Những con chuột gặm nhấm quyền lực chính quyền thuộc địa

Ấn phẩm Cuộc săn chuột lớn ở Hà Nội: Đế quốc, dịch bệnh và tính hiện đại tại Việt Nam thuộc Pháp1 đã phơi lộ một dấu ấn lịch sử hài hước và tăm tối đến từ những sinh vật truyền bệnh vùng nhiệt đới, cho thấy cuộc vật lộn của chính quyền thực dân trong việc giải quyết vấn đề tưởng chừng như quá đơn giản, nhỏ nhặt.


Michael G.Vann thuyết trình về nghiên cứu của mình trong buổi trò chuyện “Lịch sử Đông Dương qua câu chuyện cuộc săn diệt chuột tại Hà Nội”, Hà Nội, chiều 17/3/2019. Ảnh: thanhnien.vn

Một vấn nạn không thể né tránh

G. Vann (Đại học Sacramento, California, Mỹ) bắt đầu từ một thực tế là vào thời kì đỉnh cao đế quốc, Pháp đã đưa các thế hệ quan toàn quyền, các nhà chiến lược cùng các kĩ sư sang những xã hội bị coi là lạc hậu ở Tây Phi, Bắc Phi, Đông Nam Á, và Châu Đại Dương để thực thi sứ mệnh phát triển, hiện đại hóa và kiểm soát thuộc địa. Khẩu hiệu “khai hóa văn minh” thể hiện niềm tin tưởng chắc chắn vào sức mạnh của khoa học, lí trí và kĩ nghệ trong khả năng giải quyết các vấn đề của vùng nhiệt đới. Đó là lí do khiến cho trên toàn đế quốc, nhất là ở các thủ đô và thành phố, vô số những công trình lớn được dựng lên để minh chứng cho thành tựu của Đại Pháp.

Ở vùng thuộc địa Đông Nam Á, toàn quyền Paul Doumer, ngay khi đặt chân đến Việt Nam vào những năm cuối thế kỉ 19, đã có ý muốn biến Hà Nội thành biểu tượng vĩ đại cho công cuộc khai hóa văn minh thuộc địa. Doumer không muốn kiến tạo một thành phố mới, mà thay vào đó, cải cách và hiện đại hóa một thành phố cổ vốn có của Việt Nam. Hà Nội, như thế, trở thành nơi vinh danh quyền lực thực dân của Pháp, là minh chứng không thể chối cãi cho việc nước Pháp đã thuần hóa và văn minh hóa vùng thuộc địa tụt hậu và man rợ. Nhưng G. Vann không ngần ngại chỉ ra một sự thật trớ trêu rằng, đa phần những gì Doumer cố công thực hiện chẳng là gì ngoài tấm mạng mỏng mảnh che giấu đi sự bất khả chinh phục của thành phố ấy.

Khu dân cư mới dành cho người da trắng ở Hà Nội (khu phố Pháp hay khu phố Tây) do Doumer xây dựng với những đại lộ lớn rợp bóng cây, những biệt thự đồ sộ và sang trọng cùng phòng ốc thênh thang, lừng lững. Kiến trúc đô thị biệt lập ấy, theo G. Vann, thực chất chỉ là một nỗ lực hòng che chắn cộng đồng Pháp khỏi những thực tế đời sống ở Đông Dương, cố công xóa bỏ, hay ít nhất che giấu những khía cạnh khó chịu của đời sống thuộc địa, trong đó phải kể tới khí hậu khắc nghiệt, và mối đe dọa dịch bệnh nhiệt đới mà trường hợp cuộc săn bắt chuột được G. Vann khảo sát là một minh họa sinh động.

Vào thế kỉ 19, chuột chỉ là một trong rất nhiều khía cạnh khó chịu của đời sống thuộc địa. Tuy nhiên, ban đầu, cộng đồng da trắng không có gì phải lo lắng. Chuột và bệnh dịch hạch vẫn chỉ là vấn đề riêng của khu phố bản địa, chừng nào chúng còn bị giới hạn trong khu phố người Việt bẩn thỉu, đông đúc và hỗn loạn, chuột vẫn có rất ít đe dọa đối với đời sống của cộng đồng da trắng.

