Nhà Victor Hugo
Lời tòa soạn: Mới đây nhà văn Phan Việt đã cho ra mắt cuốn sách “Một mình ở châu Âu”1, mở đầu cho bộ sách có tên “Bất hạnh là một tài sản” của chị. Tia Sáng xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc một trích đoạn đặc sắc từ tác phẩm này với tiêu đề do Tia Sáng đặt.
Cuối cùng thì tôi cũng tới. Buổi chiều tối ngày thứ năm sau khi tới Paris, tôi đã quyết định không thể chần chừ thêm nữa.
Nó bắt đầu từ một ý nghĩ vào buổi tối hôm trước: Tôi muốn đi tìm phố Rue Plumet và phố Rue Saint Denis. Trong Những người khốn khổ, Rue Plumet là phố mà Cô-dét sống cùng Giăng Van Giăng, và từ đó bắt đầu tình yêu với Ma-ri-uýt trong những buổi dạo chơi ở vườn Luxembourg. Vào các buổi tối, Ma-ri-uýt thường lẻn tới ngôi nhà Cô-dét trên phố, lách qua hàng rào vào vườn; và họ sẽ ngồi cạnh nhau suốt đêm, chẳng để nói gì, mà chỉ để chiêm ngưỡng người kia và ngập trong tình yêu. Hugo gọi đó là “Tình ca phố Pơ Luy Mê”. Còn phố Saint Denis là phố mà những người bạn trong nhóm ABC đã lập chiến lũy làm cách mạng và Ma-ri-uýt đã tới đó để chết cho nền cộng hòa non trẻ khi nghĩ rằng Cô-dét bỏ đi. Ma-ri-uýt lẽ ra đã chết nếu Giăng Van Giăng không đến chiến lũy cõng anh trên vai, lội qua cống ngầm Paris để trả anh về cho ông nội. Trong Những người khốn khổ, Hugo gọi cuộc chiến của những người bạn ABC là “anh hùng ca phố Xanh Đờ Ni”. Sau buổi nói chuyện với Julia, tôi dứt khoát rằng tôi phải đi tìm xem có còn chút nào bóng dáng nào của cái “tình ca phố Pơ Luy Mê” và “anh hùng ca phố Xanh Đờ Ni” ở Paris không.
Trước khi đi, để cho chắc chắn, tôi hỏi người lễ tân về phố Saint Denis. Anh ấy chỉ cho tôi con đường dài trên bản đồ; rồi nói một câu làm tôi đứng tim:
“Cô muốn tới đó làm gì? Phố này nổi tiếng là phố đèn đỏ.”
Tôi nói với người lễ tân rằng tôi cần đến đó tìm một thứ. Vậy là tôi đi dọc phố Rivoli và chỉ qua một quãng ngắn, tôi nhìn thấy tấm biển đề “Rue Saint Denis”. Con phố hoàn toàn không như tôi tưởng tượng.
Phố Saint Denis ở khúc này chỉ là một đoạn ngắn chừng vài trăm mét; chạy giữa phố Rivoli và phố Lombards. Một bên phố là một bức tường cao của một tòa nhà cổ; bên kia là một vài cửa hàng ăn Địa Trung Hải khá xập xệ theo tiêu chuẩn của Paris. Loanh quanh một lúc vẫn không thấy chút bóng dáng “anh hùng ca phố Xanh Đờ Ni” nào, tôi quyết định sẽ ăn vội một bữa trưa gồm cơm sữa chua với thịt cừu nướng ở một nhà hàng Địa Trung Hải rồi sẽ đi tới Maison de Victor Hugo2 và bỏ qua “tình ca phố Pơ Luy Mê”.
