Người ở với hoa tầm xuân
Nói đến hoa tầm xuân bây giờ nhiều người trẻ không biết. Kể cả những người trẻ ở nông thôn. Ngày trước, ở quê tôi hoa tầm xuân mọc như rừng dọc chân đê và trên những gò sông. Những gò sông hoang dại bây giờ chật cứng người ở. Còn dọc chân đê, người ta trồng những cây có kinh tế như cây lấy quả hoặc cây lấy gỗ chứ không để dứa dại và tầm xuân mọc tràn lan như xưa nữa. Những bụi tầm xuân thơ mộng không còn và cô tôi cũng không còn. Khi nghĩ đến cô tôi thì tôi lại nghĩ đến hoa tầm xuân và nghĩ đến hoa tầm xuân tôi lại nghĩ đến cô tôi. Có lẽ thời đại của những gì thơ mộng đã đi qua. Không phải vì đói kém. Ngày nay nghèo một thì ngày xưa nghèo mười. Nhưng không hiểu sao thơ mộng cứ như chỉ còn rất ít chỗ trong đời sống hiện đại.
Có ai cả đời chỉ uống nước hoa tầm xuân không? Có. Cô tôi. Nhưng có lẽ chỉ có cô tôi mà thôi. Tôi thường nghĩ việc ăn uống “thơ mộng” như thế chỉ là người Hà Nội và một vài nơi khác trước kia. Nhưng cô tôi, một người phụ nữ thôn quê lại sống thật thơ mộng qua đau khổ cũng như hạnh phúc. Quê tôi trước kia, cứ là phụ nữ thì là chị bố cũng gọi là cô, đàn ông thì dù là anh mẹ cũng gọi là cậu. Tôi không bao giờ quên được hình ảnh cô tôi tóc dài cắp chiếc nón trắng hái từng bông tầm xuân trong hơi ấm của Giêng Hai. Những bông tầm xuân được hái sớm khi còn đọng đầy sương đêm, được cô tôi sao vàng để pha nước uống như pha trà. Thi thoảng cô tôi nấu chè bột dong riềng có bỏ một dúm hoa tầm xuân sao vàng. Tôi không hiểu bằng cách nào mà cô tôi có thể làm cho những cánh hoa tầm xuân khô mỏng đến nhường kia vẫn giữ được hương thơm của tầm xuân. Một mùi hương thoang thoảng gợi nhớ về những ngày Giêng Hai ấm áp và no đủ.
Người 1 | Người 2 |
Người 5 | Người 10 |
Cô tôi lấy chồng nhưng chỉ sinh được một người con. Anh tôi có biệt tài gọi cá. Quê tôi nhiều ao đầm. Bởi thế mà suốt tuổi thơ, tôi lẵng nhẵng theo anh vác cần câu đi mòn những bờ đầm. Bất cứ thời tiết như thế nào, nhưng cứ hễ anh tôi thả câu xuống nước là những điều kỳ diệu sẽ đến. Anh tôi bảo đi câu cá chép thì được cá chép, đi câu cá diếc thì được cá diếc, đi câu cá rô thì được cá rô…Tôi ngồi bên cạnh anh tôi cũng thả câu xuống mà có khi cả chiều không thấy nháy phao lấy một lần. Nhưng cứ hễ đi theo anh là tôi có cá mang về. Lúc nào anh cũng san đôi số cá câu được cho tôi.
Khi anh mười bảy tuổi thì anh xung phong nhập ngũ. Buổi chiều trước khi lên đường, anh tôi mang hết mấy cái cần câu đưa cho tôi và bảo: “Cần câu của tao câu đâu cũng được cá kể cả mày câu trong sân”.Quả đúng như vậy. Sau mấy ngày anh tôi đi, tôi mang cần của anh đi câu. Lỳ lạ thay, cứ buông lưỡi câu chưa kịp chìm xuống nước thì cá đã cắn câu. Năm đầu tiên kể từ ngày nhập ngũ, anh tôi thường xuyên viết thư về cho cô tôi. Trường học tôi ở gần trụ ở Ủy ban xã nên ngày ngày tôi thường ghé qua đó để hỏi người phát thư của xã xem có thư anh tôi không. Suốt những năm tháng anh tôi đi vắng, tôi là người nhận thư, đọc thư của anh tôi cho cô tôi và giúp cô tôi viết thư cho anh tôi. Nhưng những lá thư mỗi ngày một thưa và cuối cùng cô tôi không hề nhận được thư của anh. Tuy vậy, ngày nào đi học tôi cũng ghé vào trụ sở Ủy ban xã để hỏi thư của anh tôi.
