Những kinh nghiệm từ Alpha Books

Trước những đánh giá khác nhau về tình hình xuất bản và biên tập sách ở Việt Nam, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với chị Hồ Thanh Vân, Trưởng ban Biên tập của Alpha Books - một công ty đầu tư mạnh vào các bản dịch sách phục vụ hoạt động kinh doanh.

Trong công tác biên tập, Alpha đã tuyển chọn và đào tạo đội ngũ biên tập viên (BTV), đặc biệt là BTV trẻ, như thế nào?
Do sách Alpha cho đến nay chủ yếu là sách dịch Anh-Việt, nên hai tiêu chí tuyển chọn BTV đầu tiên là trình độ tiếng Anh và tiếng Việt. Bài kiểm tra viết đầu vào luôn gồm một bài dịch xuôi và một bài biên tập, được trích từ những tài liệu thuộc lĩnh vực xuất bản của chúng tôi, là quản trị kinh doanh hoặc giáo dục, tư duy.
BTV được giao việc tùy theo khả năng và kinh nghiệm, và BTV trẻ thường tham gia vào các khâu cuối của bản thảo. Tuy nhiên, chúng tôi thấy cần tạo điều kiện phát triển BTV trẻ, nên đôi khi họ vẫn được nhận những bản thảo cần có sự can thiệp sâu, dưới sự hướng dẫn của một BTV có trình độ chuyên môn đã được khẳng định.
Theo các bạn, điều gì là quan trọng nhất để nâng cao trình độ nghề nghiệp của BTV?
Việc tự đào tạo là vô cùng quan trọng, và cùng với nó là tinh thần trách nhiệm đối với bản thảo, đối với người đọc. Ở Alpha, BTV cần khắc phục những lỗ hổng về kiến thức chuyên ngành bằng cách tìm đọc tài liệu có liên quan đến lĩnh vực sách của mình để hiểu khái niệm và những vấn đề khái quát, nền tảng, sử dụng từ điển và những tài liệu tra cứu khác, lập danh sách thuật ngữ trong một cách hệ thống, bài bản (chẳng hạn cho lĩnh vực chứng khoán, bán hàng hay não bộ…)…
Ngoài BTV, chất lượng bản thảo còn phụ thuộc vào những “nhân vật” nào?
Với sách dịch, đó là dịch giả và người hiệu đính, những người đảm nhiệm các khâu “thượng nguồn” của bản thảo, trước khi bản thảo đến tay BTV. Tuyển dịch giả tốt là yêu cầu cơ bản đầu tiên. Để triển khai một bản dịch, có khi chúng tôi kiểm tra tới 4-5 dịch giả, nhưng thường thì chúng tôi làm việc với những người có chuyên môn phù hợp hoặc đã từng cộng tác có chất lượng với Alpha. Tiếp theo là việc hiệu đính. Khi bản thảo mang tính chuyên môn vượt quá khả năng xử lý của BTV, chúng tôi nhờ chuyên gia trong lĩnh vực tương ứng đọc lại để đảm bảo tính chuẩn xác về mặt khoa học, thuật ngữ… Chính vì thế, trên sách Alpha thường hay có tên người hiệu đính. Ví dụ, cuốn The Prize (tạm dịch là Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực) của Daniel Yergin, một tác phẩm nổi tiếng về hoạt động khai thác và kinh doanh dầu mỏ mà chúng tôi sắp xuất bản, do một tiến sĩ và một thạc sĩ hóa dầu hiệu đính.
Tất nhiên, BTV vẫn có vai trò quyết định. Đối với chúng tôi, một BTV đúng nghĩa, ngoài việc xử lý tốt những vấn đề “nội hàm” của một bản thảo, còn phải có khả năng tập hợp và “điều hành” các nhân tố chủ chốt khác tham gia làm bản thảo: dịch giả, người hiệu đính, người dàn trang, họa sĩ vẽ bìa… Theo cách nào đó, BTV giống như một nhạc trưởng vậy.
