Những con đường xứ Flandre

Đi trên những con đường xứ Flandre, không thể không nghĩ đến tiểu thuyết Những con đường xứ Flandre của Claude Simon, Nobel văn học. Rồi nghĩ đến người dịch Dương Tường. Giá có Tường cùng đi với chúng tôi, cùng nâng cốc với chúng tôi (nghĩa là tôi, Dương Thụ và Kamal Nguyễn), cùng nhìn những cây bạch đàn lá nhỏ ánh bạc, khu rừng xa xa rực lên trong nắng thu vàng...

Buổi chiều Kamal hẹn sẽ về ăn cơm với chúng tôi rồi đi Bruxelles. “Đi về kịp chán. Chỉ 9 giờ là tới nhà thôi”. Thế nhưng rồi anh đổi ý, đưa chúng tôi đến Bailleul, một thành phố nhỏ nằm trên một ngọn đồi. Nói chung các thành phố thuộc xứ Flandre thường đóng trên những ngọn đồi. Từ xa lộ rẽ vào một con đường vắng quanh co giữa rừng, rồi ngược dốc, trước mặt ta bỗng hiện ra một đại lộ, một quảng trường rồi những dãy phố với hai bên là những cửa hàng, những biệt thự xinh xinh ẩn trong tán lá cổ thụ. Kamal bảo tôi:
– Ngày đầu tiên anh đến đây, chúng ta ăn ở vùng Flandre. Anh cứ ao ước được trở lại Flandre một lần nữa. Ngày mai anh về Paris rồi vì thế không đi Bruxelles nữa mà về Flandre.


