Những tiếng thở dài trong chiều thành phố

Có những người đứng ở ngã tư đường, giờ tan tầm, hét lên nhưng chỉ chính họ nghe thấy nhưng lại có những lời nói thầm thì, thậm chí là một tiếng thở dài thì nhiều người lại nghe thấy. Triển lãm “Những niềm vô hạn bỏ quên” của Đinh Ý Nhi và “Này, ốm à” của Lý Trần Quỳnh Giang là hai tiếng thở dài như thế trong năm 2010.

Giang “thở dài” trong ám ảnh con cú hoặc con cú là một biểu tượng của trạng thái “Này, ốm à” hoặc con cú là phương tiện mang được Giang đi trong lúc này? Trong nghệ thuật thì ám ảnh là ràng buộc mà cũng là giải thoát. Thực là khó mà tách bạch nhân vật trong tranh, con cú và Giang. Hình như là một? Những chân dung mặt cú mình người hoặc mặt người mình cú, những tự họa, phần lớn là những tự họa, những chân dung cú, chân dung người, tự họa bên trong, chân dung bên trong, một đời sống khác, câu chuyện khác, phía dưới, bên trong, đằng sau tranh. Câu chuyện nhỏ thôi, riêng tư, không dễ gì nói được, không nhất thiết phải nói ra. Nó có thể, có thể thôi, là sợ hãi, chán nản, nửa như thất vọng, mệt mỏi, ốm đau, yếu đuối nữa và buồn và thản nhiên, mặc kệ nhưng tất cả vẫn là không yên lòng. Những đôi mắt luôn mở to nhưng không nhìn gì cả, không muốn nhìn? Nhìn vào trong? Những bàn tay, ngón tay gầy, dài, ôm lấy mình, những ngón tay khẳng khiu, thao thức. Con cú cũng là thức, cũng là đêm. Vẫn là bảng màu rất Lý Trần Quỳnh Giang, màu đơn sắc, lạnh, đến cả nâu cũng lạnh, chủ yếu là biến thải của xanh, ít tương phản về đậm nhạt, xanh xỉn, xanh tái, xanh úa, héo úa. Bên cạnh đó Giang lần đầu có một bảng màu nữa: trắng đục, mù mờ, đùng đục. “Giấc mơ trong một mắt/Sẽ đùng đục trong đêm”, tất cả đều nhợt nhạt, u uẩn, u ám, ảm đạm nhưng yên tĩnh. Những đêm trắng yên tĩnh, “Bóng đêm đi cà nhắc/Trái tim ngủ thiu thiu/Lò cò trong lồng ngực” (Đỗ Minh Tuấn).


Tranh Lý Trần Quỳnh Giang

Tranh Lý Trần Quỳnh Giang

Ít hay nhiều ở một đời sống không phẳng lặng nơi Giang đã làm nên một không khí phẳng lặng trong tranh của Giang.

Ít hay nhiều nơi đời sống phẳng lặng của Đinh Ý Nhi đã làm nên một không khí náo động trong tranh cô ấy.

Nếu “Lý Trần Quỳnh Giang vẽ bằng lục phủ ngũ tạng” (lời bình của nhà thơ Dương Tường) thì Đinh Ý Nhi vẽ bằng ngũ quan. Nhi chủ động, nhanh. Giang chủ tĩnh, chậm. 35 bức trong triển lãm “Những niềm vô hạn bỏ quên” của Nhi đều không có tên, 35 nhân vật trong tranh không tên, không tuổi, 35 “bỏ quên”, 35 hình người, hình như là đàn bà, không đi, không đứng. Chỉ ngồi, 35 ngồi, bó gối, dạng chân, co ro… Nhi ưa toan mịn, trên cái bề mặt toan nhẵn phẳng, Nhi bắt đầu phá cho ồn ào, gồ ghề bằng bay, những nhát bay thô, chồng đè nhầy nhụa, dấp dính, miết nhanh, gạt mạnh, đè ngay khi lớp dưới còn chưa khô, nhão, màu loãng, lem nhem, trộn, day… tình cờ vu vơ. Và trên cái nền đó, Nhi dùng bút nhỏ, màu lỏng vẽ lên những người, mặt người bằng một bút pháp “lỏng lẻo”, nhanh, một nét (không tô đi tô lại). Thế mạnh của Nhi, độc đáo, đẹp của Nhi là nét “nguệch ngoạc”, nét thiếu, nét thừa, nét đứt, rời rạc, lẫn lộn. Thích nhất là những nét sai làm hình sai đi nên động hơn. Nhi vẽ như xóa, như chưa xong, như nháp, như bỏ. Buông, trùng, lỏng, bỏ đi, bỏ “đẹp”, bỏ “thói quen”, xóa “đẹp”. Trước đây Nhi chỉ đen trắng, sau đó là giai đoạn đen trắng– đỏ. Lần này là đen trắng và một số màu nhờ nhờ, bầm bầm, tai tái, nhờn nhợt.


Tranh Đinh Ý Nhi

Tranh Đinh Ý Nhi

Lý Trần Quỳnh Giang và Đinh Ý Nhi mỗi người “ốm” một kiểu, mỗi người “bỏ quên” một kiểu, mỗi người “thở dài”một kiểu. Mỗi người bằng một cách kể riêng, kể về câu chuyện cũng rất riêng của họ nhưng vẫn chạm được vào chuyện chung, nỗi niềm và thân phận chung của nhiều người. Tranh của Giang và Nhi đều kén người xem và không dễ xem vì cái đẹp mà họ đưa ra không đèm đẹp chung chung nhưng cũng không phải do họ khai thác những chuyện cao siêu thần bí. Họ chỉ đi đến tận cùng mình thôi. Hội họa hôm nay đang dần dần rời bỏ cái chuẩn chỉ cần đẹp. Trên cái nền đẹp thị giác, dứt khoát mỗi bức tranh cần phải chuyển tải một thông điệp, một ý niệm nào đó.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)