Các bạn có thể cho biết thêm chi tiết về kinh nghiệm xử lý riêng của Alpha trong quá trình biên tập (nếu có thể được), từ khâu theo dõi tiến độ thực hiện bản thảo đến khâu biên tập “sau bản thảo”.
Một bản dịch có thể gặp phải nhiều vấn đề: dịch sai, dịch thiếu, dịch “bôi chữ”, dịch “quá Tây”… và tùy vấn đề mà chúng tôi có cách xử lý phù hợp. Với các bản dịch thiếu nhiều, chúng tôi yêu cầu dịch giả bổ sung. Với những bản dịch sai do chọn nhầm dịch giả, chúng tôi tìm người hiệu đính vì kinh nghiệm cho thấy là một dịch giả khi đã dịch sai quá nhiều thì dù có cố gắng tự khắc phục đến mấy cũng sẽ không thể cung cấp một bản dịch “sạch nước cản”. Nhưng nói chung, chúng tôi theo sát bản dịch, yêu cầu dịch giả gửi từng phần để có thể giải quyết những vấn đề phát sinh ngay trong quá trình chuyển ngữ. Với những bản dịch rườm rà hay có ngôn ngữ “không thuần Việt” như chúng tôi thường nói, vai trò của BTV thể hiện hết sức rõ ràng và cụ thể. Có những trường hợp chúng tôi phải viết lại rất nhiều.
Chúng tôi cũng thường yêu cầu dịch giả chú thích các yếu tố, sự kiện văn hóa, lịch sử… không gần gũi với người Việt Nam, nhưng với quan niệm chỉ chú thích khi thật sự cần thiết. Chúng ta đều biết Internet là công cụ tra cứu đắc dụng như thế nào.
Trong hoạt động làm sách hiện giờ, đa phần đều hiểu ngầm rằng chỉ khi có những nội dung sai phạm về chính trị thì mới đáng lo ngại còn những rắc rối về tác quyền, kém cỏi về nội dung hay ngôn ngữ thì đều… không đáng ngại. Trong quá trình biên tập, Alpha có tự đặt cho mình những tiêu chuẩn nhất định như số chữ trong mỗi loại trang, số lỗi chính tả trên một trang in hay các bảng tra cứu… không?
Chúng tôi cố gắng thiết lập một phong cách làm việc chuyên nghiệp, một thái độ làm việc trung thực, một tinh thần làm việc vì lợi ích của độc giả, vì tính “phục vụ con người” của tri thức. Vì vậy, tất cả các yếu tố bạn vừa liệt kê đều tối quan trọng và không thể xem nhẹ. Không coi trọng nội dung thì điều còn lại ở sách sẽ là gì? Về ngôn ngữ, dù sót lỗi là việc hoàn toàn có thể xảy ra (và phải được khắc phục), chúng tôi không có “định mức” cho sai sót. Như vậy có khác gì ngầm mặc định cho phép có lỗi trên sách?
Chúng tôi hướng đến những ấn phẩm đúng, hay và đẹp. “Đúng” là diễn đạt chính xác nội dung văn bản gốc, bằng một tiếng Việt không sai ngữ pháp, từ vựng, chấm câu…; “hay” là sự trau chuốt, súc tích trong văn phong, trong cách dùng từ…; và “đẹp” thể hiện trong phần trình bày sách (dàn trang, font và co chữ, khổ sách, thiết kế bìa…). Có thể hình dung ba yếu tố này theo một lộ trình, nhưng đồng hành chứ không tách rời. Tất nhiên, đây là những tiêu chí mà chúng tôi cho là cần thiết đối với mình. Mỗi lĩnh vực sách sẽ có những tiêu chí riêng.

