Những đồng tiền không chính thống (bài 2)

Chúng ta đã nói đến đồng tiền Thái Bình Thông Bảo của nhà Mạc ở Cao Bằng và có thể cả của chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Nhà Mạc ở Cao Bằng còn có hai đồng tiền khác cũng thông dụng đó là đồng Thái Bình Thánh Bảo và An Pháp Nguyên Bảo.

Mẹ em tham thúng xôi dền
Tham con lợn béo, tham tiền Cảnh Hưng
Em đã bảo mẹ rằng đừng
Mẹ hấm mẹ hứ mẹ bưng ngay vào
Bây giờ chồng thấp vợ cao
Như đôi đũa lệch so sao cho vừa.
(Ca dao)

Bao giờ lúa mọc trên chì
Voi đi trên giấy, Tây thì về Tây.
(Ca dao)

Theo Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn mà Allan Barker trích dẫn, nguyên văn như sau: Nhà Mạc đúc tiền gián nhỏ, có mấy chữ Thái Bình An Pháp (gọi là tiền gián), cũng vì thuyền chở mà chạy vào cả Thuận Hóa. Họ Nguyễn trước có lệ khi mới nối nghiệp thì theo kiểu ấy, mà đúc tiền gián nhỏ, dùng chữ Thái Bình. Nay ở dân gian còn độ một vài phần, cũng lấy 3 đồng ăn 1 đồng. (Lê Quý Đôn toàn tập, Tập 1, Phủ biên tạp lục, trang 221, viện Sử học, 1977). Như vậy Lê Quý Đôn cũng xác nhận nhà Mạc ở Cao Bằng có đúc hai loại tiền Thái Bình và An Pháp, sau đó nhà Nguyễn vào Đàng Trong có phát hành loại tương tự. Loại tiền nhà Mạc gọi là tiền gián. Theo lệ cổ, một quan là 10 tiền, một tiền là 60 đồng (tiền quý hay cổ tiền). Còn tiền gián được gọi là sử tiền, kích thước nhỏ hơn, một quan là 10 tiền, một tiền là 36 đồng (tiền gián).

Nói tóm lại, một quan bằng 10 tiền. Một tiền bằng 60 đồng tiền quý, hay 36 đồng tiền gián. Vậy một quan bằng 600 đồng tiền quý hay 360 đồng tiền gián. Đây là quy định của thời Nam Bắc triều thế kỷ 16.

Còn có ba đồng tiền tên là Khai Kiến Thông Bảo, Sùng Minh Thông Bảo và Chính Nguyên Thông Bảo, cũng theo Allan Barker, có thể của nhà Mạc phát hành ở Cao Bằng. Điều này cần có thêm những chứng cớ lịch sử. Tại sao tiền quý có giá trị gấp ba tiền gián (theo Phủ biên tạp lục như đã dẫn ở trên), mà một quan đổi được 600 tiền quý, lại chỉ đổi được 360 tiền gián? Phần lớn những giải thích đều không rõ ràng. Ông Nguyễn Khắc Bảo, một nhà Kiều học và sưu tập cổ tiền Việt Nam, cho biết: Quan tiền cũng chia ra làm hai loại đủ và thiếu. Quan tiền đủ thì đổi được 600 tiền quý, quan tiền thiếu thì chỉ đổi được 360 tiền gián. Tại sao cùng là quan tiền lại có tiền đủ và thiếu, cái này có thể so sánh giữa một lạng vàng Tây và một lạng vàng Ta, cùng là lạng, nhưng lạng vàng Tây tính theo kg, còn lạng vàng ta thì nhẹ hơn rất nhiều.

Ba đơn vị Quan – Tiền – Đồng thực ra không nhất định mà tùy thuộc vào từng thời. Một quan luôn là 10 tiền, nhưng một tiền thì ăn từ 60 đến 100 đồng tùy theo thời khác nhau. Theo Wikipedia về Tiền Việt Nam, thời vua Trần Thái Tông một tiền ăn 69 đồng trong dân gian, ăn 70 đồng trong việc công. Thời vua Lê Lợi một tiền ăn 50 đồng. Thời Nam Bắc triều (như trên nói) ăn 60 đồng tiền quý hay 36 đồng tiền gián. Thời Hậu Lê cũng ăn 60 đồng, thời Nguyễn ăn 67 đồng (ở biên giới Trung Quốc).

