Người góp phần hình thành ngành công nghệ nhận dạng

Không chỉ vừa là một nhà khoa học nhiều năm gắn bó với công nghệ nhận dạng, đồng tác giả của VnDOCR phục vụ tự động hóa văn phòng, vừa là một nhà quản lý tận tụy, PGS.TS Lương Chi Mai còn là một phụ nữ đảm đang việc nhà.

Trẻ hơn so với tuổi đời, với kiểu tóc ngắn năng động, tính cách quả quyết, nhanh nhẹn nhưng cởi mở là cảm nhận đầu tiên khi gặp chị, PGS.TS Lương Chi Mai -Viện phó Viện Công nghệ Thông tin-Viện KH&CN Việt Nam.
Tự nhận mình là người may mắn chị cho biết, “Trong công việc mình có một tập thể tốt, còn với gia đình, luôn được mọi người giúp đỡ và ủng hộ. Nếu không có được hai điều đó mình khó lèo lái được cuộc sống”. Đối với một người phụ nữ, để đảm đương được công việc của một nhà khoa học, gánh vác vai trò của một nhà quản lý lại “giữ lửa” được cho gia đình là một điều không phải dễ dàng. Để kết hợp một cách “không mất lòng ai” như vậy, đối với chị, không phải là một nghệ thuật sống, mà xuất phát từ tấm lòng và niềm đam mê công việc.
Cũng như bao người phụ nữ khác, TS.Lương Chi Mai luôn hoàn thành thiên chức của một người con, người vợ và người mẹ. Trong căn phòng làm việc của chị, bên cạnh những chồng sách khoa học xen kẽ là những cuốn sách dạy nấu ăn, chăm sóc sức khỏe và cả những cuốn tiểu thuyết mà chị mê đọc. “Đối với bất kỳ người phụ nữ nào, được chăm sóc gia đình là một hạnh phúc không gì thay thế: được tự tay nấu nướng cho chồng con, chăm sóc và dạy con học tập, đưa con đến trường. Những điều đó càng khiến mình thấy yêu công việc và tự nhủ phải phấn đấu không ngừng”, chị Mai tâm sự. Chính bởi vậy, nếu có bất cứ một khoảng thời gian rảnh tay ngoài công việc là chị tận dụng triệt để để bù đắp lại những “khoảng trống” cho gia đình.

Với quan niệm đã là nhà khoa học thì dù làm cán bộ quản lý cũng phải dành ít nhất 50% thời gian cho nghiên cứu khoa học. Chị đã cùng đồng nghiệp “lăn lội” tìm đề tài cho Viện. “Trong bối cảnh ngành công nghệ thông tin bùng nổ, để “cạnh tranh” tìm kiếm đề tài, không gì khác là phải nâng cao chất lượng nghiên cứu, tập trung đào tạo nguồn nhân lực trẻ”, chị Mai cho biết. Công nghệ thông tin là một trong những ngành mà những bạn trẻ được đào tạo từ nước ngoài trở về rất dễ bị các công ty lớn chiêu mộ. Để thu hút giữ chân họ tiếp tục con đường nghiên cứu tại Viện là một bài toán khó. Chị tâm sự: “Tôi đã suy nghĩ nhiều giải pháp, nhưng không có giải pháp nào tốt hơn là tạo cho họ một môi trường làm việc lành mạnh, một tập thể đam mê khoa học”.
“Mình không có thiên hướng làm quản lý, bất cứ một nhà khoa học nào đều muốn dành trọn thời gian và cuộc đời để được làm nghiên cứu”, chị Mai cho biết. Rõ ràng, nếu so với nam giới, để đảm đương được công việc nghiên cứu lại gánh thêm “sứ mệnh” quản lý, đối với một người phụ nữ, dường như là một chặng đường chông gai và đầy rẫy thử thách. Nhưng với PGS.Lương Chi Mai, chị đã vượt qua một cách dễ dàng bằng tấm lòng, niềm đam mê và nghị lực. Để rồi tối tối, chị vẫn “túc trực” bên phòng bếp để giữ lửa cho gia đình.