Trong thực tế, nhiều tác giả sách không muốn phía NXB hoặc các đối tác liên kết (nhà sách) can thiệp vào sản phẩm của mình, do không tin tưởng vào chất lượng biên tập. Alpha có gặp phải vấn đề này không và có cách giải quyết ra sao?

Chúng tôi có liên hệ chặt chẽ với dịch giả nên vấn đề này hiếm khi xảy ra. Có đôi trường hợp thì chúng tôi thảo luận với dịch giả và cố gắng thuyết phục họ. Chỉ cần họ hiểu rằng sự can thiệp của chúng tôi hoàn toàn mang tính xây dựng, nhằm góp phần làm cho bản thảo dễ tiếp cận hơn, hay hơn, đẹp hơn… thì họ đồng ý thôi. Với những bản thảo của tác giả người Việt hay do dịch giả tự đề nghị xuất bản, chúng tôi luôn gửi bản thảo cho tác giả hay dịch giả duyệt trước khi đưa đi in. Quan trọng là hai bên đạt được sự đồng thuận trước khi sách được xuất bản.
Có ý kiến cho rằng công việc biên tập của các nhà sách (kể cả những nhà sách có uy tín như Nhã Nam, Phương Nam, Đông Tây…) mới chỉ dừng ở mức “làm tốt khâu sửa bản in”. Trong khi đó, để dần có được quy trình làm sách chuẩn mực ở VN cần nhiều hơn thế. Biên tập cần “cao hơn khâu sửa in”. Alpha về lâu dài có thể tiến tới giải quyết vấn đề này?
Theo chúng tôi, các quy trình giúp tiến hành công việc chuyên nghiệp và hệ thống chứ không mang tính quyết định. Cái cốt lõi vẫn là thực chất công việc của BTV với bản thảo. Alpha có quy định về mỗi công đoạn xử lý bản thảo, gọi đúng là quy trình, nhưng quy định chỉ mang tính tham khảo, giúp BTV định hình trước các bước không thể bỏ qua, còn việc biên tập tùy thuộc vào độ hoàn chỉnh, nội dung, chất lượng… của mỗi bản thảo.
Trong công việc hàng ngày của BTV Alpha luôn có những “thao tác cao hơn khâu sửa in”. Chúng tôi luôn dự đoán tính hữu dụng của một cuốn sách khi lựa chọn dịch và xuất bản – cuốn sách đó phục vụ đối tượng độc giả nào và nhu cầu nào của đối tượng độc giả đó – và cố gắng tối ưu hóa lựa chọn này trong quá trình làm bản thảo. Với các bản dịch, chúng tôi luôn tính toán từ việc Việt hóa các chi tiết nhỏ cho đến việc lược bớt những thông tin không thật sự cần thiết ở Việt Nam. Tất nhiên, việc lược bớt phải được thông báo với NXB bán bản quyền và với độc giả (thông qua chú thích).
Ở tầm cao hơn, với chúng tôi, việc hoạch định một chiến lược xuất bản hệ thống, bài bản cũng hết sức quan trọng. Một đơn vị xuất bản có thể tập trung vào một hoặc nhiều tủ sách nhưng mỗi tủ sách cần được phân loại theo mảng chủ đề môt cách khoa học, hợp lý. Đó chính là điều mà chúng tôi luôn hướng tới.
Xin cảm ơn chị vì cuộc trò chuyện này!

LÊ LONG (thực hiện)

Alpha Books (Alpha) có thế mạnh ở mảng sách BIZ với những đầu sách cập nhật, hữu ích với nền kinh tế Việt Nam và nhắm đến một thế hệ kinh doanh mới đang dần được hình thành, theo các tiêu chuẩn kinh doanh hiện đại, chuẩn mực, minh bạch, khác biệt với cách làm ăn trước đây là manh mún, chụp giật, sử dụng mưu mẹo, thủ đoạn, quan hệ là chính.
Nguyên tắc cơ bản của chúng tôi là 100% sách do Alpha xuất bản đều có bản quyền. Đó cũng là những chuẩn mực và nguyên tắc kinh doanh của Alpha Books. Vì hầu hết các tác giả khá nổi tiếng, kiêm nhiệm vai trò chuyên gia tư vấn, đào tạo, giảng dạy, speakers… rất bận rộn nên Alpha thường liên hệ, giao dịch và đàm phán bản quyền với trợ lý, hoặc các NXB hay các đại diện của họ.
Nguyễn Cảnh Bình – Giám đốc Alpha Books

Lê Long

Tác giả

(Visited 30 times, 1 visits today)