Những hài cốt trong lòng núi Sài Sơn: Nạn nhân của giặc Minh?

Một số tư liệu cổ đang củng cố phỏng đoán những hài cốt trong lòng núi Sài Sơn (Hà Nội) chính là chứng tích của một cuộc “nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn” của giặc Minh hồi thế kỷ XV.  

Tại hang Thần trên đỉnh núi Phật Tích (Núi Thầy, Sài Sơn) có một bể xương người khá lớn. Dân địa phương truyền kể rằng đó là hài cốt quân binh của tướng Lữ Gia nhà Triệu (111 TCN). Sau khi bị Lộ Bác Đức đánh thua, Lữ Gia đưa quân lính trốn vào hang. Giặc phát hiện ra đã dùng đá lấp kín cửa hang. Không còn đường thoát, nghĩa quân cả ngàn người đều vùi thây nơi đây. Sau dân địa phương xây một chiếc bể vuông tựa vào vách hang rồi nhặt nhạnh hài cốt trong hang chứa vào đó, lập một bàn thờ nhỏ để hương khói.

Chuyện về bể xương từ lâu gần như đã bị quên lãng, nhưng gần đây vấn đề được xới lên bởi chuyến thám hiểm của một phóng viên trẻ xuống lòng hang. Theo phóng viên này, dưới lòng hang hiện còn rất nhiều xương chưa được thu nhặt, xen lẫn trong đó, có cả những đồng tiền thời Tống và những mảnh gốm vỡ. Nhiều ý kiến của giới khoa học được đưa ra nhưng tất cả đều chỉ dừng ở mức phỏng đoán chứ không có căn cứ chính xác vì chưa có nghiên cứu chính thức nào được tiến hành. GS.TS nhân chủng học Nguyễn Lân Cường cho rằng, có thể những hài cốt này là của quân cờ đen Lưu Vĩnh Phúc bị người Pháp hun khói đến chết khi trốn vào hang cố thủ. Bởi theo ông, nếu là xương của quân Lữ Gia thì trải qua hơn 2.000 năm, xương cốt đã tan thành đất từ lâu rồi. Nhiều người đề nghị nên tiến hành các phương pháp xác định niên đại nhưng ông Cường cho rằng, bể hài cốt này đã nhuốm màu truyền thuyết thì cứ nên để nguyên như thế, không cần nghiên cứu hay động vào đó?!*

Do tình cờ đọc được các bài viết trên mạng về vấn đề này, chợt liên hệ với một số tư liệu có được trong quá trình dịch các văn bản Hán Nôm nên gần đây tôi có đăng ý kiến của mình qua bài Những bộ hài cốt trong hang động núi Sài Sơn không phải của quân cờ đen Lưu Vĩnh Phúc. Trong bài viết, dựa vào ghi chép của Phạm Đình Hổ ở bài ký Du Phật Tích sơn của ông viết vào đầu thế kỷ XIX rằng: “Đêm, nói chuyện về núi Phật Tích, ông anh họ tôi kể, cụ ngoại tôi là quan Bảng nhãn có bà con gái, tức cô ngoại tôi, từ nhỏ đã mộ đạo Phật. …rồi xuất gia đi tu ở chùa Tiên Lữ. Cụ từng đi chơi núi Phật Tích, vào hang thần, hang tối mù, ngày cũng như đêm, … Ở một chỗ hõm, thấy xương người chồng chất, nhũ đá rủ xuống thành trăm thứ kỳ quái…” để phủ nhận ý kiến của GS Nguyễn Lân Cường cho rằng đây có thể là xương của quân cờ đen Lưu Vĩnh Phúc cố thủ trong hang, bị người Pháp hun khói mà chết. Sau đó, tôi dẫn thông tin về tội ác của giặc Minh vào đầu thế kỷ XV để tham khảo: Khi quân Minh xâm lược Đại Việt, nhiều nơi, dân làng bỏ trốn vào hang núi, bị quân Minh phát hiện, chúng đã tàn bạo đốt lửa ở miệng hang hun chết hàng ngàn người. Chuyện này từng xảy ra ở Ninh Bình, Thanh Hóa, khiến Nguyễn Trãi phải viết:

Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn
Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ

Sách Thanh hóa Vĩnh Lộc huyện chí viết: “Thời người Minh chiếm đóng, việc phu phen tạp dịch phiền hà nặng nề, mọi người không kham nổi, có người dẫn đường vào trốn trong động (núi Cô Sơn huyện Vĩnh Lộc). Sau này xã Hoàng Xá nhiều người tránh vào trong đó, bị người Minh truy bắt, phóng hoả rất lớn, người trốn trong động chẳng phân biệt trai gái già trẻ, đều bị thiêu chết hết”. Kết thúc bài viết, tôi cho rằng: Việc hang động ở Sài Sơn còn ám khói, lại tìm thấy ở đây những đồng tiền thời Tống và những mảnh gốm rất giống kiểu gốm sứ thời Trần cho thấy, có thể tại đây cũng từng xảy ra một vụ tương tự như ở Thanh Hóa, Ninh Bình vào cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV, khi quân Minh xâm lược nước ta.

Tuy nhiên gần đây, trong khi đi tìm thông tin về một vị tướng thời Lê sơ, tôi hết sức vui mừng vì đã bắt gặp đoạn văn xác định tội ác của quân Minh ở động Phật Tích trong Đại Việt sử ký toàn thư. Sự kiện này xảy ra vào Năm Canh Tý [1420], được chép ở quyển X, thuộc kỷ nhà Lê như sau: “Năm Canh Tý (Minh Vĩnh Lạc năm thứ 18), mùa hạ tháng tư, Lộ Văn Luật dấy binh ở Thạch Thất, Lý Bân đánh phá được. Lộ Văn Luật chạy sang Ai Lao, dân chúng thì trốn trong hang núi Phật tích và An sầm. Quân Minh dỡ nhà hun động, người trong động bị khói lửa hun đều chết hết, người nào ra hàng cũng bị giết cả, vợ con bị bắt làm nô tỳ”. Vậy là phỏng đoán trước đây của tôi càng thêm có cơ sở. Và lời dân cư địa phương lưu truyền rằng có tới hàng ngàn bộ xương là có thể tin được.

Theo Toàn thư thì vào năm 1417, vua Minh sai Phong Thành hầu Lý Bân giữ chức Tổng binh Chinh Di tướng quân sang thay Trương Phụ trấn giữ Giao Chỉ. Lộ Văn Luật nguyên người huyện Thạch Thất, khi quân Minh tiến hành xâm lược Đại Việt, ông ta đã đầu hàng và được giặc cho làm chỉ huy quân ở Nghệ An. Bấy giờ viên tri phủ Nghệ An là Phan Liêu do bị quan nhà Minh bức bách nên tức giận dẫn quân bắt giết hết quan quân nhà Minh được phái đến rồi đem quân vây thành Nghệ An. Lý Bân phải đem quân đến dẹp. Lộ Văn Luật được cử làm chỉ huy quân tiên phong, song ông ta đã bỏ trốn. Bân cho bắt mẹ già, gia thuộc và anh em của Luật để ép ông ta ra hàng. Lộ Văn Luật vì vậy trở về Thạch Thất dấy binh chống lại Lý Bân và đã xảy ra sự kiện trên.

Nếu ý kiến của tôi về những bộ xương trong hang động núi Phật Tích lại được chứng minh rõ thêm bằng các phương pháp xác định niên đại để đảm bảo tính khoa học thì thiết nghĩ sau đó, Sở Văn hóa Thể thao, du lịch Hà Nội nên cho sửa sang lại đôi chút khu vực bể xương và bệ thờ, đồng thời làm một tấm biển ghi rõ sự thật lịch sử về những nạn nhân chết oan uổng dưới tay quân xâm lược nhà Minh để khách tham quan được biết và xóa đi những lời truyền kể sai lầm trước đây.

—-

* http://vtc.vn/394-284459/phong-su-kham-pha/ts-nguyen-lan-cuong-khong-tin-kho-xuong-da-2100-tuoi.htm

Tác giả