Ngược lại, nhà cửa của người da trắng được trang bị hệ thống cấp và xả nước với đầy đủ công trình phụ (nhà vệ sinh) – một thành tựu của kiến trúc Pháp hiện đại. Những biểu tượng cho sự tiến bộ và trật tự này đảm bảo ưu thế của họ, ngay cả trong những hoạt động riêng tư nhất. Và đương nhiên, có thể tưởng tượng được người Pháp đã bị sốc và kinh hoàng đến thế nào khi phát hiện ra việc những con chuột đã sử dụng chính những đường ống cấp thoát nước trong nhà họ để làm một lối vào bí mật.

Chính quyền thực dân nhận ra rằng hệ thống đường ống ngầm tối tăm đã trở thành khu vực lí tưởng dành cho họ hàng nhà chuột sinh sản với một tốc độ không thể tưởng tượng nổi và bắt đầu tràn ra khỏi nơi trú ẩn dưới lòng đất để đi kiếm thức ăn. Ống cống, đúng như thế, theo nghĩa đen, đã đưa loài vật gặm nhấm này tới từng hộ gia đình. Tệ hơn nữa, hệ thống cống ngầm, vốn là niềm tự hào của chính quyền thực dân, đang khiến chuột trở thành vấn nạn chung mà người da trắng cũng không thể né tránh. Tình hình trở nên thật sự nghiêm trọng khi các ca bệnh có dấu hiệu dịch hạch bắt đầu xuất hiện, không chỉ ở khu vực bản địa trong thành phố, mà ngay trong những căn biệt thự sang trọng.

Chính quyền thành phố đã phản ứng một cách ráo riết, lập tức điều động các đội săn bắt chuột chui vào hệ thống cống ngầm của thành phố vào mùa xuân 1902.

Đương nhiên, người Pháp không thuê các nhân công da trắng làm công việc này. Thay vào đó, họ dùng người lao động bản địa bởi bất cứ công việc nào liên quan đến cống rãnh, chứ chưa nói gì đến việc bắt chuột, đều là quá hạ thấp đối với người da trắng. Tiền công dành cho người bắt chuột tùy thuộc vào số lượng chuột bị giết, đây chính là động lực thúc đẩy việc tiêu diệt chuột ở mức tối đa.

V. Gann xem đây là một vận may cho người bản địa bởi chẳng thiếu gì chuột trong các đường cống ngầm. Những con số đáng kinh ngạc đã được ghi nhận: Trong tuần đầu tiên, từ 26/4 đến 1/5/1902, số lượng chuột bắt được là 7.985 con. Khi những người săn chuột ngày một chuyên nghiệp hơn với kĩ năng hoàn thiện hơn, số lượng chuột mỗi ngày lên tới hơn 4.000 con vào giữa tháng 5, và vẫn tiếp tục tăng theo cấp số nhân. Vào 30/5, đã có tới 15.041 con chuột bị diệt trừ. Đến giữa tháng 6, báo cáo lên đến đỉnh cao với 10.000 con. Có thể kể tới những ngày đáng chú ý như ngày 12/6, tài liệu lưu trữ là một minh chứng rõ ràng cho cái chết của 20.114 con chuột. Đối với các viên chức Pháp và đội ngũ sát thủ được thuê mướn người Việt, hệ thống cống ngầm là một nguồn vô tận để kiếm tìm loài gặm nhấm này.

Cuộc săn chuột lớn đã tạo ra một cảnh tượng đáng kinh ngạc. Không khí trật tự và văn minh của khu phố Tây, như vốn được thể hiện qua hình ảnh những con phố thẳng tắp và những tòa nhà đá trắng hùng vĩ, giờ đây bị phá vỡ bởi sự tràn lan của đội ngũ người bản địa chui xuống và trồi lên từ những nắp cống. Thật khó hình dung nổi một cảnh tượng nào có thể phi lí hơn hình ảnh một công chức thuộc địa, vận bộ đồ trắng từ đầu đến chân đang trên đường về căn biệt thự lớn của mình thì bắt gặp một nhân công cống rãnh bản địa mình đầy rác rưởi, treo trên mình hàng trăm xác chuột đẫm máu. Đây rõ ràng là sự vi phạm công khai trật tự thuộc địa. Nhiều tài liệu đã ghi nhận phản ứng từ phía những người đứng đầu Bắc Kỳ. Dường như các thành viên cộng đồng da trắng đã bắt đầu phàn nàn về sự hiện diện nhếch nhác, hình ảnh mất vệ sinh và mùi hôi thối của những người bắt chuột bản địa, trong một tâm thế phân biệt chủng tộc nặng nề đặt người bản địa ngang hàng với chuột – cả hai đều là những con vật truyền bệnh đang lan tràn trong khu phố da trắng.


