Nhà thờ Phát Diệm

Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo                          Nền cũ lâu đài bóng tịch dương (Bà Huyện Thanh Quan) Nhà kia lỗi đạo con khinh bố Mụ nọ chanh chua vợ chửi chồng (Tú Xương)

Chủ đề này được nói trên các công trình kiến trúc mang dấu ấn của sự giao lưu văn hóa Đông – Tây diễn ra từ cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Điển hình là nhà thờ Phát Diệm ở Kim Sơn, Ninh Bình, lăng vua Khải Định ở Huế và nhiều xây dựng nhỏ khác trong các thành phố cổ được người Pháp và người Việt xây chồng lên những kiến trúc mới.

Sự lai tạp giữa hai nền văn hóa cổ truyền của người phương Đông và nền văn hóa do những người phương Tây thực dân đem đến có mặt khắp phương Đông từ Ấn Độ, qua Trung Quốc và những quốc gia nằm trong sự ảnh hưởng của hai nền văn hóa lớn này.

Sự ảnh hưởng và lai tạp thấy ở rất nhiều mặt chứ không chỉ riêng kiến trúc, từ quần áo, ẩm thực, đồ dùng, xe cộ, đường xá… và cả những thói quen, tập tục mới. Có cái chuyển biến dần dà có cảm tưởng như chúng sinh ra nguyên bản từ địa phương, có cái được lắp ghép vội vàng, gây cảm giác lai căng kệch cỡm. Song bất luận từ sự chống đối của thói quen truyền thống, của lòng yêu nước một cách thủ cựu, thì những biểu hiện kết hợp văn hóa vẫn xuất hiện ngày một nhiều theo nhiều cách khác nhau, cho đến khi người ta thấy quen mắt, thấy cái đẹp mới, cái hiện đại, còn dễ chịu hơn cái cũ. Họa sỹ Đức Nhà sàn nói rằng: Bây giờ mà mặc áo the khăn xếp suốt ngày mới khó coi, chứ mặc comple thì lại bình thường. Đó chính là cái cảm giác mới của những xã hội từng phát triển rất lâu đời với nhiều thói quen tưởng chừng không thể thay đổi.

Nhà thờ Phát Diệm là công trình tiêu biểu cuối thế kỷ 19 với ý tưởng kết hợp tinh thần Thiên chúa giáo phương Tây trong kiểu thức kiến trúc cổ Việt Nam. Nhà thờ được khởi công năm 1875 và hoàn thành vào năm 1898, tức là 40 năm sau khi Pháp khai hỏa cho cuộc xâm lược Việt Nam. Tuy nhiên, Thiên chúa giáo đã đến Việt Nam trước cuộc xâm lăng này có lẽ hơn 200 năm, và dần dà tìm cách thâm nhập xã hội Nho Lão Phật. Tất cả những nhà thờ trước đó, thoạt tiên nếu chưa xây cất đàng hoàng, các cha cố dùng ngay một nhà dân bình thường làm nhà thờ, sau đó xây một nhà thờ hoặc có một tháp chuông chính giữa, hoặc có hai tháp chuông theo lối nửa Roman, nửa Gothic, tất nhiên đều thấp hơn nhiều so với kiến trúc phương Tây và chủ yếu xây bằng bê tông và gạch. Dưới các vùng biển phía Bắc, nhiều nhà thờ như vậy đã được xây dựng, phần chính diện mặt bằng basilica lại thường là một kiến trúc vì kèo dọc (như ngôi đình quay dọc ra), kết hợp với tháp chuông phía trên bằng gạch cao tầng.

Nhà thờ Phát Diệm chính là sự nhân lớn kiểu thức này một cách triệt để hơn và với một quần thể được quy hoạch hoàn hảo. Một nhà thờ lớn ở trung tâm và năm nhà nguyện nhỏ ở xung quanh, hồ nước trước mặt, các tuyến đường đi và đường dẫn thiết kế cân xứng, khiến cho bản thân bố cục Nhà thờ Phát Diệm là chưa từng có trong kiến trúc Việt Nam và rõ ràng mang tính quy hoạch ảnh hưởng từ phương Tây, mặc dầu lấy kết cấu cơ bản từ chữ Vương trong Hán tự. Có thể nói cấu kiện kiến trúc là phương Đông, quy hoạch mặt bằng là phương Tây đã tạo ra sự phối hợp độc đáo của một biểu hiện văn hóa lúc giao thời. Nếu nhìn rộng hơn người kiến tạo công trình – cha Sáu, cũng là một nhà Nho theo đạo Thiên chúa. Ông cũng giống như rất nhiều nhà Nho đương thời có cả Tây học lẫn Hán học và nhận thức rất rõ sự canh tân là điều không tránh khỏi. Ý thức văn hóa của tầng lớp trí thức này vừa muốn lưu giữ những giá trị văn hóa phương Đông xưa vừa muốn học hỏi cái hay của văn hóa phương Tây, và nhìn nó như một viễn cảnh văn hóa tương lai, ngay trong thời kỳ Thực dân đô hộ.

