Người viết trẻ: Tự lực ắt tự thành

Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ IX (28-29/9 tại Hà Nội) đã kết thúc theo đúng kịch bản dự kiến của nó: là dịp giao lưu, hội ngộ gặp gỡ và chuyện trò văn chương của những người viết trẻ. Không tìm thấy những phát ngôn gây sốc, những tranh luận/đối thoại gay gắt, những đề đạt hay tuyên bố mạnh mẽ, giới truyền thông và cả những người đại biểu, rút cuộc, tự thấy khoảng cách năm năm diễn ra một lần ít nhất cũng đáng quý để ra về trong yên lặng, nhẹ nhõm. Tất nhiên, trong cả sự thao thức đau đáu phía trước: bước tiếp theo là gì, với ai, như thế nào của đam mê và lựa chọn ấy, viết?

Nếu trẻ, hãy tự mình đi lấy

Những người dự hội nghị ắt hẳn đều muốn nói một điều gì đó thật gan ruột, không về chuyện nghề thì cũng là chuyện đời sống cơm áo, cái tuy ai cũng mạnh miệng là sẽ vượt qua nhưng nếu bỏ lơ một lúc thì khó lòng yên ổn mà viết lách. Giữa những lời có cánh của nhà thơ Hữu Thỉnh (Chủ tịch Hội Nhà văn) rằng hội nghị đại biểu viết văn trẻ toàn quốc là hình ảnh thu nhỏ của đội ngũ đông đảo các nhà văn trẻ đầy say mê, tự tin, tài năng; của nhà văn Nguyễn Bình Phương (Trưởng Ban nhà văn trẻ) rằng văn trẻ năm năm qua đã có những bất ngờ thú vị, sống động phong phú, nhiều người có thể giật mình vì cái cách mà các tài năng ấy đang phải tự mình xoay xở. Trong tham luận Những khó khăn đối với người viết văn xuôi trẻ dân tộc thiểu số ở Cao Bằng, đại biểu Nông Quốc Lập đã liệt kê không dưới ba điểm chính khiến việc viết văn trở thành công việc “nhọc nhằn đầy vất vả gian truân”. Nếu ở vị trí của anh, có lẽ, tôi còn tìm nhiều diễn đàn để nói thật hết, thật hả những gian nan, thử thách mà người viết dân tộc thiểu số đang đối mặt. Tuy nhiên chẳng riêng miền núi/vùng cao, chuyện người trẻ viết văn ở địa phương phải tự bơi là khá phổ biến. Ở buổi tọa đàm Văn trẻ: nhập cuộc và sáng tạo, tôi cũng nghe những nỗi niềm tương tự của các đại biểu Hà Tĩnh, Quảng Trị… Vì thế, dù rất thấu hiểu những “chuyện thường ngày” gây nản lòng cho người viết trẻ ra sao, chúng ta vẫn phải chờ đợi một tinh thần khác ngoài chuyện được tâm sự ở hội nghị mà có lẽ chỉ sau vài cái bắt tay, vỗ vai người ta lại hỏi anh đến từ đâu, viết gì: nếu thực sự trẻ, hãy tự mình đi lấy.

“Tự mình” tất nhiên là hình ảnh lí tưởng. Nhưng nếu phải nhìn thực tế hoạt động của các Hội Văn học Nghệ thuật địa phương, nơi mà kinh phí may chăng đủ cầm hơi, cầm chừng cho các sinh hoạt mùa vụ; nếu phải nhón chân quá lâu để được các “vĩ nhân tỉnh lẻ” trong salon văn nghệ bay bổng khói thuốc chiếu cố tới đặng cấp kinh phí, đặng khen chê, thì người viết trẻ, những người đang dự sẵn tài năng và cá tính, rất nhạy cảm về danh dự, tự trọng, liệu có nên kiên tâm trông ngóng? Tôi không dám chắc việc tự mình tìm đầu ra cho tác phẩm, từ gửi báo chí/tạp chí đến liên hệ nhà xuất bản trên khắp cả nước, so với việc cứ chọn “ao nhà văn chương” để than rằng nó “đục”, đằng nào tích cực hơn? Nhưng quan sát bối cảnh văn chương đa không gian và chiều kích như hiện nay, ngoại trừ những may mắn ngẫu nhiên, phần lớn người viết trẻ đều phải dự sẵn phẩm chất năng động, táo bạo và thậm chí, một kế hoạch cho việc viết văn của mình. Nếu cuộc viết càng dài hơi, nếu tác phẩm bắt đầu ghi dấu ấn, họ càng phải biết cách tạo thêm độc giả. Không ít chiêu trò PR, mánh lới xuất bản đã được tiếp tay chỉ vì văn chương cũng là sản phẩm hàng hóa.

