Ngược mặt trời*

Phải chăng hành trình “Ngược mặt trời” là đi về phía bóng tối, đi về phía đêm đen của lịch sử, đi về ký ức đã bị thời gian úa vàng vùi lấp?!

Trong làng văn, có những tác giả 50 năm một giọng điệu, một cách viết, thậm chí họ “canh tác” chỉ trên một cánh đồng hiện thực… vẫn hay, đọc vẫn hấp dẫn. Nhưng, có người viết 5 năm đã thấy cũ mòn, lặp lại, đã thấy cái sau na ná cái trước, đã thấy thấp thoáng ở đâu đó rồi.

Lại có tác giả không bao giờ chịu cũ, không bao giờ chịu làm bảo tàng văn học cho mình, còn hay dở là một câu chuyện khác. Quan niệm: nhà văn với tư cách là người sáng tạo nghệ thuật chẳng những phải khác với bạn nghề, không dễ đứng chung vào dàn đồng ca, tốp ca; mà còn phải mới lạ với chính mình… luôn là khát vọng bỏng cháy và lao động cầm bút khổ ải, nhọc nhằn. Nguyễn Một là một người văn như thế, không chịu đi lại con đường xưa để chính ông khỏi chai mòn gót chân, và tiểu thuyết NGƯỢC MẶT TRỜI là một ví dụ.
“Ngược mặt trời” là thế nào? Tôi đã đọc nhiều lần, ngẫm nghĩ và cắt nghĩa xem Nguyễn Một định nói điều gì ở tiểu thuyết này?

Phải chăng hành trình “Ngược mặt trời” là đi về phía bóng tối, đi về phía đêm đen của lịch sử, đi về ký ức đã bị thời gian úa vàng vùi lấp?! Và rồi, nhà văn Nguyễn Một khám phá, ứng xử với những điều đã qua, những cái đã mất ra sao?!

Người Việt Nam khá quen thuộc với nhân vật Bá Đa Lộc, bị “đời sau kết tội cha đã đưa thực dân Pháp vào Việt Nam, và gọi Nguyễn Ánh là cõng rắn cắn gà nhà.” Hành trình “Ngược mặt trời”, Nguyễn Một đi vào phần bóng tối của cha đạo Bá Đa Lộc. Trong tiểu thuyết này, nhân vật Bá Đa Lộc tự bào chữa, cho rằng Nguyễn Ánh lợi dụng tôn giáo, lợi dụng cha để làm chính trị, nhưng khi đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử thì quay lưng lại với tôn giáo: “Ta tin rằng nếu không có di chỉ của Gia Long thì con cháu ông ta không xuống tay tàn bạo với đạo ta như thế.” Có vẻ như Bá Đa Lộc chỉ nhận việc làm của cha là hành đạo, cha nhập nhòa không chịu nhận trách nhiệm về việc đưa thực dân Pháp xâm lược Việt Nam. Chỉ đến khi mẹ Têrêsa chỉ ra những đặc quyền đặc lợi khi sống và cả khi chết của Bá Đa Lộc thì cha mới lặng thinh “thở dài và quay mặt về khoảng tối sau lưng mình.” Số từ dành cho Bá Đa Lộc trong tiểu thuyết không nhiều, nhưng Nguyễn Một cũng đã kịp lật ra ánh sáng phần bồ hóng đen nhôm nhoam của ngài cha cố bị người dân Việt Nam nguyền rủa suốt mấy trăm năm.

Đi “Ngược mặt trời”, Nguyễn Một đi vào phía đêm đen lịch sử cấm đạo của vua Minh Mạng, mà Tổng đốc Trần Hiệp là một kẻ thực thi sốt sắng, nồng nhiệt, trung thành đến trắng trợn tàn sát giáo dân. Những hình ảnh, chi tiết, thời gian nghệ thuật diễn tả sự khốn cùng và thử thách con chiên; rồi các nhân vật Thánh Mátthêu Lê Văn Gẫm, cha Mạc Danh Du… tử vì đạo, được phong Thánh…; từ cái nhìn nhân ái, Nguyễn Một lý giải như là sự mặc khải đức tin, làm cho đêm dài lịch sử cấm hành đạo của vương triều xưa phần nào bớt tối đen.