Tiền quý được đúc bằng đồng chất lượng tốt, tiền gián đúc bằng đồng pha kẽm, chất lượng không tốt lắm, nhưng số người ta lại thích nhận tiền gián để tiêu cho tiện vì giá trị nhỏ hơn. Vào thế kỷ 18, đôi khi người ta đổi ba đồng tiền quý lấy năm đồng tiền gián.

Trong dân gian lưu truyền câu chuyện bà Hồ Xuân Hương vay người bạn tên là Chiêu Hổ năm đồng tiền nhưng không nói rõ là tiền nào. Chiêu Hổ đưa cho bà ba đồng tiền quý, bèn bị bà làm thơ trách:

Rằng bảo vay năm sao có ba
Trách người quân tử nói sai ngoa
Bao giờ thủng thẳng lên chơi nguyệt
Nhớ hái đem về cái lá đa.

Chiêu Hổ họa lại rằng:
Rằng gián thì năm quý có ba
Trách người thục nữ nghĩ không ra
Ừ thì thủng thẳng lên chơi nguyệt
Cho cả cành đa lẫn củ đa.

Vấn đề lằng nhằng và việc đúc tiền này được Lê Quý Đôn đề cập cũng trong Phủ biên tạp lục: Họ Nguyễn trước kia cũng dùng tiền đồng cổ hiệu Khang Hy, dân gian hay phá tiền đồng làm đồ, tiền cũ mỗi ngày mỗi hao. Đỉnh quốc công Nguyễn Phúc Trú từng đúc tiền đồng, kể tốn rất nhiều. Hiểu quốc công Nguyễn Phúc Khoát nghe lời người khách họ Hoàng, mới mua kẽm của người Hòa Lan để đúc tiền, mở trường đúc ở xã Lương Quân, mỗi 100 cân giá tiền 8 quan, tính trừ phí tổn về tiền ăn công ra, còn được 20 quan tiền, vành và nét chữ theo dáng tiền Tường Phù của nhà Tống. Lúc mới đúc tiền rất cứng dầy, tuy có thể đốt chảy nhưng không bẻ gẫy được. Lại nghiêm cấm đúc riêng tiền nên tiền ít khi mỏng quá, việc công việc tư đều tiện tiêu dùng. Thế rồi người ta cất chứa tiền đồng không cho phát ra. Lúc đầu người quý thế tranh nhau xin đúc thêm, đến hơn trăm lò, gọi là tiền Thiên Minh Thông Bảo, trộn lẫn cả chì vào, tiền ngày càng nhỏ mỏng, có thể bẻ gẫy được. Dân gian hiềm tiền xấu, mua bán không thông. Trước một đồng tiền kẽm ăn một đồng tiền đồng, đến nay thì ba đồng mới ăn được một đồng, mà vẫn còn chọn bỏ…

Người xưa đi chợ xâu tiền vào chuỗi thành một vòng dài, gập đôi buộc vào tay nải đeo lủng lẳng trên vai. Nên mới có câu: Vai mang túi bạc kè kè / Nói quấy nói quá người nghe ầm ầm.

Ngoài những đồng tiền nhà Mạc ở Cao Bằng, chỉ có vua Lê và hai dòng tộc nắm giữ binh quyền Đàng Ngoài và Đàng Trong là Trịnh và Nguyễn phát hành tiền. Đến tận thời nhà Nguyễn thế kỷ 19, người ta mới thấy vài đồng tiền không chính thống khác. Đó là đồng Trị Nguyên Thông Bảo và Trị Bình Thông Bảo của quân khởi nghĩa Lê Văn Khôi (1831 – 1834) và đồng Nguyên Long Thông Bảo của quân khởi nghĩa Nông Văn Vân (1832 – 1833).