Sự “tự đi lấy” gắn với sự tự lực, tự lực cánh sinh. Lịch sử văn học Việt Nam hiện đại từng ghi nhận Tự lực văn đoàn như là một nhóm văn chương thành công bậc nhất nhờ chính sự nỗ lực của mình. Hình ảnh họ lưu lại trong hậu thế là những người trẻ trung, tài năng và cũng đầy toan tính để duy trì khá lâu mạch văn chương Tự lực trên văn đàn. Ngay cả khi họ có bị xem là một “nhóm lợi ích”1, ta cũng phải thừa nhận bước đi dứt khoát của tinh thần đoạn tuyệt những thói tính chờ trông, cầu may trong văn chương. Tất nhiên, tự lực khó khăn nhất vẫn là tự kiến tạo một ý niệm, một lối văn chương mà từ đó, văn cách và phẩm cách của mình được bộc lộ.

Tất nhiên, tự lực khó khăn nhất vẫn là tự kiến tạo một ý niệm, một lối văn chương mà từ đó, văn cách và phẩm cách của mình được bộc lộ.

Tự lực, nhìn rộng ra, cũng là xu hướng chung của những người sáng tạo nghệ thuật hiện nay. Điện ảnh chẳng hạn. Đã có hẳn những đạo diễn, nhà làm phim độc lập tự mình đảm nhận mọi việc khó nhất, từ xin kinh phí, liên hệ nhà sản xuất đến tìm đơn vị phát hành cho bộ phim. Họ đương nhiên nhiều khi căng thẳng, tuyệt vọng nhưng nếu chỉ ngồi chờ tài trợ, duyệt, cấp kinh phí từ nhà nước, họ chắc không có nổi cơ hội được làm dăm phim trong cuộc đời cán bộ văn nghệ dằng dặc. Chỉ đến khi có dòng phim độc lập, điện ảnh Việt mới gây chút tiếng vang trên thế giới, như đã từng với phim của Phan Đăng Di, Nguyễn Hoàng Điệp… Ở các lĩnh vực khác, không sợ quá lời khi nói rằng, người trẻ tự đứng vững trên đôi chân của mình, nhiều hay ít tiếp sức từ hội đoàn nghề nghiệp đã không còn quyết định. Một triển lãm hội họa gần đây mang tên “Today” (18/9/2016) của 52 họa sĩ trẻ được dư luận đánh giá cao về khả năng tổ chức; đặc biệt đáng xem đáng nghĩ hơn là “Triển lãm Mở cửa – Mỹ thuật 30 năm thời kỳ đổi mới (1986-2016)” cùng thời điểm và quy tụ tác phẩm của 50 nghệ sĩ đã thành danh2.

Nói tự lực không có nghĩa là “một mình”, đành rằng sáng tác là công việc nhọc nhằn khó trút cho người khác. Tự lực, tự mình là từ tinh thần, ý chí và hành động cá nhân nhưng thông hiểu, tôn trọng và đón nhận lại là trách nhiệm của cộng đồng. Người viết trẻ tự bơi, tất yếu thế, nhưng sẽ khôi hài nếu quẳng phao khi họ đã vào gần bờ.


Những người viết trẻ cần giọng riêng trongbản hòa âm. Trong ảnh: Đêm thơ Bản hòa âm tháng Chín trong khuôn khổ Hội nghị những ngườiviết văn trẻ toàn quốc lần thứ IX. Tác giả: LĐK

Trẻ sẽ tự thành khuôn mẫu

Hội nghị viết văn trẻ không chỉ có người trẻ mà còn có nhiều người tham dự là các nhà văn lớn tuổi thành danh. Họ đến để lắng nghe người trẻ nói. Nhưng khi cần, họ cũng “hăng say phát biểu” với ý chung là động viên, chia sẻ, mong muốn. Thành thử, không khí kính trên nhường dưới, kính lão đắc thọ chỉ dẫn đến những tràng vỗ tay góp phần làm cho hội nghị “trật tự” thêm. Trong tọa đàm Văn trẻ nhập cuộc và sáng tạo, nhà văn Hoàng Quốc Hải dẫn trường hợp nhà văn Vũ Trọng Phụng (1912-1939) như điển hình của tài năng, đặc biệt là ý thức dấn thân để phơi bày mặt trái xã hội. Từ đó, tác giả Bão táp triều Trần muốn những người viết trẻ dấn thân đã rồi hãy viết. Mong muốn chính đáng này càng cần kíp trong thời điểm hiện nay khi bao nhiêu vấn đề xã hội nhức nhối, bao thực tế đời sống nóng bỏng rất cần nhà văn lên tiếng. Tuy vậy, tôi vẫn nghĩ Vũ Trọng Phụng là một “ví dụ xấu”. Tất cả độc giả đều thừa nhận tài năng, sự dấn thân đến mức kiệt sức của nhà văn họ Vũ. Nhưng họ cũng biết rằng, ông chết trong túng thiếu, điều kiện vật chất thảm hại. Có thể trong xã hội thực dân phong kiến, tài năng, nhất là kiểu tài năng châm biếm đả kích thói hư tật xấu, đã không được đền công xứng đáng. Liệu rằng trong xã hội của chúng ta, một nhà văn tài năng, dấn thân có lặp lại bi kịch cũ? Những người viết trẻ, tôi nghĩ, trong thâm tâm đều muốn vừa viết văn hay vừa phải sống được. “Sống được” bằng chính tài năng của mình thì người viết mới chuyên tâm sáng tạo, mới bảo hiểm được nhân cách và chữ nghĩa của mình. Khi nhà văn tài năng “sống được” thì xã hội nói chung, nền văn học nghệ thuật nói riêng, mới đích thực lành mạnh, phát triển. Chúng ta cần một thế hệ nhà văn trẻ nhập cuộc, tự tin, và nếu ra thế giới, thì đàng hoàng, có khả năng đối thoại bằng giá trị tác phẩm chứ không phải nhờ vào món quà số phận đính kèm.