Cuốn sách của Michael G.Vann được minh họa bởi họa sĩ Liz Clarke. 

Ở đây chúng ta chứng kiến một sự pha trộn mỉa mai giữa nghịch lí nực cười và thói đạo đức giả: người Pháp chiếm đóng Hà Nội và buộc người Việt phải xây dựng một thành phố xa hoa cho người da trắng, nhưng khi người Pháp dùng người Việt để làm sạch đám cống rãnh lúc nhúc những chuột, thì cộng đồng da trắng lại không chịu nổi hình ảnh của những người bản địa bẩn thỉu trên đường phố của họ. Sự bất công gần như đã được đẩy lên đến đỉnh điểm.

Trong khi đó, G. Vann lật lại vấn đề khi nhìn một cách công bằng, săn bắt chuột cũng là một công việc không mấy dễ chịu với người Việt: phải chui vào đường ống cống tối tăm chật chội, lội qua những thứ xú thải dưới đủ các dạng thức đang phân hủy, và săn lùng một con vật hoang dã tương đối hung dữ mang trong mình bọ chét, mầm bệnh dịch hạch cùng các mầm bệnh lây nhiễm khác. Đó là chưa kể tới việc dưới cống ngầm rất có thể còn có sự hiện diện của nhiều loài động vật nguy hiểm khác. Nhất là khi những con chuột đã quá quen thuộc với lối săn bắt hằng ngày, cuộc rượt đuổi càng trở nên khó khăn hơn đối với những người làm công.

Đến tháng 7/1902, những người săn bắt chuột bản địa không còn hài lòng với mức lương cũ. Vào tháng 6 và tháng 7, đối mặt với nguy cơ đình công, chính quyền đồng ý tăng tiền hoa hồng cho mỗi con chuột từ 1 cent lên 2 cent. Sự thay đổi này vẫn chưa đủ để thúc đẩy những người làm công, và đến năm 1904, mức thưởng tăng lên tới 4 cent cho một xác chuột chết.

Thất bại thảm hại của chiến dịch diệt chuột

Khi cuộc săn lùng tiếp tục, một thực tế càng lúc càng lộ rõ là kế hoạch đưa người làm công bản địa xuống hệ thống cống ngầm đã hoàn toàn thất bại trước số lượng chuột ngày một gia tăng không ngừng. Khả năng sinh sản của kẻ thù có lông ấy đơn giản là quá lớn đến mức nhà nước thuộc địa khó lòng tự xử lí nổi. Nhằm chống lại sự phá hoại của chuột trên toàn thành phố, chính quyền thuộc địa đã mở rộng đội ngũ săn bắt chuột, biến công việc này thành nghĩa vụ công dân. Để tăng sức hấp dẫn về thù lao, số tiền thưởng được trả cho mỗi đuôi chuột mà người dân đem nộp cho chính quyền là 1 cent (sau khi nhận thấy việc nộp toàn bộ xác chuột sẽ tạo ra gánh nặng cho cơ quan y tế thành phố). Thật không may, kế hoạch này phản tác dụng.

Khi ban quản trị thành phố công bố chế độ khen thưởng, người Việt bắt đầu mang hàng ngàn đuôi chuột tới. Trong khi những công chức bàn giấy cảm thấy vui mừng vì số lượng chuột bị trừ diệt, các quan chức cảnh giác hơn bắt đầu nhận thấy sự gia tăng bất thường này có gì đó đáng ngờ. Nhiều người đã nhìn thấy những con chuột không đuôi trên đường phố. Sau những phản ứng lúng túng, chính quyền dần nhận ra rằng có sự thiếu trung thực trong việc bắt chuột: rất nhiều chuột đã được bắt nhưng chỉ cắt đuôi rồi được thả cho sống tự do (rất có thể để tiếp tục sinh sản và tạo thêm những cái đuôi đáng tiền khác).

