Những câu chuyện

Tôi đã luôn là một đứa trẻ dễ buồn chán. Tôi lớn lên cũng vẫn là một thanh niên dễ buồn chán. Những lúc chán một nỗi buồn chán như thể tồn đọng của cả trăm năm trước, tôi thường nghĩ về những lúc tôi không cảm thấy tẻ nhạt, nghĩ về điều gì khiến tôi vui, nghĩ về những bài hát, những bộ phim, những cuốn sách làm tôi được đồng cảm, được sẻ chia, bởi những con người xa lạ mà có lẽ cả cuộc đời này chúng tôi sẽ không bao giờ quen biết, gặp gỡ nhau.

Tôi nghĩ đó chính là một điều làm nên ý nghĩa của những câu chuyện – để chúng ta có thể giao tiếp với nhau, có thể thấu hiểu nhau theo những cách không thể ngờ tới.

Cách giao tiếp đang làm tôi “mê muội” hiện nay chính là picture book, một thể loại còn non trẻ, mới chừng hơn 130 năm tuổi.1 Hạn chế được rào cản ngôn ngữ, picture book có thể là một hình thức giao tiếp sơ khai và dễ dàng nắm bắt với tôi. Hiểu đơn giản nhất, với tôi đó là một nghệ thuật kể chuyện bằng hình ảnh. Nó cho phép trải rộng ở hầu hết các chủ đề (cuộc sống, tình yêu, sự mất mát, hi sinh, nỗi buồn, cái chết, bạo lực, tình dục…), không giới hạn về các chất liệu (màu chì, sáp, sơn dầu, màu nước, cắt giấy, ghép vải, tranh thêu, digital…), hay về kích thước cuốn sách, nó còn món ‘đặc sản’ là sách tương tác (lật, xoay, chạm, kéo, pop-up, thậm chí là chiếu đèn pin vào cuốn sách thì nội dung mới hiện lên…). Nó là một thế giới của tưởng tượng, va chạm giữa hình ảnh và ngôn từ, và ở đó nảy ra vô vàn các câu chuyện.

Câu chuyện của hình ảnh

Picture book thường có hai mạch kể chuyện song song, bổ trợ nhau chứ không lặp lại: bằng tranh và bằng lời. Có thể so sánh hai trang sách sau đây để thấy sự khác biệt của nó với sách minh họa (illustrated book hoặc story book):


Một trang trong truyện Thỏ Peter của Beatrix Potter.

Phần tranh đã minh họa lại những gì được diễn tả trong phần lời: ông McGregor cầm cái bồ cào nhảy lên, đuổi theo Peter và la “Dừng lại đồ ăn trộm!” Đặc trưng của dòng sách này là phần tranh minh họa tương đối chính xác những gì được miêu tả trong câu chữ; có thể bỏ đi phần tranh nhưng bỏ đi phần chữ thì khó hiểu được hết câu chuyện.


Một trang trong tác phẩm A great paper capter của Oliver

Jeffers, tác phẩm về một chú gấu đốn hết cả cây trong khu rừng để làm giấy tập gấp máy bay. Trang này không có lời nhưng ta có thể nhìn thấy một câu chuyện đang diễn ra: ban đêm, trong một khu rừng, một chú gấu cầm đèn pin và kéo theo một cái cây (Nó chặt cây làm gì vậy? Có gì mờ ám chăng?), trên thân cây có dán một tờ thông báo về một cuộc thi gấp máy bay (thông báo này liệu có liên quan gì tới việc nửa đêm một chú gấu đi đốn cây?).v.v…

Câu chuyện cô đặc và gợi mở

Sự giới hạn về độ dài, thường là trong khoảng 16-32 trang đòi hỏi kịch bản cho picture book phải cô đọng, trau chuốt và hoàn chỉnh, hầu như không cho phép chi tiết thừa. Nó thường nén chặt trong những hình tượng có tính ẩn dụ. Cả những câu chuyện đơn giản, trực tiếp, đáng yêu dành cho trẻ em nhỏ tuổi vẫn gọi mời tưởng tượng và suy nghĩ xa hơn.

Chẳng hạn như tác phẩm Oh places you’ll go của Dr. Seuss. Nhân vật cậu bé, không cụ thể là một cậu bé nào, đi qua rất nhiều vùng đất, nơi chốn khác nhau. Có những nơi như căn phòng chờ đợi, mọi người ở đó không làm gì hết, chỉ ngồi chờ chuyện gì đó sẽ xảy tới với mình. Căn phòng chờ đợi này có thể được đọc như một ẩn dụ sâu sắc, nhưng cũng không trở thành rào cản tiếp nhận cho những đứa trẻ.

Câu chuyện của khoảng trống giữa các trang sách

Nếu như truyện tranh sử dụng nhiều khung hình nhỏ, liên tiếp, diễn tả quá trình hành động hoặc diễn biến tâm lý nhân vật…thì picture book thường chỉ chọn những cảnh đặc sắc nhất, quan trọng nhất và dành khoảng trống giữa các trang để người đọc tự tưởng tượng. Nếu như truyện tranh tập trung mô tả hành động có hiệu ứng (về ánh sáng, tốc độ…) để độc giả cảm nhận cả quá trình chuyển động thì picture book có xu hướng “đóng băng” thời gian và chộp lấy khoảnh khắc mà nhân vật đang trong tư thế tạo hình đẹp nhất, thể hiện cảm xúc nhất.