Người viết trẻ ở thời nào cũng sẽ tự tạo lấy khuôn mẫu cho mình. Họ để tai lắng nghe nhưng chưa hẳn đã làm theo những kinh nghiệm dắt lưng của thế hệ trước. Khi còn trẻ, nhà thơ Hữu Thỉnh cũng từng xác quyết điều mà hôm nay văn đàn trẻ chưa mấy người dám: “Không có sách chúng tôi làm ra sách/Chúng tôi làm thơ ghi lại cuộc đời mình”. Khi Nguyễn Huy Thiệp bắt đầu xuất hiện, được gọi là “tài năng mới”, ông cũng đã ý thức rất cao độ việc phải từ chối những “sứ mệnh” lớn lao mà xã hội giao phó. Bằng cách đó, ông mới băn khoăn nhiều hơn đến “nhiệm vụ của nhà văn không phải là nói ra chân lí mà là thức tỉnh ý thức hướng về chân lí hoặc chí ít cũng là thức tỉnh tình cảm về phẩm giá con người […] Một bộ phận nhân dân thậm chí còn kì vọng được nhà văn dẫn dắt và bênh vực khi họ đẩy vào các tình huống trớ trêu nào đấy, lúc họ bị các cơ chế chính trị đương thời bỏ rơi hoặc đánh đập”3. Còn hôm nay, giữa muôn vàn động lực viết văn, người viết trẻ cũng có lựa chọn riêng, đôi khi chỉ giản đơn là ghi lại một chuyến “đi phượt”. Như thế, không có nghĩa là họ thiếu trách nhiệm, thờ ơ với đời sống xã hội. Nếu cảm thấy bầu trời mênh mông là quá sức với tới thì viết thật đích đáng về một cánh chim tự do nhỏ bé cũng đã khôn ngoan.

Trong khi sốt ruột đòi hỏi tác phẩm lớn thì trước nhất vẫn nên bình tĩnh nhìn thẳng vào cái đang là của người viết trẻ. Đã có vài cây bút tạo được dấu ấn. Quy hẹp vào văn xuôi, người đọc sành sỏi ít nhất đã có thể đặt lá phiếu hi vọng vào những Lê Minh Phong, Hạnh Nguyên, Nhật Phi, Chu Thùy Anh, Đinh Phương, Uông Triều, Hoàng Công Danh,… Họ nổi bật ở sự đầu tư lối viết, bút pháp, ở sự thử sức thử nghiệm giọng điệu, kết cấu. Nhìn chung, họ gây ấn tượng vì thành thực trong cả nhu cầu “khoe” tâm thế mà họ đang có: phá vỡ khuôn mẫu có sẵn. Còn một điểm đáng lưu ý ở họ, và nhiều người viết trẻ khác, là họ có đầu tư vào chuyện học hành. Tôi không nghĩ rằng hễ học vấn cao là viết được văn hay nhưng vào thời điểm hiện tại, khi tập quán viết lách dựa vào tài năng bẩm sinh hoặc chủ nghĩa kinh nghiệm không thực sự mang lại cuộc đi dài hơi, càng không thể cắt đuôi chứng tật ảo tưởng “viết văn là trời cho”, thì vốn tri thức, bất luận thuộc lĩnh vực nào, sẽ thực sự cần thiết để người viết tự đẩy xa công việc lao động văn chương. Ở Việt Nam, tuy kiểu nhà văn “tự học mà thành” không hiếm nhưng văn học sử thì vẫn cứ ghi nhận những cuộc cách mạng, những điển phạm thường xảy đến khi nền giáo dục – tri thức đạt đến sự toàn diện, thăng hoa.

Cho đến khi già đi vì tuổi tác, người viết trẻ, nếu không muốn sống dựa vào xỉ tước, thì hãy tự sớm thành khuôn mẫu mới, của văn chương hôm nay đang nhiều mặt đa hình.
——–
1 Nên xem Tự lực văn đoàn là một “nhóm lợi ích” trong Lại Nguyên Ân (2016), Từng đoạn đường văn, NXB Hội nhà văn, H., tr.482-500.
2 Những thảo luận, ý kiến về hai triển lãm này xin xem trên website: www.soi.com.vn
3 Nguyễn Huy Thiệp (2010), Giăng lưới bắt chim, NXB Thanh Niên, H., tr.33

 

 
 

Tác giả