 Kamal Nguyễn và Bùi Ngọc Tấn trong một quán bia xứ Flandre thuộc Bỉ

Kamal Nguyễn là một người như vậy. Anh ghi nhớ tất cả, quan tâm đến những mong muốn nhỏ nhất của chúng tôi. Chúng tôi vào quán De Vierpot vì cái cối xay gió liền bên với những cánh quạt bất động trên trời cao mời gọi. Bia Leffe. Thứ bia Kamal bảo: “Nồng nàn quá”. Biết tôi rất thích ngao du thám hiểm xứ Flandre bởi Simon và Dương Tường, những tác giả dịch giả anh cũng đã đọc từ tiếng Pháp và từ tiếng Việt, Kamal lái xe đưa chúng tôi đi sang đồi Mont des Rats, rồi sang Mont Noirt. Và tới Mont Kemmel, một nửa thuộc Pháp, một nửa thuộc Bỉ. Mỗi ngọn đồi xứ Flandre này là một thị trấn nằm trong một khu rừng. Một Đà Lạt hiện đại mà nguyên sơ. Xoai xoải dốc núi là ánh nắng rực rỡ buổi chiều chiếu vào thảm cỏ, từng đàn bò trắng đốm đen yên bình gặm cỏ và những rừng cây đổ bóng.
Đêm ấy trở về Lille chúng tôi thức khuya. Chẳng phải vì sáng hôm sau chia tay (Kamal thuê lái xe đưa tôi và Dương Thụ về Paris) mà vì chuyện văn chương. Kamal là dịch giả tập sách Con đường của một cậu ấm viết về cuộc đời của những người lính thợ Việt Nam ở Pháp, được nhà xuất bản Thanh Niên mới ấn hành. Anh muốn chúng tôi góp ý về cách dịch của anh. Rõ ràng thắng lợi bước đầu làm anh rất vui.
– Tôi muốn dịch để nâng cao trình độ tiếng Pháp và nhất là trình độ tiếng Việt của mình. Để có thể hiểu được hết cái hay, cái đẹp khi đọc sách xuất bản trong nước.
Tấm lòng người Việt xa xứ nào không hướng về đất nước. Nhưng ở Kamal nó biến thành những hành động cụ thể. Trong tủ sách của anh tôi thấy khá nhiều sách tiếng Việt trong nước xuất bản. Những tiểu thuyết, tập truyện ngắn và những sách nghiên cứu về ngôn ngữ Việt. Treo ở vị trí trang trọng nhất là lá cờ đỏ sao vàng nhỏ có chữ ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong một lần về Hà Nội biết mình sẽ được gặp Đại Tướng, Kamal vội đi mua một lá cờ đỏ sao vàng để mang theo và anh đã xin được chữ ký của Đại Tướng trên lá cờ ấy:
– Tôi đã quyết định tặng lá cờ này cho Hội Việt Kiều. Nó chỉ còn trong nhà tôi ít ngày nữa thôi.
Kamal Nguyễn là người Việt lai Ấn. Anh sinh  năm 1944 tại Sài Gòn. Bố mất năm 1945 khi mẹ anh mới 35 tuổi, nhưng mẹ anh vẫn ở vậy nuôi con dù chồng là người ngoại quốc. Năm 1965 anh được gia đình cho sang Pháp học ngành y. Hai mươi tuổi, một mình sống ở nước ngoài rất dễ sa ngã. Có hai người trong gia đình luôn là những tấm gương động viên anh. Đó là mẹ anh mà anh nói dù là một phụ nữ thất học nhưng luôn sống với lương tri Việt Nam. Và người anh ruột: Abdul Nguyễn Cang, Giám đốc thương mại Air Cambodge. Abdul Nguyễn Cang đã sang Moscou học tiếng Nga, đã từng phiên dịch cho Chu Ân Lai và Sihanouc. Trong thời gian chống Mỹ, trên cương vị của mình ở Air Cambodge, Nguyễn Cang đã tổ chức một đường dây để nhiều cán bộ cao cấp của ta vào miền Nam bằng đường hàng không, thay vì phải đi đường mòn Hồ Chí Minh, vừa nhanh vừa bảo đảm an toàn. Anh hiểu phải sống và học tập như thế nào để xứng đáng với mẹ, với một gia đình cách mạng. Sống trước tiên không phải vì mình mà vì người khác. Và không ngừng học tập. Theo học y khoa 4,5 năm, có thể kiếm được tiền ở Pháp, nhưng khi mẹ bị ung thư, anh xin về Sài Gòn phụng dưỡng mẹ cho đến khi mẹ mất. Rồi trở lại Pháp thi tốt nghiệp, học thêm phụ khoa, châm cứu, và không dừng ở đó, anh còn học thêm kinh tế, quản trị xí nghiệp. Kamal nói:
– Tôi đã ra Hà Nội để tìm hiểu sự khác nhau giữa hai miền Nam Bắc. Kết luận của tôi là có khác nhau một chút về tư duy. Nhưng vẫn là cùng một nền văn hóa, vẫn cùng đọc Truyện Kiều.
Thật là một kết luận độc đáo chỉ có Kamal mới có.
Năm nào Kamal cũng về Việt Nam, có năm về hai, ba lần. Không chỉ về chơi mà còn vì công việc. Mấy năm gần đây, miền Bắc nước Pháp (trong đó có Lille, thành phố anh cư trú) có chương trình giúp các tỉnh miền Trung Việt Nam (Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam), anh đã về Việt Nam nghiên cứu xem mình có thể đóng góp được gì. Thật may, anh gặp ông Nguyễn Văn Thình, nguyên Đại sứ của Cộng đồng Châu Âu tại Việt Nam đã nghỉ hưu, cũng cùng một nguyện vọng như anh. Ông Thình có sáng kiến làm một chương trình tin học hóa nông thôn, giúp cho những vùng sâu vùng xa dùng vi tính cập nhật thông tin và đã được Chính phủ Việt Nam ủng hộ. Có nhiều nội dung: Văn hóa, nông nghiệp, y tế… Kamal cộng tác với các bác sĩ Việt Nam, lập trình phần mềm về y tế.
– Khổ nhất là người nông dân. Trong nông dân, khổ nhất là chị em phụ nữ. Đừng quên điều đó.
Kamal nói với tôi như vậy. Về nước, Kamal hiểu tất cả những lề thói tiêu cực đang xẩy ra. Càng thương bà con trong nước, càng thương đất nước, anh càng yêu Việt Nam đúng với thực trạng như nó có. Và càng thấy trách nhiệm của mình.
Kamal tâm sự:
– Dịch sách quả là một công việc nặng nhọc. Có những câu tôi phải dịch đi dịch lại tới 10 lần. Nhiều trí thức Việt kiều điện cho tôi, nói là sau khi đọc tập sách tôi dịch, họ yêu tiếng Việt hơn. Đấy cũng là một mục đích của tôi.
Có thể nói Kamal có một tư duy thuần Việt, cho dù anh sống ở Pháp đã mấy chục năm. Một buổi trưa, tôi đang ngồi nhà với Kamal, thì một cô gái bước vào, hôn nhẹ lên má tôi. Kamal bảo:
– Anais, con gái út tôi đó. Cháu 24 tuổi. Tuổi Thân. Tôi cũng tuổi Thân. Giáp Thân. Năm nay (2004) cũng lại là năm Giáp Thân. Đúng một chu kỳ rồi đây.
Anh nói ngày sinh của anh và khi biết vào dịp đó tôi cũng có mặt ở Hà Nội để họp mặt truyền thống đội thanh niên xung phong tiếp quản Thủ Đô, anh reo lên:
– Thế thì chắc chắn anh phải đến dự sinh nhật tôi rồi. Năm nay tôi sẽ tổ chức sinh nhật ở Hà Nội.
Rồi anh tính toán số lương hưu khi anh về hưu.
– Hơn hai nghìn ơ rô một tháng. Đủ sức để về sống ở Việt Nam anh nhỉ?
Tôi xa Lille, xa Kamal Nguyễn đã một năm. Vị  ủy viên chấp hành Hội Việt kiều toàn nước Pháp đồng thời là Chủ tịch Hội Việt kiều thành phố Lillle ấy vẫn đang hành nghề bác sĩ ở Lille. Vẫn đánh vật với việc dịch sách. Và vẫn đi đi về về Việt Nam với những chương trình phần mềm phục vụ nông thôn các tỉnh miền Trung.

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn 
Nguồn tin: Tia Sáng

Tác giả