Một buổi chiều tôi đi câu và câu được một con cá chép to. Sau khi tôi gỡ lưỡi câu ra khỏi miệng con cá, tôi thấy máu cá chảy ra mãi. Khi về nhà, tôi ghé vào nhà cô tôi. Cô nhìn tôi và kêu lên: “Máu gì mà chảy nhiều thế kia?”. Lúc đó tôi mới để ý và thấy từ chiếc giỏ đựng cá máu vẫn chảy xuống từng giọt dọc theo lối tôi đi từ bờ đầm về. Tôi bảo: “Máu cá cô ạ”. Cô tôi nói: “Máu cá sao lại nhiều thế”. Khi mẹ tôi làm cá để cho vào cái niêu đất kho tương, máu con cá vẫn cứ chảy ra. Ba ngày sau, tôi ghé vào trụ sở Ủy ban xã. Khi tôi hỏi người phát thư xem có thư của anh tôi không. Người phát thư nhìn tôi hồi lâu rồi nói khẽ: “Không có, nhưng mày về bảo cô là tối nay Ủy ban sẽ lên nhà cô mày”.Tôi đâu có biết rằng tối hôm đó chính quyền xã đến để đưa cho cô tôi giấy báo tử anh tôi.
Người 3
… Cái thú khi xem những bức chân dung của Nguyễn Quang Thiều chính là được thấy những tưởng tượng, những liên tưởng, những suy tưởng, những bay bổng của tác giả. Cho dù có khi nó cũng chưa chắc đã đúng nhưng đúng sai có ý nghĩa gì? Thế mà đó lại là thế mạnh, là đặc điểm, là độc đáo của Thiều, một nhà thơ viết văn. Đằng sau những câu văn bao giờ cũng thấp thoáng màu sắc của thi ca. Không ngờ cái nền vu vơ, mơ mộng mà Thiều tạo ra xung quanh lại làm nhân vật là họ hơn, nhiều họ hơn. |
Những năm tháng sau ngày báo tử anh tôi, cô tôi sống như lặng lẽ hơn. Cô bỗng già đi như trong chuyện cổ tích. Tóc cô bạc đi quá nhiều. Nhưng cứ sang Giêng Hai hằng năm, khi hoa tầm xuân bắt đầu nở ngào ngạt trên những gò sông và dọc chân đê, cô tôi lại đi hái hoa tầm xuân. Hoa tầm xuân ngày ấy nở như không thể nào ngừng lại được. Tối tối cô tôi ngồi sao hoa tầm xuân và gói ghém kỹ lưỡng bằng lá chuối khô và xếp từng gói hoa tầm xuân khô vào một chiếc bồ treo trên gác bếp. Nhiều lúc, tôi thấy cô tôi mơ hồ như không có thật trên cõi đời này. Rồi tôi lớn lên và rời làng đi xa. Mỗi khi về tôi lại ra thăm cô. Cô vẫn nấu chè bột dong riềng với hoa tầm xuân cho tôi ăn. Tôi không thể tả được hương vị của loại chè này. Nhưng mỗi khi ăn, tôi thấy một cảm giác tinh khiết và thanh thoát lan tỏa trong người tôi.
Cho đến một ngày, cha tôi nói với tôi rằng ông nghe một người quen nói anh tôi vẫn còn sống. Tôi hỏi cha tôi sao anh ấy còn sống mà người ta lại báo tử. Cha tôi im lặng rồi bảo vì anh tôi bị thương không còn tay chân và người bị cháy hết nên anh đề nghị đơn vị báo tử anh. Anh tôi không muốn cô tôi và những người thân nhìn thấy anh như thế. Mà anh cũng chẳng làm gì giúp cô tôi được. Anh không muốn cô tôi đau đớn khi nhìn thấy đứa con trai duy nhất của mình. Hơn nữa, nỗi đau mất con đã phần nào nguôi ngoai trong lòng cô tôi. Vì thế không nên gợi thêm bất cứ nỗi đau mới nào nữa. Người nói cho cha tôi biết tin đó còn cho cha tôi biết tên một trại thương binh nặng. Chính thế cha tôi quyết định đến đó xem thực hư ra sao. Kể cho tôi nghe chuyện đó, cha tôi dặn đi dặn lại tôi không được nói gì cho cô tôi biết. Khi cha tôi đến trại thương binh đó và trình bày với một cán bộ trại tiếp cha tôi ở phòng thường trực. Cha tôi không quên nói với ông ấy rằng cha tôi cũng là một người lính. Người cán bộ trại thương binh nói với cha tôi đợi ông ở phòng thường trực để ông vào báo cáo với lãnh đạo trại thương binh. Một tiếng đồng hồ sau ông mới quay lại. Ông nhìn cha tôi đầy thông cảm và nói với một giọng rất buồn: “Không có ai tên như thế ở đây. Mong đồng chí thông cảm”.
