Người mang chúng ta về lại cho chúng ta

30 tranh chân dung các nhà văn, nhà thơ, nghệ sỹ Việt Nam do Kevin Bowen vẽ sẽ được triển lãm tại Cà phê Trung Nguyên, 52 Hai Bà Trưng, Hà Nội từ ngày 16 đến 18/12/2013. Bài viết của Nguyễn Quang Thiều cho biết vì sao nhà thơ - cựu binh Mỹ lại tìm đến hội họa.

Những năm tháng giá lạnh và đầy thù địch trong quan hệ hai nước Mỹ và Việt Nam đã tan đi một cách cơ bản. Ký ức về những ngày đó có những lựa chọn tốt hơn và công bằng hơn. Nhân chứng của những năm tháng ấy thi thoảng vẫn gặp nhau và câu chuyện của họ mở ra một lối khác.

Kevin Bowen và những nhà văn, nhà thơ cựu binh Mỹ vẫn trở lại Việt Nam. Cuộc chiến tranh ở Việt Nam kết thúc, nhưng hòa bình thực sự không đến cùng ngày với sự im lặng của tiếng súng. Nó vẫn phải đi một chặng đường dài sau đó. Có thể nói, những nhà văn, nhà thơ, nghệ sỹ của cả hai nước chính là những sứ giả đầu tiên của hòa bình bởi người ta tin họ là những người công bằng với sự thật và luôn vươn về phía tốt đẹp. Họ đã đến và mang theo hòa bình trong đôi mắt và giọng nói của họ. Ở Việt Nam, ngôi nhà mà tinh thần của hòa bình giữa hai dân tộc đã đặt chân chính là trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam và ở Mỹ, tôi nghĩ, đó là ngôi nhà của Kevin ở Dorchester, Boston, bang Massachusetts.

Bây giờ Kevin không còn làm Giám đốc Trung tâm William Joiner (nay đã đổi thành Viện William Joiner). Ông đã chuyển nhà đến Dedham, Boston. Các nhà văn Việt Nam đến Mỹ bây giờ không thường xuyên như trước và cũng ít đến ngôi nhà mới ấy hơn vì nó ở rất xa trung tâm Boston. Mấy năm trước, Kevin bị tai nạn vì ngã và cú ngã đó làm một phần sọ não ông bị chấn thương. Ông bị mất một phần trí nhớ. Nỗi sợ hãi mất trí nhớ có lẽ là một trong những nỗi sợ hãi lớn nhất của con người. Kevin rơi vào nỗi sợ hãi đó. Nhiều năm trước, Kevin đã trở về Ireland, cố hương của ông, mua một mảnh đất và dựng lên một ngôi nhà bên những quả đồi gần bờ biển. Ông nói ông dựng lên ngôi nhà ấy để chống lại nỗi sợ hãi đánh mất ký ức về cố hương mình. Hằng năm, ông đưa gia đình trở về ngôi nhà đó.

Tôi đã đến và ở trong ngôi nhà ấy năm 2003. Tôi đã chứng kiến có những buổi chiều Kevin ngồi bất động nhìn ra cánh đồng cỏ chạy ven chân đồi không bao giờ hết gió. Ông đang nhớ về những người trong gia đình ông ở Ireland đã khuất. Còn trong ngôi nhà ở Dedham, ông đã tìm ra một phương pháp kỳ diệu để chống lại bệnh mất trí nhớ. Đó là hội họa. Nhưng không. hội họa chỉ là phương tiện. Thực sự là như thế. Để chống lại bệnh mất trí nhớ có thể thống trị toàn bộ ông và dìm ông vào bóng tối của sự quên lãng, ông đã dùng một liều thuốc đặc hiệu: Hồi phục ký ức về “kẻ thù cũ” của mình. Đó là những Hoàng Ngọc Hiến, Vũ Tú Nam, Nguyễn Quang Sáng, Nguyên Ngọc, Nguyễn Khải, Thu Bồn, Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh, Ý Nhi, Lê Minh Khuê, Nguyễn Quyến, Phan Thị Vàng Anh, Trần Văn Thủy, Chu Lai, Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Đức Mậu, Nguyễn Huệ Chi, Đỗ Minh Tuấn, Chu Lượng, Lương Tử Đức… và biết bao nhà văn, nhà thơ, nghệ sỹ khác. Hầu hết những người tôi vừa kể tên đã đến nước Mỹ, trú ngụ trong ngôi nhà của ông trong hơn 20 năm qua và nói về hòa bình và văn hóa. Và theo tôi, hòa bình trong họ là nền hòa bình đáng tin cậy nhất. Sự tin cậy từ họ đã mang đến cho Kevin một cái nhìn thống nhất tuyệt đối. Cái nhìn ấy được minh chứng trong tất cả các chân dung mà Kevin vẽ. Đó là gì? Đó là ánh sáng của sự chân thành và thiện chí tỏa ra từ những bức tranh.

