Những đứa con của làng: Dự báo về một xu hướng sản xuất phim mới

Thành công về mặt nghệ thuật của “Những đứa con của làng”, bộ phim do Nhà nước đặt hàng tư nhân sản xuất, là một tín hiệu đáng mừng cho thấy chỉ có mạnh dạn mở rộng xu hướng xã hội hóa các dự án phim do Nhà nước đầu tư thì mới có thể đặt dấu chấm hết cho những bộ phim “cúng cụ” nhàm chán.

Sau khi kết thúc đợt trình chiếu “Đập cánh giữa không trung”, có một bộ phim khác lặng lẽ ra mắt các phòng chiếu phim nghệ thuật CGV Arthouse, mang cái tựa chỉ thoạt nghe đã thấy rõ tính chất phim nhà nước: “Những đứa con của làng”. Chuyện một phim nhà nước ra mắt không kèn không trống rồi im ỉm đi thẳng về kho lưu trữ đã là “chuyện thường ngày ở huyện”, nguyên nhân thì có muôn vàn nhưng lý do chính vẫn chỉ là vì sự nhàm chán, sáo mòn của những bộ phim được dán mác “cúng cụ” khiến cho khán giả quay lưng. Cá nhân người viết dù theo dõi điện ảnh Việt Nam nhiều năm cũng thường thường bỏ qua các phim nhà nước. Không hợp khẩu vị đã đành, mà sự kém cỏi về chuyên môn đại đa số phim “cúng cụ” thường xuyên làm tôi bực bội. Bởi vậy, lẽ ra tôi cũng đã bỏ qua “Những đứa con của làng” nếu như không vì muốn thử trải nghiệm cảm giác xem phim tại một phòng chiếu arthouse. Tôi là khán giả duy nhất đã mua vé xem phim này hôm đó, và đã sẵn sàng tinh thần để bỏ về sớm. Nhưng hóa ra tôi đã ở lại cho đến khi danh sách đoàn phim chạy hết, bởi vì bộ phim xứng đáng được tôn trọng như thế.

Nói cho chính xác thì “Những đứa con của làng” là một bộ phim do tư nhân sản xuất, được đặt hàng và đầu tư bởi Nhà nước. Đây cũng là một hướng đi mới trong việc sản xuất các sản phẩm điện ảnh có nhiệm vụ tuyên truyền và “Những đứa con của làng” là một trong những dự án đầu tiên, khi được giao cho hãng Hồng Ngát Film sản xuất, và do NSƯT Nguyễn Đức Việt đạo diễn, người từng thực hiện các phim như “Em muốn được làm người nổi tiếng”, “Vũ điệu đam mê”…

Kịch bản do nhà biên kịch Phạm Dũng chấp bút là một câu chuyện thời hậu chiến về một ngôi làng nghèo ở Quảng Trị. Vào năm 1965, xã trưởng Đổng đã dẫn lính Mỹ về làng giết hại hơn một trăm người dân vô tội. 20 năm sau, dân làng mà đứng đầu là ông Thập (NSƯT Trung Anh) một cán bộ cách mạng lão thành, vẫn không thể nào quên được món nợ máu ấy dù cho xã trưởng Đổng cũng đã chết vì bom từ lâu. Hằng năm vào ngày giỗ chung của làng, ông Thập lại chủ trì một nghi lễ trả thù người xã trưởng. Cũng vì mối thù đó mà Đông (Trần Bảo Sơn), con trai của xã trưởng, bị cấm vào làng dù cho anh làm mọi cách để xin ông Thập cho bốc mộ cha đi nơi khác. Cùng lúc đó, cây cầu duy nhất để dân làng có thể dễ dàng qua sông lại cứ nằm dở dang mãi không xây xong nổi dù bà con đã mong ngóng anh chủ tịch xã thực hiện lời hứa cả năm trời. Mối thù và cây cầu thiếu nhịp, như những vết thương nhức nhối, chưa liền miệng, đè nặng lên ngôi làng nghèo qua năm tháng, đang rất cần được hàn gắn bằng lòng nhân ái.

