“Người đi rồi, bóng còn để lại”

Đôi dòng tưởng nhớ GS. James C. Scott (1936-2024), nhà nhân học vĩ đại về nông dân và xã hội nông thôn Đông Nam Á.

GS. James C. Scott

Mùa thu năm 1989, tôi đi cùng GS. Phan Huy Lê sang Trung tâm Nghiên cứu châu Á Amsterdam (Center for Asian Studies Amsterdam, CASA) thuộc Đại học Amsterdam, Hà Lan. Giáo sư sang thăm Trung tâm và dự một hội thảo khoa học về làng xã, còn tôi sang làm thực tập sinh sau đại học. Chuyến bay do hãng hàng không Đông Đức vận hành, đỗ xuống sân bay Berlin an toàn nhưng chúng tôi nhận được thông báo chuyến bay tiếp sang Amsterdam bị hoãn do xảy ra đình công ở sân bay Berlin. Chúng tôi được chuyển vào một khách sạn trong sân bay để chờ nối chuyến. 

Đêm ấy (23/10/1989) hai thầy trò thảnh thơi đi dạo trên mấy con phố quanh sân bay, và thật ngạc nhiên, chúng tôi có may mắn được chứng kiến một cuộc đình công khổng lồ đang xảy ra ở khu vực đỗ xe của sân bay. Hàng ngàn người tập trung tại khu vực này. Họ ăn mặc gọn gàng, khuôn mặt nghiêm trang, tay cầm nến và biểu ngữ đòi đổi thay nước Đức. Đám đông khổng lồ đang tập trung nghe diễn thuyết trong trật tự. Một vài khẩu hiệu giương cao kêu gọi thay đổi với tinh thần luôn và ngay: “Thay đổi, không có nếu và nhưng” (Wende ohne wenn und aber). Người tham gia biểu tình trong trật tự với những biểu ngữ kêu gọi không biến biểu tình thành bạo loạn. Thật không tưởng tượng được! Hóa ra chúng tôi vừa đặt chân đến Berlin vào đêm trước của cuộc cách mạng hòa bình nhằm thay đổi nước Đức. 

Sau đấy tôi tìm báo đọc và biết được mấy hôm trước, Erich Honecker, Tổng Bí thư Đảng Thống nhất XHCN đã bị buộc phải từ chức. Trên đường trở về khách sạn, GS. Phan Huy Lê đặt câu hỏi với một người địa phương: “Tại sao hàng ngàn người biểu tình mà cứ như họ đang đi họp vậy, không có đập phá và hành động bạo lực như các cuộc biểu tình đường phố vẫn thường thấy?” Một công nhân ở sân bay (tôi đoán thế) nói với chúng tôi: “Đất nước này do ai xây dựng? Do nhân dân Đức, phải không? Vậy tại sao chúng tôi phải đập phá rồi sau đó lại chính mình bỏ công sức và tiền bạc ra để xây dựng lại?” GS. Phan Huy Lê nhận xét: “Một lối tư duy rất văn minh, chỉ có thể là kết quả của một tinh thần cách mạng và dân tộc chủ nghĩa cao cả.”

Ông tin rằng người nông dân sống trong làng xã có tính cố kết cao, dựa vào mạng lưới xã hội thường bị chìm khuất đi trong đời sống thường ngày, nhưng được phát lộ ra và có thể quan sát được qua các hoạt động giúp đỡ nhau như làm nhà mới, đám tang, đám cưới, và các hoạt động cộng đồng khác.

Hôm sau chuyến bay sang Amsterdam được nối lại. Chúng tôi đến Hà Lan được vài ngày thì ở Đức nổ ra cuộc biểu tình long trời lở đất mà sau này, sách báo gọi đó là Cuộc biểu tình Alexanderplatz (Alexanderplatz-Demonstration), với hàng triệu người tham gia. Khẩu hiệu của người biểu tình “Wir sind das Volk”, (Chúng ta là Nhân dân) sau đổi thành “Wir sind ein Volk” (Chúng ta là một Nhân dân). Chỉ mấy ngày sau, vào mùng 9/11/1989, người biểu tình đã đạp đổ bức tường Berlin ngăn cách Đông và Tây Đức, và lịch sử nước Đức đã chuyển sang một trang mới. 

