Những khu rừng của Naomi Kawase
Rừng là lối vào một cuộc sống đáng để ta sống.
Có hơn một bộ phim của Naomi Kawase bắt đầu bằng cảnh một tán rừng xanh đang vi vút trong gió, cứ thế liền mấy giây đầu là tiếng lá xào xạc, như thể một bài thiền ngắn trước khi thực sự vào phim, như thể một chiếc cổng Torii – một điểu cư – trong kiến trúc gắn liền với Thần đạo của Nhật Bản, bước qua cổng là vào một cõi nơi mọi điều đều có nghĩa. Dù đó là một hạt đậu, một vòi nước, một con châu chấu, một chiếc mạng nhện, một tiếng cưa gỗ.
Tác phẩm dài đầu tay của Kawase là Suzaku đã bắt đầu như vậy. Sau đó là một thước phim dài cảnh hai người phụ nữ đang ở trong bếp, những chiếc nồi bốc hơi nghi ngút, rồi một bàn ăn nhìn ra cảnh rừng núi đẹp yên ả – nhưng hóa ra cuộc sống của những con người đó lại không yên ả đến thế. Điện ảnh của nữ đạo diễn người Nhật Bản luôn là vậy, tưởng tĩnh mịch nhưng lại đầy biến động, nhưng ngay cả trong biến động không thể đoán biết vẫn luôn có những khoảng không bất động, nơi ta không làm gì ngoài nghe tiếng mưa, ngắm một tia nắng xuyên qua tán lá đa, ngắm một con côn trùng căng mẩy, xới một thìa cơm trắng, chạy giữa những nương trà, trò chuyện với những hạt đậu đỏ.
Suzaku, bộ phim điện ảnh giúp Kawase trở thành nhà làm phim trẻ nhất thắng giải Camera D’Or ở Cannes năm 1997, sau đó cho ta biết về việc ở thị trấn hẻo lánh này, một công trình đường sắt đang được xây lên, mang theo những hy vọng khấp khởi cho con người nơi đó. Nhưng 15 năm sau, công trình bị hủy bỏ, hy vọng tan vỡ, những đứa trẻ nay đã trưởng thành giờ đối mặt với sự tan vỡ của gia đình, những người trẻ nay đã trung niên rơi vào cơn trầm uất khi đối mặt với nửa sau cuộc đời không biết phải làm gì.
Có lẽ hiếm có đạo diễn nào lại xử lý cả ánh sáng lẫn bóng tối ở trình độ bậc thầy như Naomi Kawase. Bà có những cảnh phim như khi một người mẹ cầm ô dắt con bước đi dưới tán cây, ánh nắng xuyên qua tán lá óng ánh như một ảo ảnh, con người như hóa thành muôn vàn chớp sáng hư hư thực thực, hay cảnh phim khi hai cô cháu bước đi giữa hai bên là những vạt rừng, và một cơn mưa đổ xuống, nắng chiếu vào khiến mưa trắng lóa, che mờ cả nhân dạng con người; nhưng đồng thời bà cũng có thước phim tĩnh lúc canh khuya, chỉ có một người đàn ông ngồi im như đá bên người vợ đang bệnh của mình, cả hai như đã biến thành một phần của bóng tối, và xa xăm ta vẫn thấy màu lá xanh của rừng – thứ duy nhất hắt sáng trong đêm.
Rừng thở phập phồng trong thế giới của Kawase. Sinh năm 1969 tại Nara, cố đô một thời của nước Nhật, nơi thiên nhiên đẹp khôn cùng và rừng vẫn còn bạt ngàn, nơi không biết bao nhiêu bài thơ trong Vạn Diệp Tập đã ra đời, nơi được thi sĩ Ono Oyu vịnh bằng mấy câu “Tựa như ánh sáng / của hoa bừng nở”, ở một chốn như thế, Naomi Kawase không thể nào mà không theo đuổi một thứ mà ta tạm gọi là “chủ nghĩa rừng” trong phim của mình. Đó không hẳn là lời kêu gọi sáo rỗng bỏ phố lên rừng như những trào lưu của người giàu hiện đại, sự chữa lành của rừng trong phim Kawase không tuyến tính. Đúng hơn, rừng không chữa gì cả, thậm chí vào rừng là đi thẳng vào những thương tích của mình. Người Nhật có một liệu pháp nghỉ ngơi được gọi là “shinrin-yoku”, hiểu nôm na là tắm rừng, tắm trong rừng, tắm trong bầu không khí tinh sạch của rừng để gột rửa tâm trí. Nhưng trước khi gột rửa tâm trí thì ta lại phải xem có gì đang bám bụi trong tâm trí ta. Và việc làm ấy là đi thẳng vào vết thương.