Đi “Ngược mặt trời”, Nguyễn Một hành trình về quá khứ đất nước Hoa Sứ Trắng, ông cắt nghĩa bi kịch diệt vong cả một quốc gia bởi bóng tối đêm trường trung cổ: “Vương quốc Hoa Sứ Trắng chưa bao giờ có thể chế chính trị ổn định, dù nhiều vị vua cố gắng hợp nhất thành một nước, nhưng cũng không ngăn chặn được sự kì thị sắc tộc, lại chia thành thị tộc, các làng đầy dị biệt và thường đem quân bản địa tàn sát lẫn nhau, không ai cản được. Sự suy yếu của vương quốc là quy luật tất yếu,… Từ đó, vùng đất này không còn chính quyền và mất nước vào tay các quốc gia láng giềng chứ chẳng ai xâm lăng họ. Do vậy, sự hận thù giữa hai dân tộc là phi lý.”

Cùng một ý tưởng vùi mình vào bóng đêm để khám phá, để nhận ra các điều khuất lấp, Nguyễn Một thay đổi thời gian nghệ thuật bằng cách lật nhanh về thời hiện đại, mở rộng không gian nghệ thuật sang nước láng giềng phương Bắc, dựng lên chân dung Chú Khách chủ tiệm Chạp phô “say mê kiếm tiền” bỗng dưng “trở thành ẩn sĩ”. Chú Khách – A Hóa là nhân vật tha hương, hồi hương, rồi lại về nơi trú quán, chỉ vì bị ám ảnh máu đổ trên quảng trường thê lương, khủng khiếp.

Bóng đêm thời đại và lịch sử đổ xuống dân tộc và tất nhiên nó cũng đổ bóng xuống số phận con người. Con người cụ thể ở đây là nhân vật Nhà nhiếp ảnh Nguyễn Chạc luôn luôn dằn vặt, thao thức đi tìm ký ức đã mất, đi tìm cái làng Chạc Chìu một thời hiển hiện thân thương, bỗng nhiên bị biến mất tăm tích khỏi núi rừng mà không tài nào lý giải được. Hành trình đi tìm lại cái làng xưa Chạc Chìu, nghi ngờ biến mất hoặc do chiến tranh, hoặc do xoáy lốc, hoặc do dòng bùn sa khoáng vùi lấp…, thực ra là những day dứt đi tìm lại kỉ niệm, tình yêu, tìm hình ảnh bố mẹ, và cô gái Chìu, tìm ngôi nấm đất người tình an nghỉ có cây chuối trồng ở trên mộ… để vá víu, san lấp khoảng trống tâm hồn cô độc thời hiện đại. Đi tìm cái đã mất trong mơ hồ, mông lung, Nguyễn Một đã xục xạo, lục tung cả quá khứ bi buồn. Hành trình tìm kiếm cho một kết quả không rõ ràng cụ thể, “Bay về phía mặt trời” chỉ thấy hình ảnh đã mất hiện về thấp thoáng chập chờn, méo mó, nhưng cũng kịp gieo vào lòng người đọc niềm tin hi vọng với cái kết truyện… sáng bừng lên.