Theo Allan Barker: Dưới thời Minh Mạng nhà Nguyễn cai trị, chính quyền trung ương bắt đầu sáp nhập những vùng tự trị vào dưới sự kiểm soát của nhà nước phong kiến, và quá trình đó dẫn đến các cuộc khởi nghĩa ở cả miền Bắc lẫn miền Nam. Năm 1833, cuộc khởi nghĩa của Lê Văn Khôi đã kiểm soát được sáu tỉnh phía Nam. Trong cùng thời gian đó, Nông Văn Vân có họ với Lê Văn Khôi và là một Tri châu ở Bảo Lạc đã chiếm được một vùng phía Bắc sông Hồng. Sau hai năm, cuộc khởi nghĩa bị quân nhà Nguyễn đàn áp. Người ta đồn rằng Nông Văn Vân đã trốn vào rừng sau khi tỵ nạn ở Trung Quốc. Ông ta đã bị quân nhà Nguyễn đốt rừng xua ra. Ở phía Nam, Lê Văn Khôi chiếm được Sài Gòn một thời gian, rồi cũng bị quân nhà Nguyễn đánh bại. Người ta nói rằng, sau khi thất bại, Khôi bị đưa ra Huế xử tùng xẻo. Hai ngàn quân lính của Khôi cũng bị xử tử và chôn ở một chỗ ở Sài Gòn, gọi là đồng Mả.

Lịch sử Việt Nam cho biết như sau: Ngày 18 tháng 5 âm lịch, năm 1833, Nguyễn Hữu Khôi, là con nuôi của đại thần nhà Nguyễn Lê Văn Duyệt (tổng trấn Gia Định), nên còn gọi là Lê Văn Khôi, hay Lê Hữu Khôi, cùng với Nguyễn Văn Bột, Thái Công Triều, Lê Đắc Lực… khởi nghĩa ở thành Phiên An (tỉnh Phiên An, tức thành Gia Định, tỉnh Gia Định), chống lại triều đình nhà Nguyễn. Cuộc khởi nghĩa này kéo dài gây tổn thất cho triều đình. (xem Biên niên Lịch sử cổ trung đại Việt Nam, NXBKHXH, 1987). Đến tháng 7 âm lịch năm 1835, cuộc khởi nghĩa của Khôi mới bị đàn áp hoàn toàn, và rất nhiều người bị tàn sát dã man. Cùng thời gian với Khôi, tháng 7 âm lịch năm 1833, Tri châu Bảo Lạc, Tuyên Quang là Nông Văn Vân khởi nghĩa chống triều đình. Thời gian này em của Khôi là Lê Văn Khoa cũng chiêu mộ hơn 3.000 người cùng các thổ ty khởi binh ở Lạng Sơn. Tháng 3 âm lịch năm 1835 cuộc khởi nghĩa của Vân khắp bốn tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên và Tuyên Quang cũng bị dập tắt. Nhà Nguyễn bỏ chế độ lưu quan, trực tiếp nắm các châu huyện xa. (xem sách đã dẫn trên). Như vậy đây là hai cuộc khởi nghĩa ở hai miền đồng thời. Theo Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim, vốn là người Cao Bằng, tên là Nguyễn Hữu Khôi, chạy vào Nam làm con nuôi Lê Văn Duyệt. Vân là anh vợ Khôi, nhân cũng bị quan trách tội và muốn hưởng ứng với Khôi nên nổi lên cùng lúc. Sau khi, hạ thành Gia Định, quân nhà Nguyễn sát hại đến 1.831 người chôn cùng một chỗ gọi là Mả Ngụy. Thành Gia Định bị san phẳng.

Theo Allan Barker, Lê Văn Khôi lấy tước hiệu là Trị Nguyên vương, tiền của Khôi có tên là Trị Nguyên Thông Bảo và Trị Nguyên Thánh Bảo. Các sách khác cho rằng tiền này làm bằng đồng trắng, hợp kim với kẽm, điều này là đúng với thực trạng các đồng tiền đó.

Tuy nhiên theo hai tài liệu của Thierry và Plates (mà Allan Barker dẫn) thì lại cho rằng đồng Trị Nguyên Thông Bảo bằng đồng mới là của Lê Văn Khôi. Plates cho rằng cả hai đồng tiền có kiểu chữ giống nhau và khác với tiền của Minh Mạng lúc bấy giờ. Người ta cũng cho rằng, dân khởi nghĩa hay dùng chữ Bình (bình định, dẹp loạn) trong ăn nói hay đồng tiền.

