Nhận thức về bảo tồn di sản văn hóa

Công cuộc bảo tồn di sản văn hóa do các nhà chuyên môn khởi xướng. Những nỗ lực từ phía chính quyền để bảo tồn di sản văn hóa. Mong muốn của người dân về gìn giữ di sản văn hóa cho muôn đời sau. Tất cả sẽ không thành hiện thực, hoặc một hiện thực không tự hào, nếu chúng ta không giải quyết triệt để bài toán nhận thức về bảo tồn di sản văn hóa.

Chúng ta dễ dàng chấp nhận hạ giải một ngôi nhà cổ đang xuống cấp để dựng lại một ngôi nhà mới, có quy mô lớn hơn. Chúng ta đồng tình khi tạo dựng một ngôi nhà mới mô phỏng kiến trúc cổ bên cạnh ngôi nhà cổ. Chúng ta có thể xây dựng các công trình với chi tiết nhắc lại nét xưa cũ trong một khu vực di sản kiến trúc. Chúng ta cũng chấp nhận phục dựng lại các phế tích đã mất mà không còn tài liệu hay chưa rõ ràng hoặc dữ liệu rất mơ hồ.

Kỳ đài trong thành cổ Sơn Tây mới được phục dựng năm 2004-2005 H2- Những chi tiết mái nhại lại hình bóng các lớp mái trong khu phố cổ Hà Nội một cách khiên cưỡng.

Nhưng chúng ta lại lãng quên việc giữ gìn những chi tiết nguyên gốc dù còn rất nhỏ bé, mong manh. Chúng ta lại không chấp nhận xây dựng một công trình mới có kiến trúc hiện đại bên cạnh một di sản đô thị. Chúng ta lại có điều tiếng với những công trình mới xây dựng mà không nhắc lại những gì xưa cũ bên cạnh. Chúng ta cũng không muốn chiêm ngưỡng những di sản văn hóa có thể chỉ còn những vết tích nguyên gốc như bức tường, nền gạch hay chân đá tảng…
Quan niệm và nhận thức về bảo tồn di sản trong chúng ta

Những chi tiết mái nhại lại hình bóng các lớp mái trong khu phố cổ Hà Nội một cách khiên cưỡng

Chúng ta chưa coi trọng tính nguyên gốc, hầu hết chỉ thiên về hình thức, sự cầu kỳ, tinh xảo của chi tiết kiến trúc mà không cần biết nó được ra đời như thế nào và số phận của nó gắn với di sản ra sao? Chúng ta chưa nhận thấy được sự tương phản giữa cũ và mới sẽ làm nổi bật giá trị và tính độc đáo của di sản. Chúng ta sợ khi xây dựng mới không nhắc lại những gì xưa cũ qua các chi tiết, kiểu dáng sẽ làm công trình đó xa lạ trong tổng thể khu vực. Chúng ta muốn nhìn thấy, sờ thấy tính toàn vẹn của di sản với đầy đủ khuôn hình mà không cần biết đến nó có phải nguyên gốc không, tính xác thực của nó ra sao và lắng mình để hình dung, tưởng tượng khi di sản còn toàn vẹn. Liệu chúng ta còn xúc động hay không khi biết những hình ảnh những “di sản cổ xưa” đó mới được tạo dựng lại hoàn toàn, nó chỉ là những mô hình tỷ lệ 1/1, nó đầy đủ nhưng thiếu hơi thở, dấu ấn của quá khứ.

Những mảng tường thành còn sót lại dù nhỏ bé của Thành cổ Sơn Tây nhưng còn đậm rõ những dấu ấn thời gian H4- Những mảng tường thành mới được xây dựng tại Thành cổ Sơn Tây cho dù có quy mô lớn, bề thế nhưng vẫn khô lạnh và không sống động.

 Trong khi đó ở Châu Âu và theo các phương pháp bảo tồn di tích hàn lâm trên thế giới thì tính nguyên gốc, độ xác thực của di sản được đề cao. Có những di tích chỉ còn một bức tường, nhưng họ vẫn giữ nguyên và không tạo dựng lại một ngôi nhà toàn vẹn để dành chỗ cho sự suy nghĩ, tưởng tượng về di sản văn hóa.

Mặt đứng nhà thờ S. Paulo ở Macau được bảo tồn đề cao tính nguyên gốc, độ chân xác H6- Đấu trường Coliseum ở Italy được bảo tồn đề cao tính nguyên gốc, độ chân xác

Ở Việt Nam, chúng ta tự hào vì có hàng nghìn hàng vạn di tích văn hóa, lịch sử, cách mạng ở khắp các vùng miền của tổ quốc, nhưng chúng ta cũng băn khoăn, lo ngại không kém vì phần lớn những di tích này bị hư hỏng, xuống cấp thậm chí biến mất, do những nguyên nhân: tự nhiên, khí hậu, chiến tranh, con người và chính bản thân di tích. Một trong nhiều vấn đề thường gặp phải khi muốn bảo tồn, trùng tu, phục dựng di tích đó là tính nguyên gốc, dấu mốc và sự chồng lấp, đan xen của thời gian trong di tích. Vấn đề xác định, nhận thức và ứng xử với các yếu tố đó còn nhiều điều cần nghiên cứu, trao đổi.
Sự chồng lớp, đan xen của nhiều mốc thời gian, sự biến mất của những bộ phận, cấu kiện, thậm chí cả di tích gốc là điều thường gặp. Vậy bảo tồn căn cứ vào mốc thời gian nào, phục dựng cấu kiện nào, có cần phục dựng hay không?… vẫn là những câu hỏi lớn mà chúng ta thường mắc phải và loay hoay khi tiến hành bảo tồn di sản văn hóa.