Tôi hơi lan man về sự kiện xảy ra ở Berlin vì câu chuyện phản kháng ôn hòa của người biểu tình Đức sau đó đã tràn vào các phòng học và hội thảo ở Đại học Amsterdam. Thời gian này, tại Trung tâm Nghiên cứu châu Á, nơi tôi đến thực tập, cũng đang diễn ra hội thảo để nhìn lại vấn đề làng xã và nông dân châu Á. Tại hội thảo, GS. James Scott đến dự và trình bày nghiên cứu của ông về sự phản kháng của nông dân châu Á. Tôi tham dự vào hội thảo nhưng chả khác gì con vịt ù ù cạc cạc, không hề biết rằng GS. J. Scott đến từ Đại học Yale, là một nhà nghiên cứu nhân học chính trị đang nổi như cồn ở châu Âu sau khi hai cuốn sách của ông lần lượt ra đời “The Moral Economy of the Peasant: Rebellion and Subsistence in Southeast Asia” (Nền kinh tế đạo đức của nông dân: Nổi loạn và sinh kế ở Đông Nam Á (1976), và “Weapons of the Weak: Everyday Forms of Peasant Resistance” (Vũ khí của kẻ yếu: Các hình thức phản kháng hằng ngày của nông dân (1985). 

Đang ở Việt Nam với nền học thuật “im lặng như tờ”, đến đây tôi như bị rơi tõm vào bầu không khí nóng rẫy về châu Á. Hai cuốn sách này, cùng với cuốn sách phản biện lại lý thuyết “kinh tế đạo đức” của Scott do S. Samuel Popkin công bố năm 1979, “The Rational Peasant: The Political Economy of Rural Society in Vietnam” (Người nông dân duy lý: Nền kinh tế chính trị của xã hội nông thôn ở Việt Nam) (1979) dường như trở thành sách gối đầu giường của các nhà nghiên cứu về châu Á hồi bấy giờ, đồng thời làm cho vấn đề làng xã và nông dân Việt Nam trở thành trung tâm của sự chú ý. Tôi đi đến đâu cũng có người hỏi về các cuốn sách này. Khốn khổ thay, tôi giống như một người câm và điếc, chưa từng nhìn thấy những quyển sách ấy ra sao. Ban đầu tôi định đi thư viện tìm sách để đọc, nhưng sau đó quyết định đi thẳng ra hiệu sách, tìm mua bằng được cuốn “kinh tế đạo đức” của Scott và “người nông dân duy lý” của Popkin để có thời gian nghiền ngẫm, dẫu biết rằng giá của hai cuốn sách này ngang bằng với một nửa chiếc xe Honda 70 mà tôi hay nhờ GS. Hoàng Trọng Phiến đang giảng dạy bên Nhật mua hộ. Về nhà, tôi đóng cửa lại đọc sách của các ông đến toét cả mắt, và ít nhiều, đã hiểu được những vấn đề mà họ thảo luận, và tại sao các lý thuyết này lại gây được ảnh hưởng lớn như vậy đối với học giới Âu – Mỹ. 

Một số tác phẩm của giáo sư James C. Scott.

Khi về nước tôi đã cố gắng viết một bài ngắn giới thiệu về các nghiên cứu mới này trên tạp chí Dân tộc học (“Vấn đề nông dân và làng xã Việt Nam qua một vài nghiên cứu gần đây của tác giả nước ngoài”, đăng trên Tạp chí Dân tộc học, Số 2, 1991). Bài viết dù có bị cắt xén ít nhiều nhưng đã cung cấp cho các nhà nghiên cứu về nông dân những nội dung cơ bản của học thuyết kinh tế đạo đức và người nông dân duy lý, đặc biệt là các học trò của tôi, đã trích dẫn bài này khá nhiều, vì họ không có cơ hội đọc bản gốc. 