Mê…công nghệ nhận dạng
Yêu toán từ nhỏ và luôn là học sinh giỏi, Lương Chi Mai được Nhà nước chọn ra nước ngoài học tập. Khi mới chân ướt chân ráo theo học Đại học Kishinov (Cộng hòa Mondavia), chị liền quyết định chọn theo học chuyên ngành toán ứng dụng một cách không hề do dự. “Ước muốn của mình là được làm nghiên cứu ứng dụng. Toán ứng dụng không phải là một ngành xa vời, những thuật toán đã tạo nên nhiều kỳ tích trong ngành khoa học máy tính”. Sau tốt nghiệp, chị về công tác tại Viện Khoa học Tính toán và Điều khiển (Viện CNTT bây giờ). Và đây là khởi nghiệp để rồi chị dành trọn đời mình cho cái nghiệp nghiên cứu về nhận dạng. “Và mình sẽ theo nó cho đến lúc không còn sức lực làm việc nữa thì mới chịu thôi”, chị Mai quả quyết. Như để giúp tôi hiểu rõ hơn về cái “nghiệp” đeo đẳng mình, chị giải thích, “Nhận dạng có nghĩa là nhận biết. Bất kỳ một đối tượng nào đều được biểu diễn bằng các đặc trưng như số đo, màu sắc, cân nặng…Dựa vào những đặc trưng rồi tìm ra các thuật toán để đối sánh sự giống nhau giữa vật thể này và vật thể khác. Đây là một nhánh của lĩnh vực trí tuệ nhân tạo”. Đến năm 1991, chị hoàn thành luận án tiến sỹ của mình ở Tiệp Khắc (cũ) với đề tài “Nghiên cứu các đường cong trong nhận dạng và giải thuật song song trong máy SIMD”.
Ngày chị về nước cũng là lúc ngành nghiên cứu nhận dạng chỉ mới có lác đác vài cư dân toán ứng dụng được GS.Bạch Hưng Khang tập hợp như GS.Hồ Tú Bảo, GS.Hoàng Kiếm… Tiếp thời gian sau đó, những thuật toán mà nhóm nghiên cứu dần được áp dụng vào thực tế để kiểm nghiệm như áp dụng vào việc thăm dò dầu khí, nhận diện ảnh vệ tinh,…Từ một nhóm nghiên cứu nhỏ ngày nay đã trở thành Phòng nghiên cứu Nhận dạng về công nghệ tri thức hàng đầu của cả nước.
Thuộc nhóm những người tiên phong khai sinh nên một ngành khoa học mới ở Việt Nam, tính đến nay, TS.Mai cũng xấp xỉ 26 năm tuổi nghề trong ngành nhận dạng và “thu hoạch” được khoảng 35 công trình đăng trên các tạp chí uy tín trong và ngoài nước; nhiều năm chủ nhiệm các đề tài về “Xây dựng thư viện modul nâng cao chất lượng ảnh phục vụ vectơ hóa trên ảnh đa mức sáng và ảnh màu”, “Nhận dạng, xử lý ảnh và ứng dụng” hay “Nghiên cứu một số vấn đề cơ bản của lĩnh vực xử lý tri thức trong trí tuệ nhân tạo”.

Con đường đến với VnDOCR 4.0

Năm 1987, TS.Lương Chi Mai bắt đầu tham gia vào nhóm nhận dạng chữ in. “Nhận dạng chữ Việt là một công việc khó chưa ở đâu làm được. Nhưng nếu người Việt mình không làm thì ai làm cho”, chị nói. Trước đó, nhóm nghiên cứu mới chỉ tập trung vào công việc nhận dạng chữ la-tinh. Còn đối với việc nhận đạng chữ Việt in, ngoài yêu cầu cần phải trang bị một số điều kiện kỹ thuật mà ngày đó còn…hiếm như các máy scaner thì kinh nghiệm và kiến thức của nhà khoa học là yếu tố quyết định. Trước nhu cầu của thị trường và sự phát triển của công nghệ, với những kiến thức tích lũy được trong thời gian còn là nghiên cứu sinh, chị cùng nhóm bắt tay vào nghiên cứu nhận dạng chữ Việt in.
Sau bao phen vất vả, “đứa con đầu lòng” của nhóm đã chào đời-phiên bản VnDOCR 1.0 phục vụ tự động hóa văn phòng trong nhập liệu tự động. Một văn bản sau khi được scan, với VnDOCR, có thể nhận biết một cách tự động để đầu ra là một văn bản với ký tự được soạn thảo do đó người dùng không phải soạn lại văn bản đã scan. Ngay lập tức, VnDOCR 1.0 đã được thị trường chào đón với nhiều tiện ích vượt trội mà nhiều người cho rằng… “ngoài mong đợi”. Từ đó đến nay, VnDOCR luôn được chau chuốt với nhiều tính năng mới như độ chính xác nhận dạng, xử lý bảng biểu, giao diện thân thiện… và là sản phẩm xử lý nhận dạng duy nhất hiện diện ở khắp các Bộ, ngành trong cả nước. Phiên bản mới nhất ngày nay là VnDOCR 4.0. Bên cạnh những phiên bản VnDOCR chuyên dụng, nhóm nghiên cứu phát triển những bản rút gọn cài đặt trong các máy scaner HP.
Được hỏi về hướng nghiên cứu tới. Chị cho biết: “chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu phát triển hệ thống nhận dạng tiếng nói, xây dựng những tài nguyên tiếng nói và văn bản cho cộng đồng. Đây là một bài toán khó và chúng mình sẽ đi từ dễ đến khó để giải quyết dần dần”. Hệ thống này sẽ hỗ trợ cho những người khiếm thị thao tác được những chức năng cơ bản của một người bình thường.
Cùng với VnDOCR đã đoạt giải nhất trong cuộc thi Sản phẩm CNTT tại Tuần lễ Tin học Việt Nam lần thứ 8 và giải nhất giải thưởng VIFOTEC, PGS.TS Lương Chi Mai đã được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và dự án Việt Nam-Canada trao tặng giải thưởng cán bộ nữ xuất sắc trong lĩnh vực CNTT.

Đức Phường

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)