 

Sự đan xen của các chi tiết chân đá tảng các thời ở chùa Đậu- Hà Tây H8- Những pho tượng cổ chùa Trần Đăng- Hà Tây bị để trong gầm ban thờ, nhường chỗ cho những pho tượng mới to lớn hơn, sơn son thiếp vàng rực rỡ

Qua đặc thù của di sản văn hóa ở Việt Nam, từ việc nhận thức, quan niệm về di sản, bảo tồn di sản còn sơ khai, từ đó đặt ra vấn đề cần đúc rút, xác định những giá trị đặc trưng của di sản, thấy rõ và phân biệt, những thành phần nào, những bộ phận nào đã và sẽ tồn tại vĩnh viễn với di sản như những giá trị trường tồn, hay những cái gì có thể thay đổi, phải thay đổi, sẽ thay đổi theo thời gian để có thái độ, hành động ứng xử thận trọng với di sản. Vì chính tính độc đáo, sự mong manh, dấu ấn thời gian… của những di sản không cho phép chúng ta nóng vội, làm đi, làm lại.

Những mảng tường thành mới được xây dựng tại Thành cổ Sơn Tây cho dù có quy mô lớn, bề thế nhưng vẫn khô lạnh và không sống động

Chúng ta cần sự thay đổi, chuyển biến trong cách nhìn trong cách nghĩ và cả sự nhận thức về di sản và bảo tồn di sản.
Di sản văn hóa cũng có cuộc sống và chính sự thăng trầm, những dấu ấn của nó qua các thời kỳ càng khẳng định ký ức sống động, hun đúc lên độ  dày của di sản. Chúng ta tôn trọng tính nguyên gốc nhưng không phải chỉ tập trung vào dấu ấn thời kỳ khởi dựng, mà tất cả các dấu ấn không phá hoại di sản của các thời kỳ, dù vô tình hay hữu ý được tạo dựng đều đáng trân trọng và cần được bảo tồn. Chúng ta không có quyền can thiệp, tước bỏ những dấu ấn hằn in trên di sản vì đó chính là những câu chuyện sống động kể lại quãng đời của di sản. Điều này đúng trong cả di sản đơn lẻ và quần thể di sản.

Đấu trường Coliseum ở Italy được bảo tồn đề cao tính nguyên gốc, độ chân xác

Sự bồi đắp, kế tiếp chính là để di sản sống dài lâu và có ích hơn trong đời sống, điều này đã từng thấy ở trước đây và cả ngày nay. Có những phương thức bồi đắp rất dân gian, nhưng cũng có cách còn áp đặt. Tuy nhiên như một người đã cao tuổi, di sản rất mong manh, vì vậy việc đưa vào những yếu tố mới cần được suy tính kỹ lưỡng trên nhiều phương diện.

Những pho tượng cổ chùa Trần Đăng- Hà Tây bị để trong gầm ban thờ, nhường chỗ cho những pho tượng mới to lớn hơn, sơn son thiếp vàng rực rỡ

Bối cảnh, khung cảnh di sản được nhắc đến như chất dung dưỡng sự sống động của di sản. Rõ ràng di sản không thể tách rời khung cảnh mà nó ra đời, nhưng không vì thế mà ta đóng băng khung cảnh chung quanh, hoặc ngược lại để phát triển tự phát dẫn tới sự cô lập di sản tại chính nơi mình sinh ra. Điều quan trọng là tạo nên được sự hài hòa và mối liên hệ giữa di sản và bối cảnh. Hay là giải quyết mối quan hệ tưởng chừng như mâu thuẫn nhưng thực chất là tác động tương hỗ lẫn nhau, đó là sự hài hòa giữa bảo tồn và phát triển.
Tại phố cổ Hà Nội vì sợ những công trình xây mới có kiểu dáng hiện đại sẽ xa lạ trong không gian kiến trúc của khu vực, nên đã có quy định và trên thực tế người ta đang xây dựng nhiều ngôi nhà giả cổ, phỏng cổ với các chi tiết mái dốc, ban công… không mang hơi thở của cuộc sống đương thời mà cũng không phải truyền thống. Điều này có thể dẫn tới đến thế kỷ XXII  khi các thế hệ sau chiêm ngưỡng sẽ nhầm tưởng đây là loại hình kiến trúc cổ xưa truyền thống của các thế kỷ trước.
Ngẫm cho cùng, nhiều di sản bị lãng quên biến mất hoàn toàn, có di sản bị “quan tâm” quá mức đến biến dạng hay những di sản sống lay lắt vì còn chưa định được danh tính xác thực, có di sản luôn phản ứng, không tiếp nhận những yếu tố mới trong quá trình phát triển… đều có những lý lẽ riêng của nó, nhưng rõ ràng còn một vấn đề cốt lõi mà chừng nào chúng ta chưa giải quyết được thì di sản văn hóa vẫn phải long đong, lận đận. Đó chính là vấn đề nhận thức về di sản và bảo tồn di sản trong chúng ta- những nhà quản lý, nhà chuyên môn, cộng đồng dân cư… đang rất vênh nhau, chưa có tiếng nói chung – tiếng nói về di sản, tiếng nói truyền lại cho các thế hệ mai sau một cách chân thực và sống động nhất.
Sự tương phản giữa cổ và kim nhìn từ Cung điện Gyeongbokgung – Seoul- Hàn Quốc

 

KTS. Nguyễn Thanh Sơn 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)