Những nét tươi mới trong phê bình văn học

Ở thế kỷ 20, phê bình văn học bộc lộ cái gì đó có phần nghịch lý và diện mạo của nó trông thật mơ hồ đến nỗi, những năm đầu thế kỷ 21, tiếng chuông cảnh tỉnh về cái chết của văn chương nói chung và của phê bình nói riêng đã được gióng lên đâu đó. Thế nhưng, con người vẫn không thể nào trút bỏ được món ăn tinh thần và dưỡng chất trí tuệ mà văn chương mang lại. Các nhà phê bình tiếp tục dò tìm những nét tươi mới trên một cơ thể tưởng như ngày càng già nua theo nhịp đập thời gian.  


Nghịch lý và mơ hồ

Văn học là gì mà khiến cho các nhà phê bình từ bao đời nay phải vò đầu bứt trán như thế kia? Khó có thể nói là văn học đã định hình. Khó có thể đưa ra một định nghĩa mang tính trường tồn cho văn học. Văn học là cái gì đó thực sự kỳ ảo, nó là yêu quái cửu đầu trùng, là Phật trăm tay nghìn mắt. Nó biến hóa muôn trùng với quyền lực vô biên. Nó có thể vô cùng tàn bạo và tuyệt hảo từ bi, nó có thể là tiếng gầm kinh thiên động địa nhưng cũng có thể là lời ru dịu dàng như gió thoảng đưa qua. Nó có thể xây và có thể phá. Có thể trong xây có phá và trong phá có xây. Bản thân nó là trá hình văn học, chưa biết chừng! Bởi nhà văn chẳng qua là một con thú văn chương, một animal littéraire không hơn, không kém. Cái mờ ảo mang tính trực giác và ấn tượng, tính đa nghĩa, đa thanh của văn chương kéo theo sự mơ hồ, nước đôi của phê bình văn học.

Có lẽ cuộc cách mạng phê bình văn học đã khởi sự với các nhà nghiên cứu theo chủ nghĩa hình thức Nga, mà ngòi nổ của nó, nếu chúng tôi không nhầm, là tính văn học (literaturnost’). Văn học tồn tại từ bao giờ mà phải chờ đến khi Roman Jakobson cất tiếng mới có khái niệm tính văn học? Mà định nghĩa của ông ta thật là bí ẩn, đọc qua có người sẽ cho là quá giản đơn: “Đối tượng của khoa học văn học không phải là văn học mà là tính văn học, tức là cái biến một tác phẩm nào đó thành một tác phẩm văn học.”1 Mãi sau này Oulipo mới hiểu ra ý đồ của Jakobson: “Mọi văn bản văn học mang tính văn học nhờ vào lượng nghĩa tiềm tàng mà nó chứa đựng.”2 Bởi văn chương đích thực luôn ở số nhiều về khả năng diễn giải, cho nên phê bình văn học cũng vô cùng tiềm tàng3.

Tính mơ hồ của phê bình văn học còn thể hiện ở ranh giới mù mờ mà nó thiết lập với lý luận văn học. Phê bình và lý luận văn học như hai mặt của một vấn đề, và mục đích hướng tới cũng chỉ đánh giá và diễn giải cái Đẹp nghệ thuật. Cuốn Johns Hopkins Guide to Literary thinking and Criticism4 (Hướng dẫn Johns Hopkins về phê bình và lý luận văn học) không phân biệt giữa phê bình và lý luận văn học.

Cái nghịch lý (paradoxe) của phê bình văn học thể hiện trước tiên ở chỗ: tác phẩm văn học thường hướng đến công chúng độc giả rộng rãi, cho dù có nhà văn khẳng định chỉ viết cho mình, thế nhưng lực lượng phê bình luôn luôn rất ít, và thường tập trung ở phân tầng trên về mặt tri thức và chữ nghĩa. Một tác phẩm văn học tưởng chừng mang tính chủ quan, tính tự chủ, thế mà phụ thuộc quá nhiều vào người đọc, vào các nhà phê bình, vào thời gian tiếp nhận, trong khi các nhà phê bình phụ thuộc quá nhiều vào bản thân để có những bài phê bình thực sự. Thế nên Randall Jarrell mới nhận xét: “Phê bình văn học đòi hỏi nhà phê bình phải trần trụi một cách ghê gớm: một nhà phê bình thực sự không phụ thuộc vào ai khác mà phụ thuộc chính mình. Anh ta không bao giờ được quên rằng tất cả những gì anh ta phải lần theo chính là câu trả lời của anh ta, bản thân anh ta đưa ra giải đáp và bản thân anh ta cũng được được hình thành từ chính lời giải đáp đó – thậm chí anh ta còn phải xem bản thân mình không bằng một công cụ đánh giá nghệ thuật, như thế, một tác phẩm văn học là tất cả đối với anh ta, trong khi bản thân anh ta chẳng là gì cả.”5 Tương tự, Edward Said: “Không một cách đọc nào là trung tính hay vô tư, và mỗi văn bản, mỗi người đọc, trong một chừng mực nào đó, là sản phẩm của một lập trường lý thuyết, dù rằng một lập trường như thế có thể là ẩn tàng hay vô thức.”6

