“Người hảo tâm thành Tứ Xuyên”: Hiện sinh nhị trùng và cuộc sống hai mặt

So với tất cả các vở kịch khác của Brecht, vở kịch “Người hảo tâm tại thành Tứ Xuyên” có một lịch sử hình thành phức tạp nhất, do sự xáo trộn của thế chiến thứ hai.


Một cảnh “Người hảo tâm tại thành Tứ Xuyên” trên sân khấu Heidelberg. Nguồn: Theater Heidelberg

Mãi đến năm 1942, Brecht mới hoàn tất vở kịch “Người hảo tâm tại thành Tứ Xuyên”  với sự cộng tác của Ruth Berlau và Margarete Steffen. Trong khoảng thời gian này, ông cũng như nhiều văn sĩ và nghệ sĩ Đức khác đang sống lưu vong tại Mỹ. Người ta chỉ có thể diễn vở kịch bằng tiếng Đức tại một quốc gia trung lập như Thụy Sĩ trong Thế chiến thứ hai nên vở kịch lần đầu ra mắt công chúng tại nhà hát Zurich vào ngày 4/2/1943, do Leonard Steckel đạo diễn

Trong các năm thập niên 20, Brecht đã phác họa khái niệm cơ bản cho vở kịch này. Trong những năm 1926 – 1927, Brecht đã triển khai những phát thảo về mô típ ba vị thần đi xuống một thành phố mà không kiếm ra ở đấy một thứ gì để ăn và mô típ của cô gái điếm trá hình thành anh chàng bán thuốc lá. Cuối cùng đến năm 1930, ông đã hoàn tất bản viết nguyên thủy của vở kịch tại Bá Linh với tựa đề “Mối tình chân thật” (Die Ware Liebe). Mãi đến năm 1939, trong thời gian lưu đày tại Đan Mạch Brecht mới làm việc thật sự cho vở kịch và đặt tựa đề là “Người hảo tâm thành Tứ Xuyên” (Der gute Mensch Von Sezuan). Trong lúc này Brecht đang lưu tại Thụy Điển. Trong năm ấy, ông đã kết thúc bản sáng tác sơ thảo của vở kịch. Trong “Nhật ký công việc” của ông, Brecht ghi chú vào ngày 29/6/1940 như sau: “Vở kịch này đã làm tôi mệt nhọc nhiều hơn bất cứ một vở kịch nào khác. Tôi thật khó rời xa công việc soạn thảo này. Đó là một vở kịch phải được hoàn tất toàn bộ, nhưng nó đã không được như vậy”. Trong những năm này Brecht đã dự định nhiều cải biên mới (bản tiếng Phần Lan 1940) và đưa thêm những bổ túc. Mãi đến năm 1942 ông tuyên bố là công việc dành cho vở kịch được chấm dứt; nhưng mặc cho tất cả những công việc cải biên nhiều lần và kỹ lưỡng, ông vẫn cho rằng công việc dành cho vở kịch không bao giờ kết thúc được. “Nếu không thử bằng một cuộc diễn xuất thì vở kịch không bao giờ được hoàn tất cả” (Nhật kí công việc).

Đề tài trọng tâm mà Brecht triển khai trong vở kịch này là sự thắc mắc về những điều kiện cho một cuộc sống xứng đáng với con người.


Các nhân vật trong vở “Người hảo tâm tại thành Tứ Xuyên”. Nguồn: Theater Heidelberg

Dưới hình thức một chuyện ngụ ngôn, Brecht đưa ra vấn đề này qua sự trình bày những mâu thuẫn cá nhân và liên kết nó với sự phân tích các tương quan xã hội. Dưới thể dáng của cô gái Tàu Thiện Tâm, Brecht chỉ cho ta thấy những mâu thuẫn xã hội của thời đại: ấy là “vừa tốt và vừa sống còn” thật khó để có thể thực hiện được.

Nét chính câu chuyện vở kịch như sau:

Trong màn mở đầu anh chàng bán nước dạo vô gia cư gặp ba vị thần đang chu du thiên hạ để tìm một người hảo tâm, bởi từ hai nghìn năm nay có tiếng kêu than là thế gian này không thể tiếp tục như vậy nữa, không ai trên đời này có thể giữ mãi được thiện tâm. Sau cuộc tìm kiếm lâu dài họ tìm được cô gái điếm Thiện Tâm, một cô gái không thể nói “không”. Họ giúp cô ta mở một tiệm bán thuốc lá mà với số tiền bán được, Thiện Tâm định giúp đỡ các người nghèo khó.

