Như sinh cùng với đất

Châm ngôn chất chứa tinh thần của câu chuyện về những người nông dân làng Lipce trong cuốn tiểu thuyết đồ sộ này là: Tất cả mọi việc của chúng ta ngày lại ngày vẫn thế… một câu hát dân gian mà sốt ruột quá bà già bỗng cất lên tiếng hát nho nhỏ và run rẩy… Bọn con trai cùng Jagna cũng khe khẽ hát theo và cứ như thế âm thanh xuyên qua mọi chỗ, (tr.154).

Tinh thần ấy cũng biểu hiện hiển nhiên trên cấu trúc bốn phần của tác phẩm gồm bốn Quyển, Thu-Đông-Xuân-Hạ, với tuyệt nhiên không ghi dấu ngày tháng cụ thể nào, chỉ chia thời gian câu chuyện theo nhịp điệu phong cảnh ngày và đêm, nhịp điệu kể – trò chuyện – mô tả mọi việc trong nhà ngoài ruộng, việc cưới việc tang, Và đối vị nhịp điệu lớn của bốn mùa thiên nhiên chỉ có nhịp điệu thánh quanh năm những kỳ lễ trọng của Nhà thờ, trong vai trò gạch nối giữa con người với vũ trụ – toàn bộ cái kiến trúc và hệ thống nhịp điệu đó khiến câu chuyện này trở thành một phúng dụ về thế giới của con người trong tính tự nhiên bản chất hàng đầu của nó.

Sự dở dang như là đặc tính nền tảng của đời người hàm ngụ trong sự khởi đầu chuyện kể này từ mùa Thu và khép lại ở mùa Hạ. Không có gì trọn vẹn và hoàn tất trong suốt cả câu chuyện lớn lao, ngoài gieo và gặt, sinh ra và chết đi. Quan điểm tự nhiên triệt để này mang một xúc cảm lớn xuyên suốt hơn một nghìn trang sách, không hề suy giảm ở bất kỳ chương đoạn nào, ở bất cứ nhân vật nào trong số cả trăm nhân vật được kể đến, từ đứa bé ẵm ngửa tới những ông bà gần đất xa trời, từ những vai phụ không tên tuổi, hay thấp thoáng đi qua, đến những vai chính nổi bật, ngang bằng cho tình cảm với một con bò sữa, một con lợn nái, một con cò nuôi trong nhà, một con chó tên Đốm hay một con ngựa cái ân cần liếm láp an ủi lão bần nông Kuba trong cơn đau chết chóc,… Sức mạnh khổng lồ đó của cảm xúc biểu hiện một cách giản dị, ngọn ngành, chặt chẽ, như thơ ca, thông tuệ và bất ngờ.

Nông dân, được viết từ năm 1904 đến 1909, là tác phẩm nổi tiếng nhất của nhà văn Ba Lan Wladyslaw Stanislaw Reymont (1867-1925). Đây cũng là tác phẩm đưa ông vượt qua các đối thủ như Thomas Mann, Maxim Gorky và Thomas Hardy… để giành giải Nobel Văn chương năm 1924.

Cốt truyện của cuốn tiểu thuyết lớn này có kết cấu đơn giản, mang bóng dáng sử thi và cổ điển: hai người đàn ông hùng mạnh nhất làng tranh đấu với nhau về quyền sở hữu ruộng đất và quyền sở hữu cô gái đẹp nhất làng; đó cũng đồng thời là một khối mâu thuẫn không thể kinh điển hơn khi cuộc đấu tranh khốc liệt là giữa ông bố Maceji Boryna với con trai trưởng Antek Boryna – hai người đàn ông của gia tộc Boryna, điền chủ lớn nhất làng Lipce – vì người con trai dai dẳng đòi chia ruộng đất thừa kế mà ông bố thì kiên quyết chỉ chia khi nào mình nhắm mắt xuôi tay. Mâu thuẫn mang màu sắc truyền kỳ và tiểu thuyết khi người cha Boryna tục huyền chọn lấy cô Jagna đẹp nhất làng, đẹp như một huyền thoại, trưởng nữ của gia tộc Paczes giàu thứ nhì trong làng, trớ trêu lại là người mà Antek trẻ trung đẹp trai, giỏi giang và khỏe nhất làng yêu mê mệt và cũng được đáp tình, mặc dù Antek đã có vợ có con.