Trong Nanayo, khi nhân vật nữ chính Saiko rời bỏ Nhật Bản tới Thái Lan thì cô cũng sống trong một ngôi nhà giữa rừng với những người bản địa không hiểu lời cô nói cùng một anh chàng da trắng cũng không hiểu lời cô nốt. Những tưởng rời khỏi một nơi không ai hiểu mình để đến một nơi xa xôi chữa lành tâm trí, nhưng không ngờ nơi đây sự mất kết nối ban đầu còn cơ bản hơn và trầm trọng hơn, cho đến khi cô được học cách massage, học ngôn ngữ của những bó cơ, của xương khớp. Trong The Mourning Forest, một cô y tá chăm sóc người cao tuổi vì đuổi theo một bệnh nhân góa vợ mà cuối cùng cả hai cùng lạc trong rừng suốt cả đêm, và rồi một cơn lũ ập đến. Trong Sweet Bean, một bộ phim tưởng như đặt trong một thị trấn hiện đại, vậy mà sau cùng vẫn dẫn ta vào một trại phong sâu trong rừng, nơi những bệnh nhân phong ly cách khỏi đời sống thông thường nhưng vẫn làm cho nhau những món ăn ngon. Trong phim tài liệu Genpin, rừng lại trở thành nơi trú ngụ một phòng sản phụ của vị bác sĩ đã nửa cuộc đời giúp phụ nữ sinh con không phẫu thuật hay gây tê. Ở đó, những người phụ nữ nằm trên chiếu tatami, trong vòng tay người thân, cảm nhận nỗi đau trong niềm vui đưa một đứa trẻ ra đời. Trong Hanezu, câu chuyện về mối tình tay ba giữa một nghệ sĩ điêu khắc gỗ với người bạn học thuở xưa nay đã có chồng ở miền đất Asuka tương truyền là nơi đất nước Nhật Bản ra đời cũng ngập tràn những khung cảnh về rừng.
“Trong điện ảnh, ta thường coi khung cảnh là nơi mọi thứ diễn ra. Trong phim tôi thì mọi thứ diễn ra trong khung cảnh. Con người là một kiểu vai phụ. Vai chính, vai trung tâm, là khung cảnh”, Kawase nói. Trong phim của bà, sinh nở, cái chết, ký ức, tình yêu, những điệu khiêu vũ… hầu như tất cả đều diễn ra ở rừng, cả rừng trên cạn lẫn rừng dưới nước. Dường như người ta luôn phải vào rừng để bắt đầu hay kết thúc một điều gì đó, để tìm lại hay giấu đi một điều gì đó. Chân lý của rừng luôn giản dị.
Ông già Shigeki trong The Mourning Forest đi tìm lại nơi vợ mình được chôn trong khu rừng già, mang theo hàng chục tập thơ được viết trong 33 năm bà rời khỏi cõi dương gian, và vào phút cuối khi ông úp mặt nằm xuống đất trong tiếng hộp nhạc du dương, ta tự hỏi phải chăng ông đã lựa chọn nằm xuống ở đây, hay ông đã chấp nhận rằng 33 năm là cột mốc để người chết hóa thành một hiện hữu khác cao hơn, và ông sẽ sống tiếp mà không nuối tiếc? Mà có khác gì đâu nếu sống và chết chì là hai cách gọi cho cùng một thứ? Người đồng hành bất đắc dĩ của ông, cô y tá Machiko cũng mang gánh nặng ký ức về đứa con trai đã mất, và khi cô thấy ông già ôm chầm lấy một cái cây cổ thụ có lẽ đã ở đó hàng ngàn năm, phải chăng cô cũng đã thuận được lẽ sống chết ở đời?
Chuyến hành trình xuyên rừng trong bộ phim đã dẫn hai con người một nam một nữ, một già một trẻ vào những tình cảnh lạ lùng. Đêm rét cóng, ông già bị ngấm nước, sốt cao, bên đống lửa bập bùng, nữ y tá trẻ liền cởi bỏ y phục của mình và trần truồng ôm lấy ông từ phía sau, sưởi ấm cho ông tỉnh lại. Rừng xóa tan đi danh tính, những cách biệt xã hội, cả những dị nghị và những điều cấm kỵ. Rừng đưa mỗi cá thể trở về với bản thể của chính nó. Bài thơ duy nhất của rừng là về sự sống và cái chết.