Sau đó, tình hình trở nên nghiêm trọng hơn khi các thanh tra y tế phát hiện ra hiện tượng bất thường đáng lo ngại ở các vùng ngoại ô Hà Nội: chuột đang được người dân bản địa nuôi để đổi lấy tiền thưởng. Không khó để hình dung ra nỗi thất vọng của chính quyền thành phố khi nhận ra nỗ lực mạnh mẽ của họ trong công tác diệt chuột lại đã gián tiếp làm tăng số lượng loài gặm nhấm này. Rõ ràng, đây là điều người Pháp đã không thể hình dung trước ngay khi vừa bắt tay vào một kế hoạch hành động tưởng chừng hoàn hảo. Đối mặt với những mưu mẹo gian lận ấy, chế độ thuộc địa buộc phải dừng việc thưởng tiền cho người bắt chuột.

Cuối cùng, chiến dịch thất bại thảm hại. Sự bùng nổ của loài vật gây hại này đã trở nên dường như không thể ngăn cản trong những năm trước Thế chiến Thứ nhất. Bệnh dịch hạch bắt đầu phát ở Hà Nội vào năm 1903.

Dù trong triển lãm quốc tế thuộc địa, Doumer vẫn cố công khắc họa Hà Nội như một thành tựu về khai hóa văn minh và vệ sinh trong biên niên sử khoa học Pháp, thực ra đã có một cuộc khủng hoảng y tế nghiêm trọng.

Đến năm 1906, Tòa Thị chính báo cáo đã có một đợt bùng phát dịch hạch “dữ dội” gây ra nhiều cuộc di cư khỏi thành phố và sự suy thoái kinh tế nghiêm trọng. Sự dịch chuyển khỏi Hà Nội chỉ làm lan tràn hơn nữa dịch bệnh sang các tỉnh khác, dẫn tới sự suy sụp của sản xuất nông nghiệp, từ đó lại tạo thành làn sóng di cư ngược về Hà Nội. Vô số người nghèo, người ăn xin và người vô gia cư lên thành phố để trốn chạy nạn đói đã tràn ngập khắp đường phố – một khung cảnh hỗn loạn xóa bỏ mọi ảo tưởng về một Hà Nội văn minh trật tự nhờ ân sủng kiến tạo của nước mẹ Đại Pháp.

Ngay trong trường hợp đơn lẻ này về cuộc săn bắt chuột, mọi nỗ lực kiểm soát bản địa của Pháp đã gần như bị hóa giải. Sự quấy phá không thể chế ngự của loài gặm nhấm này, như G. Vann gợi ý, có lẽ nên được hiểu như là biểu tượng cho những giới hạn quyền lực của chính quyền thực dân. Trong khi người Pháp cố công xây dựng lại Hà Nội, khắc tạc một dáng vẻ hiện đại và sạch sẽ cho thành phố thì những con chuột ngang nhiên chế nhạo những cố gắng ấy. Như một sự sỉ nhục chua cay, những con chuột đã biến hệ thống thoát nước trong khu phố của người da trắng – một biểu tượng quyền lực cho tính hiện đại – thành địa bàn cư trú và sinh sôi lí tưởng.

Trường hợp này, với Michael G. Vann, đủ sức lí giải cho những thất bại khác của chính quyền thực dân trên chính lãnh thổ Việt Nam khi quá thường xuyên, những nỗ lực riết ráo nhất trong công cuộc “khai hóa văn minh” của Pháp lại trực tiếp mở đường và cho ra đời những mầm mống kháng cự và lật đổ (đương nhiên, hệ thống giáo dục Pháp không nằm ngoài số đó).□

——

1 The Great Hanoi Rat Hunt: Empire, Disease, and Modernity in French Colonial Vietnam, Oxford University Press, 2018 ra đời từ chính công trình nghiên cứu cá nhân của Michael G. Vann.

Tác giả

(Visited 37 times, 1 visits today)