Những thách đố khi xem Interstellar

Ngoài ý tưởng về hố đen và lỗ sâu mà Interstellar giới thiệu, bộ phim cũng thử thách khán giả khi đề cập một số kiến thức vật lý “đau đầu” khác mà nếu không nắm rõ, khán giả sẽ dễ bị “lạc đường” trong chuyến du hành ra ngoài vũ trụ này.

Lực hấp dẫn nhân tạo

Một vấn đề lớn đối với các phi hành gia là phải sống trong trạng thái không trọng lượng trong một thời gian dài. Vì cơ thể loài người được cấu tạo để thích nghi với lực hút của Trái đất nên khi ở trong môi trường không gian quá lâu, các cơ của chúng ta sẽ bị thoái hóa.

Để giải quyết vấn đề này, các phi hành gia trong phim đã sử dụng một biện pháp cũng thường được sử dụng trong thực tế là tạo ra lực hấp dẫn nhân tạo bằng cách cho tàu vũ trụ xoay tròn. Tàu xoay tròn sẽ tạo ra lực ly tâm, đẩy các vật ra hướng ngoài thành tàu, có tác động tương tự lực hấp dẫn, chỉ khác là với hướng đẩy.

Hiện tượng kéo giãn thời gian do khác biệt về lực hấp dẫn

Có hiện tượng này là do thời gian cũng mang tính tương đối, tức là thời gian chạy nhanh hay chậm – điều đó tùy thuộc vào việc bạn đang ở trong hệ quy chiếu nào. Đối với người ở trong một môi trường có lực hấp dẫn mạnh thì thời gian sẽ chạy chậm hơn so với người ở môi trường có lực hấp dẫn yếu.

Trong phim, các phi hành gia đi khám phá các hành tinh khác nằm trong khoảng không gian gần một hố đen, nơi có lực hút mạnh hơn rất nhiều so với môi trường lực hút ở Trái đất. Bởi vậy mà thời gian đối với họ giãn ra: một tiếng của họ trên hành tinh đó tương đương bảy năm đã trôi qua trên Trái đất. Cuối phim, khi nhân vật phi hành gia chính trở về đoàn tụ với gia đình thì con gái ông đã già hơn bản thân ông rất nhiều.

Thực tại năm chiều

Albert Einstein đã dành 30 năm cuộc đời mình để nghiên cứu một lý thuyết hợp nhất, cho phép kết hợp khái niệm toán học về lực hấp dẫn với ba lực cơ bản khác của tự nhiên là lực mạnh, lực yếu và lực điện từ, nhưng cả ông và rất nhiều nhà khoa học sau này đều thất bại.

Interstellar đã chơi đùa với ý tưởng mà một số nhà khoa học đặt ra để giải quyết bí ẩn của vũ trụ, đó là coi vũ trụ như một thực tại năm chiều thay cho lý thuyết bốn chiều (ba chiều không gian và một chiều thời gian) mà Einstein đã phát triển trong thuyết tương đối của mình. Ở gần cuối phim, sau khi rơi vào hố đen, phi hành gia đã đến được không gian năm chiều nơi thời gian được nhận thức như một chiều không gian vậy: các sự kiện trong đời ông từ quá khứ hiện ra như một đường thẳng. Đứng từ ngoài, nhân vật có thể nhìn lại từng sự kiện, thời điểm và nơi chốn cụ thể.

 

 

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)