Tôi không hy vọng gì nhiều. Thực sự, đến Paris lần đầu tiên và một mình bằng những ký ức về Paris trong các tiểu thuyết Pháp từ thế kỷ XVIII-XIX, tôi hiểu rằng tôi hầu như đã tự lên cho mình một kịch bản đầy các thất vọng và có khi còn đẩy mình vào những tình huống ngớ ngẩn kỳ lạ. Mấy ngày hôm nay, tôi đã rơi vào tình huống ấy rồi, khi cố gắng tìm cho được cái hàng cây trong vườn Luxembourg, nơi Ma-ri-uýt và Cô-dét nhìn thấy nhau lần đầu trong lúc đi dạo, cho đến lúc “Ma-ri-uýt yêu như si như dại”. Trong Những người khốn khổ, Hugo tả hàng cây này nằm gần cổng vào ở phố Rue de l’Ouest và cạnh đó có mấy “pho tượng lực sĩ”. Tôi đã tìm suốt cả mấy hôm nay trên cả ba cái bản đồ tôi có nhưng không sao tìm thấy phố Rue de l’Ouest đâu; và tôi cũng đã đi loanh quanh khắp vườn nhưng vẫn không xác định được chính xác hàng cây đó là ở chỗ nào vì không thấy chỗ nào có các “pho tượng lực sĩ” cả. Một buổi sáng; sau khi tìm mãi không thấy, tôi quyết định cầu cứu hai cô gái trẻ ngồi cạnh tôi trong vườn bằng cách chìa cuốn Những người khốn khổ bằng tiếng Anh cho họ xem và chỉ cho họ nơi tôi muốn tìm. Trong sách tiếng Anh, chỗ những hàng cây được gọi là “The Pepienere” và tôi chỉ cho họ chữ đó, cộng với “Rue de l’Ouest”. Hai cô gái bàn với nhau một lúc rồi quay sang tôi:
“Chị biết đấy, có khi những cái tên này chỉ là hư cấu thôi. Cuốn sách này cũ rồi mà.”
Phải, cuốn sách này cũ thật nhưng mấy cái tên này chắc chắn không phải hư cấu. Hugo không bịa ra chúng. Hugo đã mô tả Paris đúng như thời của ông. Có thể là tên đường đã thay đổi khi Paris được tái thiết theo kế hoạch của bá tước Haussmann. Có thể các cô gái này quá trẻ để biết và tin vào một Paris đó.
Vậy là tôi quyết định rời khỏi vườn và trở lại vào một ngày có nắng để tìm cho ra. Ngoài cổng vườn trên phố Thánh Michel, tôi nhìn thấy một hiệu bán sách và tạp chí với cái tên “The Economist3” nổi bật phía trên và bên cạnh đó là jazz club có tên The Little Journal mà cả mấy cuốn sách du lịch đều gợi ý tôi nên ghé vào. Vì tất cả giấy và bút tôi mang theo đều đã hết nên tôi ghé vào hiệu sách để mua thêm.
Trả tiền xong và đã quay người đi, một cái gì đó kéo tôi quay lại hỏi người bán hàng – cũng là người chủ tiệm sách – rằng tại sao cửa hàng của ông ấy lại có tên “The Economist”. Người bán hàng hào hứng giải thích với tôi rằng cửa hàng của ông ấy là “đối tác” với tạp chí The Economist nổi tiếng. Tôi nói “oh très bien, excellent magazine4” và giải thích thêm với ông ấy rằng, hồi học đại học ở Hà Nội, tôi theo học ngành ngoại thương, thế nên hồi đó tôi đọc The Economist hằng tuần. Ông chủ hiệu sách rất vui khi biết rằng tôi đọc The Economist ở Việt Nam. Ông tặng tôi một cuốn sổ nhỏ có chữ “The Economist” bên ngoài làm kỷ niệm. Thấy ông vui tính, tôi lấy cuốn Những người khốn khổ trong túi ra hỏi xem ông có biết “the Pepienere” với phố Rue l’Ouest ở đâu không. Ông nói nó ở ngay bên kia đường kìa cô kìa, chính là cái hàng cây cắt phẳng đó đó, cô nhìn thấy chưa?
Trời ơi, tôi đã loanh quanh luẩn quẩn ở đó mấy lần; đã nằm ở đó mà đọc sách; thậm chí đã nằm ở đó để tra bản đồ tìm chính nó. Thật không thể tin được.
Nhưng lần này, rõ ràng không có bóng dáng anh hùng ca phố Xanh Đờ Ni nào. Tôi cũng không hy vọng nhiều ở Maison de Victor Hugo.
