Người duy trì phong cách lãng mạn kinh điển

Âm nhạc của Bruch phảng phất sự bí ẩn và hoài cổ, giàu tính trí tuệ suy tư cùng với giai điệu trong sáng mang cảm xúc của chủ nghĩa lãng mạn. Tên tuổi của ông vẫn luôn được thế giới nhắc đến nhờ kiệt tác: bản Concerto cho Violin giọng Sol thứ Op.26. Tuy nhiên, giới phê bình có đôi khi vẫn không coi Bruch như một nhà soạn nhạc hàng đầu, có lẽ bởi xu hướng bảo thủ trong tư tưởng sáng tác của ông.

Max Bruch sinh ngày 6/1/1838, là con trai của một sỹ quan cảnh sát, mẹ là một ca sỹ và cũng là người đã truyền cho cậu những kiến thức đầu tiên về âm nhạc. Bản Septet được Bruch sáng tác khi mới 11 tuổi là một tác phẩm quan trọng định hình cho phong cách tương lai của một nhà soạn nhạc tài năng. 
Ở tuổi 14, Bruch giành được giải Frankfurt Mozart-Stiftung, một giải thưởng mà thời bấy giờ ai ai cũng phải thèm muốn. Thành công này đã cho phép Bruch được theo học với những bậc thầy nổi tiếng là Ferdinand Hiller, Carl Reinecke và Ferdinand Breunung.
 Tác phẩm trưởng thành đầu tiên của Bruch là một vở opera dựa trên nội dung vở “Scherz, List und Rache” của Geothe, nó được viết và trình diễn ở Cologne năm 1858 (hiện nay tổng phổ cho dàn nhạc của tác phẩm này vẫn bị thất lạc). Sau khi Bruch đạt được những thành công đáng chú ý với vở opera, các thầy giáo đã khuyến khích nhà soạn nhạc trẻ tuổi thực hiện một chuyến công du khắp nước Đức: Leipzig, Mannheim… Ở Mannheim, Bruch viết vở opera Die Loreley có nội dung liên quan đến một câu chuyện truyền thuyết về sông Rhine và bản cantata cho giọng nam Frithjof, 2 tác phẩm này đã lần đầu tiên khiến công chúng Đức biết đến cái tên Max Bruch. Năm 1870, Bruch viết vở Hermione dựa trên “The Winter’s Tale” (Truyện cổ Mùa đông) của Shakepeares nhưng tác phẩm này không đem lại thành công.
Trong giai đoạn 1865-1867, Bruch là giám đốc âm nhạc tại nhà hát ở Koblenz, và cũng tại nơi đây ông đã viết bản Violin Concerto giọng Sol thứ Op.26 đề tặng nghệ sỹ violin kiệt xuất Joseph Joachim. Tác phẩm này là một trong 4 bản concerto cho violin hay nhất trong lịch sử âm nhạc Đức (theo lời của Joachim). Bruch đã bán đứt bản quyền của tác phẩm này cho nhà xuất bản August Cranz nên ông đã không nhận thêm được khoản tiền nào ngoài duy nhất một khoản tiền trả ban đầu, mặc dù bản concerto đã được trình diễn không biết bao nhiêu lần. Bruch cũng nhận ra rằng, Concerto Sol thứ đã là cái bóng quá lớn bao phủ lên những tác phẩm cho violin và dàn nhạc khác của ông. “Không gì có thể so sánh với sự lười biếng, ngu xuẩn và đần độn của một số nghệ sỹ violin Đức,” Bruch đã than phiền như vậy trong một bức thư gửi cho nhà xuất bản nổi tiếng Fritz Simrock vào năm 1887. “Cứ 2 tuần một lần, hết người này đến người khác đến tìm tôi để đòi chơi Concerto số 1, tôi đã phát điên lên và bảo họ rằng: “Tôi không muốn nghe bản concerto này nữa, tôi đâu chỉ có viết mỗi một bản concerto đâu? Hãy chơi 2 bản concerto số 2 và số 3 ấy, chúng cũng hay như bản số 1 thôi!”
 Bruch rất yêu thích âm nhạc dân gian, ông coi chúng như cội nguồn của giai điệu. Nhiều tác phẩm của ông gắn bó với âm nhạc dân gian của nhiều nước như Scotland (Scottish Fantasy op.46, Das Feuerkreuz op.52), Thụy Điển (Serenade Thụy Điển op.posth, Vũ khúc Thụy Điển op.63) và Nga (Tổ khúc Dân ca Nga Op.79). Tác phẩm nổi tiếng cho violin và dàn nhạc, Scottish Fantasy (Khúc Phóng túng Scotland) giọng Mi giáng trưởng Op.46 hoàn thành năm 1880 và được đề tặng cho nghệ sỹ violin xuất chúng Pablo de Sarasate. Tác phẩm bốn chương này gắn bó với những giai điệu dân gian Scotland, nó làm người ta nhớ đến Giao hưởng Scotland của Felix Mendelssohn bởi vẻ đẹp truyền thống cổ kính, và thấm đượm những tình cảm bùi ngùi, hoài cổ đối với miền đất phương Bắc này.  