Tôi có may mắn được gặp GS. Scott hai lần. Lần đầu là ở Amsterdam, khi ông đến thuyết trình về kinh tế đạo đức, khi tôi còn lơ mơ chưa hiểu gì về nghiên cứu của ông. Sau buổi thuyết trình, GS. Breman, GS. Muijenberg (sau này là thầy hướng dẫn khoa học của tôi) và các thầy trong Trung tâm Nghiên cứu châu Á mời GS. Scott đi ăn trưa ngoài nhà hàng chứ không ăn tại bếp tập thể của trung tâm như mọi khi. Vui hơn là lần ấy, tất cả học trò của hai thầy đều được mời đi ăn. Tôi theo cả nhóm đi bộ ra phố. Các giáo sư đi trước, bọn học trò chúng tôi theo sau. Khi đến một ngã tư đường thì đèn đỏ, mọi người dồn lại. Đứng chờ một lát, thấy đường vắng tanh, GS. Breman bảo: Hay là ta cứ bước qua đi, đường đang vắng mà. Nhưng GS. Scott ngăn lại: Đừng, bọn học trò đang nhìn chúng ta đấy. Cả hai cùng cười. Thế là cả nhóm đứng chờ đến khi đèn xanh mới qua đường. Tôi vẫn luôn nhớ về lần gặp này như bài học vỡ lòng về văn hóa ứng xử của các ông thầy Hà Lan và Mỹ. 

Lần thứ hai tôi được gặp lại GS. Scott là ở Đại học Quốc gia Singapore vào năm 2007. Khi ấy tôi tham gia vào một hội thảo về vùng núi Đông Nam Á, do TS. Stan Tan ở Khoa Đông Nam Á học, ĐHQG Singapore và TS. Walker ở ĐHQG Australia chủ trì. Lần đi này tôi còn may mắn có sự hộ tống của TS. Trần Hữu Sơn, lúc ấy là đương kim Giám đốc Sở Văn hóa Lào Cai. Hơn chục năm đã qua đi kể từ lần đầu gặp gỡ, nhưng tôi thấy phong cách của James hầu như vẫn y nguyên. Ông vẫn mặc bộ đồ jean màu xanh giản dị, đi giày thể thao, và chiếc áo xanh thùng thình không cài cúc, nhìn thật trẻ trung, ngoại trừ cặp kính lão dày cộp trễ xuống dưới vầng trán cao hơn, cho thấy cái bóng của thời gian đang đè nặng trên khuôn mặt đầy ắp suy tư nhưng lúc nào cũng giữ được phong thái trẻ trung. Lần này ông được mời để nói về quyển sách ông đang chuẩn bị xuất bản “The art of not being governed: An Anarchist History of Upland Southeast Asia” [Nghệ thuật không bị cai trị: Lịch sử vô chính phủ ở vùng cao Đông Nam Á]. Hôm ấy phòng họp khá rộng nhưng đã chật kín chỗ. Nhiều người phải đứng ngoài nghe thảo luận qua cửa sổ. Nhìn mọi người chăm chú nghe ông nói, và tranh nhau phát biểu ý kiến phản biện ý tưởng khoa học của ông, tôi đã thoáng nghĩ: Ở ĐHQG Singapore, James được các nhà nghiên cứu hâm mộ như một ngôi sao nhạc pop vậy. Ông cũng đặc biệt chú ý bài trình bày của TS. Trần Hữu Sơn về người Mông. Lúc giải lao, hai ông còn tìm gặp và hỏi thêm Trần Hữu Sơn về Tây Bắc Việt Nam trong không gian zomia của vùng núi Đông Nam Á. 

Khi tầng lớp tinh hoa bên trên từ bỏ bổn phận hành xử có đạo đức với nông dân, làm cho kế sinh nhai của họ giảm thiểu đến mức không đủ sống, họ sẽ bị sốc, dẫn đến sự phẫn nộ, và phản kháng lại, đôi khi bằng bạo lực, để đảm bảo sinh kế của mình. 