Người gia trưởng hùng mạnh là Boryna chiến thắng anh con đẻ hùng mạnh không kém – mà đúng ra, chỉ tuyệt đối kém về sở hữu và thứ bậc cha con – cuộc chiến thắng cam go khốc liệt đến đỉnh điểm khi hai người đánh nhau và Boryna đuổi con trai khỏi nhà. Đó lại là một sự tái lập thường xuyên của trật tự đạo lý cổ truyền, cái đạo lý đã thành tạo qua đấu tranh sinh tồn tự nhiên ban sơ, ủng hộ sức mạnh của thể chất và sở hữu, những thứ sinh ra và dung dưỡng uy thế tinh thần của con thú đầu đàn. Và cũng qua những chuỗi sự kiện như thế, bộc lộ cái quyền lực u ám của bản năng, của luật bầy đàn.

Nhưng tấn kịch của con người cũng được tái lập: Boryna dẫn đầu nông dân làng Lipce trong cuộc chiến đấu chống những người làm thuê của dinh Đại điền chủ chặt phá cánh rừng thuộc sở hữu của dân Lipce; cuộc chiến tàn khốc và Boryna can trường bị trúng đòn chí mạng; đúng thời khắc đó, Antek đột ngột cảm thấy mối hận thù dai dẳng tưởng không thể vượt qua với cha vụt biến mất, máu gia tộc chảy trong tim mình, và nhảy vào cứu cha, giành được ưu thế và chiến thắng chung cuộc cho dân Lipce; rồi vì cái án mạng quyết định đó mà phải đi tù, và lại trở thành người anh hùng chính đáng. Cảnh kết thúc Quyển 2. Đông tượng trưng cho một bước tiếp theo của quy luật tuần hoàn: Boryna bị tử thương, nằm trên cáng về làng, chợt mở mắt, khuôn mặt ông nở ra rạng rỡ, ông run run đôi môi và mang hết sức lực của mình ra thều thào: Con đấy ư, con trai?…Con đấy ư?… Và ông lại ngất đi. (tr.615)

Sức sống độc đáo phong phú hiếm có đã làm nên câu chuyện như thế, giống như người nông dân, do bởi và gắn liền với mảnh đất riêng của nó: một dàn hợp xướng năm bè của tất cả những sinh linh trên đất làng Lipce. Mà chính cái dàn hợp xướng đó đã cung cấp và tạo dựng ý nghĩa cho những vai lĩnh xướng, biến các vai đó thành như những vị anh hùng, chỉ bởi đời sống đó muốn.

Wladyslaw Raymont để cho tất cả đều có tiếng nói trong câu chuyện này. Các sự kiện trong đời sống của làng Lipce luôn được ông kể qua miệng tất cả đám đông, lần lượt đàn ông, đàn bà, lớn và bé, già cũng như trẻ, giàu và nghèo, những chuyện nhiều lúc nghe như vặt vãnh ngồi lê, nhiều lúc u tối trì độn hay ác độc, cũng thường lóe sáng trí tuệ dân dã qua phương ngôn thành ngữ hay dân ca, cũng thường đầy một lòng thương xót và đùm bọc trong tính cộng đồng, hết sức sinh động, tỉ mẩn, luôn bám chặt theo nhịp điệu công việc thời vụ, mùa lễ tôn giáo, sinh hoạt của các gia đình, việc có mặt hay vắng mặt của người này người khác,… Và tất cả những tình tiết lớn nhỏ bề bộn một cách tự nhiên đó lại được sắp xếp tinh tế, rất chặt chẽ, trong một trật tự thầm lặng và dứt khoát, cứ dần dà bộc lộ qua từng lớp cái bản chất sâu xa của ý niệm mà ta gọi là “nông dân”.

Đó hầu như là một truyện biểu tượng về nguồn cội một xứ sở mà những người nông dân Lipce gọi bằng tiếng mình (tr.605/ tập2, Quyển 4) là Ba Lan: ngoài một vài dấu vết mờ tỏ như đồng rúp cùng lưu hành với đồng zloty, như một hai chỗ nhắc đến Sa hoàng và quan Công sứ – những danh vọng quyền lực xa vời dường như chỉ vươn bóng đến làng Lipce qua một lần xuất hiện duy nhất của ngài Huyện trưởng, qua thấp thoáng dinh Đại điền chủ ở bên kia cánh rừng – ngoài đó ra, làng tồn tại trong chính mình, vì chính mình, tồn tại vì ruộng đất của mình, như thể Chúa đã ban cho dân làng ruộng đất và máu thịt mỗi người cùng một lượt.

Tính chất sử thi của truyện kể này tạo nên trên nền tảng của một tư tưởng nguyên tuyền và máu thịt của những người ta gọi là “nông dân”, về ruộng đất, mà tính thiêng liêng dựa trên niềm tin Chúa ban và niềm tin vào quyền sở hữu đất đai của người nông dân như là một quyền tự nhiên nền tảng.

—-

* Trọn bộ 2 tập, người dịch Nguyễn Văn Thái, NXB Lao động và Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây ấn hành tháng 11/2012, giá bìa: 360 nghìn đồng.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)