn, trong đó hình tượng âm nhạc cho từng nhân vật được ông sáng tạo rất sinh động như Erlkönig (Chúa rừng) D.328 phổ thơ Goethe hay Der Tod und das Mädchen (Thần Chết và trinh nữ) D.531 phổ thơ Matthius Claudius.

Die Forelle (Con cá hồi) D.550 là một trong số những lied nổi tiếng nhất và được biểu diễn nhiều nhất của Schubert. Lied này được viết năm 1817, khi Schubert 20 tuổi. Trước đó, Schubert đã viết được hơn 100 lied cũng như nhiều tác phẩm giao hưởng, opera, nhạc thính phòng…

Chẳng rõ Schubert đọc được bài thơ Die Forelle của nhà thơ Đức Christian Daniel Schubart (1739-1791) từ khi nào. Chắc hẳn ông rất hứng thú với bài thơ này nên mặc dù chính tác giả của bài thơ đã phổ nhạc cho nó nhưng Schubert vẫn viết không dưới năm phiên bản lied Die Forelle.

Die Forelle là một màn kịch hấp dẫn, phản ánh đề tài thiên nhiên của thời kỳ Lãng mạn và cảm tưởng của Schubert về sự khôi hài. Nguyên gốc bài thơ của Schubart gồm bốn khổ. Schubert đã sử dụng ba khổ thơ đầu và loại đi khổ thơ thứ tư có nội dung cảnh báo các cô gái trẻ phải cảnh giác trước các “ngư ông” với mồi câu. Con cá và ngư ông trong bài thơ gốc của Schubart là những nhân vật mang tính biểu tượng. Còn trong lied của Schubert, người kể chuyện miêu tả cảnh một con cá hồi bơi lội tung tăng trong dòng suối và phẫn nộ khi chứng kiến cảnh ngư ông bắt được cá bằng một cách bất minh.

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)