Những di sản ngoài vùng xếp hạng

Câu chuyện dỡ bỏ để xây mới Nhà thờ Trà Cổ (TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) hơn 120 tuổi cho chúng ta biết nhiều hơn về những khúc mắc trong công tác bảo tồn di sản.


Nhà thờ Trà Cổ trước khi được dỡ bỏ để xây mới.

Công giáo được truyền vào Việt Nam từ cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17 bởi các giáo sĩ phương Tây nhưng những nhà thờ nổi tiếng nhất hiện nay (Nhà thờ Lớn – Hà Nội; Nhà thờ Phát Diệm – Ninh Bình; Nhà thờ Đức Bà, Nhà thờ Tân Định – TP Hồ Chí Minh; Nhà thờ Mằng Lăng – Phú Yên; Nhà thờ Trà Cổ – Móng Cái; Nhà thờ gỗ Kon Tum…) đều được xây vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, sau khi triều đình Huế ký Hiệp ước Giáp Thân 1884, công nhận sự bảo hộ của Pháp và Công giáo Việt Nam được tự do, công khai hoạt động. Những nhà thờ kiểu dáng Gothic hay Roman với tháp chuông có khi cao đến hơn 50 mét hẳn là những công trình kiến trúc đồ sộ đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam, và bởi vậy, giá trị lịch sử của chúng là điều không phải bàn cãi, chưa kể đến giá trị kiến trúc.

Thế nhưng, bạn hẳn sẽ bất ngờ nếu biết rằng, không có nhà thờ nào trong số những nhà thờ kể trên được xếp hạng di tích lịch sử-văn hóa cấp tỉnh hay quốc gia, trừ Nhà thờ Phát Diệm (được xếp hạng di tích quốc gia). Một chuyên gia kỳ cựu trong lĩnh vực di sản văn hóa cho biết, quy trình xếp hạng di tích được làm “từ dưới lên” và phải xuất phát trước hết từ mong muốn của tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý di tích. Sau khi chủ sở hữu di tích có đơn đề nghị xếp hạng gửi Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch ở địa phương thì lúc đó các bước lập tờ trình đề nghị xếp hạng di tích cấp tỉnh, di tích quốc gia hay di tích quốc gia đặc biệt mới được triển khai. Tuy nhiên, cho đến nay, mong muốn được xếp hạng chưa xuất hiện ở các giáo xứ, mặc dù các cán bộ di sản đã tìm đến gợi ý và thuyết phục đối với nhiều trường hợp, vị chuyên gia đề nghị không nêu tên trao đổi với Tia Sáng. Nguyên nhân chủ yếu là do các giáo xứ vẫn còn e ngại những ràng buộc về thủ tục pháp lý. Khi không thuộc hệ thống di sản nào thì mọi việc từ sửa chữa, nâng cấp đến phá dỡ để xây mới của nhà thờ chỉ phải tuân thủ các yêu cầu về kỹ thuật, chứ không bị ràng buộc bởi yêu cầu bảo đảm tính nguyên gốc theo Quy chế Bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích lịch sử-văn hóa.

Điều này giải thích vì sao nhà thờ Trà Cổ, ra đời vào những năm 1880, lại được phép phá đi để xây mới, thay vì được bảo tồn tôn tạo như suy nghĩ của nhiều người. Linh mục Ngô Văn Vàng, Chánh xứ Giáo xứ Trà Cổ, giải thích, trải qua hơn trăm năm tồn tại, nhà thờ giáo xứ Trà Cổ đã xuống cấp, có nguy cơ mất an toàn cho những giáo dân đến làm lễ nên “chúng tôi đã xin phép các cơ quan chức năng để xây dựng nhà thờ mới. Công trình mới sẽ vẫn giữ những hoa văn, họa tiết của nhà thờ cũ nhưng quy mô hơn, đáp ứng nhu cầu đi lễ của 1.500 giáo dân nơi đây”1.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Giám đốc chuyên môn của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, nhu cầu xây mới nhà thờ để phục vụ cộng đồng giáo dân ngày càng đông cần được hết sức tôn trọng, mặc dù việc phá dỡ công trình hơn 120 tuổi này thật vô cùng đáng tiếc. Trước nhà thờ Trà Cổ, ông đã từng chứng kiến một số nhà thờ cổ ở Nam Định cũng được phá đi để xây mới với lý do tương tự. “Theo tôi, không phải các cha xứ không hiểu giá trị lịch sử, giá trị kiến trúc của công trình, nhưng mối quan tâm trước hết của họ là giá trị phục vụ giáo xứ của nó.” Một điều đáng nói nữa là, sau khi được xây mới, to hơn trước thì các bức tượng trong nhà thờ cũ không còn thích hợp nữa, thế là theo nhiều con đường, chúng trôi nổi đến các cửa hàng bán đồ lưu niệm, đồ cổ ở các thành phố lớn, ông Huy cho biết.