Nguyễn Một đã sử dụng thi pháp gì trong tiểu thuyết “Ngược mặt trời”? Thật khó nói! Ông gọi tác phẩm của mình dưới hình thức thể loại: tiểu thuyết rời rạc. Kỳ lạ! Rồi ông đề từ: “Cuốn sách này có thể làm phiền bạn vì câu chuyện hoang đường và những mảnh chắp vá rời rạc của cuộc đời, như giấc mơ buồn mà sau khi tỉnh dậy bạn không thể kể lại một cách trọn vẹn.” Quả thật, dù người đọc có năng lực khái quát, tổng hợp bỏ công đọc tiểu thuyết “Ngược mặt trời” nhiều lần, cũng không thể kể lại một cách rõ ràng, rành mạch và đầy đủ. Tôi đồ rằng chính Nguyễn Một – cha đẻ của thiên tiểu thuyết này cũng đâm nản, bất lực với đứa con tinh thần của mình trong việc truyền đạt những câu chuyện chắp vá, rời rạc do ông cố tình làm phức tạp, và tản mạn vô cùng. Không phải loại tiểu thuyết chương hồi Minh – Thanh, cũng chẳng phải thuật viết đang “thời thượng” liền tù tì từ bắt đầu đến chấm hết, Nguyễn Một khai triển 22 tiểu mục lớn nhỏ làm cái khung sườn “Ngược mặt trời”. Có cảm giác các mục ấy rời ra, với các câu chuyện lộn xộn tản mát, với các nhân vật khác nhau về thời đại, không liên hệ với nhau, hoặc giàng buộc lỏng lẻo; nhưng thực ra chúng kết nối với nhau thật chặt chẽ trong một không gian huyền sử và thấm đẫm tôn giáo: Mặc khải đức tin. Mặc khải thánh thế. Mặc khải bóng tối. Mặc khải trừng phạt. Khổ nạn và đức tin… Không gian nghệ thuật mang đặc trưng Thiên chúa giáo (xứ đạo Hòa Bình, đan viện, mùa vọng…), nhiều nhân vật (Mẹ Têrêsa, Mátthêu Lê Văn Gẫm, nữ tu Hoàng Lan…) cũng mang đặc tính Thiên chúa giáo. Cái không gian tâm linh này trộn lẫn với không gian huyền ảo, hoang đường (Tháp cổ bỏ hoang, bầy heo vàng, kho của dưới lòng hoang tháp, lốc cuốn vòi rồng…) chính là cánh rừng liêu trai kì bí để Nguyễn Một chơi trò cất giấu hiện thực rồi tìm kiếm. Nhà nhiếp ảnh Nguyễn Chạc vừa là số phận nhân vật vừa là người dẫn chuyện liên kết các tình tiết. Còn nhà văn Nguyễn Một khi thì nhập đồng cùng số phận nhân vật, lúc thì đứng xa ra để ngắm nhìn và ngẫm nghĩ, cắt nghĩa nhân vật của mình – nhân vật “đi tìm cái đã mất”.

Đọc thiên tiểu thuyết “Ngược mặt trời” không cảm thấy tẻ nhạt, uể oải, chán nản, bởi “ngôn ngữ” tiểu thuyết biến hóa liên tục: nhanh, chậm, chói gắt, dịu dàng, da diết. Nguyễn Một phức tạp hóa tiểu thuyết để vượt thoát giản đơn cũ mòn cũng có hiệu quả nghệ thuật đáng trân trọng. Khi thì là một câu chuyện hiện thực: “Ký ức chạc chìu”, “Âm bản cuồng vọng”, “Vô thần”; khi lại là một thế giới nghệ thuật kì ảo: “Con mắt khác”, “Thế giới khác”, “Linh hồn hoang tháp”… Nhân vật không bình thường: Chín Toàn bị lốc cuốn lên trời, rơi xuống bị mù, nhưng ông có khả năng thấu thị cõi âm, trò chuyện với người âm. Mẹ Têrêsa với những giấc mơ huyền bí đối thoại với cha Bá Đa Lộc. Nguyễn Chạc mộng du, nghe người lính chết trẻ của hai phía kể chuyện và dạo chơi. Cô gái là oan hồn từ bào thai lớn lên như một nhân vật liêu trai.