Mỗi một nhà văn, nhà thơ, nghệ sỹ mà Kevin vẽ có những cá tính rất khác nhau và họ có những khoảnh khắc hiển lộ những hành động sống khác nhau trong gia đình, trong công sở, với bạn bè và đồng nghiệp và trong cả sự sáng tạo. Nhưng khi họ đặt chân lên nước Mỹ, đặt chân vào ngôi nhà của một người Mỹ, một cựu binh Mỹ, một nhà thơ Mỹ có tên là Kevin Bowen, họ hình như chỉ mang theo đức tính đẹp nhất của người Việt là sự chân thành, thiện chí và mang theo khát vọng lớn nhất của dân tộc Việt là hòa bình. Ngoài những tấm hộ chiếu họ cầm trên tay nhằm xác nhận danh tính cá nhân thì tất cả những con người này đều mang theo một tấm hộ chiếu chung để xác nhận danh tính dân tộc họ. Tấm hộ chiếu này có lúc bị bỏ quên đâu đó hay bị thất lạc nhưng không bao giờ bị đốt cháy. Tấm hộ chiếu đó, tôi đã nhìn thấy dòng chữ: Vương quốc Hòa bình và Văn hóa Việt Nam. Tôi tin rằng: khát vọng tận cùng của mỗi dân tộc là xây dựng đất nước họ thành một Vương quốc hòa bình và văn hóa. Những nhà văn, nhà thơ và nghệ sỹ chân chính Việt Nam đã mơ về một Vương quốc như vậy và nỗ lực hành động cho giấc mơ ấy.

Suốt hơn hai mươi năm, hầu như mọi mùa hè đều có những nhà văn, nhà thơ và nghệ sỹ Việt Nam đến và ở lại trong ngôi nhà của Kevin ở Dorchester. Họ đến đó sau một chặng đường dài nửa vòng trái đất và sau những khó khăn, phức tạp của việc xin visa vào Mỹ trước khi quan hệ hai nước được bình thường hóa. Họ đến đó như chẳng để làm chuyện gì to tát ngoài việc nấu ăn, chơi với trẻ con, chơi bóng rổ, vẽ, đọc thơ, hát và trò chuyện. Họ ngồi với nhau trên hiên nhà phía sau thì thầm đến khuya. Những lúc như thế, tôi có cảm giác họ đã giải quyết xong tất cả những gì còn tồn đọng sau cuộc chiến giữa những người lính của hai phía. Họ là những nhà ngoại giao siêu đẳng. Và những truyện ngắn, những trang tiểu thuyết, những bài thơ, những bức tranh… là những văn bản tối thượng của các nhà ngoại giao này. Từ ngôi nhà của Kevin sực nức mùi ẩm thực Việt Nam trong những ngày hè, những văn bản siêu ngoại giao này được gửi đi cho rất nhiều người Mỹ ở các tầng lớp xã hội khác nhau. Có một thứ lợi ích mà cả hai bên đều được hưởng nhưng không bên nào thấy mình bị thiệt thòi và gây ra những tranh chấp. Đó chính là lợi ích của hòa bình và văn hóa. Còn những lợi ích khác lại luôn luôn có nguy cơ trở thành ngòi nổ của thù hận và đôi khi của những cuộc chiến đẫm máu.

Khi vẽ là lúc Kevin đang phục hồi ký ức của ông. Các nhà văn, nhà thơ, nghệ sỹ mà Kevin vẽ cũng đang phục hồi ký ức mình khi đứng trước chân dung mình. Thời gian cứ thế trôi và họ đã già đi. Nhưng với Kevin thì họ chỉ “trưởng thành mà không già đi” như ông nói. Tôi thấy trong ký ức của Kevin, vẻ đẹp và khát vọng của những nhà văn, nhà thơ, nghệ sỹ Việt Nam mà ông đã tiếp xúc vẫn tiếp tục lớn lên cho dù phần sống của họ ở ngoài ký ức của Kevin có những đổi thay. Và tôi thấy, tôi là một ví dụ cho điều này. Càng sống thì tôi càng cộng thêm vào mình những thói hư tật xấu trong khi đó có một tôi ở trong ký ức của Kevin lại vẫn đang trưởng thành với những gì đẹp đẽ và trong sáng. Điều này vừa làm cho tôi hạnh phúc vừa làm tôi xấu hổ.

Kevin không phải là họa sỹ, nhưng Kevin đã làm ra những chiếc gương bằng hình thức hội họa. Những chiếc gương này khác những chiếc gương thông thường ở một điểm. Những chiếc gương thông thường không soi được quá khứ. Còn những chiếc gương của Kevin lại cho chúng ta thấy chúng ta đã từng là và đã từng sống như vậy. Và điều phấn khích kỳ lạ và cũng đầy hoang mang là trong ký ức của Kevin, chúng ta vẫn lớn lên từng ngày với những phẩm tính tốt đẹp của chúng ta nhưng nhiều lúc có những phẩm tính ấy lại ở bên ngoài chúng ta. Và giờ đây, Kevin đã tặng những bức tranh chân dung này cho Bảo tàng Hội Nhà văn Việt Nam. Hội Nhà văn Việt Nam với sự hỗ trợ của Không gian Sáng tạo Trung Nguyên tổ chức trưng bày những tác phẩm hội họa đặc biệt này.

Kevin không định trở thành một họa sỹ, ông càng không có ý định làm một triển lãm, ông chỉ là người mang chúng ta về lại cho chúng ta mà thôi.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)