Rõ ràng ở đây xuất hiện một mâu thuẫn điển hình giữa bảo tồn và phát triển. Để giải quyết mâu thuẫn này, PGS.TS Nguyễn Văn Huy cho rằng, “với những nhà thờ được xác định thật sự có giá lịch sử-văn hóa thì chính quyền địa phương nên cấp một khu đất để xây mới khi có nhu cầu mở rộng phục vụ giáo xứ, trong khi vẫn bảo tồn công trình cũ như một địa điểm bảo tàng, tham quan.” Còn trong trường hợp việc dỡ bỏ để xây mới là bất khả kháng, theo ông Huy, nhất thiết phải tư liệu hóa di tích (chụp ảnh, ghi hình, vẽ lại sơ đồ thiết kế…), một việc hoàn toàn trong tầm tay. Bên cạnh đó, các tượng thánh, hoa văn, bản khắc… của nhà thờ cần được đưa vào bảo tồn ở các nhà lưu niệm, thậm chí là bảo tàng của giáo xứ. “Đây không phải là sáng kiến gì mới, đã có một số giáo xứ làm rồi, chỉ có điều nội dung và cách trưng bày chưa đạt đến độ chuyên nghiệp,” ông Huy cho biết.

Trong khi đó, vị chuyên gia về di sản văn hóa đã đề cập ở trên tin rằng, giải pháp căn cơ nhất vẫn là thuyết phục các giáo xứ đồng thuận đưa công trình của mình vào các hệ thống xếp hạng di tích, tùy theo giá trị của nó. Còn trong khi chờ thuyết phục thành công các giáo xứ, theo ông, các cơ quan quản lý xây dựng và văn hóa ở địa phương cần tư vấn tốt hơn cho các giáo xứ mỗi khi họ có nhu cầu chỉnh trang, tu bổ hoặc xây mới nhà thờ.

Song ở chiều ngược lại, làm thế nào để thay đổi quan điểm của các chủ sở hữu, khiến họ mong muốn di tích của mình được xếp hạng, dường như vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ. Theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy, không chỉ riêng các nhà thờ Công giáo, mà nhiều di sản đích thực khác cũng đang ở ngoài vùng xếp hạng. “Có một thực tế là nếu không cần danh thì chủ sở hữu các di tích sẽ hết sức thận trọng trong việc nộp đơn đề nghị được xếp hạng,” ông nói. Thậm chí, một số chủ sở hữu di tích đã “bước vào” vùng xếp hạng giờ lại muốn “bước ra”. “Những quy định, thủ tục rườm rà và cứng nhắc đối với nhiều hoạt động, từ bảo quản, tu bổ đến phục hồi, đang gây phiền hà cho nhiều chủ sở hữu di tích. Như trường hợp nhà thờ họ Nguyễn Khả Trạc ở quận Cầu Giấy, Hà Nội – một di tích đã được thành phố xếp hạng, chủ sở hữu mất hàng chục năm làm đơn mà vẫn không được chấp thuận cho nâng nền, trong khi hệ thống đường xung quanh đều nâng cao, khiến di tích bị ngập nặng mỗi khi trời mưa. Họ từng nói sẵn sàng trả lại bằng công nhận di tích để bảo vệ nhà thờ tổ. Hãy so sánh, một đằng dễ dàng xin được phép dỡ bỏ để xây mới, một đằng chỉ xin nâng nền thôi cũng khó. Cách đối xử với di tích cứng nhắc và chưa tương xứng như vậy mà không thay đổi thì ai dám tự nguyện đưa di tích của mình vào diện xếp hạng,” ông Huy nói với Tia Sáng.
————-
1 http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20170313/xay-moi-nha-tho-tra-co/1279616.html

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)