Có lẽ nhiều khán giả sẽ bị đánh lừa bởi trường đoạn mở đầu phim, với chiến tranh khói lửa và những người dân ngã xuống dưới làn đạn giặc, những hình ảnh đã trở thành khuôn sáo trong nhiều phim về cuộc chiến tranh đau thương của dân tộc. Nhưng thật may, phim nhanh chóng chuyển sang thời kỳ hậu chiến với nhịp sống đời thường của những con người quê bình dị. Điểm đặc sắc dễ nhận thấy, đó là các diễn viên đã hết sức cố gắng sử dụng phương ngữ miền Trung và chính yếu tố này nhanh chóng đưa khán giả lại gần với các nhân vật. Sự sống động của nhân vật kết hợp với đường dây tâm lý có chiều sâu khiến cho “Những đứa con của làng” trở thành một bộ phim đầy cảm xúc.

Ở đây phải dành lời khen cho tác giả kịch bản Phạm Dũng, khi ông đã không chỉ xây dựng được một hệ thống nhân vật mạnh mà còn tỏ ra hết sức vững vàng trong việc triển khai cấu trúc truyện đi kèm với phát triển tâm lý. Đây là một điều mà rất hiếm phim Việt Nam, cả tư nhân lẫn nhà nước, làm được. Nó lại càng là một thành quả rất đáng ghi nhận khi “Những đứa con của làng” là câu truyện của nhiều nhân vật mà trong đó hầu như mỗi người đều có một vai trò tương đương, thế nên đi sâu và chi tiết vào nội tâm của tất cả những con người ấy như Phạm Dũng đã làm được là không hề dễ dàng. Vì vậy, việc ông được tao tặng giải Cánh Diều Vàng cho Kịch bản điện ảnh xuất sắc nhất là hoàn toàn xứng đáng.

Kịch bản ấy chắp cánh cho các diễn viên, mà một trong số đó là diễn viên Huy Cường đã lột xác vào vai anh Bè cực kỳ ấn tượng với đầy đủ sự hoang dại của một chàng thanh niên mồ côi. Nhờ vai diễn này, anh nhận được giải Diễn viên phụ xuất sắc nhất của Cánh Diều Vàng, nhưng Huy Cường không phải là người xuất sắc duy nhất. Phải nói rằng dưới sự chỉ đạo diễn xuất của đạo diễn Nguyễn Đức Việt, nghệ sĩ Trung Anh đã có một vai diễn để đời với hình tượng ông Thập rắn rỏi, ngang ngạnh; và Trần Bảo Sơn dù không xuất hiện nhiều nhưng cũng thể hiện rất rõ nét một con người mang những dằn vặt sâu sắc. Cảnh đối mặt của ông Thập và Đông ở hai bên cầu có thể nói là chất chứa được hết năng lượng bùng nổ trong diễn xuất của hai diễn viên này. Ngoài ra cũng phải nói đến diễn viên trẻ Thúy Hằng trong vai cô Bưởi lái đò đã hóa thân trọn vẹn vào người phụ nữ thôn quê bị phản bội trong tình yêu, nhưng vẫn đầy nghị lực sống và khát khao hạnh phúc. Nhờ những nhân vật khó quên, có sức mạnh khiến khán giả phải yêu mến như vậy, nên mặc dù câu chuyện của phim có phần dễ đoán, vẫn để lại nhiều cảm xúc với sự nhân hậu, chân thành và vị tha đến rơi nước mắt. Hoàn toàn không quá khi nói rằng “Những đứa con của làng” đã vượt lên trên được tính chất “tuyên truyền” để trở thành một câu chuyện hay và phổ quát về phẩm giá của con người.