Lúc 5 giờ chiều, từ cửa sổ ở tầng ba căn nhà Victor Hugo nhìn ra, Place des Vosges – cái công viên nhỏ hình chữ nhật có nhiều hàng cây dẻ xanh lá và những ghế băng dài – không một bóng người. Mưa đã ngớt nhưng mặt trời vẫn khuất sau mây và mặt đất trong công viên có những vũng nước nhỏ như những chiếc gương xám. Căn phòng tôi đang ngồi này có sàn gỗ, với những tấm rèm màu đỏ sẫm và thảm tường treo quanh phòng. Một cái gương, một bức tượng bán thân của Hugo và sáu bức tranh lớn trên tường, trong đó có một bức vẽ Hugo và con trai mà tôi quen thuộc. Giữa phòng có hai tủ kính lớn bày bản in đầu tiên của các tập thơ và kịch của Hugo: Lá thu, Ánh sáng và những cái bóng, Chàng hề của nhà vua. Có cả hai cái kiếm sắt cùng một số huân chương, mề đay được bày trong phòng.
Ba phòng liền kề căn phòng này hơi kỳ cục, nếu không muốn nói là xấu. Một căn phòng trưng bày rất nhiều đĩa sứ và đồ cổ từ phương Đông; tường nhà cũng được sơn và trang trí bằng sơn mài hoặc chất liệu gì đó, khiến cho căn phòng trở nên nặng nề, ngột ngạt. Thậm chí có cả một bức tượng Phật Bà Quan Âm bằng sứ và một số đồ sứ minh họa các điển tích trong văn hóa Trung Hoa. Căn phòng tiếp theo có một cái bàn lớn ở chính giữa phòng, xung quanh là ghế và các tủ gỗ – đây là phòng ăn hoặc phòng hút xì gà. Phòng tiếp theo là phòng làm việc, nơi Hugo viết. Căn phòng chỉ có vài cái ghế, bút, lọ mực và một tủ sách. Kế đến là phòng ngủ. Căn phòng rất tối và lạ lùng – tường phủ thảm đỏ, và cái giường thì hết sức nhỏ; không thể tưởng tượng cái giường búp bê đó lại có thể chứa một con người như Hugo.
Từ lúc vào Maison de Hugo đến lúc này, tôi không hề có cảm giác rằng Hugo từng sống ở đây. Không một đồ vật nào gợi lên tinh thần của ông, khí chất của ông. Thứ duy nhất mang lại một chút liên hệ là những tấm kính màu nhỏ xíu ở các cửa sổ dọc cầu thang dẫn lên căn nhà. Và ở cái chiếu nghỉ giữa tầng hai và tầng ba có một tượng thần Cupid bằng đồng đen tinh nghịch nhìn xuống; tôi cứ nghĩ nếu cái tượng này đã ở đó từ lúc còn Hugo, thì thần Cupid xinh xắn kia đã chứng kiến Hugo đi lại trên cầu thang này nhiều năm. Hugo hẳn là sẽ dừng lại ở cái chiếu nghỉ này mà nhìn qua những vuông cửa sổ nhỏ ra ngoài.
Nhưng ngoài hai chi tiết ấy, cả căn nhà là một cổ vật không linh hồn, không tính cách.
Ở Maison de Victor Hugo ra, trời bắt đầu nhập nhoạng tối và mưa xối xả. Không có ô nên tôi đành đứng lại trong mái hiên của khu nhà mà lúc này một nghệ sĩ piano đường phố có tên Yuri Klempert đang chơi nhạc. Tôi bỏ 1 euro để yêu cầu ông chơi bản Raindrops (Những giọt mưa) của Chopin. Rồi tôi yêu cầu vài bản nhạc nữa của Liszt và Tchaikovsky. Bên ngoài, mưa tiếp tục trút, khác hẳn những cơn mưa lây rây mấy hôm trước. Nước mưa chảy ròng ròng từ mái hiên xuống thành một bức rèm nước; ngoài công viên không một bóng người; chỉ có tiếng piano thánh thót lẫn tiếng mưa trong hành lang lớn bao bọc cả khu nhà này.
Tôi ngồi khoảng ba mươi phút thì một cô gái rất đẹp cũng ghé vào tránh mưa và cũng bỏ tiền để yêu cầu nghe Beethoven.