Sau khi xứ Kim Sơn, từ năm 1828, được Nguyễn Công Trứ tạo lập từ những đầm lầy ven biển, năm 1875, linh mục Phêrô Trần Lục (Cụ Sáu) cùng các giáo dân bắt đầu xây dựng nhà thờ Phát Diệm, đến năm 1898 công trình kiến trúc đồ sộ này cơ bản hoàn thành. Quần thể nhà thờ Phát Diệm tọa lạc trên 22ha, được bố cục theo hình chữ Vương, nói đúng hơn là hình chữ Chủ, có nghĩa là Chúa (Thiên Chúa). Gồm một nhà thờ chính và năm nhà thờ nhỏ cùng nhiều công trình khác. Linh mục Trần Lục lĩnh chức ở giáo phận Phát Diệm từ năm 1865.

Nhà thờ nhỏ hoàn toàn bằng đá được khởi dựng năm 1883 và hoàn thành đầu tiên, có tên là Nhà nguyện Trái tim Vô nhiễm nguyên tội Đức Mẹ. Nhà thờ này bố trí ở phía đầu nhà thờ chính.
Bốn nhà thờ nhỏ bố trí hai bên nhà thờ trung tâm, có tên là Nhà nguyện dâng kính Trái Tim Chúa, nhà nguyện kính thánh Phêrô, nhà nguyện kính thánh Giuse, và nhà nguyện kính thánh Rôcô (tên nguyên thủy: nhà nguyện kính thánh Gioan Tiền Hô). (tham khảo nguồn Di sản thế giới, du lịch Ninh Bình, Wikipedia)

Cái ý thức ấy rất rõ ràng ở cha Sáu, thì có vẻ lờ mờ ở vua Khải Định với công trình lăng mộ của ông. Bản thân nhà vua cũng ăn mặc cách tân với y phục hoàng triều bó chẽn, đeo mề đay, và đội nón tam giác không giống một chút nào với các vị vua tiền triều. K.Marx từng cho rằng sự cáo chung của một triều đại thường hiện ra dưới một màn hài kịch, điều này không chỉ đúng với các vua mạt triều An Nam, mà đúng chung cho tất cả các vị vua cuối cùng ở thế giới, trước tiên biểu hiện ở y phục nửa mới nửa cũ của họ. Lăng vua Khải Định là một công trình hoàn toàn chỉ dành cho chính ông vua. Ngày nay chúng ta có thể vào thăm quan lăng mộ vua chúa, nhưng đương thời điều đó là không thể, trừ gia tộc hoàng triều và những quan chức có trách nhiệm, do đó nó trước tiên không phải là công trình mang ý nghĩa công cộng như một ngôi chùa hay nhà thờ. Dẫu vậy thì xây cất của vua chúa bao giờ cũng mang tầm cỡ quốc gia, kể cả quy mô, đầu tư và những hình thức văn hóa được sử dụng. Dưới góc độ này thì lăng Khải Định là hoàn toàn khác với lăng mộ của các vị vua tiền triều từ Gia Long cho đến Tự Đức. Lăng Đồng Khánh cũng là một công trình mới khác lạ với kiến trúc truyền thống và cũng tương đối gần với lăng Khải Định, nhưng cũng có nét riêng và có những âm hưởng cổ xưa. Nếu chỉ nhìn riêng lăng Khải Định thì dễ dàng trách ông về một thứ văn hóa lai căng, nhưng nếu đặt lăng vào trong bối cảnh kiến trúc lai giữa Pháp và Việt ở Huế nói riêng và toàn quốc nói chung, thì hóa ra lăng Khải Định cũng là một sản phẩm tất yếu của văn hóa mới thời Thực dân ban đầu, mà mô hình văn hóa mới chưa định hình, những ảnh hưởng phương Tây chưa nhuần nhuyễn và những âm hưởng truyền thống còn níu kéo dai dẳng.

Vua Khải Định lên ngôi năm 1916 và mất năm 1925, lúc đó thực dân Pháp đã hoàn toàn đô hộ Việt Nam dù hình thức hành chính ba miền Bắc Trung Nam là khác nhau, triều đình Huế chỉ còn danh nghĩa tý chút ở Huế. Nhà vua say xưa với xây dựng và đặc biệt là lăng tẩm cho sự ra đi vĩnh hằng của mình với một nhãn quan văn hóa tổng hợp. Ông chọn núi Châu Ê (Châu Chữ) làm nơi tọa lạc lăng, sau đổi thành Ứng Sơn, cũng là tên của lăng là Ứng lăng. Ứng sơn làm Hậu chẩm, một quả núi thấp phía trước làm Tiền án, núi Chóp Vung và núi Kim Sơn hai bên làm Tả Thanh long, Hữu Bạch hổ, lại có khe suối Châu Ê chảy từ phải qua trái làm thủy tụ, tất cả bố trí đúng như phong thủy xưa. Xây dựng kéo dài từ năm 1920 và kết thúc sau 11 năm. Diện tích mặt bằng của lăng chỉ 117 x 48,5m, nhưng vươn cao lên ngọn đồi tới 127 bậc, chi phí tốn kém, khiến nhà vua phải xin phép chính phủ bảo hộ tăng thuế ruộng lên 30%. Trong công trình này những dấu ấn Ấn Độ giáo, Phật giáo, Romance, Gothic… đều có cả. (tham khảo nguồn Trung tâm bảo tồn Di sản Huế).

