Nhớ Trịnh Công Sơn

Liệu có cần thêm những bức họa xếp cạnh ngôn ngữ thi ca của Trịnh Công Sơn?

Tranh Tuổi đá buồn – Lê Thiết Cương.

Khi đã cảm những bản tình ca của Trịnh Công Sơn, người ta có thể thấy lời trong các bài hát của ông chính là thi ca, nó hoàn toàn có thể đứng độc lập so với phần nhạc đệm. Với ông, sáng tạo âm nhạc cũng là sáng tạo ngôn ngữ. Trịnh Công Sơn đã làm phong phú, mở thêm nghĩa cho chữ Việt, làm đẹp, làm mới chữ Việt. Theo nghĩa đó, bên cạnh một nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là một thi sĩ Trịnh Công Sơn. Vẻ đẹp tưởng chừng như hiển nhiên của ngôn từ dường như bị khuất lấp phần nào bởi chính âm nhạc của ông.

Ca từ của Trịnh Công Sơn đa nghĩa, nhiều ẩn dụ và mang tính biểu tượng, nhiều hình ảnh hàm chứa ý niệm: Đồi núi, mây, sông, biển, nắng mưa… đâu chỉ là nó mà là biểu tượng của buồn, nhớ, của nơi chốn đi về, của một cuộc tình còn hay mất chẳng hạn v.v… “Những con mắt bình minh tắt trên dòng / Những con mắt mùa đông tắt trong hoàng hôn”; Người tìm về biển xanh / Nói thầm về đời mình / Ăn năn dấu rêu phong” hoặc “Một vòng nôi ru chiều xuống ruộng / một dòng sông chở ngày hấp hối”. Chính vì vậy mà, thơ – ca từ của Trịnh Công Sơn rất gợi, rất mở, rất nhiều tưởng tượng và rất nhiều đất cho hội họa cất lời.

Tranh: Hồng Phượng.

Điểm xuất phát, nguồn cơn hoặc ga khởi hành là âm nhạc của Trịnh Công Sơn nhưng đích đến bắt buộc phải là hội họa. Nói cách khác, các họa sĩ làm công việc “chuyển ngữ” tác phẩm của ông sang hội họa.

Đó là điểm khởi đầu của Nhớ Trịnh Công Sơn, một cuộc triển lãm những tác phẩm hội họa của Nhóm họa sĩ G39 gồm Ngô Bình Nhi, Nguyễn Quốc Thắng, Nguyễn Hồng Phương, Chu Hồng Tiến, Phạm Trần Quân và Lê Thiết Cương nhân ngày ông đi xa. Bên cạnh triển lãm là đêm nhạc những tác phẩm của Trịnh Công Sơn qua tiếng kèn Saxophone của nghệ sỹ Lê Duy Mạnh. Bè họa sĩ và bè âm nhạc cùng trò chuyện để tưởng nhớ người nhạc sĩ tài hoa – Trịnh Công Sơn. Âm nhạc của ông đã vang lên ở nhiều nơi nhưng hiếm khi lại ở giữa thiên nhiên, giữa núi rừng. Âm nhạc và hội họa sẽ cùng mở cánh cửa “rừng xưa đã khép”.

Chúng tôi vẽ trên cảm hứng từ nhạc và lời các ca khúc của Trịnh Công Sơn. Những bức tranh này là những tác phẩm độc lập. Chúng tôi không có ý định minh họa. Mà cho dù có muốn cũng chả thể minh họa được. Vẽ những câu này được ư?

“Đã có nghìn trùng trên môi người tình / Đã giấu nụ tàn bên trong nụ hồng” (bài Như một vết thương).

Hoặc “Có tiếng thở dài dưới gió thu đông

Có nỗi bùi ngùi bay đi thầm lặng”

(bài Bay đi thầm lặng)

Hoặc “Trong trái tim con chim đau nằm yên

Ngủ dài lâu mang theo vết thương sâu”

(bài Để gió cuốn đi)

Tôi nghĩ là không thể.

Tranh: Chu Hồng Tiến.
Tranh: Phạm Trần Quân.

Hơn nữa mỗi loại hình nghệ thuật đều có một ngôn ngữ biểu đạt riêng, nó tồn tại mà không cần phải “tầm gửi” vào bất cứ điều gì cho dù thi ca, âm nhạc, hội họa là hàng xóm, có phản chiếu trong nhau và cùng hướng đến cái đẹp.

Ngày 1/4/2016 Nhóm họa sĩ G39 cũng đã có một triển lãm tưởng nhớ Trịnh Công Sơn với tên Khói trời mênh mông tại Hà Nội và Hội An. Năm 2023, đã 22 năm Trịnh Công Sơn “về làm cát bụi”. Triển lãm Nhớ Trịnh Công Sơn với 22 tác phẩm, là 22 nhớ thương bằng hình sắc gửi tới ông.

Xin trân trọng giới thiệu Nhớ Trịnh Công Sơn với bạn bè yêu mến âm nhạc của ông và cộng đồng nghệ thuật.□

——–

Triển lãm hội họa Nhớ Trịnh Công Sơn tưởng niệm 22 năm ngày mất của ông (2001-2023) của nhóm họa sĩ G39 trưng bày 22 tác phẩm trên các chất liệu sơn mài, bột màu, acrylic. Bên cạnh đó còn là buổi liveshow “Trịnh Jazz” của nghệ sĩ saxophone Lê Duy Mạnh và những người bạn vào ngày 1/4/2023 tại Amour Resort Ba Vì (Hà Nội).

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)