Cha tôi trở về và tin anh tôi vẫn còn sống. Nhưng anh tôi đã phải suy nghĩ và quyết định không gặp lại người thân nữa. Câu chuyện này cho đến bây giờ tôi không dám khẳng định hư thực thế nào. Nhưng đó mãi mãi là câu chuyện tôi không thể nào quên được. Chính vì câu chuyện đó mà mỗi lần về quê sau này, tôi đều đến thăm cô tôi và ngồi lại với cô tôi rất lâu. Lúc đó cô rôi đã rất già và trở nên ít nói. Nhiều lúc cô tôi chỉ ngồi im lặng. Đấy là bệnh tuổi già. Nhưng có lúc bất chợt cô tôi hỏi tôi: “Hoa tầm xuân nở chưa?”. Tôi không biết nói thế nào với cô tôi. Lúc đó, tầm xuân đã hầu như không còn trên những gò sông và dọc chân đê làng tôi nữa. Nhưng cô tôi không để ý đến sự im lặng của tôi. Cô tôi lẩm bẩm: “Không hái sớm hoa rụng hết cả”. Lại có lúc cô hỏi tôi: “Có thư của anh không?”. Mẹ tôi bảo những lúc ấy cô tôi đã lẫn. Nhưng tôi nghĩ những lúc đó cô tôi đang sống với những mùa hoa tầm xuân nở và tỏa hương âm thầm giữa những cây gai trên gò sông, dọc chân đê và với người con trai duy nhất của cô.
Khi Nhà nước trao tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng thì cô tôi có tên trong danh sách ấy. Hôm chính quyền địa phương làm lễ trao danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng cho cô tôi, mấy anh chị em tôi về với cô tôi. Hôm ấy, cô tôi mặc áo gấm hoa đỏ. Cô ngồi giữa hoa và những lời ca ngợi. Khi tỉnh, cô tôi ứa nước mắt và cảm ơn mọi người. Nhiều người ôm lấy cô tôi xúc động nói: “Chúng con phải cảm ơn cụ”. Khi mê, cô tôi lại hỏi: “Có thư của anh không”?. Mấy năm trước có lần tôi đã nói dối cô là có thư của anh tôi. Cô tôi bảo: “Đọc cho cô nghe”. Sau những phút lúng túng và ân hận, tôi đã bịa ra một lá thư anh tôi gửi nói rằng anh vẫn khỏe và sắp về cưới vợ. Nghe vậy cô tôi cười hạnh phúc trong nước mắt giàn giụa. Hàng không Việt Nam nhận chăm sóc cô tôi. Thi thoảng người quê tôi lại thấy một chiếc xe hơi có nhãn hiệu Hàng không Việt Nam về thăm cô tôi. Họ mang cho cô tôi bánh trái, quần áo và cả phong bì tiền.
Cô tôi mất vào một ngày cuối Giêng Hai. Cha tôi bắt mấy chàng trai trong họ phải tìm được dù ít dù nhiều hoa tầm xuân để bỏ vào áo quan cho cô. Mấy chàng trai đạp xe suốt một ngày mới tìm được mấy bông tầm xuân cuối vụ. Cha tôi run rẩy bỏ mấy bông tầm xuân vào áo quan cô tôi, khóc và nói: “Chị ơi, chị mang hoa tầm xuân về đó để mà uống trà”.
Cô tôi mất đã nhiều năm. Cả một vùng quê tôi và những làng lân cận không còn hoa tầm xuân nữa. Nhưng cứ lần nào đi trên đê, tôi cũng cảm thấy hoa tầm xuân đang nở và cô tôi đang cắp chiếc nón trắng hái đầy từng nón tầm xuân.