Do ở Cao Bằng đã có sẵn một số đồng tiền của nhà Mạc như Khai Kiến Thông Bảo, Sùng Minh Thông Bảo và Chính Nguyên Thông Bảo, nên người ta có xu hướng ghép đồng tiền Nguyên Long Thông Bảo vào nhóm tiền nhà Mạc Cao Bằng. Tuy nhiên kiểu chữ của tiền Nguyên Long khác với tiền nhà Mạc, và Nông Văn Vân cũng lấy hiệu là Nguyên Long vương, nên có thể tin rằng đồng Nguyên Long Thông Bảo do nghĩa quân này phát hành. Các đồng tiền Nông Văn Vân cũng như tiền của Minh Mạng đều đúc bằng đồng.

Chúng ta đã đề cập qua nhiều đồng tiền không phải do các vị đế vương mà do các quân khởi nghĩa không chính thống phát hành ít nhất trong vùng cát cứ của mình, thậm chí được tiêu ở những địa bàn rộng hơn. Những đồng tiền đó, như tất cả các bài viết đã in, đều trích dẫn từ cuốn sách Lịch sử tiền đồng Việt Nam của Allan Barker. Allan Barker nghiên cứu lịch sử và tiền tệ Việt Nam dưới góc độ và cách tham khảo tài liệu riêng của ông, nên có nhiều điều chúng ta có thể bàn lại.

Khi xem xét một số đồng tiền chủ yếu do các cánh quân khởi nghĩa và cát cứ tại một địa phương phát hành, mới thấy lịch sử tiền tệ Việt Nam thật thú vị, mặc dù chưa bao giờ thương mại được coi là phát triển. Những năm 1990, khi đi nghiên cứu các tư liệu bản khắc cổ, chúng tôi thấy có hai bản khắc tiền âm phủ ở chùa Láng (Chiêu Thiền tự, Hà Nội) được làm trong thế kỷ 19, cho thấy hình dạng một số đồng tiền có tên hiệu nhà vua trong các triều đại phong kiến, phần nào trùng hợp với công trình nghiên cứu của Allan Barker mà chúng tôi tham khảo, trích dẫn trong suốt loạt bài vừa qua.

Bản khắc ở chùa Láng có tên là Bách Vương Thông Bảo, nghĩa là trăm loại tiền của vua các triều đại. Chữ “bách” thực ra có nghĩa là nhiều, không nhất thiết đúng một trăm. Nhưng ở đây có đúng 100 đồng tiền được chọn lọc theo các đồng tiền mà các triều đại phong kiến đã phát hành. Bên trái có dòng chữ: Án. Thiên hữu tiền tinh. Địa hữu tiền linh. Âm dương đào chú. Tạo hóa quân bình. Thượng thiên địa hạ. Dị tướng đồng hình. Thủy hỏa đoàn luyện. Quân mạch phân minh. Biến thập, thập biến bách, bách biến thiên, thiên biến vạn, vạn biến ức, ức biến triệu, triệu biến hằng hà sa số. Biến hóa chân hình. Cập dữ chúng sinh. Thực dụng vô tận. Cấp cấp như lệnh – Án. Trời có tiền thiêng. Đất có tiền linh. Âm dương hun đúc. Tạo hóa cân bằng. Trên trời dưới đất. Khác tướng cùng hình. Nước lửa rèn luyện. Xâu chuỗi phân minh. Biến mười, mười biến trăm, trăm biến nghìn, nghìn biến vạn, vạn biến ức, ức biến triệu, triệu biến thành vô số như cát sông Hằng. Biến ra tiền thật. Cấp cho chúng sinh. Tiêu dùng vô hạn. Nhanh chóng như sắc lệnh đã ban. Ở bên phải có dòng chữ chạy ngược chiều nhau: Án ma ni bát minh hồng – Hồng minh bát ni ma án.

   

Tiền âm phủ Bách Vương Thông Bảo. Bản in này gồm hai tờ, một tờ in trăm loại tiền của các triều đại vua ở Việt Nam, một tờ vẽ những xâu tiền. Bản in này được dùng trong lễ Thập vật dùng cúng tế cho vong linh rồi đốt như vàng mã. Tuy nhiên qua đây người ta có thể hình dung một số đồng tiền mà các triều đại phong kiến đã phát hành.