Trong những năm 1867-1870 Bruch đến với nhà hát ở Sondershausen và đến năm 1878, sau một thời gian dài hoạt động như một nhà soạn nhạc tự do, ông đã làm chỉ huy dàn nhạc ở Berlin (1878-1880), Liverpool (1880-1883) và Breslau (1883-1890). Sau đó, ông hướng dẫn một lớp thạc sỹ về sáng tác tại Hochschule fr Musik ở Berlin (1890-1911).
 Trong những năm ở Berlin, ông chỉ huy Sternscher Gesangverein, một đội hợp xướng gồm toàn các thành viên người Do Thái. Đội hợp xướng này cũng đã là cảm hứng cho ba bài hát Do Thái của ông, xuất bản năm 1888 và tác phẩm rất nổi tiếng Kol Nidrei Op.47, hay Khúc Adagio những Giai điệu Do Thái cho Cello và dàn nhạc. Ở Anh, Bruch nổi tiếng bởi những buổi trình diễn xuất sắc và rất thành công các oratorio thế tục của ông: Odysseus Op.41 năm 1877 và Das Lied von der Glocke Op.45 năm 1879. Những tác phẩm quy mô lớn này, cùng với Arminius Op.43, Achilleus Op.50 và Moses Op.67 thường được trình diễn và được chào đón khắp nước Đức, đặc biệt là trong những năm 1870 khi nước Đức được thống nhất dưới thời Bismarck và trào lưu âm nhạc yêu nước cũng như cổ súy cho niềm tự hào dân tộc đang thịnh hành. Tuy nhiên, những tác phẩm này của Bruch đã khó có thể tồn tại lâu ở quốc đảo Anh và Mỹ (trong chuyến đến Mỹ năm 1883 ông đã chỉ huy các hội hợp xướng Mỹ trình diễn những tác phẩm này), lý do chủ yếu là vì các bản dịch được thực hiện thời ấy quá tệ và những trào lưu bài Đức nảy sinh từ Đại chiến Thế giới I.
Bruch viết 3 bản giao hưởng (1868, 1870, 1882), tất cả chúng đều chứa đựng những giá trị âm nhạc đáng chú ý.
Trong  suốt cuộc đời mình, Bruch cũng đã gặt hái được nhiều danh tiếng nhờ các sáng tác cho thanh nhạc và được giới âm nhạc coi trọng vì tài năng chỉ huy và sư phạm của ông. Tuy nhiên, giới phê bình có đôi khi vẫn không coi Bruch như một nhà soạn nhạc hàng đầu, có lẽ bởi xu hướng bảo thủ trong tư tưởng sáng tác của ông. Âm nhạc của Bruch cuốn hút người nghe bởi vẻ đẹp cổ xưa, trang trọng, giàu tính trí tuệ suy tư và cũng đồng thời mang cảm xúc của chủ nghĩa lãng mạn. Tác phẩm cuối cùng của Bruch, Bát tấu Dây được sáng tác vào quãng tháng 1 và tháng 2 năm 1920 và được hoàn thành vào đầu tháng 3 năm đó. Mãi đến năm 1996, phiên bản xuất bản đầu tiên của tác phẩm này mới được trình diễn lần đầu ở Karlsruhe, Đức.
Trong suốt sự nghiệp âm nhạc. Bruch duy trì một xu hướng duy trì bảo tồn một cách tuyệt đối phong cách âm nhạc của Mendelssohn và Schumann. Những tác phẩm thính phòng của Bruch viết vào những năm 1918, những năm cuối đời của nhà soạn nhạc nghe vẫn giống như những sáng tác từ 60 năm trước đó, mặc dù tài năng phối dàn nhạc và tính sáng tạo giai điệu của ông là không thể phủ nhận.
Sự ngoan cố và bảo thủ đến cùng của Bruch với mục đích đi ngược lại xu hướng Wagner vô hình trung đã là rào cản hạn chế khả năng cách tân và sáng tạo của nhà soạn nhạc.
Bruch mất tại Berlin ngày 2/10/1920 ở tuổi 82.
 
“Chiến tranh Brahms-Wagner” diễn ra trong âm nhạc Đức – Áo nửa sau thế kỷ 19 đã là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự cô lập hóa của một số nhà soạn nhạc. Nếu như Anton Bruckner đã khổ sở núp dưới Wagner khổng lồ thì Max Bruch lại có cả một cuộc đời âm nhạc cô độc dưới cái bóng vĩ đại của Brahms. Tuy nhiên, may mắn hơn Bruckner, Bruch khi còn trẻ đã khá thành danh trên cương vị là tác giả của những tác phẩm thanh nhạc thành công, bộc lộ tài năng sáng tác khi còn rất trẻ, ông hoạt động âm nhạc chủ yếu ở Berlin, Mannheim, Breslau và Liverpool. Bruch theo chủ nghĩa bảo thủ trong sáng tác, kiên định duy trì những phong cách lãng mạn kinh điển của Mendelssohn và Schumann, công khai chống lại và chỉ trích trào lưu âm nhạc mới của Wagner.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)