Những ưu tư về di tích
Cứ mỗi độ xuân về, tất cả dường như trẻ ra, vạn vật hồi sinh, nhưng di tích lại không cần vậy, không phải vậy, lại càng chất chứa thêm sự ưu tư về sự sống vốn mong manh của mình.
Với thủ đô 1001 tuổi, lắng đọng hàng ngàn di tích, sau sự kiện 1000 năm Hà Nội lại trở về với chính mình, nếu có ồn ào, vội vã chỉ là nhịp sống của chốn đô thị, những di tích vẫn trầm mặc, người Hà Nội vẫn vậy, có Hà Nội 1, Hà Nội 2… nhưng rất khó tìm Hà Nội của Hà Nội.
Chúng ta đang có 4 vạn di tích được kiểm kê và tiếp tục được lập hồ sơ để công nhận, trong khi nguồn lực của Nhà nước không phải là vô tận, nên sự dàn trải trong đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích là khó tránh khỏi. |
Một năm với thủ đô ngàn tuổi chưa phải là con số đáng kể, nhưng thêm 365 ngày với những di tích đã ngàn tuổi là cả một vấn đề, nhất là với những di tích khảo cổ học. Năm 2012 đánh dấu 10 năm phát lộ Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, đánh dấu một năm di tích này trở thành di sản văn hóa của nhân loại. Nhưng 10 năm đó vẫn là những công cuộc tìm kiếm. Trong khi những hố khai quật khảo cổ học với hàng vạn mét vuông mới chỉ được xử lý tạm thời, phát huy giá trị chủ yếu qua mở cửa đón khách… chưa cơ quan, cá nhân nào công bố rộng rãi, công khai rằng di tích đã được phê duyệt quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo, đã được lập xong toàn bộ hồ sơ khoa học, đã vượt qua tình trạng bảo vệ khẩn cấp. Câu chuyện bàn giao của cơ quan chủ quản và cơ quan khoa học chưa dứt điểm thì lại tiếp tục câu chuyện khai quật khảo cổ học khu vực Điện Kính Thiên để lại phát hiện, để lại tìm kiếm và cũng như trước, di chỉ khảo cổ học lại đứng trước sự đôi co giữa lấp và để. Sau hàng vạn mét vuông đã được nghiên cứu khảo cổ nằm đó, việc tiếp tục tiến hành khai quật khảo cổ tại Hoàng thành Thăng Long cần vô cùng thận trọng, tôn trọng những nguyên tắc, hiến chương quốc tế về khai quật khảo cổ học như: di tích khảo cổ học vô cùng mong manh, không tái sinh được; hay trước khi khai quật cần được nghiên cứu bài bản, trù liệu phương án bảo tồn và khai quật chỉ là giải pháp cuối cùng…
Năm 2011 báo động sự xuống cấp của một di sản quan trọng là Mỹ Sơn, nơi 30 ngôi tháp có nguy cơ trở thành đống gạch đổ nát, do tác động của thời gian, thiên tai bão và cả tình trạng tham quan “quá tải” giờ cao điểm, bất chấp các nỗ lực cứu nguy trị giá hàng chục triệu USD của nhiều tổ chức trong và ngoài nước1. Thế nhưng không thấy Bộ chuyên trách tổ chức những đoàn công tác khẩn cấp đến với di tích, không thấy những tuyên bố chỉ đạo…, chỉ có địa phương loay hoay tìm giải pháp chống đỡ, cấp cứu di tích, trong đó có cả việc đề xuất tăng giá vé thăm quan để có thêm kinh phí tu bổ, tôn tạo. Dường như do việc phân cấp, mặc dù là di tích cấp quốc gia, cấp quốc gia đặc biệt, di sản văn hóa thế giới, nhưng hễ di tích có chuyện gì là nêu tên địa phương, mà thiếu vắng vai trò, tiếng nói của cơ quan quản lý cấp Trung ương. Và câu chuyện của Mỹ Sơn đâu chỉ của riêng của Mỹ Sơn, mà còn là câu chuyện của Khu di tích cố đô Huế, Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, Khu di tích thành Nhà Hồ.
Thành quả của những nỗ lực để di sản được công nhận sẽ chỉ hạn chế ở những tấm bằng nếu di tích không được lập quy hoạch tổng thể để bảo tồn, tôn tạo; không được xác lập cơ quan quản lý đúng tầm vóc với di sản; không có cam kết của người có trách nhiệm về bảo vệ, bảo tồn, phát huy giá trị di sản; xa rời sự tham gia của cộng đồng; và đặc biệt thiếu đảm bảo nguồn lực để triển khai các quy hoạch, kế hoạch, dự án. |
Thiết nghĩ, việc lập hồ sơ để công nhận và được công nhận di tích cấp quốc gia, đặc biệt là di sản văn hóa của nhân loại, đánh dấu những nỗ lực lớn của các nhà khoa học, các cơ quan quản lý và chính quyền địa phương. Nhưng tất cả những nỗ lực ấy sẽ chỉ hạn chế ở những tấm bằng công nhận nếu di tích không được lập quy hoạch tổng thể để bảo tồn, tôn tạo trên cơ sở thực tế và những kinh nghiệm của thế giới; không được xác lập cơ quan quản lý đúng tầm vóc với di sản; không có cam kết của người có trách nhiệm về bảo vệ, bảo tồn, phát huy giá trị di sản; xa rời sự tham gia của cộng đồng; và đặc biệt thiếu đảm bảo nguồn lực để triển khai các quy hoạch, kế hoạch, dự án. Đã đến lúc cần rà soát, đánh giá mô hình quản lý hiện tại, để xác lập mô hình quản lý phù hợp, xứng với tầm vóc của di sản, đồng thời có chính sách cấp bách để đào tạo nhân lực làm công tác bảo tồn, tu bổ di tích; phát huy vai trò và hoạt động thực chất của Hội đồng Di sản quốc gia và đặc biệt cần hơn nữa sự tham gia của các chuyên gia, tổ chức quốc tế về bảo tồn, trùng tu di tích; khoanh vùng để có chính sách cấp bách và nguồn lực tương ứng để cứu các di tích thoát ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp.
Chúng ta đang có 4 vạn di tích được kiểm kê và tiếp tục được lập hồ sơ để công nhận, trong khi nguồn lực của Nhà nước không phải là vô tận, nên sự dàn trải trong đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích là khó tránh khỏi. Các nguồn vốn từ xã hội phần nào lấp chỗ trống, nhưng cũng chính từ đây, một số nơi thực hiện không đúng cách đã làm méo mó, sai lệch di tích. Cân đối các nguồn vốn này một cách hài hòa là bài toán khó, chưa có lời giải từ nhiều năm nay.
Năm 2011, nhiều di tích được tu bổ, tôn tạo, nhiều công trình đền, chùa được xây mới có quy mô hoành tránh, lớn nhất, to nhất… nhưng đồng thời còn nhiều di tích bị xuống cấp, biến dạng, kêu cứu…, thậm chí biến mất. Phải chăng đó quy luật của sự sinh tồn?
——————–
1 “Tháp Mỹ Sơn đứng trước nguy cơ sụp đổ” (Dân Trí, 01/12/2011) và “Tháp Mỹ Sơn có nguy cơ sụp đổ” (Tiền phong, 13/12/2011)