(Tính từ trái sang phải các dòng có tên tiền như sau)
Dòng 1: Tông Ninh Thông Bảo – Thiên Cảm Thông Bảo – Minh Đạo Thông Bảo – Càn Phù Thông Bảo – Cự Thụy Thông Bảo – Thần Vũ Thông Bảo – Thiên Thành Thông Bảo – Thiên Phúc Thông Bảo – Thái Bình Thông Bảo – Thiên Đức Thông Bảo.

Dòng 2: Long Phù Thông Bảo – Hội phù Thông Bảo- Quảng Trinh Thông Bảo – Anh Vũ Thông Bảo – Đại Ninh Thông Bảo – Lợi Dụng Thông Bảo – Thiên Huống Thông Bảo – Long Chương Thông Bảo – Chương Thánh Thông Bảo – Long Đại Thông Bảo.

Dòng 3: Trinh Phù Thông Bảo – Cảm Thiên Thông Bảo – Chính Long Thông Bảo – Đại Định Thông Bảo -Thiệu Minh Thông Bảo – Thiên Thuận Thông Bảo – Thiên Ứng Thông Bảo – Khải Định Thông Bảo – Thiên Phù Thông Bảo – Hội Tường Thông Bảo.

Dòng 4:?? Thông Bảo – Thiên Giai Thông Bảo – Trị Bình Thông Bảo – Khai Nguyên Thông Bảo – Thiên Chương Thông Bảo – Kiến An Thông Bảo – Đồng Khánh Thông Bảo – Nguyên Phong Thông Bảo – Thiệu Long Thông Bảo – Bảo Phù Thông Bảo.

Dòng 5: Thiệu Khánh Thông Bảo – Long Khánh Thông Bảo – Đại Trị Thông Bảo – Thiệu Quang Thông Bảo – Khai Hựu Thông Bảo – Khai Thái Thông Bảo – Hàm Nghi Thông Bảo – Hưng Long Thông Bảo – Trùng Hưng Thông Bảo – Thiệu Bảo Thông Bảo.

Dòng 6: Diên Ninh Thông Bảo – Thái Hòa Thông Bảo – Đại Bảo Thông Bảo – Thiệu Bình Thông Bảo – Thuận Thiên Thông Bảo – Hưng Khánh Thông Bảo – Trùng Quang Thông Bảo – Kiến Tân Thông Bảo -Quang Thái Thông Bảo – Xương Phù Thông Bảo.

Dòng 7: Thuận Bình Thông Bảo – Nguyên Hòa Thông Bảo – Thống Nguyên Thông Bảo – Quang Thiệu Thông Bảo – Hồng Thuận Thông Bảo – Đoàn Khánh Thông Bảo – Thái Trinh Thông Bảo – Cảnh Thống Thông Bảo – Hồng Đức Thông Bảo – Quang Thuận Thông Bảo.

Dòng 8: Dương Hòa Thông Bảo – Đại Đức Thông Bảo – Hồng Hóa Thông Bảo – Hoằng Định Thông Bảo – Thuận Đức Thông Bảo – Quang Hưng Thông Bảo – Gia Thái Thông Bảo – Hồng Phúc Thông Bảo – Chính Trị Thông Bảo – Thiên Hựu Thông Bảo.

Dòng 9: Kiến Phúc Thông Bảo – Chính Hòa Thông Bảo – Đức Nguyên Thông Bảo – Dương Đức Thông Bảo – Cảnh Trị Thông Bảo – Đại Nguyên Thông Bảo – Vĩnh Lợi Thông Bảo – Thịnh Đức Thông Bảo – Vĩnh Hòa Thông Bảo – Phúc Thái Thông Bảo.

Dòng 10: Tự Đức Thông Bảo – Thiệu Trị Thông Bảo – Minh Mệnh Thông Bảo – Gia Long Thông Bảo – Cảnh Hưng Thông Bảo – Vĩnh Hựu Thông Bảo -Đồng Đức Thông Bảo – Vĩnh Bình Thông Bảo – Bảo Thái Thông Bảo – Vĩnh Trị Thông Bảo.

Trong cái Bách vương tiền phức tạp này, có đồng tiền chúng ta nhận được ra ngay triều đại phát hành nó, có đồng tiền không rõ thuộc triều đại nào, đây là việc phải khảo cứu nhiều hơn nữa.

Đọc thêm:

Những đồng tiền không chính thống (bài 1)
http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=115&CategoryID=41&News=6748

Tác giả