Thi pháp “Ngược mặt trời” biến hóa sinh động còn thể hiện ở sức dung nạp, chứa đựng nhiều thể loại nghệ thuật trong một cơ thể tiểu thuyết: Ở tiểu mục này giống một truyện ngắn thì tiểu mục kia là kịch bản sân khấu huyền sử trọn vẹn “Pho tượng đồng đen” với những Kha Ly, Đa Ra… mang linh hồn tháp hoang, kia nữa là kịch bản phim “Sự cuồng nộ của thần núi Chúa”, và thảng hoặc bắt gặp “Ký ức dòng sông” như một tản văn. Thời gian nghệ thuật luôn đảo lộn, không gian nghệ thuật luôn cơi nới, mở rộng và thay đổi, người đọc bị ngợp trước các cánh đồng hiện thực và chân trời kì ảo với các nhân vật cũ – mới, hoặc nhân vật “liêu trai chí dị”.

Giọng văn Nguyễn Một da diết, sâu lắng, có sức vang ngân. Dường như trong mỗi đoạn văn, câu văn đều trĩu nặng cái tình người viết. Và tôi thấy một nỗi buồn cao thượng, chứ không phải nỗi buồn thê lương, ủy mị trong tiểu thuyết “Ngược mặt trời”. Chạm đến nỗi buồn, đi tận cùng nỗi buồn – nỗi buồn của Nhà nhiếp ảnh Nguyễn Chạc cũng là nỗi buồn của nhân tình thế thái. Là nhà văn, mấy ai viết được nỗi buồn?!

Đi “Ngược mặt trời” là một thử thách mới, tôi nghĩ nhà văn Nguyễn Một đã vượt qua sau những ngày nhọc nhằn vắt óc ra từng con chữ. Còn bây giờ là đến lượt bạn đọc, đi hết hành trình “Ngược mặt trời” hay không cũng là một thử thách không nhỏ.

Nguyễn Một (bút danh khác: Dạ Thảo Linh), hiện sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh

Đã xuất bản:

– Dành cho thiếu nhi: Hoa dủ dẻ (Tập truyện); Năm đứa trẻ xóm đồi (Truyện dài); Ngũ hổ tướng (truyện dài); Màu hoa trắng (Truyện ký); Long lanh giọt nắng (Truyện dài); Mùa trái chín (Truyện vừa); Tha Hương (Tập truyện ngắn)

– Dành cho người lớn: Vũ điệu trên đỉnh Kung Pô (tập truyện ngắn); Quà của đất (Tập bút ký); Như là cổ tích (Tập truyện ngắn); Giữa đời thường (Tập bút ký); Dòng sông độ lượng (Tập bút ký ); Đất trời vần vũ (Tiểu thuyết); Câu chuyện bên một dòng sông (Phim tài liệu VTC9 2009 – kich bản, lời bình và đạo diễn); Hành trình ước mơ (kịch bản phim tài liệu)

– Tác phẩm được giải:

–    Trước mặt là dòng sông – Tặng thưởng truyện ngắn hay tuần báo Văn nghệ Hội nhà văn tháng 5 năm 2002, sau được dựng thành phim Cổ tích về ngôi nhà (đạo diễn Khải Hưng, Hãng phim truyền hình Việt Nam 2003).

–    Kẻ vô học – Tặng thưởng truyện ngắn hay tuần báo Văn nghệ Hội nhà văn tháng 11 năm 2002.

–    Chim bay về núi – Giải thưởng truyện ngắn Đồng Nai 1994

–    Chuyện tình trong rừng cấmGiải thưởng truyện ngắn Đồng Nai 2001

–    Tấm da cọp – Giải ba truyện ngắn báo Tiếp thị và gia đình.

–    Tặng thưởng Phim tài liệu chào mừng Biên Hòa 310 năm của UBND tỉnh Đồng Nai

–    Giải thưởng Trịnh Hoài Đức 2008

–    Đất trời vần vũ – Giải C cuộc thi tiểu thuyết hội nhà văn Việt Nam (2006 – 2010)

* Tiểu thuyết của Nguyễn Một, NXB Hội Nhà Văn ấn hành tháng 7/2012, 218 trang, Giá bìa: 48.000 đồng

 

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)