Hơn ai hết, khi đánh giá, bình phẩm một tác phẩm văn học, nhà phê bình phải có một tầm đón (horizon d’attente) thực sự vững vàng, phải có tâm thế, tri thế, một tư thế tiếp nhận thực sự có tầm. Nhưng không phải nhà phê bình nào cũng đạt tới một tầm đón hoàn hảo, cho nên tự bản thân nhà phê bình “dưới tầm” đó có sự nghịch lý: đó là sự đối lập giữa khát vọng khai thác triệt để cái hay, cái đẹp của tác phẩm văn học và năng lực tiếp nhận hạn chế, công cụ tiếp nhận thô sơ, phương pháp tiếp nhận lạc hậu.

Cái chết của phê bình văn học?

Cái chết của văn chương đã được bàn luận khá nhiều7 nhưng cái chết của phê bình văn học mới được đề cập gần đây trong cuốn sách Death of the Critic của Ronan McDonald8. Ngay trong lời tựa cuốn sách,  ông đã hùng hồn tuyên bố: “Đã qua cái thời của các nhà phê bình với tư cách là người làm trung gian cho công chúng độc giả và hoạt động tiêu thụ văn hóa. Có vẻ như vị thế của nhà phê bình trong các loại hình nghệ thuật đã giảm sút rất nhiều so với những năm 1950 hay 1960. […] Hẳn nhà phê bình đã chết vì, như Thần Thời gian đã nói trong Jude Bóng tối, “chúng ta đông kinh quá”. Khi có quá nhiều tiếng nói phê bình cất lên thì không có gì ngạc nhiên khi chỉ có ít tiếng nói được nghe rõ.”

Phê bình văn học đang ở trong bối cảnh mà dường như lợi ích về kinh tế lấn át mọi lợi ích khác. Văn chương vốn đã rẻ như bèo nay bán chẳng ai mua. Sinh viên chỉ chọn các ngành khoa học và công nghệ vì chỉ những ngành đó mới có thể đảm bảo cho họ một tương lai nghề nghiệp khả quan9. Hơn nữa, nhu cầu về tinh thần của con người ngày càng dễ dãi, hời hợt. Người đọc, nếu có, chỉ bằng lòng với những “fast food” văn chương: “Độc giả khi đối diện với lý thuyết văn học thường cảm thấy bị ngợp trước ngôn ngữ mang tính kỹ thuật và một phong cách viết thường cô đọng và mờ đục.”10 Phê bình truyền thông lấn át phê bình hàn lâm, các nhà phê bình – thời luận (critique-chronique, theo Roland Barthes) lấn át các nhà phê bình bác học.

Theo điều tra của trang web Nonfiction.fr, “thời sự văn học không còn phụ thuộc vào các nhà phê bình nữa. Thay vì một bài phê bình hay trên báo Le Monde, chỉ cần một quảng cáo hấp dẫn trên đài phát thanh, truyền hình hay trên Internet.”11 Nói đến cái chết của phê bình có lẽ là hơi thái quá. Thế nhưng, cần phải công nhận rằng mảnh đất phê bình đã được cày xới rất nhiều và đứng trước nguy cơ phai màu, các nhà phê bình không khéo rồi sẽ loay hoay trên những lối mòn lý thuyết và những lối nghĩ thông thường. Phê bình mới đã trở nên cũ kỹ với trào lưu phê bình chịu ảnh hưởng phân tâm học Freud (phân tâm phê bình, phân tâm học vật chất, phân tâm hiện sinh, phê bình chủ đề), phê bình cấu trúc luận và hình thức chủ nghĩa (chủ nghĩa hình thức Nga, ký hiệu học, thi pháp học, tự sự học), trào lưu phê bình xã hội học mác-xít (xã hội học văn học, mỹ học tiếp nhận).