Vùng Nam Định, Ninh Bình và Huế không thiếu các kiến trúc gạch và bê tông được làm theo kết cấu nửa nhà Tây nửa nhà Ta, đôi khi ngôi nhà Tây được phủ lên những hoa văn rườm rà long ly quy phượng. Lăng Khải Định chỉ là đỉnh cao của sự tổng hợp Tây Ta lẫn lộn ấy và nó được nhắc đến nhiều hơn khi là công trình bề thế được gắn với ông vua. Bản thân lăng này cũng được xây dựng trong một thời gian dài… Nếu như các kiến trúc cổ truyền đều tìm cách gắn bó và hài hòa với thiên nhiên, thì lăng Khải Định theo một xu hướng khác hẳn, tìm cách đối lập và phô bày toàn khối kiến trúc, không có chút cây cỏ nào trong khu vực lăng. Điều này là chưa từng có trong các lăng Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức… có thể nói đều là các bài thơ kiến trúc trong thiên nhiên thơ mộng của Huế. Sự chịu chơi của vua Khải Định đem lại một hiệu quả thị giác mới, và có thể nó là cái nhìn tự nhiên rộng lớn hơn, không cần đến chút hồ nước hay cây cỏ vườn tược, không cần sự hòa hợp thơ mộng nào cả.

Hội An (Quảng Nam) và Malacca, Malaysia là hai đô thị điển hình của phương Đông cổ xưa hình thành từ thế kỷ 17, thoạt tiên đều là những nhà gỗ vì kèo xây dựng san sát thành phố phường, đóng vai trò các thương điếm, quán trọ của thương cảng. Từ đó cho đến thế kỷ 19, những xây dựng gạch xen vào dạng nhà thu hồi, một tầng rưỡi, hoặc hai tầng, nóc tầng hai vẫn là vì kèo gỗ, tuy nhiên trần và sàn đã được làm theo xây dựng Đông Tây kết hợp, giữa gỗ và gạch, vôi rơm, mặt ngoài đôi ba ngôi nhà cũng hơi giống biệt thự phương Tây. Tất nhiên nhìn chung cả quy hoạch thì hình ảnh đô thị cổ phương Đông vẫn bao quát. Ảnh hưởng của văn hóa phương Tây thoạt nhìn có vẻ cấp tập và khiên cưỡng, nhưng thực ra nó cũng diễn ra trong ba trăm năm, từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19, khi chủ nghĩa Thực dân bới tung địa cầu, không một hoang đảo nào không bị khám phá, không miền đất nào không đặt chân đến. Thế kỷ 19, Thực dân phương Tây đã chiếm được nhiều thuộc địa, lập chính phủ đô hộ hoặc bảo hộ, đem gia đình, nhân công sang thuộc địa, xây dựng những gì từng có ở phương Tây và đây chính là giai đoạn mà văn minh phương Tây xâm nhập vào phương Đông sâu sắc nhất, luôn kèm theo sự cưỡng bức. Nếu phương Đông là một mảnh đất hoang dã của những thổ dân nguyên thủy thì chắc không có sự kết hợp Đông Tây nào, trái lại văn minh phương Đông đã từng có nhiều thời kỳ phát triển rực rỡ và chí ít thì cũng có lịch sử lâu dài, nên hòa hợp Đông Tây thế nào là một chặng đường không dễ dàng. Nhà thờ Phát Diệm, lăng Khải Định là hai hình ảnh điển hình của giao lưu văn hóa Đông Tây, và nhất là giao lưu trên bình diện tôn giáo và tín ngưỡng bản địa. Mái chùa mái đình, kết cấu vì kèo gỗ, các mô típ trang trí long ly quy phượng… gia nhập vào một nhà thờ Thiên chúa giáo cũng không đến nỗi không hài hòa. Những stupa, vòm Roman, vợt tennis, đèn dầu hỏa, đồng hồ báo thức trong trang trí lăng Khải Định lại có vẻ mới mẻ hấp dẫn, và chính nhà vua cũng bất chấp lời ong tiếng ve, để nhốt Đông Tây vào một rọ. Trong khi việc tìm ra một tiếng nói chung, những hình ảnh khả dĩ được người Việt Nam đương thời chấp nhận khi ảnh hưởng phương Tây rất mất thời gian, thì cái táo bạo của cha Trần Lục và vua Khải Định đã nhất quán trong hai công trình của họ, và cũng là những di sản để đời, bởi chúng cũng có những tầm cỡ văn hóa nhất định, có cả sự sống sượng tận cùng để sinh ra một thứ văn hóa mới, một cuộc ép duyên thực sự mà không phải ai lúc đó cũng tán thành.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)