Thế rồi, giữa lúc mưa ngày một nặng hạt, một thanh niên chạy một chiếc xe Yamaha dừng lại dưới hiên. Cậu ta rất trẻ, có lẽ khoảng mười tám hay hai mươi tuổi. Cậu ta mặc một cái áo da đen với quần bò đen bó sát và giày da đen cao cổ kiểu nhà binh, dây buộc còn lòng thòng. Lúc mới tới, cậu ta đội mũ bảo hiểm nhưng giờ thì đã bỏ mũ ra ôm trước ngực. Lúc mới xuống khỏi xe, cậu ta bồn chồn, vừa hút thuốc vừa trầm ngâm nhìn ra ngoài trời mưa nặng hạt như sợ rằng sẽ không kịp đến một cuộc hẹn nào đó; nhưng sau khi hút hết điếu thuốc, cậu có vẻ bình tĩnh lại, rồi bỏ mũ xuống yên xe và giờ thì đang hướng về phía Yuri Kemplert để nghe nhạc. Lúc nãy tôi chỉ thấy khuôn mặt nhìn nghiêng của cậu ta, giờ thì tôi thấy cả khuôn mặt.
Tôi chưa bao giờ nhìn thấy Ma-ri-uýt trong Những người khốn khổ, nhưng nếu Ma-ri-uýt hiện ra bằng xương bằng thịt thì chắc sẽ có khuôn mặt của chàng trai này.
Và cái ý nghĩ tự nhiên tiếp theo, mà không, đó không phải ý nghĩ, nó là một cảm giác tự nhiên mà tôi cảm thấy bằng cả cơ thể: tôi yêu chàng trai này, không phải như yêu sự tái hiện của Ma-ri-uýt mà như chính cậu ấy, chàng trai Paris xa lạ này. Giá tôi có thể mời cậu ấy đi ăn tối. Giá mà có thể ngồi bên cạnh cậu ấy ăn một bữa tối, như hai người xa lạ, và cậu ấy có thể nói gì hoặc không nói gì cũng được, có thể hiểu tôi hoặc không hiểu tôi, có thể biết về tình yêu của tôi hoặc không biết cũng được, tôi không bận lòng. Chỉ cần được ngồi cạnh nhau ăn một bữa tối; tôi sẽ chấp nhận khoảng trống ở giữa để đổi lấy cái việc ở gần cậu ấy vào một chiều mưa thế này; như lúc này tôi đã đang chấp nhận khoảng trống giữa tôi với cậu ấy, với cô gái đẹp kia và với Yuri Klempert.
“Anh có thể đi ăn tối với tôi không?”
Như thế có kỳ cục quá không? Có rẻ tiền quá không? Tôi đang làm đúng cái việc mà người bán sách và “nhà khoa học sở hữu lý thuyết giãn nở vũ trụ” đã làm với tôi. Những cơn bốc đồng này? Chúng là lỗi của Paris hay của tôi? Nhưng mà thực sự, tôi ước gì tôi có đủ dũng cảm mà nói với cậu ấy “Anh có thể đi ăn tối với tôi không?”
Anh có thể đi ăn tối với tôi không?
Nhưng tôi là một kẻ hèn nhát, đã luôn là một kẻ hèn nhát trong những tình huống thế này. Thế nên tôi chỉ tiếp tục nghe nhạc và viết những dòng này vào sổ trong lúc vẫn theo dõi Ma-ri-uýt của tôi qua đuôi mắt. Ma-ri-uýt cũng đang theo dõi tôi – có lẽ cậu ấy đang tự hỏi không biết tôi viết gì, và chắc không hề ngờ rằng tôi đang viết về cậu ấy.
Người yêu Paris của tôi. Mon cœur. Tôi yêu cậu nhiều hơn cậu biết.
Trời vừa đổ một đợt mưa nặng hạt mới. Yuri Klempert đang chơi Pathetique của Beethoven và Ma-ri-uýt của tôi lại lo lắng nhìn ra trời mưa. Tôi mong trời ngớt mưa để cậu ấy kịp đến cuộc hẹn với Cô-dét của cậu ấy.
Đi đi, và hãy yêu cô ấy thật nhiều. Tôi sẽ không ghen.
—
1 Nhã Nam và Nhà xuất bản Trẻ ấn hành tháng 2-2013, 344 trang
2 Nhà Victor Hugo
3 Nhà kinh tế học
4 Ồ, hay quá, một tạp chí tuyệt vời