Tuy nhiên với quán thuốc lá này và vì lòng tốt của mình, Thiện Tâm liền bị bọn người vì quá nghèo khó nên trở thành vô lại mà nàng thâu nhận và bảo trợ, lợi dụng đến nỗi đi đến nguy cơ phá sản. Do chính xúi giục của bọn này mà Thiện Tâm, lúc đầu còn ngần ngại nhưng sau chẳng đặng thì đừng, hóa trang thành người anh họ giả hiệu lấy tên Thúy Đại. Thúy Đại hành động theo những tiêu chuẩn kinh tế vị kỷ. Thiện Tâm xuất hiện dưới hai bộ mặt thay đổi nhau: vừa là chính mình vừa là Thúy Đại. Thúy Đại xây dựng một xưởng chế biến thuốc lá trong những điều kiện thiếu thốn và bắt buộc tất cả những người mà Thiện Tâm đã giúp đỡ phải làm việc cho y với một đồng lương đói rách. Càng lúc, Thúy Đại càng có mặt nhiều hơn và bọn người bị hắn đàn áp và bóc lột những kẻ mà trước kia Thiện Tâm đã từng gúp đỡ cứu trợ – cuối cùng kéo nhau đi tố cáo Thúy Đại trước tòa án mà các quan tòa là những vị thần trong màn mở đầu, rằng Thúy Đại đã giết chết Thiện Tâm.

Với việc chia đôi vai chính thành hai bộ mặt: một Thiện Tâm tốt bụng, vị tha sẵn sàng giúp đỡ và một Thúy Đại ích kỷ tàn nhẫn, Brecht đã nêu rõ được tính chất mâu thuẫn xã hội, chính những mâu thuẫn này dẫn đến hiện sinh nhị trùng và cuộc sống hai mặt (Doppelleben). Với cách chia đôi vai trò, Brecht đã cho ta thấy một cách sống động vấn đề đạo đức và những khao khát rất người của từng cá nhân về hạnh phúc, tình yêu và sự che chở không thể hòa hợp với các tương quan xã hội được. Mâu thuẫn cơ bản mà  Brecht đã dàn ra qua hình dáng nhị phân của vai chính vở kịch, chính là sự đối kháng xã hội cụ thể thực sự mà ông đã diễn tả trong một bài báo như sau:

“Cái roi của ngoại thành và Thiên Thần của ngoại thành gồm trong một và chỉ một nhân vật duy nhất mà thôi. Tính ác xấu chỉ là mặt trái của tính nhân từ, những hành động thiện hảo chỉ có thể thực hiện được qua những hành động độc ác – một bằng chứng khốc liệt kinh người cho tình trạng bất hạnh của thế gian”.

Thái độ chính trị căn bản của Brecht thuộc về thế giới quan xã hội chủ nghĩa và do đấy, từ quan điểm của một khoa học văn học Mác-xít, vở kịch “Người hảo tâm thành Tứ Xuyên” trở thành một vở kịch mà trong đó sự xây dựng các mâu thuẫn nhân tính của xã hội giai cấp dính liền với luận chứng duy vật lịch sử và trong ấy tính mâu thuẫn và tính bất khả hòa giải của xã hội tư bản trong đặc tính quyết định khách quan xã hội của nó được trình bày rõ rệt. Mâu thuẫn này theo Brecht không thể giải quyết được trong trật tự xã hội có sẵn với những cố gắng cá nhân riêng lẻ. Sự no ấm và quyền lợi của mỗi một người tương phản với quyền lợi xã hội riêng lẻ của những cá nhân khác một cách vô phương giải quyết. Mỗi một cá nhân riêng lẻ chỉ có thể hiện hữu được nếu cá nhân ấy đủ sức chống lại thái độ luân lý của tha nhân cũng như phải tự đè nén chính bản tính con người của chính mình, ví dụ như lòng thương người chẳng hạn.

Trong vở kịch ngụ ngôn, sự mâu thuẫn cơ bản có vẻ trừu tượng được đưa ra một cách cụ thể trong từng giai đoạn diễn biến và từng bình diện khác nhau. Một chuỗi các hoàn cảnh riêng lẻ trong đó Thiện Tâm tham dự với tư cách người hảo tâm, đã cảm giá hóa điển hình mâu thuẫn không thể giải quyết này.