GS. James Scott qua đời ngày 19/ 7/2024. Ông để lại cho hậu thế nhiều công trình nghiên cứu đồ sộ có giá trị khoa học quan trọng, bao gồm “The Moral Economy of the Peasant: Rebellion and Subsistence in Southeast Asia” (1976), “Weapons of the Weak: Everyday Forms of Peasant Resistance” (1985), “Seeing Like a State: How Certain Schemes to Improve the Human Condition Have Failed” (1998), “Domination and the Arts of Resistance” (1990), “Seeing Like a State (1998), Two Cheers for Anarchism” (2002), “The Art of Not being Governed” (2009), “gainst the Grain” (2017) và “In Praise of Floods” (sẽ ra mắt năm 2025), cùng nhiều bài viết khác. Là người sáng lập Chương trình Nghiên cứu Nông nghiệp tại Yale, Scott nổi tiếng với việc tạo dựng bầu không khí học thuật có tính phê phán cao thông qua các hội thảo hàng tuần, các bữa ăn chung để gắn kết đồng nghiệp và học trò, tạo ra một nhóm nghiên cứu mạnh về nông nghiệp, nông dân và nông thôn của Đại học Yale nơi ông đảm nhiệm ghế giáo sư, và được phong hàm cao nhất của nghề nghiệp, đó là Giáo sư danh dự Sterling về Khoa học chính trị và Giáo sư danh dự về Nhân loại học. 

Trong số nhiều công trình quan trọng GS. James Scott đã công bố, cuốn sách đầu tiên gây được tiếng vang là về “kinh tế đạo đức của người nông dân” mà chất liệu tạo dựng nên lý thuyết này được khai thác từ ba cuộc nổi dậy của nông dân Đông Nam Á, đó là cuộc nổi dậy Saya San ở Miến Điện, phong trào chống thuế ở Trung kỳ và Xô Viết Nghệ Tĩnh ở Nghệ An của Việt Nam. Ông tin rằng người nông dân sống trong làng xã có tính cố kết cao, dựa vào mạng lưới xã hội thường bị chìm khuất đi trong đời sống thường ngày, nhưng được phát lộ ra và có thể quan sát được qua các hoạt động giúp đỡ nhau như làm nhà mới, đám tang, đám cưới, và các hoạt động cộng đồng khác. Theo ông, ưu tiên cao nhất đối với hầu hết nông dân là đảm bảo thu nhập của mình không bị giảm thiểu xuống dưới mức đủ để sinh tồn. Trong các xã hội truyền thống, nhiều người nông dân cũng giữ mối liên hệ với tầng lớp trên, xem đó như một bổn phận đạo đức để đảm bảo thu nhập không bị giảm thiểu xuống dưới mức tối thiểu. Họ xem việc duy trì các mạng lưới xã hội này như một thứ đạo đức, một cách để theo đuổi thu nhập cao hơn, nhưng họ sẽ không theo đuổi thu nhập ấy nếu nó giống như một canh bạc mà khi thất bại sẽ làm tụt thu nhập của họ xuống dưới mức tối thiểu. Một khi những mối liên hệ như vậy bị phá vỡ, và tầng lớp tinh hoa bên trên từ bỏ bổn phận hành xử có đạo đức với nông dân, làm cho kế sinh nhai của họ giảm thiểu đến mức không đủ sống, họ sẽ bị sốc, dẫn đến sự phẫn nộ, và phản kháng lại, đôi khi bằng bạo lực, để đảm bảo sinh kế của mình. 

Trong sách “Vũ khí của kẻ yếu” xuất bản năm 1985, Scott tập trung phát triển quan điểm về sự phản kháng thụ động nhưng tinh vi của người nông dân, đặt nền tảng cho sự phát triển học thuyết về “chính trị học thường ngày”. Khi nghiên cứu điền dã và quan sát ứng xử của người nông dân ở một làng Malaysia có 70 hộ gia đình sinh sống, Scott đã khám phá các phản ứng chính trị của người nông dân và nhận thấy rằng trong giới hạn của nỗi sợ bị đàn áp và “sự ép buộc chán ngắt của các quan hệ kinh tế”, người nông dân sẽ hành động để bảo vệ lợi ích của mình bằng cách tẩy chay, đình công lặng lẽ, trộm cắp, phá hoại ngầm, trốn tránh nghĩa vụ, che giấu và vu khống, hoặc giả vờ không biết, hoặc nói xấu lãnh đạo thông qua các cuộc trà dư tửu hậu, phát tán tin đồn và các câu chuyện tiếu lâm về họ (Scott 1985: 304). 