Và sẽ là một thiếu sót rất lớn nếu không nhắc đến phần hình ảnh của phim. Phải nói rằng chính những khuôn hình duy mỹ, được làm ánh sáng chi ly của nhà quay phim Hoàng Dũng đã nâng bộ phim lên thành một bài thơ về hình ảnh. Sự kết hợp ăn ý của đạo diễn và nhà quay phim trong việc chọn từng tiêu cự ống kính, cân chỉnh từng bố cục đã tạo nên một tác phẩm điện ảnh đẹp đến ngỡ ngàng. Có rất nhiều khuôn hình của “Những đứa con của làng” gợi nhớ đến tác phẩm “Salvation” có phần quay phim vô cùng xuất sắc của điện ảnh Đan Mạch, mà các nhà làm phim phương Tây chắc chắn có nhiều sự hỗ trợ về kỹ thuật hơn quay phim Hoàng Dũng. Công tác điều chỉnh màu ở khâu hậu kỳ cũng được làm rất tốt, góp phần làm cho phim thêm đẹp khi phủ lên một sắc nâu vàng trầm buồn, không hề sặc sỡ nịnh mắt mà đậm chất điện ảnh.

Chiến thắng của xu hướng xã hội hóa

Sẽ thật khó để khiến khán giả nô nức đi xem “Những đứa con của làng” vì nó không phải là phim thuộc dòng giải trí thương mại. Về khía cạnh là một phim nghệ thuật, nó cũng không có hào quang từ liên hoan phim quốc tế như “Đập cánh giữa không trung”. Thế nhưng sự giản dị vừa vặn của nó cũng đủ để nó là một bộ phim hay, một câu chuyện đẹp ca ngợi tình người và lòng vị tha, vượt trên thù hận. Những giá trị ấy đã được ghi nhận tại lễ trao giải Cánh Diều Vàng ngày 12/3 vừa qua với Giải thưởng phê bình báo chí và giải Cánh Diều Bạc cho phim truyện điện ảnh xuất sắc. Trong một kỳ giải thưởng không có Cánh Diều Vàng, “Những đứa con của làng” chính là bộ phim đáng được tán thưởng nhất giữa 17 tác phẩm điện ảnh của cả tư nhân lẫn nhà nước. Chỉ tiếc rằng, có lẽ vì kinh phí eo hẹp, bộ phim đã không được đầu tư làm âm nhạc thật chu đáo. Âm nhạc trong phim không những không nâng được câu chuyện mà nhiều khi còn đơn điệu và tẻ nhạt đến mức phá hỏng cả cảm xúc, đây thực sự là nốt lạc điệu duy nhất trong một tổng thể hài hòa của bộ phim.

Thành công về mặt nghệ thuật của “Những đứa con của làng” có thể coi là một tín hiệu đáng mừng, đánh dấu sự thành công bước đầu của việc xã hội hóa các dự án phim do Nhà nước đầu tư. Sắp tới, đạo diễn Victor Vũ, nhà làm phim ăn khách nhất trong dòng phim thương mại, cũng sẽ trình làng bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” do Nhà nước đặt hàng. Chắc chắn đây sẽ là một cột mốc quan trọng giúp xóa dần đi ranh giới giữa phim tư nhân và phim nhà nước. Mong rằng hướng đi xã hội hóa này sẽ được Cục Điện ảnh mạnh dạn mở rộng hơn nữa để một ngày nào đó khán giả Việt Nam sẵn sàng bỏ tiền mua vé xem phim nhà nước, đặt dấu chấm hết cho nạn “phim cúng cụ” vẫn còn đang tồn tại hôm nay. 

Kể từ năm 2003, hằng năm vào đầu tháng Ba, Hội Điện ảnh Việt Nam đều tổ chức lễ trao giải Cánh Diều Vàng cho những tác phẩm điện ảnh sản xuất trong năm trước đó. Năm nay, giải được trao tại TP.HCM vào tối 12/3.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)