Chính vì mang đặc điểm cốt lõi là những câu chuyện nên phần tranh trong picture book phải mang tính kể chuyện. Do đó, sự thành công của một cuốn picture book không đến từ kĩ năng vẽ minh họa mà là cảm nhận của người vẽ về việc kể chuyện qua những bức tranh. Họa sĩ có thể vẽ cực kỳ đơn giản, thậm chí nhìn có vẻ cẩu thả (ví dụ như phong cách vẽ của họa sĩ Quentin Blake), nhưng sẽ vẫn là hoàn hảo nếu toát lên được cảm xúc và tính cách của câu chuyện. Picture book không chỉ là để ngắm, mà còn để cảm nhận và ghi nhớ nữa.

Picture book có thể có lời hoặc không lời. Lời thường có nhịp điệu, sắc thái và những thủ pháp riêng và thường là tinh giản, chắt lọc. Tác phẩm Extra Yarn (tạm dịch: Len thừa) của tác giả Mc Barnett, Jon Klassen minh họa kể về cô bé Annabelle, vô tình nhặt được một chiếc hộp chứa đầy những sợi len đủ màu. Cô bé dùng len đó đan những chiếc áo, những chiếc mũ, những chiếc khăn… đan hết cho mình, rồi cho mọi người xung quanh mà vẫn không hết len trong chiếc hộp. Mạch kể xoay quanh việc mỗi lần cô bé đan xong một thứ gì đó thì lại phát hiện ra vẫn còn len thừa nữa. Tác giả đã lặp lại nhiều lần một cấu trúc câu, và sử dụng động từ ‘turn out’ – hóa ra là. Mỗi lần lật trang là một lần ‘turn out’, lại là một sự kiện bất ngờ khác. Đọc cuốn sách, người đọc chừng không ngừng muốn lật mở trang tiếp theo để xem sẽ‘hóa ra là’ cái gì nữa.

Phần lời kết hợp với cách trình bày, dàn trang cũng có thể tạo ra những tác động hiệu quả. Trang cuối cùng của tác phẩm Where the wild things are của Maurice Sendak là một trang trắng với một câu đơn, thể khẳng định ‘and it’s still hot’ (tạm dịch: và nó vẫn còn nóng). Khi độc giả đã trải qua một chặng đường dài với nhiều khúc quanh lên xuống trước đó, khi họ nghĩ rằng chuyến phiêu lưu đã kết thúc, họ mở sang nốt trang cuối và bất ngờ thấy một dòng chữ ngắn ngắn, dịu dàng, tỏa hơi ấm (có thể có cả mùi thơm nữa) trên trang giấy trắng – và nó vẫn còn nóng. Nếu hành động cơ bản nhất của việc đọc sách chính là lật trang thì việc tác giả đẩy chi tiết ‘chốt hạ’ xuống cuối, ở một trang lẻ (chứ không phải trang đôi) đã tạo thêm một nhịp nghỉ cho độc giả, ‘ngụy trang kín đáo’ cho chi tiết và trở nên lắng đọng.

Một câu chuyện đang hé mở

Picture book đã xuất hiện ở Việt Nam, tuy chưa có được nhiều sự quan tâm, đầu tư của cả các nhà xuất bản. Người đọc cũng ít cơ hội được tiếp xúc nên nhu cầu đọc hay sự yêu thích thường chỉ gặp ở những cá nhân, những nhóm tác giả có cùng mối quan tâm. Khá nhiều tác phẩm đặc sắc đã được giới thiệu ở Việt Nam bởi các nhà xuất bản như nhà sách Kim Đồng, Đông A hay Nhã Nam như bộ Chú chuột Nezumi, bộ Chú voi Elmer, rồi các picture book lẻ như Ai đã bĩnh lên đầu chuột chũi, Khu vườn hiếu kỳ, Ngủ ngon nhé khỉ đột v.v… nhưng hầu như picture book chưa có cộng đồng người viết ở trong nước. Những điểm kết nối các tác giả hứng thú với picture book “made in Vietnam” hiện nay có thể kể tới chương trình xuất bản sách bằng tiếng địa phương của tổ chức Room to Read Vietnam hay dự án sách thiếu nhi kết hợp với Đan Mạch của NXB Kim Đồng. Chưa thể nói tới một cộng đồng các tác giả picture book chuyên nghiệp hiện nay nếu không có những nhà xuất bản quan tâm, và nhất là nếu không có những tác giả, những nhà văn và họa sĩ muốn theo đuổi mảnh đất đầy ắp sáng tạo và tưởng tượng của nó.
——————–
1 Vì khái niệm picture book vẫn chưa có cách dịch chính xác sang tiếng Việt, gọi là sách tranh hay sách ảnh đều dễ gây hiểu nhầm sang thể loại khác, vậy nên trong khuôn khổ bài viết nhỏ này xin được giữ nguyên từ gốc tiếng Anh.

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)