Cần nói thêm một chút về khái niệm về chính trị học thường ngày (everyday politics): Chính trị học nói chung quan tâm đến kiến trúc thượng tầng, đấu tranh đảng phái, hoạt động của nhà nước và nghị viện, các cuộc bầu cử, học thuyết cai trị, v.v. mà ít khi quan tâm nghiên cứu diễn biến của nó ở tầng lớp bên dưới xem nó tác động thế nào đến các quyết sách chính trị ở bên trên, và ông gọi đó là everyday politics. Một đồng nghiệp của James Scott, vốn là học trò nhưng xấp xỉ về tuổi tác, sau trở thành một giáo sư nổi tiếng thế giới về đổi thay chính trị, là GS. Ben Kerkvliet. Ông đã vận dụng thành công chính trị học hằng ngày vào việc khám phá quan hệ giữa nông dân và nhà nước, để kiến giải sự đi xuống và sụp đổ của tập thể hóa nông nghiệp ở miền Bắc Việt Nam. 

Chính hành vi chính trị hằng ngày của người dân bình thường đã có tác động rất lớn đến chính sách quốc gia và sự phản kháng của người dân địa phương. GS. Kerkvliet

Trong tác phẩm nổi tiếng “Sức mạnh của chính trị thường ngày, cách nông dân Việt Nam chuyển đổi chính sách quốc gia. [The Power of Everyday Politics, How Vietnamese Peasants Transformed National Policy.” Ithaca: Cornell University Press 2005], Kerkvliet nhận xét rằng chính những người nông dân nhỏ bé và nhu mì đã làm xói mòn và dẫn đến sự sụp đổ của chính sách tập thể hóa nông nghiệp của Việt Nam. Ông đã học tiếng Việt, dành nhiều năm đi thực địa ở các HTX nông nghiệp, nghiên cứu khoán sản phẩm của Bí thư Kim Ngọc ở Vĩnh Phú, khoán hộ ở Hải Phòng và Hải Dương, từ đó phát hiện ra rằng quá trình phi tập thể hóa bắt đầu ở cấp độ địa phương bởi chính những người nông dân. Các chính sách được ban hành sau đó thực ra chỉ là vuốt đuôi nông dân mà thôi. Theo ông, chính hành vi chính trị hằng ngày của người dân bình thường đã có tác động rất lớn đến chính sách quốc gia và sự phản kháng của người dân địa phương. Nói thêm một chút, rằng tôi có may mắn được làm trợ lý cho GS. Kerkvliet nhiều năm và đã cùng ông rong ruổi trên nhiều néo đường của nông thôn miền Bắc. 

Những câu chuyện mà tôi vừa kể chỉ là một phần rất nhỏ mà tôi biết về GS. James Scott, về những nghiên cứu và ảnh hưởng của ông đến lớp người đi sau, tiếp nối những khám phá về xã hội nông dân mà ông là người khai phá. Tôi không biết gì về ông trong đời sống thường nhật, cũng như ảnh hưởng của ông đối với tư tưởng và hoạt động thực tế ở các quốc gia Đông Nam Á, và ở các đại học Mỹ. Rõ ràng tôi chỉ nhìn thấy ông lấp loáng đâu đó sau tấm màn của những ô cửa sổ. Nhưng bằng những gì nhỏ nhoi mà tôi biết về ông, cũng đủ để tôi nói rằng ông là một nhà nhân học chính trị vĩ đại của thế kỷ 20 và 21, và tin chắc rằng ảnh hưởng của ông sẽ còn tiếp tục tìm thấy trong các nghiên cứu của lớp người đi sau, giống như một câu thành ngữ đã nói: “Người đã ra đi, bóng còn để lại.”□

Tác giả

(Visited 616 times, 1 visits today)