Điều thật thú vị là bản thân các tác phẩm của Naomi Kawase cũng mang một cách kể chuyện chồng chất như những tán lá trong rừng. Xem phim của Naomi Kawase như đi dạo trong một cánh rừng mà không mang la bàn định vị. Câu chuyện liên tục mở ra nhưng cũng liên tục che giấu, nó giữ những bí mật mập mờ cho riêng mình và đôi khi nó dẫn ta vào một chi tiết và rồi những cành lá lòa xòa của nó lại ngăn ta chiêm ngưỡng toàn bộ sự thật. Kawase gợi nên những mối cảm tình mờ ảo, như có mà cũng như không có, như cô y tá và cụ già bệnh nhân trong The Mourning Forest – cảnh phim hai ông cháu chạy đuổi theo nhau và chơi trò trốn tìm giữa đồi chè là một cảnh phim tình thuần khiết đến mức xóa tan những lăn tăn về dục tính, ta quên đi sự khác biệt tuổi tác giữa hai con người, chỉ thấy họ đang tồn tại trong cõi riêng mình; hay như trong Suzaku, là người cô và cậu cháu trai nhà chồng, là hai người anh em con cô con cậu đã lớn lên bên nhau. Ta rốt cuộc không biết người cô và đứa cháu đã đi đâu cùng nhau trong cơn mưa tầm tã và mãi hôm sau mới trở về. Đó mãi là bí mật mà rừng canh giữ.
Rừng là lối vào một cuộc sống đáng để ta sống. Nếu như trong tác phẩm đầu tay Suzaku, kết thúc là khi các thành viên trong gia đình rời khỏi ngôi nhà cũ nhìn ra rừng, thì ở các tác phẩm sau của Kawase, thay vì rời đi, các nhân vật của cô thường trở về. Trở về cố hương. Trở về làng cũ. Trở về mối tình đầu. Trở về rừng. Ngay cả khi đã hóa thành hồn ma thì họ cũng trở về. Trong Hanezu, có một cuộc trở về của hồn ma như thế, hồn ma một người lính đã hy sinh trên chiến trường, anh trở lại, và có một đoạn khi người làng hỏi anh sao vẫn giống hệt như xưa – đến lúc đấy ta mới lờ mờ nhận ra đây là một người đã không còn nữa.
Luôn luôn có những cái chết trong phim của Kawase, một số chỉ đơn giản là biến mất và để lại một chiếc máy quay, một số được cận tả khiến ta choáng váng bởi sự cực đoan ấy như đi ngược lại với chủ nghĩa thiên nhiên ôn hòa chạy suốt dọc tác phẩm, một số trở lại trong hình hài những bóng ma sống giữa con người và người nói chuyện với ma một cách hồn nhiên như thể họ cùng tồn tại trong một cõi, một số hiện diện qua ký ức dai dẳng và lời tường thuật ngắt quãng của người ở lại, một số được mô tả tận tường quá trình từ đau đớn đến khi trút xuống hơi thở cuối cùng, vậy nhưng khi xem Kawase ta hiếm khi cảm thấy đó là cái chết, mà chỉ thấy đó là một phần nối dài của sự sống, một khởi đầu mới của sự sống, một điều phải có nếu không muốn sự sống bị phủ định.
Cái chết và sự sống giống như cổ thụ và dây leo quấn lấy nhau trong cánh rừng của Naomi Kawase. Không thể có cái này mà thiếu đi cái kia. Kawase đã làm nên một trong những bộ phim kỳ lạ nhất về cuộc ra đi trong Still the water, với câu chuyện về một người phụ nữ đang chống chọi với căn bệnh nan y giai đoạn cuối. Trường đoạn về người đàn bà trong cơn nguy kịch khiến cho ta sững sờ, với tất cả người thân và hàng xóm đang cùng nhau nhảy múa, ca hát, đánh trống để giữ linh hồn bà ở lại những giờ sau cuối, để cuộc đời dù những giây kết thúc vẫn rộn rã như một ngày lễ hội, như thể người ta đang ăn mừng cái chết bởi cái chết không lấy đi điều gì cả, nó chỉ cho cuộc đời thêm lý do để sống. Still the water bắt đầu bằng một thân xác trôi dạt vào bờ, một cậu học sinh tình cờ bắt gặp cái xác ấy, và từ đó không còn muốn nhón một chân nào xuống những mép sóng nữa. Ngược lại, người bạn gái của cậu, người đang phải chăm sóc bà mẹ ốm đau, lại vẫn bơi ra thật xa, nơi chân không chạm đáy.
Mỗi người có một hành trình giác ngộ của riêng mình về lẽ sống và lẽ chết, để rồi đến cuối, hai thân thể trần truồng như người cá cùng bơi trong làn nước biển xanh, giữa rừng của biển – những rạn san hô. Không còn nỗi sợ sẽ có một bàn tay vô hình trồi lên và nắm lấy ta, kéo ta khỏi nơi ta đang sống để đi tới một cõi mênh mang vô định. Bởi nơi đâu diễn ra cái chết thì nơi ấy cũng là sân khấu muôn đời của cuộc sống.□
—-
* Nhà văn, dịch giả.