Với tư cách là cô chủ quán, nàng tìm cách thoa dịu nỗi khốn cùng và nghèo khổ của khu ngoại thành, nhưng lại làm cho công việc kinh doanh bị phá sản và do đấy làm hại đến cơ sở từ thiện cũng như cuộc sống cá nhân. Ngay cả tình yêu đối với gã phi công Dương Tân và tình thương lẫn tình thân ái mà Thiện Tâm muốn dành hết cho con của nàng cũng va chạm với tương quan xã hội và kinh tế của cộng đồng.

Trong khi đưa ra và triển khai khía cạnh kinh doanh tư bản, Brecht làm nổi bật được tình yêu chân chính bằng cách trình bày nguyên nhân của sự mâu thuẫn tương phản trong quan hệ tình yêu là chính do những điều kiện kinh tế xã hội của xã hội hiện thời. Mâu thuẫn xung đột tình yêu như vậy được xuất thiện như một biến thể của hoàn cảnh chung của những con người từ tâm.

Với “Người hảo tâm thành Tứ Xuyên”, Brecht đã lột tả cụ thể tư tưởng của ông về một nền kịch nghệ phê phán xã hội anh hùng ca và đảng phái, ông đòi hỏi trong tác phẩm chủ nghĩa hiện thực xã hội trên sân khấu (Sozialistischer Realismus auf dem Theater) phải thâm nhập vào guồng máy xã hội bằng cách đưa ra những cá tính và những diễn biến có tính cách lịch sử vô thường và mâu thuẫn.

Theo quan điểm của ông, Brecht cho rằng chủ nghĩa hiện thực phê phán xã hội không phải là nền thẩm mỹ học chủ quan chủ nghĩa mà là một vị trí khoa học khách quan bao hàm một thái độ đảng phái rõ rệt cho giai cấp lao động cách mạng và cho tiến bộ xã hội. Do đấy Brecht đòi hỏi ở các văn sĩ phải thu lượm những kiến thức khoa học rộng rãi về thế giới để có thể nhận rõ được các chân lý xã hội nền tảng. Trong bài thảo luận “Năm điều khó khăn khi viết về chân lý” (Funf Schwierigkeiten beim Schreiben der Wahrheit), Brecht nhận xét: “Ngoài chính kiến ra cần phải có những kiến thức và những phương pháp có thể lĩnh hội được cho tất cả những người cầm bút, trong giai đoạn của những xáo trộn và thay đổi lớn cần có một kiến thức về biện chứng duy vật kinh tế học và về lịch sử”.

Dù cho người ta có đánh giá những nhận xét của Brecht về vở kịch ngụ ngôn và những trình bày lý thuyết của ông về nền kịch nghệ hiện thực phê phán xã hội thế nào đi nữa, thì đoạn kết của vở “Người hảo tâm thành Tứ Xuyên” thật sự không phải là một viễn tượng cách mạng, đáng ra nó để lại cho khán giả một cảm tưởng hoang mang. Trong lời kết, sự giải bày với khán giả và nhiều giải pháp đã được đưa ra cho khán giả suy nghĩ:

“Nên chăng phải có con người khác?

Hay là nên có một thế giới khác?

Hay chẳng có ai phải làm thần hết?”

Hình như Brecht muốn để cho vở kịch không có một lời giải nào cả và qua đấy, mong tác động nên một cuộc tranh luận hăng say của khán giả về sự xung đột cơ bản đã được tượng trưng hóa. Trong khi ông để vở kịch không có một giải đáp nào và hầu như chưa được kết thúc, Brecht đã sử dụng ở đây một thủ thuật tinh vi và đạt được – như nhà khoa học văn chương Volker Klotz đã nhận xét: “Tính năng động của từng đoạn mẫu. đoạn mẫu (Fragment) tương ứng với hình thức ngữ pháp của vòng tròn bầu dục (Ellipse), hình bầu dục này nằm yên chưa hoàn tất, mà lại thách đố một cách năng động khán giả hay thính giả phải bổ túc phần tử đang còn khiếm khuyết. Nhưng chính nó cũng không cho khán giả một sự lựa chọn tự do trong việc bổ túc này trong cách thiết lập ngôn của nó. Cái kết thúc bề ngoài không có chung cuộc ấy lại đầy những tác động trong sự phục vụ thể thơ có tính giáo huấn của ngụ ngôn”.□

 

Thái Kim Lan phỏng dịch

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)