Những tìm tòi không mệt mỏi


Roland Barthes

Micheal Holquist

Chủ nghĩa hậu hiện đại, như một “giai đoạn già và chết của văn hóa, […] bước chuyển từ văn hóa sống sang văn minh chết”12, tưởng như đánh dấu chấm hết cho mọi nỗ lực tìm tòi của các nhà phê bình-lý luận văn học. Thế nhưng việc mở cửa trường phê bình văn học để đón nhận các trường nghiên cứu khác đã cho ra đời những khuynh hướng phê bình mới. Chúng ta có thể kể đến Địa-phê bình (géocritique, tiêu biểu là Maurice Blanchot và Gaston Bachelard), một khuynh hướng phê bình tập trung vào việc nghiên cứu các địa danh trong các tác phẩm văn học; phê bình huyền thoại (mythocritique, đại diện là Gilbert Durand) chú trọng nghiên cứu các huyền thoại trong các tác phẩm văn học; phê bình sinh thái (écocritique) nghiên cứu quan hệ giữa văn học và môi trường tự nhiên; phê bình dân tộc học (ethnocritique) kết hợp giữa thi pháp văn học và nghiên cứu dân tộc học về cái biểu trưng; lý thuyết Hiệu ứng cuộc sống (effet de vie), được Marc Mathieu Runch sáng lập năm 2004, nghiên cứu tính đa năng, tính mở, tính cụ thể của ngôn từ, tính chặt chẽ của tác phẩm văn học… để tạo nên ở người đọc một hiệu ứng cuộc sống: sự thành công của một tác phẩm văn học phụ thuộc vào từng người, từng thời cụ thể.

Mới đây, trên New York Times, trong bài báo “Next Big Thing in English: Knowing They Know That You Know”, Patricia Cohen đã cho thấy những đóng góp của những lý thuyết nghiên cứu về bộ não, tâm lý học tiến hóa kể cả thần kinh học trong phê bình văn học. Lisa Zunshine, giáo sư Anh văn tại Trường Đại học Kentucky đã chủ trương Lý thuyết tâm trí (theory of mind) trong phê bình văn học. Lý thuyết này nhằm gán cho chính mình và người khác những trạng thái tinh thần (niềm tin, ý hướng, mong muốn…) để hiểu sự khác nhau giữa niềm tin, ý hướng, mong muốn… của kẻ khác và chính mình.

Jonathan Gottschall, một chuyên gia văn học Anh, đã trở nên nổi tiếng nhờ áp dụng tâm lý học tiến hóa vào phê bình văn học. Tâm lý học tiến hóa dựa trên giả thuyết rằng bộ não cũng như các cơ quan khác là sản phẩm của sự tiến hóa để tìm cách giải thích cơ cấu tư duy con người từ thuyết tiến hóa sinh học. Tâm lý học tiến hóa tìm hiểu các khía cạnh khác nhau của trí não chúng ta theo các khái niệm tiến hóa của Darwin. Theo hướng này, nếu như cơ thể con người tiến hóa thì khả năng cảm thụ văn chương cũng tiến hóa theo, điều này giải thích sự khác biệt giữa các người đọc khác nhau và giữa các giai đoạn tiếp nhận khác nhau.

Dù mới ở giai đoạn sơ khai, những xu hướng phê bình văn học mới này cho chúng ta một cái nhìn lạc quan hơn về viễn cảnh của văn học và tương lai của người đóng vai trò trung gian giữa công chúng độc giả và các tác phẩm văn học.
—————–
1 Thơ Nga hiện đại, Prague, 1921. Tr. 11
2 Oulipo, Littérature potentielle, Gallimard, 1973. Tr. 31.
3 “Potentiellement sans fin”. Umberto Eco, Les limites de l’interprétation, Grasset, p.17.
4 The Johns Hopkins University Press, 2004.
5 Trích trong “Masters of the Form”, bài của Jennifer B. McDonald đăng trong New York Times, 31 tháng 12 năm 2010.
6 Hoàng Lương Xá, “Lý thuyết du hành và Orientalism ở Đông Á”, Nghiên cứu văn học Việt Nam, những khả năng và thách thức, Tủ sách Khoa học Xã hội do Viện Harvard-Yenching tài trợ, NXB Thế Giới, 2009. Tr. 108.
7 Có thể tham khảo cuốn Désenchantement de la littérature (Sự vỡ mộng của văn chương) của Richard Millet, Gallimard, 2007 và số đặc biệt có tựa đề “Tombeaux pour la littérature” (Mộ địa cho văn chương) của tạp chí trực tuyến LHT (Littérature Histoire Théorie) của Fabula.org.
8 Continuum International Publishing Group Ltd, 2007.
9 Theo nghiên cứu mới đây của Roger Baldwin, giáo sư khoa học giáo dục trường Đại học Michigan, số trường văn chương, nghệ thuật và khoa học nhân văn tại Mỹ đã giảm từ 212 đến 136 từ năm 1990 đến năm 2009. Xem Nancy Cook, “The death of liberal arts”, Newsweek, ngày 5 tháng 4 năm 2010.
10 Gregory Castle, The Blackwell Guide to Literary Theory, tr. 32. Cao Việt Dũng trích dẫn trong “Vài khác biệt trong cách nhìn lý thuyết văn học theo kiểu Mỹ và kiểu Pháp”, Nghiên cứu văn học Việt Nam, những khả năng và thách thức, sách đã dẫn, tr.147.
11 Xem http://www.nonfiction.fr/article-3909-sur_la_ mort_du_critique_culturel.htm
12 S. Kornev, “Hậu hiện đại như vũ khí chống hậu hiện đại”, Văn hóa Nghệ An số 188, tr. 31. Ngân Xuyên dịch.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)